Tụt huyết áp là một bệnh lý tim mạch nguy hiểm không kém gì bệnh tăng huyết áp. Chúng có thể cướp đi mạng sống của chúng ta bất cứ lúc nào. Chính vì thế chúng ta không nên chủ quan về căn bệnh này. Vậy tụt huyết áp là gì? Chúng ta nên làm gì khi bị tụt huyết áp? Tụt huyết áp nên uống gì? Cũng như làm cách nào để kiểm soát tốt huyết áp? Bài viết dưới đây của Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Thành Đô cung cấp cho bạn tất cả những thông tin trên để bạn nắm rõ hơn về bệnh. Hãy cùng tìm hiểu nhé!
Tụt huyết áp nên uống gì?
Không có một loại thức uống nào có thể đảm bảo hoàn toàn tránh được việc bị tụt huyết áp. Tuy nhiên, người bệnh có thể hạn chế tình trạng này bằng cách tránh các tác nhân gây tụt huyết áp, chẳng hạn như phải đứng quá lâu. Ngoài ra, cần kết hợp uống đủ nước để giữ nước trong lòng mạch và tăng lượng muối hoặc caffein trong chế độ ăn uống (liều lượng cụ thể nên tham vấn với bác sĩ điều trị trước khi áp dụng).1
1. Nước lọc
Nước lọc là loại thức uống mà người tụt huyết áp nên dùng. Vì cơ thể mất nước là một trong những nguyên nhân khiến chúng ta bị tụt huyết áp. Chính vì thế, nước lọc là một thức uống cần thiết để bù nước cho người tụt huyết áp.2
Người bị tụt huyết áp có thể sử dụng nước lọc được pha loãng với một chút muối. Vì muối có chứa natri giúp tăng huyết áp. Tuy nhiên, cần lưu ý sử dụng lượng muối phù hợp, vì nếu dùng quá nhiều cũng có thể gây hại.3
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Huyết áp, tải ngay ứng dụng YouMed.
2. Trà và cà phê
Các thức uống chứa caffein như trà và cà phê có thể làm tăng huyết áp tạm thời. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng huyết áp tăng nhẹ và trong thời gian ngắn sau khi uống đồ uống có chứa caffeine như cà phê hoặc trà. Hàm lượng cafein trong cà phê càng cao thì ảnh hưởng đến huyết áp càng lớn. Sự tăng huyết áp được quan sát thấy trong vòng 1 giờ đầu tiên sau khi tiêu thụ caffeine và tác dụng có thể kéo dài đến khoảng 3 giờ. Tuy nhiên, những người thường xuyên tiêu thụ cà phê (chứa cafein) trong hơn 2 tuần có thể không thấy huyết áp tăng sau khi uống.4
Cách xử lý khi bị tụt huyết áp
1. Hiểu rõ về tụt huyết áp
Chỉ số huyết áp ổn định sẽ phản ánh việc tim bơm máu đi nuôi các cơ quan trong cơ thể một cách đều đặn. Khi huyết áp tụt xuống đột ngột sẽ khiến cơ thể cảm thấy khó chịu và có thể dẫn đến tình trạng nguy hiểm.
Tụt huyết áp là một bệnh lý tim mạch nguy hiểm. Đối với người bình thường chỉ số huyết áp sẽ dao động từ 90 đến 120 đối với huyết áp tâm thu và 60 đến 80 đối với huyết áp tâm trương. Chỉ số huyết áp thường dao động trong ngày. Vậy tụt huyết áp được xác định khi chỉ số huyết áp nhỏ hơn 90/60 mmHg. Với huyết áp tâm thu nhỏ hơn 90 mmHg hoặc huyết áp tâm trương nhỏ hơn 60 mmHg.
Khi huyết áp giảm xuống đột ngột sẽ khiến cơ thể cảm thấy choáng váng, chóng mặt, hó mắt. Nặng hơn có thể gây lú lẫn, ngất xỉu, máu không bơm đủ lên não nên não thiếu oxy có thể gây chết não nguy hiểm đến tính mạng.
2. Cách xử lý khi bị tụt huyết áp
Khi phát hiện người bị tụt huyết áp cần phải thực hiện nhanh chóng và đúng cách. Nếu không có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy thận, tai biến mạch máu não, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng…
Tuỳ từng trường hợp cụ thể mà ta sẽ có cách xử lý tiếp theo:
- Khi người bệnh có dấu hiệu tụt huyết áp. Đầu tiên, cần xem xét xem người đó có tiền sử bị bệnh đái tháo đường không. Nếu không thì loại bỏ khả năng người đó bị hạ đường huyết và tập trung sơ cứu hạ huyết áp.
- Chúng ta phải giữ thái độ bình tĩnh và nhanh chóng để người bệnh ngồi ở nơi thoáng mát, yên tĩnh tránh ồn ào. Hoặc đặt người bệnh nằm trên giường, đầu hơi thấp, nâng cao hai chân.
- Cho người bệnh uống các loại nước như trà gừng, nhân sâm, chè đặc,… hoặc thức ăn mặn sẽ giúp cơ thể cảm thấy dễ chịu trở lại. Nếu ngay lúc đó không có sẵn những thực phẩm như vậy thì hãy cho bệnh nhân uống nhiều nước lọc. Điều này có thể giúp kích thích nhịp tim, tạm thời nâng chỉ số huyết áp lên. Tránh cho bệnh nhân sử dụng đồ uống chứa chất cồn như rượu, bia…
- Nếu có thuốc huyết áp sẵn có thì hãy cho người bệnh uống ngay.
- Sau đó đưa người bệnh đến cơ sở khám chữa bệnh gần nhất để được bác sĩ thăm khám.
Những lưu ý giúp kiểm soát tốt huyết áp
Để kiểm soát tốt huyết áp ngoài việc tuân theo phát đồ điều trị của bác sĩ thì việc ăn uống cũng như sinh hoạt hằng ngày cũng ảnh hưởng rất nhiều đến huyết áp. Vậy để kiểm soát huyết áp tốt hơn chúng ta nên:
1. Ăn uống lành mạnh
Nên ăn các loại rau quả tốt chứa nhiều vitamin, dinh dưỡng và giúp kiểm soát huyết áp được tốt hơn. Ngoài ra chúng ta nên chia làm nhiều bữa ăn trong ngày và tránh bỏ bữa.
2. Ăn một lượng muối vừa phải trong ngày
Việc ăn thừa hay thiếu muối sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến huyết áp. Chính vì thế, chúng ta cần ăn một lượng vừa đủ để huyết áp ổn định hơn.
3. Không hút thuốc hay uống các loại rượu, bia
Như ta đã biết, thuốc lá và bia rượu là những thứ không tốt cho sức khoẻ nói chung và những bệnh lý huyết áp nói riêng.
4. Tập thể dục đều đặn
Chúng ta nên tập thể dục đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày. Ít nhất 5 ngày mỗi tuần để tăng cường thể lực. Ngoài ra còn nâng cao sức khoẻ và giúp ổn định huyết áp được tốt hơn.
5. Giữ tinh thần luôn thoải mái, tránh căng thẳng, stress
Việc căng thẳng hay stress sẽ ảnh hưởng đến chỉ số huyết áp. Việc duy trì trạng thái tinh thần luôn thoải mái sẽ giúp duy trì huyết áp được tốt hơn.
6. Thường xuyên theo dõi huyết áp tại nhà hoặc kiểm tra định kì
Theo dõi huyết áp giúp bạn kiểm soát huyết áp được tốt hơn. Nếu bạn thấy bất thường có thể đến khám bác sĩ để được thăm khám cũng như điều chỉnh thuốc cho phù hợp.
Tụt huyết áp là một bệnh lý nguy hiểm và có thể lấy đi mạng sống của chúng ta bất cứ lúc nào. Chính vì thế, chúng ta không nên chủ quan về căn bệnh này. Chúng ta cần nắm rõ về bệnh này để phòng ngừa cũng như biết cách xử lý khi gặp người bị tụt huyết áp.
Qua bài viết trên đây, Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Thành Đô đã giải đáp thắc mắc nên uống gì khi bị tụt huyết áp cũng như cung cấp thêm những cách xử lý khi gặp người bị tụt huyết áp. Nếu bạn có thắc mắc hay có vấn đề gì cần được tư vấn thì hãy liên hệ với chúng tôi nhé!