Bệnh tim mạch không thể dùng thuốc trong thời gian ngắn là khỏi. Thay vào đó, phải sử dụng lâu dài, điều độ và cẩn thận. Thậm chí nhiều bệnh lý bắt buộc người bệnh phải dùng thuốc cả đời để kéo dài tuổi thọ. Thông tin sau từ Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Thành Đô sẽ giúp bạn hiểu rõ về các loại thuốc trị bệnh tim mạch thường được dùng.
Nhóm thuốc trị bệnh tim suy tim sung huyết
Suy tim sung huyết là gì?
Suy tim sung huyết được hiểu nôm na là tình trạng tim hoạt động kém hiệu quả. Tình trạng này khiến tim bị giảm chức năng bơm máu, không thể đáp ứng đủ nhu cầu cung cấp oxy của cơ thể. Từ đó gây nên tình trạng ứ máu ở tim, phổi và các cơ quan trong cơ thể.
Nhóm thuốc trị bệnh tim suy tim sung huyết
Nhóm thuốc điều trị này được gọi là nhóm trợ tim hay glycosid tim. Nhóm này giúp làm tăng cường khả năng co bóp của tim, làm giảm gánh nặng tuần hoàn của tim. Các loại thuốc trị bệnh tim thuộc nhóm này gồm Digoxin, Digitoxim, thuốc giãn mạch, thuốc chống đông máu, thuốc trợ tim nhóm Digitalis,…
- Thuốc trị tim nhóm digitalis có khả năng hỗ trợ tim tăng sức co bóp, giảm nhịp tim, làm giảm dẫn truyền xung động, tăng kích thích cơ tim.
- Thuốc giãn mạch: Có thể kể đến Hydralazine. Loại thuốc này làm giảm trương lực tiểu động mạch, từ đó làm giảm tiền gánh, hậu gánh.
- Thuốc chống đông máu: Loại này sẽ giúp hạn chế tối đa tình trạng đông máu do bệnh lý suy tim sung huyết gây nên.
Nhóm thuốc trị bệnh tim thiếu máu cục bộ
Thiếu máu cục bộ là bệnh lý như thế nào?
Khi lượng máu chảy vào cơ tim giảm do sự tắc nghẽn động mạch sẽ gây nên tình trạng thiếu máu cục bộ. Bệnh lý này có thể làm tổn thương cơ tim, giảm lượng oxy cung cấp cho cơ tim. Thiếu máu cục bộ nặng có thể dẫn đến nhịp tim bất thường.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Chăm sóc tim mạch, tải ngay ứng dụng YouMed.
Thuốc trị bệnh tim thiếu máu cục bộ
Để có thể điều trị thiếu máu cục bộ cơ tim cần tác động theo hướng cải thiện lượng máu đến cơ tim, từ đó giảm tắc nghẽn động mạch vành. Tùy thuộc vào tình trạng của người bệnh, có thể sử dụng các phương pháp khác nhau như uống thuốc, phẫu thuật,… Thuốc được dùng cho bệnh lý này gồm:
- Aspirin: Theo lời khuyên của bác sĩ, aspirin nên được dùng hàng ngày để giảm tình trạng máu bị ứ đọng gây tắc nghẽn động mạch vành. Một số trường hợp nếu đã sử dụng thuốc loãng máu thì aspirin không còn phù hợp. Do đó nên tham vấn ý kiến bác sĩ cẩn trọng trước khi sử dụng.
- Nitroglycerin: Nitroglycerin tác động giúp tạm thời mở các động mạch, giúp lưu lượng máu đến tim được cải thiện.
- Thuốc hạ cholesterol: Thuốc trị bệnh tim này hoạt động theo cơ chế làm giảm lượng lipoprotein cholesterol mật độ thấp trong máu, tăng cường lipoprotein cholesterol mật độ cao giúp làm giảm vật liệu chính bám vào động mạch vành. Statins, Fibrate, Niacin là những loại thuốc có tác dụng hạ cholesterol bác sĩ thường dùng.
