Viêm màng ngoài tim (VMNT) là tình trạng viêm khu vực màng ngoài tim, thường có kèm theo tràn dịch màng tim. Triệu chứng phổ biến nhất của bệnh là đau nhói ở ngực. Đau ngực xảy ra khi 2 lớp màng ngoài tim cọ xát vào nhau gây kích thích. VNMT thường nhẹ và tự khỏi mà không cần điều trị. Trong những trường hợp nghiêm trọng, việc điều trị thường sử dụng thuốc và hiếm khi cần phẫu thuật. Chẩn đoán và điều trị sớm bệnh có thể giúp giảm nguy cơ biến chứng lâu dài. Bài viết dưới đây của Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Thành Đô sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về chứng bệnh này.
-
Viêm ngoài màng tim là tình trạng viêm khu vực ngoài màng tim
Màng ngoài tim có chức năng gì?
Bình thường tim sẽ được bao bọc bởi 2 màng (lớp). Một lớp bọc sát cơ tim được gọi là lớp tạng, lớp còn lại là lớp thành. Hai lớp này không dính chặt nhau mà có chỗ trống tạo thành khoang được gọi là khoang màng ngoài tim. Trong khoang có chứa một một lượng ít dịch để bôi trơn 2 lớp màng khi cọ sát.
-
Hình ảnh giải phẫu màng ngoài tim
Vai trò của màng ngoài tim bao gồm:
- Hạn chế sự dịch chuyển của tim trong lồng ngực
- Bảo vệ tim khỏi bị chấn thương cơ học và nhiễm trùng từ vùng lân cận
- Ngăn tim dãn quá mức khi tăng đột ngột thể tích trong tim (vd hở động mạch chủ hoặc hở 2 lá cấp)
- Dịch màng ngoài tim là chất bôi trơn và giảm ma sát bề mặt tim trong chu chuyển tim
Viêm màng ngoài tim là gì?
Trong bệnh VMNT, lớp thành và lớp tặng bị viêm và có thể cọ xát vào tim gây ra đau ngực, một triệu chứng phổ biến của bệnh
-
Hình ảnh viêm màng ngoài tim
Tính chất của đau ngực do VMNT có vài điểm giống như đau do nhồi máu cơ tim. Vì thế nếu bạn có cơn đau ngực, cần gọi cấp cứu hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất để xử trí kịp thời.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Bệnh tim, tải ngay ứng dụng YouMed.
Những ai có nguy cơ bị viêm màng ngoài tim?
Nó thường xảy ra ở mọi người ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, nam giới từ 20 đến 50 tuổi có nhiều khả năng mắc bệnh hơn những người khác.
Những người đang điều trị VMNT cấp tính có thể tái phát lại khoảng 15-30%. Một số ít những người này tiếp tục phát triển thành VMNT co thắt mãn tính.
Biểu hiện của viêm màng ngoài tim
Đau ngực
Đây là triệu chứng thường gặp của VMNT cấp tính. Vị trí đau thường ở giữa ngực hoặc bên ngực trái, có thể lan lên cổ nách và lan ra sau lưng.
-
Vị trí đau thường ở giữa ngực hoặc bên ngực trái, có thể lan lên cổ nách và lan ra sau lưng
Cơn đau thường có tính nhất đau nhói, đau chói, đau như dao đâm. Thời gian đau thường kéo dài vài giờ hoặc vài ngày. Cơn đau diễn ra đột ngột, có thể tăng lên khi xoay trở, ho hoặc nằm ngửa. Dấu hiệu khá đặc trưng của đau ngực do viêm màng ngoài tim là giảm đau khi cuối người ra trước.
Một số trường hợp, bệnh nhân có thể đau ở thượng vị giống như cơn đau bụng cấp hoặc đau đè nặng lên cánh tay trái giống cơn đau thắt ngực.
Khó thở
Triệu chứng này xảy ra do đau không dám thở mạnh, hoặc do sốt cao, tăng thông khí, tụ dịch trong khoang màng tim nhiều gây chèn ép phổi, khí phế quản.
Các dấu hiệu và triệu chứng khác của viêm màng ngoài tim có thể bao gồm
- Bụng hoặc phù chân
- Ho
- Mệt mỏi hoặc cảm giác suy nhược
- Sốt nhẹ
- Nhịp tim đập mạnh hoặc loạn nhịp tim
- Khó thở khi nằm
Các triệu chứng cụ thể tùy thuộc vào loại VNMT tùy theo kiểu triệu chứng và thời gian các triệu chứng kéo dài.
Các thể viêm màng ngoài tim, bao gồm:
- VMNT cấp: Tình trạng bắt đầu đột ngột nhưng không kéo dài quá ba tuần. Có thể khó phân biệt giữa VNMT cấp tính và đau do nhồi máu cơ tim.
