Tim phì đại nguy hiểm như thế nào?

Tim phì đại không phải là một bệnh, mà là một dấu hiệu của bệnh lý khác. Thuật ngữ “Tim phì đại” dùng để chỉ một quả tim lớn trên hình ảnh học, chẳng hạn như X-quang ngực. Các xét nghiệm khác sau đó là cần thiết để chẩn đoán nguyên nhân khiến tim trở nên phì đại. Vậy nguyên nhân gì khiến tim to hơn bình thường và làm thế nào để nhận biết và điều trị tình trạng này? Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để giải đáp những thắc mắc đó.

1. Dấu hiệu nhận biết Tim phì đại là gì?

Ở một số người, phì đại tim không gây ra dấu hiệu hoặc triệu chứng cụ thể. Nhưng ở những người khác, các dấu hiệu và triệu chứng có thể có là:

  • Khó thở
  • Nhịp tim bất thường (rối loạn nhịp)
  • Sưng (phù)

Tim phì đại sẽ dễ điều trị hơn khi được phát hiện sớm. Hãy tìm đến cơ sở y tế khẩn cấp nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng nào dưới đây, được cho là có thể cảnh báo rằng bạn đang bị đau tim:

  • Đau ngực
  • Khó chịu ở những chỗ khác ở nửa trên cơ thể, bao gồm một hoặc cả hai cánh tay, lưng, cổ, hàm hoặc dạ dày
  • Khó thở nặng
  • Ngất xỉu

2. Nguyên nhân nào gây ra Tim phì đại?

Hiện tượng này có thể được gây ra bởi những tình trạng khiến tim bơm mạnh hơn bình thường hoặc làm tổn thương cơ tim. Đôi khi tim trở nên lớn hơn và yếu đi mà không rõ nguyên nhân. Hay còn được gọi là bệnh tim phì đại vô căn.

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Tim mạch, tải ngay ứng dụng YouMed.

Bệnh tim bẩm sinh, tổn thương do đau tim hoặc nhịp tim bất thường (rối loạn nhịp) có thể khiến tim to lên. Các bệnh lý khác liên quan đến tim phì đại bao gồm:

Huyết áp cao

Tim phải bơm mạnh hơn để đưa máu đến phần còn lại của cơ thể, gây phì đại và làm dày cơ tim. Huyết áp cao có thể khiến tâm thất trái phì đại, cuối cùng làm cơ tim yếu đi. Huyết áp cao cũng có thể làm to các buồng tim trên.

Bệnh van tim

Bốn van tim giữ cho máu chảy đúng hướng. Nếu các van bị tổn thương do các bệnh như sốt thấp khớp, khuyết tật tim, nhiễm trùng (viêm nội tâm mạc nhiễm trùng), nhịp tim không đều (rung nhĩ), bệnh mô liên kết, một số loại thuốc hoặc xạ trị trong bệnh ung thư, tim có thể bị phì đại.

Bệnh cơ tim

Bệnh tim này khiến tim bạn khó bơm máu đi khắp cơ thể hơn. Khi bệnh tiến triển, tim phì đại hơn để cố gắng bơm máu đi nhiều hơn.

Áp lực động mạch phổi cao (tăng áp phổi)

Tim của bạn cần phải bơm mạnh hơn để đẩy máu đi giữa phổi và tim. Hậu quả là, tim bên phải bị phì đại.

Tràn dịch màng ngoài tim.

Sự tích tụ dịch xung quanh tim có thể khiến tim trở nên phì đại khi nhìn trên X-quang ngực.

Bệnh động mạch vành.

Với bệnh này, mảng xơ mỡ trong động mạch vành gây cản trở lưu thông máu, có thể dẫn đến đau thắt ngực. Khi một phần cơ tim chết, tim phải bơm mạnh hơn để có đủ máu đến các phần còn lại của cơ thể, từ đó làm cho tim phì đại.

Số lượng hồng cầu thấp (thiếu máu).

Thiếu máu là tình trạng không có đủ tế bào hồng cầu khỏe mạnh để mang đủ oxy đến các mô. Nếu không được điều trị, thiếu máu mãn tính có thể dẫn đến nhịp tim nhanh hoặc không đều. Tim của bạn phải bơm máu nhiều hơn để bù cho việc thiếu oxy máu.

Bệnh tuyến giáp.

Cả tuyến giáp hoạt động kém (suy giáp) và tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp) có thể dẫn đến các vấn đề về tim, bao gồm cả tim phì đại.

Quá nhiều chất sắt trong cơ thể (ứ sắt).