Thuốc trị bệnh tim rối loạn nhịp tim
Rối loạn nhịp tim là bệnh lý như thế nào?
Rối loạn nhịp tim là tình trạng tim đập bất thường với tần số quá nhanh hoặc quá chậm. Bệnh lý này thường gặp ở nam giới nhiều hơn. Nam chiếm khoảng 70% tổng số trường hợp, nữ giới chiếm 30% còn lại.
Nếu nguyên nhân tim đập loạn nhịp do bạn lo lắng, vừa vận động mạnh, bị ốm,… Thì tim sẽ trở lại nhịp đập bình thường sau khi nghỉ ngơi. Ngược lại, nếu tình trạng này kéo dài không có dấu hiệu dừng lại, bạn phải dùng thuốc trị bệnh tim rối loạn nhịp tim để điều trị giúp tim đập với tần số bình thường.
Thuốc trị bệnh tim rối loạn nhịp tim
Để điều trị bệnh lý này, phương pháp được ưu tiên là dùng thuốc, nếu không đạt hiệu quả mới can thiệp bằng các biện pháp khác. Các loại thuốc trị bệnh tim được dùng cho bệnh lý này bao gồm:
- Thuốc chống loạn nhịp tim: Dronedrason, Amiodaron, Sotalol, Propafenon… Là những loại thuốc thuộc nhóm chống loạn nhịp tim. Chúng có tác dụng kéo dài thời gian trơ của tim, từ đó ngăn chặn nhịp tim bất thường.
- Thuốc chẹn beta: Những người gặp phải tình trạng nhịp tim nhanh bất thường có thể sử dụng Atenolol, Bisopopol, Metoprolol,… Vì chúng có tác dụng làm chậm nhịp tim, thư giãn cơ tim.
- Thuốc chẹn kênh canxi: Nhóm thuốc này bao gồm: Diltiazem, Veraparamil có tác dụng giãn mạch, làm giảm dẫn truyền xung điện tim qua nút nhĩ thất, ổn định nhịp tim.
Ngoài các loại thuốc thuộc 3 nhóm trên, có thể dùng thêm một số loại thuốc phụ trợ như Digoxin (giúp tăng sức co bóp tim); Adenosine (chất chủ vận purin giúp giãn mạch, làm giảm dẫn truyền qua nút nhĩ thất).
Nhóm thuốc trị bệnh tim tăng huyết áp
Bệnh tăng huyết áp là gì?
Tăng huyết áp (huyết áp cao) là bệnh lý xảy ra khi áp lực của máu tác động lên thành động mạch tăng cao. Khi đó, các mô và mạch máu chịu sức ép lớn trong khoảng thời gian dài sẽ bị tổn hại.
Những thuốc trị bệnh tim nào được dùng để điều trị bệnh tăng huyết áp
Hiện nay trong y học có 5 nhóm thuốc được sử dụng điều trị bệnh tăng huyết áp bao gồm:
- Thuốc ức chế men chuyển: Những loại thuốc thuộc nhóm thuốc ức chế men chuyển có tên kết thúc bằng “-pril” như analapril, perindopril, captopril, lisinopril…
- Thuốc chẹn thụ thể angiotensin: Những loại thuốc có tên kết thúc bằng “-sartan” như irbesartan, valsartan, losartan, telmisartan… thuộc nhóm thuốc chẹn thụ thể angiotensin.
- Thuốc chẹn beta giao cảm: Các loại thuốc kết thúc với “-lol” thuộc nhóm thuốc chẹn beta giao cảm. Có thể kể đến các loại thuốc như atenolol, nebivolol, metoprolol,…
- Thuốc chẹn kênh canxi: Các loại thuốc chẹn kênh canxi bao gồm: amlodipine, nicardipine, diltiazem, nifedipine,…
- Thuốc lợi tiểu: Các loại thuốc thuộc nhóm này có tác dụng giảm lượng chất lỏng trong cơ thể, từ đó làm giảm huyết áp. Một số loại thuốc thường được sử dụng như indapamide, hydrochlorothiazide, chlorthalidone.
