Tai biến mạch máu não là một trong những loại bệnh lý vô cùng nguy hiểm. Tùy độ tuổi, vị trí tổn thương của não mà các di chứng để lại có thể nặng hoặc nhẹ. Việc thực hiện phục hồi chức năng sau tai biến cũng cần mất một thời gian khá dài. Muốn có được kết quả tốt, bạn cần kiên trì và thực hiện tập luyện đúng hướng dẫn. Bài viết sau của Bác sĩ Đỗ Phạm Nguyệt Thanh sẽ đưa ra một số bài tập phục hồi chức năng sau tai biến để bạn tham khảo.
Hiện tượng tai biến mạch máu não diễn ra như thế nào?
Tai biến mạch máu não là một trong những bệnh lý thường gặp ở người già. Nguy hiểm hơn, bệnh lý này đang có xu hướng gia tăng ở giới trẻ.
Bệnh lý này xảy ra với nguyên nhân lớn nhất là do hiện tượng tắc mạch máu não. Ngoài ra, chảy máu não hay những nguyên nhân khác cũng đều có thể gây tai biến mạch máu não.
Khi không được máu nuôi dưỡng, não của bạn sẽ bị tổn thương. Dù tổn thương nhẹ hay nặng cũng đều sẽ gây ảnh hưởng lớn đến bạn. Dựa vào mức độ tổn thương sẽ có những cách phục hồi chức năng sau tai biến khác nhau.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Chăm sóc tim mạch, tải ngay ứng dụng YouMed.
Theo đó, tùy vào độ tuổi, vị trí tổn thương của não mà bệnh nhân có thể gặp phải những di chứng dưới đây:
- Tai biến mạch máu não gây suy giảm trí nhớ.
- Bệnh nhân có thể gặp phải rối loạn vận động như liệt nửa người, liệt tay chân hay tê bì các chi…
- Các dây thần kinh của não bị tổn thương khiến méo miệng, liệt mặt…
- Hệ tiêu hóa cũng có thể bị ảnh hưởng gây khó nuốt, táo bón…
- Nhẹ nhất là những ảnh hưởng liên quan về tâm lý như bạn không thể điều chỉnh được cảm xúc.
- Nguy hiểm hơn, tai biến mạch máu não còn có thể gây tử vong.
Những bài tập phục hồi chức năng sau tai biến mạch máu não
Tùy theo vị trí tổn thương của não mà di chứng sau tai biến để lại sẽ nặng hoặc nhẹ. Mức độ tổn thương nặng nhất mà bạn có thể gặp phải chính là liệt nửa người. Thế nhưng nếu cố gắng thực hiện phục hồi chức năng sau tai biến, bạn hoàn toàn có thể hồi phục.
Mục đích cuối cùng của các bài tập phục hồi chức năng sau tai biến mạch máu não là bệnh nhân có thể đứng được. Có như vậy, cuộc sống của người bệnh mới có thể trở về bình thường. Dưới đây là những bài tập phục hồi chức năng khi liệt nửa người mà bạn có thể tham khảo:
Bài tập phục hồi chức năng đứng thăng bằng
Trước tiên, muốn đi lại như bình thường, bạn cần phải đứng vững thì mới di chuyển được. Đối với bài tập phục hồi chức năng sau tai biến này, bệnh nhân cần tập đứng thẳng, cân xứng. Trọng lượng cơ thể của bạn phải dồn đều lên cả hai chân.
Bên cạnh việc tập đứng, bệnh nhân cũng cần tập quay đầu nhìn ra sau qua hai vai. Cố gắng dùng sức để đứng và thực hiện: Cúi, ngửa, nghiêng, xoay. Ngoài ra, đứng im và vận động tay như: Đưa tay lên xuống, sang phải, sang trái… cũng rất có ích trong việc phục hồi.
Bài tập chuyển trọng lượng lần lượt
Đối với bài tập này, bệnh nhân cần đứng tựa hông bên cạnh mép bàn, hai bàn chân để ngang nhau, cách nhau 15 – 20 cm.
Tiếp đến, bệnh nhân từ từ đưa hông ra trước, gập chân bị liệt. Đồng thời chuyển trọng lượng cơ thể qua chân lành. Cố gắng giữ như vậy trong vài giây rồi từ từ duỗi chân liệt ra. Sau đó, bạn thực hiện tương tự cho chân còn lại là được.
Tập co, duỗi khớp háng, khớp gối phía bên liệt phục hồi chức năng
Bạn từ từ đứng dậy rồi vịn nhẹ tay vào một vật bất kì bên cạnh. Hai bàn chân cách nhau một khoảng 15- 20 cm. Chân lành bạn để ở trước, chân liệt để ở phía sau.