- VMNT tái phát: Xảy ra khoảng bốn đến sáu tuần sau một đợt VNMT cấp không còn triệu chứng.
- VMNT co thắt: thường phát triển chậm và kéo dài hơn 3 tháng
- Tràn dịch màng tim gây chèn ép tim cấp
Nguyên nhân của viêm màng ngoài tim:
Có nhiều yếu tố có thể gây ra VNMT. Trong đó nhiễm vi-rút ( Coxsackie A and B, Influenza, adenovirus, HIV, v.v) là nguyên nhân phổ biến. Ngoài ra, nhiễm khuẩn (Staphylococcus, pneumococcus, tuberculosis, v.v.) nấm Candida và ký sinh trùng cũng có thể gây bệnh.
Hầu hết các trường hợp VMNT mãn tính, hoặc tái phát được thường là do có liên quan đến rối loạn tự miễn dịch. Với các rối loạn tự miễn dịch, hệ thống miễn dịch tạo ra các kháng thể (protein) tấn công nhầm vào các mô hoặc tế bào của cơ thể.
Các bệnh tự miễn bao gồm:
- Lupus ban đỏ hệ thống
- Lupus do thuốc: (Hydralazine, Procainamide)
- Viêm khớp dạng thấp
- Hội chứng sau tổn thương tim: sau NMCT (Dressler’s), hội chứng sau mổ tim,…
Các nguyên nhân khác có thể gây ra viêm màng ngoài tim là:
- U bướu: U trung thất, di căn, xâm lấn trực tiếp của khối u cận tim
- VNMT do xạ
- Hội chứng urê huyết cao trong suy thận
- Chấn thương tim
- Vô căn
Viêm màng ngoài tim có thể gây ra biến chứng gì?
Chẩn đoán sớm và điều trị viêm màng ngoài tim thường làm giảm nguy cơ biến chứng lâu dài. Các biến chứng của VNMT bao gồm:
Tràn dịch màng tim nhiều dẫn đến chèn ép tim cấp:
Đây là tình trạng có sự gia tăng áp ực trong khoang mang tim làm giảm đổ đầy 2 buồng tâm thất của tim. Chèn ép tim có thể gây ra do tràn dịch màng tim số lượng nhiều hoặc lượng ít nhưng dịch thành lập nhanh.
-
Chèn ép tim có thể gây ra do tràn dịch màng tim số lượng nhiều hoặc lượng ít nhưng dịch thành lập nhanh
Do sự gia tăng áp lực trong khoang màng tim cao, 2 buồng tâm thất tim không còn nở được để hút máu về tim dãn đến máu bị ứ trệ lại ở thường nguồn tim phải. Hậu quả gây ra các triệu chứng: tăng nhịp tim, tăng co bóp cơ tim, co mạch dẫn đến tím tái, lạnh đầu chi, da nổi bông, đổ mổ hôi và gây choáng váng.
Viêm màng ngoài tim tái phát nhiều lần
Hậu quả làm màng tim dày lên, vôi hóa, co thắt màng ngoài tìm. Biến chứng này thường dẫn đếm phù chân và bụng, khó thở. VNMT thường liên quan đến dịch trong khoang màng tim.
Cần xét nghiệm gì để chẩn đoán viêm màng ngoài tim?
Bác sĩ sẽ khám cho bạn và đặt câu hỏi về các triệu chứng và tiền sử bệnh của bạn.
Điện tâm đồ (ECG)
Điện tâm đồ là một xét nghiệm nhanh chóng và không xâm lấn để ghi lại các tín hiệu điện trong tim. Các miếng dán (điện cực) dính có gắn dây kết nối với màn hình. Chúng ghi lại các tín hiệu điện làm cho tim đập. Máy tính ghi lại thông tin và hiển thị dưới dạng sóng trên màn hình hoặc trên giấy.
X-quang tim phổi
Chụp X-quang ngực có thể cho thấy những thay đổi về kích thước và hình dạng của tim. Ví dụ trong trường hợp tràn dịch màng tim nhiều, sẽ thấy được bóng tim to như bầu rượu.
Siêu âm tim
Siêu âm tim giúp chẩn đoán xác định có tràn dịch màng ngoài tim. Ngoài ra, nó có thể đo đạc, tính toán, chẩn đoán lượng dịch màng tim, bản chất của dịch từ đó gợi ý nguyên nhân.