Thuốc trị bệnh tim tăng lipid máu
Các loại thuốc trị bệnh về tim mạch tăng lipid máu chủ yếu thuộc 3 nhóm sau:
- Nhóm Statin: Statin là loại thuốc trị bệnh tim đóng vai trò quan trọng nhất trong điều trị tăng lipid máu và xơ vữa tim mạch. Các loại thuốc thuộc nhóm Statin bao gồm: Atorvastatin, Rosuvastatin, Simvastatin, Lovastatin,…
- Nhóm Fibrate: Nhóm thuốc này bao gồm Gemfibrozil, Clofibrat, Fenofibrat với tác dụng làm giảm Triglycerid máu.
- Nhóm Acid Nicotinic: Gồm các loại thuốc phóng thích nhanh, được sử dụng theo liều lượng thích hợp với từng tình trạng bệnh.
Video chia sẻ thông tin chi tiết về nhóm thuốc Statin:
Biên tập bởi: Thạc sĩ, Dược sĩ Phan Tiểu Long
Nhóm thuốc trị bệnh tim sốc
Bệnh lý shock (sốc) là gì?
Sốc (shock) là tình trạng bệnh lý mà lượng máu trong cơ thể giảm nhanh một cách đột ngột. Khi bị sốc huyết áp giảm nhanh, gây nên áp lực lên thành tim, nguy hiểm cho tính mạng.
Các loại thuốc giúp chống sốc
Bản chất của các loại thuốc thuộc nhóm này là giúp kích thích hệ adrenergic của thần kinh thực vật gây co mạnh, tăng nhịp tim, huyết áp…. Chúng bao gồm các loại thuốc như Adrenalin, Dopamin.
Thuốc chống đông
Thuốc chống đông ngăn chặn sự hình thành các cục máu đông, giúp hạn chế các bệnh lý có thể cướp đi tính mạng bất cứ lúc nào như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, nghẽn mạch phổi,… Các loại thuốc chống đông máu bao gồm 2 nhóm:
1. Nhóm thuốc chống đông máu cũ gồm: heparin (truyền vào cơ thể thông qua đường tiêm tĩnh mạch); acenocoumarol (truyền vào cơ thể thông qua đường uống) và warfarin.
2. Nhóm thuốc chống đông máu mới gồm: Dabigatran, Apixaban, Rivarixaban. Chúng thường được đưa vào cơ thể qua hoạt động uống. Nên được còn được gọi là thuốc chống đông máu đường uống mới.
Nhóm thuốc trị bệnh tim rối loạn tuần hoàn
Rối loạn tuần hoàn là gì?
Rối loạn tuần hoàn là tình trạng xảy ra khi cục máu đông làm tắc mạch máu khiến thành mạch máu dày lên, lòng mạch bị thu hẹp.
Nhóm thuốc điều trị rối loạn tuần hoàn
Các loại thuốc trị bệnh tim thuộc nhóm này có tác dụng làm co hoặc giãn vi mạch, tăng sức bền thành mạch, giảm nguy cơ tai biến mạch máu não. Các loại thuốc thuộc nhóm này có thể kể đến như Vinpocetin, Piracetam…
Mỗi loại thuốc trị bệnh tim sẽ có công dụng, liều lượng, cách sử dụng khác nhau tùy thuộc vào tình trạng bệnh, đề kháng của người bệnh. Do đó, trước khi dùng bất cứ loại thuốc nào bạn cũng nên hỏi ý kiến của bác sĩ về cách sử dụng, tác dụng phụ có thể gặp phải để đạt được hiệu quả như mong muốn. Hy vọng bài viết trên của Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Thành Đô sẽ cung cấp những thông tin hữu ích cho bạn đọc.