Ứ sắt là một rối loạn trong đó cơ thể bạn không chuyển hóa chất sắt đúng cách, khiến nó tích tụ trong nhiều cơ quan khác nhau, trong đó có tim. Việc này gây ra phì đại thất trái do cơ tim bị suy yếu.

Các bệnh hiếm gặp, chẳng hạn như amyloidosis.

Amyloidosis là tình trạng các protein bất thường lưu thông trong máu và có thể lắng đọng trong tim, cản trở chức năng của tim và khiến tim phì đại.

3. Yếu tố nguy cơ của Tim phì đại là gì?

  • Huyết áp cao. Có số đo huyết áp cao hơn 140/90 mmHg.
  • Tiền sử gia đình có tim phì đại hoặc bệnh cơ tim. Nếu thành viên trực hệ trong gia đình, như cha mẹ hoặc anh chị em, có phì đại tim, bạn sẽ dễ bị bệnh hơn.
  • Bệnh tim bẩm sinh. Nếu khi sinh ra bạn có bệnh ảnh hưởng đến cấu trúc của tim, nguy cơ bị tim phì đại sẽ cao hơn.
  • Bệnh van tim. Các tổn thương van tim (Tim có bốn van – van động mạch chủ, van hai lá, van động mạch phổi và van ba lá – mở và đóng để dòng máu chảy đúng hướng)

4. Tim phì đại có thể gây ra hậu quả gì?

Nguy cơ biến chứng do tim phì đại phụ thuộc vào phần tim bị phì đại và nguyên nhân.

Một số biến chứng có thể gặp bao gồm:

  • Suy tim. Thất trái phì đại, một trong những nguyên nhân phì đại tim nặng nhất, làm tăng nguy cơ suy tim. Khi bị suy tim, cơ tim yếu đi và tâm thất giãn ra đến mức tim không thể bơm máu đi khắp cơ thể một cách hiệu quả.
  • Cục máu đông. Tim phì đại dễ hình thành cục máu đông ở bên trong tim. Cục máu đông xâm nhập vào máu sẽ chặn lưu thông máu đến các cơ quan quan trọng, thậm chí gây ra cơn đau tim hoặc đột quỵ. Cục máu đông hình thành ở tim phải có thể di chuyển lên phổi, gây thuyên tắc phổi.
  • Âm thổi ở tim. Với những người có tim phì đại, hai trong bốn van tim – van hai lá và van ba lá – có thể không đóng lại đúng cách do bị giãn, tạo ra dòng máu chảy ngược. Dòng chảy này tạo ra âm thanh gọi là âm thổi. Dù không phải lúc nào cũng có hại, nhưng âm thổi ở tim nên được bác sĩ theo dõi.
  • Ngưng tim và tử vong đột ngột. Đôi khi tim phì đại có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim. Nhịp tim quá chậm để bơm máu đi hoặc quá nhanh để tim đập đúng cách có thể dẫn đến ngất xỉu hoặc, ngưng tim hoặc tử vong đột ngột.

5. Phòng ngừa Tim phì đại như thế nào?

Hãy nói với bác sĩ nếu bạn có tiền sử gia đình có các bệnh có thể gây ra tim phì đại, chẳng hạn như bệnh cơ tim. Nếu bệnh cơ tim hoặc các bệnh tim khác được chẩn đoán sớm, điều trị có thể ngăn ngừa bệnh trở nặng hơn.

Kiểm soát các yếu tố nguy cơ của bệnh động mạch vành – hút thuốc lá, tăng huyết áp, cholesterol cao và đái tháo đường – giúp giảm nguy cơ tim phì đại và suy tim.

Giảm nguy cơ suy tim bằng cách ăn uống lành mạnh và không lạm dụng rượu hoặc sử dụng thuốc kích thích. Kiểm soát huyết áp bằng chế độ ăn uống, tập thể dục và thuốc men cũng giúp ngăn ngừa suy tim.

6. Chẩn đoán Tim phì đại cần những gì?

Nếu bạn có các triệu chứng tim mạch, bạn có thể sẽ cần làm một số xét nghiệm bao gồm:

  • X-quang ngực. Hình ảnh X quang giúp đánh gái tình trạng của phổi và tim. Nếu tim phì đại trên X-quang, các xét nghiệm khác sẽ cần thiết để tìm nguyên nhân.
  • Điện tâm đồ. Giúp chẩn đoán các vấn đề về nhịp tim và tổn thương tim sau cơn đau tim.
  • Siêu âm tim. Đánh giá bốn buồng tim. Xác định buồng tim nào bị phì đại. Tìm kiếm bằng chứng của các cơn đau tim trước đó và xác định xem có bệnh tim bẩm sinh hay không.
  • Test gắng sức. Kiểm tra xem tim bạn hoạt động tốt như thế nào khi hoạt động thể chất. Một bài test gắng sức bao gồm đi bộ trên máy chạy bộ hoặc đi xe đạp trong khi nhịp tim, huyết áp và nhịp thở của bạn được đo liên tục.
  • Chụp cắt lớp vi tính tim (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI). Cung cấp hình ảnh của tim và lồng ngực.
  • Xét nghiệm máu. Kiểm tra nồng độ của một số chất trong máu có thể gây ra vấn đề về tim. Xét nghiệm máu cũng có thể giúp loại trừ các bệnh khác gây ra các triệu chứng của bạn.
  • Sinh thiết tim. Lấy một mẫu nhỏ mô tim đem đi xét nghiệm. Áp lực trong các buồng tim có thể được đo để xem máu bơm mạnh như thế nào. Chụp động mạch vành kiểm tra tắc nghẽn có thể được thực hiện trong khi làm thủ thuật.

7. Điều trị Tim phì đại như thế nào?

Điều trị tim phì đại tập trung vào việc giải quyết nguyên nhân.

Thuốc

  • Thuốc lợi tiểu. Giảm lượng natri và nước trong cơ thể, giúp giảm áp lực trong động mạch và tim
  • Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE). Giảm huyết áp và cải thiện khả năng bơm máu của tim
  • Thuốc ức chế thụ thể angiotensin II (ARB). Thay thể cho thuốc ức chế men chuyển khi không thể dùng ức chế men chuyển
  • Thuốc chẹn beta. Giảm huyết áp và cải thiện chức năng tim
  • Thuốc chống đông. Giảm nguy cơ huyết khối, cơn đau thắt ngực và đột quỵ
  • Thuốc chống loạn nhịp. Giữ cho nhịp tim bình thường

Phẫu thuật hoặc các thủ thuật khác

Nếu dùng thuốc không đủ để điều trị, các thủ thuật y khoa hoặc phẫu thuật có thể cần thiết.

  • Thiết bị điều hòa nhịp tim. Đối với một số loại tim phì đại nhất định (bệnh cơ tim giãn nở), đặt máy tạo nhịp là cần thiết. Ở những người có nguy cơ rối loạn nhịp nặng, điều trị bằng thuốc hoặc máy khử rung tim cấy ghép dưới da (ICD) có thể là một lựa chọn. Nếu nguyên nhân là do rung nhĩ, thì bạn cần làm các thủ thuật để đưa nhịp tim trở lại bình thường và giữ cho tim không đập quá nhanh.
  • Phẫu thuật van tim. Nếu tim phì đại do bệnh van tim hoặc nếu nó gây ra vấn đề về van tim, bạn cần phẫu thuật để sửa chữa hoặc thay thế van.
  • Phẫu thuật bắc cầu mạch vành. Nếu tim phì đại liên quan đến bệnh mạch vành, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật bắc cầu mạch vành.
  • Thiết bị hỗ trợ tâm thất trái (LVAD). Nếu bạn bị suy tim, bạn có thể cần thiết bị này để giúp tim bơm mạnh hơn. Bạn có thể được cấy LVAD trong khi chờ ghép tim hoặc để điều trị suy tim.
  • Ghép tim. Nếu thuốc không thể kiểm soát các triệu chứng của bạn, ghép tim là lựa chọn cuối cùng. Vì số lượng tim hiến thường ít, ngay cả những người bị bệnh nặng cũng có thể phải chờ đợi rất lâu trước khi được ghép tim.

Thay đổi lối sống

  • Bỏ hút thuốc.
  • Giảm cân.
  • Hạn chế muối trong chế độ ăn.
  • Kiểm soát bệnh tiểu đường.
  • Theo dõi huyết áp.
  • Tập thể dục vừa phải, sau khi thảo luận với bác sĩ về chế độ luyện tập phù hợp nhất.
  • Tránh hoặc ngừng sử dụng rượu và caffeine.
  • Cố gắng ngủ tám tiếng mỗi đêm.

Tim phì đại do nhiều nguyên nhân gây ra, chẳng hạn như có thai, cơ tim bị suy yếu, bệnh mạch vành, bệnh van tim hay rối loạn nhịp tim. Tùy thuộc vào nguyên nhân mà tình trạng phì đại là tạm thời hay kéo dài. Nếu bạn có bất kì dấu hiệu hoặc triệu chứng tim mạch nào, hãy đến gặp bác sĩ để được khám và tư vấn điều trị một cách hiệu quả nhất.

Bác sĩ Vũ Thành Đô

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *