Tăng huyết áp là một bệnh lý phổ biến có thể gặp ở rất nhiều người, đặc biệt là độ tuổi trung niên. Ước tính hiện nay có 1,13 tỉ người trên thế giới bị tăng huyết áp theo WHO. Trong đó ⅔ số này sống ở các nước có thu nhập thấp và đang phát triển. Bài viết sau đây của Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Thành Đô sẽ giúp mọi người hiểu hơn về các thông tin chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp hiện nay. Tìm hiểu nhé!
Tăng huyết áp là gì?
Huyết áp (HA) là áp lực của tuần hoàn máu tác động lên thành mạch cơ thể. Cụ thể ở đây thường đề cập đến là thành động mạch. Tăng huyết áp xảy ra khi áp lực này vượt quá chỉ số bình thường của cơ thể.
Thông thường chỉ số huyết áp được viết dưới dạng 2 số. Số đầu tiên là chỉ số huyết áp tâm thu (HATT), chỉ áp suất trong các mạch máu khi tim co bóp tống máu đi. Số thứ hai là chỉ số huyết áp tâm trương (HATTr), chỉ áp suất trong mạch máu khi tim giãn.
Tăng huyết áp được chẩn đoán nếu đo vào hai ngày khác nhau, số đo huyết áp tâm thu của cả hai ngày là ≥ 140 mmHg và / hoặc số đo huyết áp tâm trương ở cả hai ngày là ≥90 mmHg.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Huyết áp, tải ngay ứng dụng YouMed.
Các phương pháp đo huyết áp
Đo huyết áp tại phòng khám
Việc đo HA tại phòng khám thường là cơ sở để chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp. Việc chẩn đoán tăng huyết áp không nên được thực hiện trong một lần thăm khám.
Thông thường, bệnh nhân thường được yêu cầu đo 2–3 lần khám tại phòng khám cách nhau 1–4 tuần (tùy thuộc vào mức HA) để xác định chẩn đoán tăng huyết áp. Chẩn đoán có thể được thực hiện trong một lần khám duy nhất, nếu HA ≥180 / 110 mm Hg và có bằng chứng về bệnh tim mạch (CVD).
- Đánh giá ban đầu: Đo HA ở cả hai cánh tay, tốt nhất là đo đồng thời. Nếu có sự khác biệt giữa các tay > 10 mm Hg trong các phép đo lặp lại, ghi nhận ở tay có HA cao hơn. Nếu sự khác biệt > 20 mm Hg, cần xem xét thêm.
- Huyết áp đứng: Đo ở người cao huyết áp đã điều trị sau 1 phút và đo lại sau 3 phút khi có các triệu chứng gợi ý hạ huyết áp tư thế; ở lần khám đầu tiên ở người cao tuổi và người mắc bệnh tiểu đường.
Đo huyết áp ngoài phòng khám
Các phép đo HA ngoài phòng khám (do bệnh nhân đo tại nhà hoặc theo dõi huyết áp lưu động 24 giờ – ABPM) có khả năng cao hơn các phép đo tại phòng khám. Kết quả thường liên quan chặt chẽ hơn với tổn thương cơ quan do tăng huyết áp và nguy cơ biến cố tim mạch. Đồng thời giúp xác định tăng huyết áp áo choàng trắng và hiện tượng tăng huyết áp đeo mặt nạ.
Đo HA tại phòng khám thường cần thiết để chẩn đoán chính xác tăng huyết áp và đưa ra các quyết định điều trị. Ở những người chưa được điều trị hoặc đo HA ở phòng khám được phân loại là HA cao bình thường hoặc THA độ 1 (tâm thu 130–159 mm Hg và / hoặc tâm trương 85–99 mm Hg). Mức HA cần được xác nhận bằng cách theo dõi HA tại nhà hoặc bằng monitor.
Tiêu chí xác định tăng huyết áp dựa trên đo huyết áp phòng khám, đo huyết áp lưu động (ABPM) và đo huyết áp tại nhà (HBPM) (ISH 2020)
HATT/ HATTr, mmHg | |
Huyết áp phòng khám | ≥ 140 và/ hoặc ≥ 90 |
Huyết áp lưu động (HALĐ) | |
Trung bình 24h | ≥ 130 và/hoặc ≥ 80 |
Ban ngày (hoặc lúc thức) | ≥ 135 và/hoặc ≥ 85 |
Ban đêm (hoặc lúc ngủ) | ≥ 120 và/hoặc ≥ 70 |
Theo dõi huyết áp tại nhà | ≥ 135 và/hoặc ≥ 85 |
Chẩn đoán tăng huyết áp
Việc chẩn đoán tăng huyết áp phải dựa vào các yếu tố: bệnh sử, khám lâm sàng kết hợp cận lâm sàng. Trong đó, tiền sử bệnh và khám lâm sàng là các yếu tố thiết yếu. Các cận lâm sàng giúp hỗ trợ tối ưu để chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp.
