Hiện nay, dị tật bẩm sinh ngày càng gia tăng. Đặc biệt là các dị tật tim bẩm sinh. Sự gia tăng này một phần do sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện chẩn đoán giai đoạn tiền sản và sơ sinh. Thông qua đó, chúng ta ghi nhận được những dị tật hiếm gặp. Vòng mạch máu do cung động mạch chủ đôi là một ví dụ. Vậy vòng mạch máu do cung động mạch chủ đôi là gì? Đâu là triệu chứng của bệnh? Cách điều trị ra sao? Hãy cùng YouMed tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.
1. Tổng quan về vòng mạch máu do cung động mạch chủ đôi
Cung động mạch chủ là đoạn đầu tiên của động mạch chủ rời khỏi tim để cấp máu cho các cơ quan của cơ thể.
Vòng mạch máu do cung động mạch chủ đôi là dị dạng của cung động mạch chủ. Vòng mạch máu do cung động mạch chủ đôi bao bọc một phần hoặc hoàn toàn khí quản hoặc thực quản. Có những trường hợp là cả hai.
Những dị tật này có ngay từ lúc mới sinh (bẩm sinh). Nhưng các triệu chứng có thể xảy ra ở giai đoạn sơ sinh hoặc sau này ở độ tuổi thiếu nhi, thanh thiếu niên.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Tim mạch, tải ngay ứng dụng YouMed.
Đây là một trong những dị tật bẩm sinh hiếm gặp. Với tần suất khoảng 1% trong tổng số các dị tật tim.
2. Các triệu chứng
Các triệu chứng là dấu hiệu khi vòng mạch máu chèn ép vào khí quản hoặc thực quản hoặc cả hai. Mức độ nặng nhẹ của các triệu chứng phụ thuộc vào mức độ chèn ép. Chèn ép một phần hay hoàn toàn của vòng mạch máu lên khí quản, thực quản.
Khi vòng mạch máu ép vào khí quản và thực quản có thể dẫn đến các vấn đề về hô hấp và tiêu hóa.
- Các dấu hiệu và triệu chứng về đường hô hấp. Biểu hiện trên đường hô hấp có thể bao gồm:
- Nhiễm trùng đường hô hấp thường xuyên.
- Thở khò khè.
- Ho.
- Các dấu hiệu và triệu chứng tiêu hóa có thể bao gồm khó nuốt, khó bú hoặc nôn ói. Một số người không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào hay các triệu chứng nhẹ, thoáng qua.
- Các triệu chứng như khò khè kéo dài, không thuyên giảm khi được điều trị đúng thuốc.
Những người có vòng mạch máu do cung động mạch chủ đôi có thể mắc dị tật bẩm sinh khác. Đặc biệt là các dị tật liên quan đến tim bẩm sinh.
3. Chẩn đoán vòng mạch máu do cung động mạch chủ đôi
Để chẩn đoán vòng mạch máu do cung động mạch chủ đôi và loại trừ các tình trạng khác có thể gây ra các triệu chứng, bác sĩ sẽ hỏi thêm về các dấu hiệu và triệu chứng. Sau đó sẽ tiến hành khám sức khỏe. Và đa số trường hợp sẽ cần chụp X-quang phổi. Chụp X-quang ngực có thể cho biết cung động mạch chủ nằm ở phía nào của cơ thể. Kèm theo tìm bất kỳ thay đổi nào trong khí quản có thể giúp gợi ý tình trạng vòng mạch máu do cung động mạch chủ đôi.
Các xét nghiệm hình ảnh khác có thể được tiến hành để chẩn đoán vòng mạch máu do cung động mạch chủ đôi. Thường gặp như siêu âm tim hoặc chụp CT mạch máu (có thể kèm cản quang). Các bác sĩ cũng có thể sử dụng các xét nghiệm này để lập kế hoạch điều trị.
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu bạn nuốt barit để chụp hình ảnh thực quản qua phim X quang. Việc tái hiện hình ảnh thực quản cũng giúp bác sĩ đánh giá mức độ chèn ép.
Nội soi phế quản có thể được thực hiện để đánh giá nguyên nhân của các triệu chứng. Bên cạnh đó là xác định vị trí và mức độ nghiêm trọng của sự chèn ép vào khí quản. Khi thực hiện xét nghiệm này, bác sĩ sẽ đưa ống nội soi vào miệng để vào khí quản. Đèn và một camera nhỏ gắn vào ống nội soi cho phép bác sĩ quan sát bên trong khí quản và đường thở của phổi.
4. Điều trị
Thường cần phẫu thuật để điều trị vòng mạch máu do cung động mạch chủ đôi đang tỳ đè lên khí quản hoặc thực quản và để tránh các biến chứng. Các phẫu thuật viên chia các vòng mạch để giải phóng các vòng ép vào khí quản và thực quản. Thủ thuật này thường được tiến hành trong khi phẫu thuật mở. Nhưng trong một số trường hợp, phương pháp xâm lấn tối thiểu có thể được sử dụng.
Các phương pháp phẫu thuật khác nhau có thể được sử dụng, tùy thuộc vào dị tật cụ thể.
Trẻ em và người lớn có vòng mạch máu do cung động mạch chủ đôi có thể cần được chăm sóc suốt đời và tái khám định kỳ với bác sĩ chuyên khoa để theo dõi tình trạng của họ. Nhiều bác sĩ chuyên khoa, bao gồm bác sĩ tim bẩm sinh, bác sĩ chuyên khoa hô hấp, bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa và bác sĩ tai mũi họng có thể tham gia chăm sóc họ.
Để điều trị dứt điểm các bệnh tim bẩm sinh nói chung và bệnh vòng mạch máu do cung động mạch chủ đôi nói riêng, can thiệp ngoại khoa là phương pháp được tin tưởng nhất. Các phương thức tiếp cận ít xâm lấn ngày càng phát triển. Nhờ đó tỷ lệ thành công sau phẫu thuật càng gia tăng. Và tỷ lệ tử vong do các bệnh lý tim bẩm sinh ngày càng giảm. Vì vậy, nếu có con trẻ, hãy đưa trẻ thăm khám bác sĩ ngay khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào nhé.
Bác sĩ Vũ Thành Đô