Tiếp theo, bạn cần phải chuyển trọng lượng ra trước để dồn lên chân lành. Sau đó, gấp, duỗi khớp háng và khớp gối bên chân liệt của mình. Khi thực hiện, bạn chỉ nên nâng gót chân bên liệt lên, không nên nhấc cả bàn chân lên khỏi sàn.
Tập đứng và đôn trọng lượng lần lượt lên hai chân
Đây là một trong những cách tập luyện cho người bị tai biến vô cùng hiệu quả trong việc phục hồi chức năng. Việc bạn cần làm đầu tiên chính là đứng thẳng, hai tay thả lỏng, hai bàn chân cách nhau 15 – 20 cm.
Tiếp theo, bạn lấy chân trái làm trụ. Sau đó, dạng chân bên phải và nhấc bàn chân lên sàn để trọng lượng dồn lên chân trái. Để nguyên như vậy trong vài phút rồi đổi bên là được. Nếu vẫn chưa thể đứng vững, bạn cần có người trợ giúp hoặc tự mình dựa vào vật gì đó khi cần thiết.
Dồn trọng lượng lên chân bị liệt
Đây là bài tập cuối cùng nhằm phục hồi chức năng sau tai biến. Đối với bài tập này, bạn cần phải đứng thẳng sao cho trọng lượng cơ thể dồn đều hai chân. Tiếp đến, bạn tiến hành duỗi thẳng tay sang ngang với khớp vai vuông góc. Vào lúc này, trọng lượng sẽ dồn sang chân liệt, bạn tiếp tục bước chân lành lên vật cao 15 – 20 cm.
Nếu có thể, bạn nên tự mình đứng trong thanh song song mà không cần người trợ giúp. Nếu kiên trì, khả năng thăng bằng và vận động sẽ nhanh chóng hồi phục.
Những lưu ý khi thực hiện các bài tập phục hồi chức năng
Thường xuyên thực hiện bài tập phục hồi chức năng sau tai biến sẽ giúp bạn nhanh chóng vận động lại bình thường. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra nếu bạn thực hiện chúng đúng như hướng dẫn. Bên cạnh đó, bạn cũng cần nhớ kỹ những lưu ý dưới đây để tập luyện đem lại kết quả tốt:
- Trong thời gian 3 – 6 tháng từ khi bệnh khởi phát sẽ là giai đoạn giúp việc tập luyện mang lại hiệu quả tốt nhất.
- Nên tập theo phác đồ của bác sĩ dưới sự hỗ trợ của những dụng cụ cần thiết.
- Sau 6 tháng, bạn đã có thể tự tập luyện tại nhà nhưng vẫn cần phải tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Trong một tuần, nên tập luyện phục hồi chức năng sau tai biến ít nhất 6 tiếng để đem lại hiệu quả hồi phục.
- Việc tập luyện sẽ mất một thời gian dài nên cả bệnh nhân và người nhà đều cần có sự kiên trì.
Bổ sung những loại thực phẩm nào sẽ có ích cho việc phục hồi chức năng?
Ngoài việc thường xuyên tập phục hồi chức năng sau tai biến, ăn uống hợp lý cũng sẽ khiến bạn nhanh hồi phục hơn. Bạn có thể tham khảo những loại thực phẩm giúp đẩy nhanh quá trình hồi phục dưới đây:
Hoa quả
Trái cây vừa dễ ăn, vừa dễ hấp thụ nên rất phù hợp cho người bệnh. Một số loại trái cây có các chất chống oxy hóa, giúp tiêu mỡ, triệt tiêu gốc tự do. Bên cạnh đó, trái cây còn có khả năng cải thiện chứng xơ vữa động mạch tốt cho người bị tai biến.
Sữa
Sữa là một trong những loại thực phẩm cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho cơ thể. Sữa còn có khả năng giúp phục hồi sức khỏe cho người bệnh rất tốt. Để phục hồi sau tai biến, bạn nên ưu tiên uống sữa bò, đậu nành không đường, sữa gạo và sữa chua.
Cá
Lúc này, người bệnh cần hạn chế chất béo từ động vật. Vì thế, cá chính là sự lựa chọn nên ưu tiên hàng đầu. Ăn cá thường xuyên sẽ giúp cơ thể được phục hồi nhanh chóng mà không gặp phải biến chứng. Các cholesterol có trong cá cũng góp phần làm mất đi những xơ vữa bám trong thành mạch máu.
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về phục hồi chức năng sau tai biến. Muốn thành công, bạn cần phải thực hiện kiên trì và đều đặn. Ngoài ra đừng quên tham khảo tư vấn và chỉ dẫn từ bác sĩ để đảm bảo thực hiện đúng cách. Cùng đón chờ những bài viết tiếp theo của chúng tôi nhé.