1. Tiền sử bệnh
Hầu như các bệnh nhân tăng huyết áp ở giai đoạn đầu thường không có triệu chứng. Tuy nhiên một số triệu chứng có thể gợi ý tăng huyết áp thứ phát hoặc biến chứng của tăng huyết áp. Do đó việc khai thác bệnh sử và tiền sử gia đình quan trọng và thường được khuyến cáo.
-
Huyết áp:
Cần ghi nhận huyết áp tại thời điểm khởi phát, theo thời gian. So sánh với mức huyết áp trước đó. Các loại thuốc đang sử dụng (kể cả thuốc tăng huyết áp và các thuốc khác). Tiền sử tác dụng phụ của thuốc tăng huyết áp. Việc tuân thủ điều trị tăng huyết áp.
-
Các yếu tố nguy cơ:
Tiền sử các bệnh lý tim mạch của bản thân và gia đình ( nhồi máu cơ tim, suy tim, đột quỵ, thiếu máu não thoáng qua,…). Tiền sử các bệnh lý khác như: tiền đái tháo đường, rối loạn lipid máu,… Chế độ ăn uống, sinh hoạt, tâm lý xã hội.
-
Đánh giá nguy cơ tim mạch tổng thể.
-
Triệu chứng/dấu hiệu của tăng huyết áp/ các bệnh kèm theo:
Đau ngực, khó thở, hồi hộp, trống ngực, dấu hiệu đi cách hồi, phù ngoại biên, đau đầu, giảm thị lực, tiểu đêm, tiểu máu, chóng mặt.
Các triệu chứng gợi ý tăng huyết áp thứ phát :
- Yếu cơ / cơn tetany.
- Chuột rút.
- Rối loạn nhịp tim (hạ kali máu / cường aldosteron nguyên phát).
- Phù phổi (hẹp động mạch thận).
- Vả mồ hồi.
- Hồi hộp, đau đầu thường xuyên (u tủy thượng thận).
- Ngáy, ngủ ngày ( ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn đường thở).
2. Khám lâm sàng
Việc khám trực tiếp toàn diện có thể giúp khẳng định chẩn đoán tăng huyết áp và xác định cơ quan đích tổn thương do tăng huyết áp.
- Tuần hoàn và tim: Đặc điểm/ tần số hay nhịp tim, tiếng tim, các âm thổi…
- Các cơ quan/ hệ thống khác: Thận, chu vi cổ , tuyến giáp, chỉ số khối cơ thể (BMI)/ chu vi vòng eo, tích tụ mỡ, da…
3. Các xét nghiệm và điện tâm đồ (ECG):
- Các xét nghiệm máu như: Natri, kali, creatinin huyết tương, và mức lọc cầu thận ước tính (eGFR). Bilan lipid và glucose máu đói, nếu có.
- Xét nghiệm nước tiểu.
- ECG 12 chuyển đạo.
4. Các test chẩn đoán bổ sung:
Các thăm dò thêm khi có chỉ định có thể thực hiện để đánh giá và xác nhận sự nghi ngờ có các bệnh đồng mắc và/hoặc tăng huyết áp thứ phát.
Chẩn đoán hình ảnh:
- Siêu âm tim.
- Siêu âm động mạch cảnh: Mảng xơ vữa, hẹp động mạch cảnh.
- Siêu âm doppler động mạch thận.
- Chụp CT/MRI.
- Soi đáy mắt.
Các test chức năng và các khảo sát xét nghiệm bổ sung
- Các chỉ số huyết áp đo cổ chân- cánh tay.
- Các xét nghiệm sâu nếu nghi ngờ tăng huyết áp thứ phát: Tỉ số renin-aldosterone; Metanephrine tự do huyết tương; Cortisol nước bọt cuối ngày…
- Tỉ số albumin/ creatinin niệu.
- Nồng độ axit uric máu.
- Xét nghiệm chức năng gan.
Khi nào bạn cần thăm khám bác sĩ?
Để đảm bảo duy trì sức khỏe tổng thể tốt nhất bạn nên khám định kỳ 6 tháng một lần. Đối với độ tuổi từ 40 trở lên, hoặc từ 18-39 với người có nguy cơ cao, cần thường xuyên thăm khám tim mạch theo hướng dẫn của bác sĩ.
Nếu không thể thường xuyên đến phòng khám để kiểm tra huyết áp, bạn có thể thực hiện việc đo HA tại nhà hoặc các điểm công cộng như hiệu thuốc bằng máy đo huyết áp điện tử. Các máy đo này có thể có một số hạn chế. Độ chính xác của máy phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: kích thước vòng tay, cách sử dụng máy…
Thường nên kiểm tra huyết áp ở cả hai cánh tay để xác định xem có sự khác biệt hay không. Quan trọng là bạn phải sử dụng băng quấn tay có kích thước phù hợp. Nên tham vấn bác sĩ để có thể lựa chọn và sử dụng máy đo tại nhà hợp lý và chính xác nhất.
Các phương pháp điều trị tăng huyết áp
Thay đổi lối sống
Lối sống lành mạnh đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe của chúng ta. Việc thay đổi lối sống là bước đầu tiên trong điều trị tăng huyết áp. Thay đổi lối sống giúp nâng cao hiệu quả điều trị, ngăn ngừa và trì hoãn các nguy cơ tim mạch.
- Tập thể dục thường xuyên ít nhất 5 ngày trong tuần. ( Ví dụ đi bộ, chạy bộ, đạp xe hoặc bơi lội.)
- Kiểm soát stress bằng thiền, yoga, đi bộ, tư vấn tâm lý…
- Tránh uống rượu, các chất kích thích, thuốc là và đồ ăn vặt để giải tỏa căng thẳng.
- Tránh hoặc bỏ hút thuốc làm giảm nguy cơ tăng huyết áp, các bệnh tim nghiêm trọng và các vấn đề sức khỏe khác.
Điều trị thuốc
Việc sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp nên tuân theo hướng dẫn của bác sĩ. Không được tự ý sử dụng. Thuốc hạ huyết áp thường sẽ chỉ có một vài tác dụng phụ nhỏ. Bệnh nhân có thể phải sử dụng phối hợp hai hoặc ba loại thuốc tùy tình trạng bệnh. Một số thuốc điều trị tăng huyết áp thường được sử dụng gồm:
- Thuốc lợi tiểu, bao gồm thiazide, chlorthalidone và indapamide.
- Beta-blockers và alpha-blockers.
- Thuốc chẹn canxi.
- Chất chủ vận trung ương.
- Chất ức chế adrenergic ngoại vi.
- Thuốc giãn mạch.
- Thuốc ức chế men chuyển (ACE).
- Thuốc chẹn thụ thể angiotensin.
Biên tập bởi: Dược sĩ Lương Triệu Vĩ
Chế độ ăn
Chế độ ăn lành mạnh sẽ đem lại nhiều lợi ích cho hệ tim mạch. Những người mắc bệnh hoặc có nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp nên hạn chế lượng muối tiêu thụ.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị giảm lượng tiêu thụ muối xuống dưới 5 gram mỗi ngày để giúp giảm nguy cơ tăng huyết áp và các vấn đề sức khỏe liên quan. Tăng cường ăn nhiều trái cây, rau quả và ít chất béo. Một số chất béo, chẳng hạn như chất béo trong cá nhiều dầu và dầu ô liu, có tác dụng bảo vệ tim mạch. Nên sử dụng các loại thực phẩm như:
- Ngũ cốc nguyên hat và các thực phẩm giàu chất xơ.
- Các loại rau củ, trái cây.
- Các loại hạt.
- Cá giàu omega-3.
- Dầu thực vật.
- Các loại gia cầm.
- Sản phẩm từ sữa ít béo.
Hiện nay các kiến thức về chẩn đoán và phương pháp điều trị tăng huyết áp đã phổ biến hơn. Mọi người đều có thể cập nhật kiến thức thường xuyên để hỗ trợ cho việc ngăn ngừa và điều trị bệnh. Tuy nhiên việc điều trị tăng huyết áp vẫn nên tuân theo dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ. Những kiến thức này chỉ giúp bổ sung thêm thông tin tham khảo.