Xơ vữa động mạch là một tình trạng bệnh lý phổ biến trong dân số hiện nay. Chúng có thể gây ra nhiều biến cố tim mạch và mạch máu nghiêm trọng. Đây là kết quả của sự tương tác giữa yếu tố môi trường và gen. Tuy nhiên, chúng ta có thể chưa thật sự hiểu hết về căn bệnh này. Trong bài viết dưới đây, YouMed mong sẽ cung cấp một phần nào thông tin cho quý độc giả.
1. Xơ vữa động mạch là gì?
Hệ thống động mạch có chức năng vận chuyển máu nuôi tim, mang nhiều oxy và dưỡng chất đi nuôi cơ thể. Theo thời gian, các chất béo và cholesterol lắng đọng vào thành mạch tạo thành mảng bám. Những mảng bám đó được gọi là mảng xơ vữa động mạch.
Đây là bệnh động mạch bị thu hẹp vì sự tích tụ của các mảng xơ vữa. Thời gian đầu, đa số trường hợp không có triệu chứng. Đến giai đoạn muộn có thể gây nên bệnh động mạch vành, đột quỵ, bệnh động mạch ngoại biên…
2. Xơ vữa động mạch được hình thành như thế nào?
Đây là một quá trình diễn tiến từ từ qua các giai đoạn sau:
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Tim mạch, tải ngay ứng dụng YouMed.
- Đầu tiên, nội mạc là lớp tế bào lót bề mặt của hệ thống động mạch. Lớp tế bào này có nhiều chức năng và đảm bảo sự toàn vẹn của thành động mạch. Sự hiện diện của các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường… gây nên tình trạng rối loạn chức năng nội mạc.
- Khi lớp nội mạc bị tổn thương, các yếu tố gây xơ vữa dễ dàng tấn công. Việc này cũng làm các mô liên kết của thành mạch bị phá vỡ. Từ đó, mạch máu dễ dàng cho các chất béo, cholesterol bám vào gây nên xơ xữa động mạch.
Tóm lại, một số nguyên nhân có thể gây nên tổn thương lớp nội mạc mạch máu gồm:
- Tăng huyết áp.
- Đái tháo đường.
- Hút thuốc lá.
- Mức độ lipid cao trong máu.
- Thức uống có cồn: rượu, bia…
- Tình trạng viêm, nhiễm trùng.
3. Triệu chứng
Bệnh thường không gây triệu chứng gì cho đến khi biến cố xảy ra. Các triệu chứng thường liên quan đến mạch máu bị xơ vữa như:
3.1. Xơ vữa động mạch vành
Mạch vành là mạch máu nuôi tim. Hậu quả của xơ vữa động mạch vành có thể gây suy tim, bệnh tim thiếu máu cục bộ, nhồi máu cơ tim… Biểu hiện của bệnh lý mạch vành như sau:
- Đau ngực: Người bệnh có cơn đau ngực khi gắng sức, cảm xúc mạnh. Cơn đau thường kéo dài khoảng vài phút và sẽ giảm khi nghỉ ngơi. Cảm giác đau như bị đè nặng lan lên vai trái và cánh tay trái được gọi là cơn đau thắt ngực. Nếu đau ngực xuất hiện đột ngột và kéo dài, không giảm đau khi nghỉ ngơi thì có thể nhồi máu cơ tim đang xảy ra. Nhồi máu cơ tim là một cấp cứu tim mạch cần phải đến bệnh viện ngay.
- Bệnh mạch vành là một trong các nguyên nhân gây ra tình trạng suy tim. Các triệu chứng của suy tim như: khó thở khi gắng sức hay kịch phát về đêm, phù hai chi dưới….
3.2. Xơ vữa động mạch cảnh
Động mạch cảnh là mạch máu chính cung cấp máu cho não. Hậu quả của nó có thể gây nên nhồi máu não. Đa số bệnh nhân chỉ phát hiện hẹp động mạch cảnh khi xảy ra tai biến. Triệu chứng của tai biến mạch máu não như:
- Yếu liệt nửa người.
- Nói khó.
- Méo miệng.
- Nhìn mờ đột ngột.
- Suy giảm ý thức nhanh chóng.
3.3. Xơ vữa mạch máu ngoại biên
Mạch máu ngoại biên thường bị ảnh hưởng nhất là động mạch chi dưới với các triệu chứng như:
- Đau cách hồi, nghĩa là đau khi đi lại và đỡ đau khi nghỉ ngơi.
- Động mạch chi dưới bắt kém hoặc không bắt được.
- Chi lạnh, teo cơ, da khô…
4. Những đối tượng dễ bị xơ vữa động mạch
- Tăng huyết áp.
- Béo phì.
- Đái tháo đường.
- Hút thuốc lá.
- Lối sống tĩnh tại, ít vận động.
- Rối loạn mỡ máu.
- Ăn uống thức ăn nhiều dầu mỡ, uống bia rượu…
5. Các biện pháp chẩn đoán
- Siêu âm doppler mạch máu: cho biết được sự hẹp, tắc các động mạch. Thông thường, chúng ta thường thực hiện siêu âm ở các động mạch: động mạch chi, động mạch cảnh, động mạch thận…
- Chụp cắt lớp dựng hình: áp dụng trên những bệnh nhân đã có triệu chứng nặng, cần can thiệp.
- Nghiệm pháp gắng sức: phát hiện các bệnh mạch vành khi nghi ngờ thiếu máu cơ tim.
- Đo điện tâm đồ: phát hiện các dấu hiệu của bệnh tim thiếu máu cục bộ.
- Chụp cắt lớp vi tính mạch vành khi có chỉ định.
- Xét nghiệm bộ mỡ máu: cholesterol, triglycerid, HDL, LDL.
6. Điều trị bệnh như thế nào?
Chủ yếu người ta sẽ điều trị các yếu tố nguy cơ gây nên xơ vữa động mạch:
- Kiểm soát huyết áp, đường huyết tốt.
- Có thể dùng thuốc hạn chế gây xơ vữa động mạch như: thuốc kháng kết tập tiểu cầu, statin…
Ngoài ra, chúng ta có thể can thiệp nội mạch như đặt stent mạch vành, mạch cảnh, mạch chi… hoặc phẫu thuật tuỳ từng trường hợp cụ thể.
7. Phòng ngừa
- Tập thể dục thường xuyên: ít nhất 30 phút mỗi ngày và 5 ngày mỗi tuần.
- Áp dụng chế độ ăn nhiều rau, ít mỡ động vật, thay bằng dầu thực vật.
- Kiểm soát huyết áp và đường huyết tốt.
- Bỏ thuốc lá và rượu bia.
- Giữ cân nặng lý tưởng.
>> Bạn có thể tham khảo thêm cách theo dõi huyết áp chính xác tại đây.
Xơ vữa động mạch là bệnh lý có các triệu chứng diễn ra âm thầm. Chúng ta không thể biết được liệu mình có đang mắc bệnh hay không cho đến khi biến cố xảy ra. Do đó, bạn nên phòng ngừa ngay từ bây giờ. Nếu bạn có các triệu chứng của những bệnh gây nên bởi mảng xơ vữa thì hãy gặp bác sĩ ngay để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Bác sĩ Lữ Thị Hồng Vân