Siêu âm tim cũng có thể:
- Chẩn đoán xem có dấu hiệu chèn ép tim hay không
- Khảo sát kích thước, chức năng các buồng tim và các tổn thương phối hợp
- Giúp tìm dấu hiệu chèn ép tim trước khi có biểu hiện ra bên ngoài
Chụp CT scan tim
Xét nghiệm có thể được sử dụng để tìm sự dày lên có thể là dấu hiệu của viêm màng ngoài tim co thắt. Nó có thể giúp loại trừ các nguyên nhân khác gây đau ngực đột ngột, như trường hợp thuyên tắc động mạch phổi hoặc bóc tách động mạch chủ.
Viêm màng ngoài tim được điều trị như thế nào?
Hầu hết các trường hợp viêm màng ngoài tim là nhẹ. Bệnh tự khỏi hoặc nghỉ ngơi và điều trị đơn giản bằng thuốc. Nếu có tái phát, cần phải điều trị cường độ cao hơn để ngăn ngừa biến chứng. Điều trị có thể bao gồm thuốc và ít khi cần can thiệp thủ thuật hoặc phẫu thuật.
Dù bệnh phần lớn tự khỏi, tuy nhiên bệnh nhân đều cần nhập viện theo dõi xem có bị chèn ép tim không, và xác định nguyên nhân.
Việc xác định nguyên nhân thường ít cần ở bệnh nhân trẻ, khỏe trước đó, vào viện với các triệu chứng giống nhiễm siêu vi, đau ngực kiểu điển hinh.
Các mục tiêu điều trị bao gồm:
- Giảm đau và viêm
- Điều trị nguyên nhân cơ bản nếu tìm được nguyên nhân
- Ngăn ngừa các biến chứng
Thuốc điều trị
-
Hầu hết các trường hợp viêm màng ngoài tim là nhẹ. Bệnh tự khỏi hoặc nghỉ ngơi và điều trị đơn giản bằng thuốc
Nhóm kháng viêm NSAIDs: Đau do VMNT thường có thể được điều trị bằng thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như aspirin hoặc ibuprofen (Advil, Motrin IB, những loại khác). Thuốc giảm đau theo toa cũng có thể được sử dụng. Thông thường đa số bệnh nhân đáp ứng 10-14 ngày điều trị và không cần điều trị thêm.
Colchicine (Colcrys, Mitigare): Thuốc này làm giảm viêm trong cơ thể. Thuốc được sử dụng để điều trị viêm màng ngoài tim cấp tính hoặc nếu các triệu chứng có xu hướng tái phát. Không nên dùng thuốc này nếu bạn bị bệnh gan hoặc thận.
Thuốc corticoid: Corticosteroid là loại thuốc chống viêm mạnh. Bác sĩ có thể kê đơn corticosteroid như prednisone nếu có chống chỉ định hoặc kháng trị với NSAIDs hoặc Colchicin, có bệnh tự miễn, suy thận, có thai. Tuy nhiên thuốc cần hạn chế sử dụng và sử dụng ngắn hạn. Vì corticoid có thể tạo thuận lợi cho virut phát triển, gây tái phát bệnh khi giảm liều.
Diễn tiến:
Đau ngực thường giảm sau 1-2 ngày. Đa số các trường hợp VNMT cấp nhẹ sẽ đáp ứng điều trị hoàn toàn trong vòng 1-4 ngày. Nhưng nếu có tràn dịch màng tim, cần kéo dài điều trị cho đến khi hết dịch hoàn toàn.
Các thủ thuật, phẫu thuật khác
Nếu VMNT có biến chứng chèn ép tim cấp, có thể cần thực hiện các thủ thuật sau:
Chọc tháo dịch màng tim: Trong thủ thuật này, bác sĩ sử dụng một kim vô trùng hoặc một ống nhỏ (ống thông) dẫn lưu dịch thừa khỏi khoang màng ngoài tim. Thủ thuật sẽ được tiêm thuốc tê (gây tê cục bộ) trước khi làm thủ thuật. Khi chọc kim, sẽ sử dụng máy siêu âm và ECG để định hướng kim và ống thông đến vị trí chính xác. Ống dẫn lưu này sẽ giữ lại trong vài ngày.
Cắt màng ngoài tim: Phẫu thuật này loại bỏ toàn bộ màng ngoài tim. Nó có thể được thực hiện nếu màng ngoài tim bị xơ cứng vĩnh viễn do viêm màng ngoài tim mãn tính co thắt.
Viêm màng ngoài tim phần lớn tự khỏi hoặc chỉ cần điều trị đơn giản. Tuy nhiên, tất cả các bệnh nhân đều cần nhập viện để đánh giá chèn ép tim. Ngoài ra, do triệu chứng của viêm cơ tim dễ nhầm lẫn với vấn đề nghiêm trọng khác như nhồi máu cơ tim, thuyên tắc động mạch phổi, bóc tách động mạch chủ, .v.v. Khi có triệu chứng đau ngực, khó thở, choáng váng cần được đến cơ sở y tế để đánh giá và điều trị.