Thuyên tắc động mạch phổi: Cái chết bất ngờ

Máu chảy trong cơ thể con người thành hai vòng tuần hoàn. Trong vòng tuần hoàn lớn, máu từ tim theo động mạch chủ đi nuôi các cơ quan. Trong vòng tuần hoàn nhỏ, máu theo động mạch phổi lên phổi trao đổi oxy. Các vòng tuần hoàn diễn ra liên tục, đều đặn giúp cơ thể hoạt động bình thường. Khi các mạch máu bị tắc nghẽn, dòng tuần hoàn bị cản trở, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Tùy theo mạch máu nuôi cơ quan nào bị tổn thương, trước tiên sẽ ảnh hưởng tới cơ quan đó. Sau đó kéo theo sự rối loạn tuần hoàn toàn cơ thể. Trong bìa viết này chúng ta cùng tìm hiểu về Thuyên tắc động mạch phổi. Đây là bệnh lý nguy hiểm, diễn tiến nhanh và để lại hậu quả nặng nề.

Thuyên tắc phổi là gì?

  • Máu lưu thông qua phổi từ tim phải để lấy oxy và loại bỏ khí CO2 (gọi là trao đổi khí). Máu sau đó lưu thông từ phổi trở về tim trái để được bơm ra phần còn lại của cơ thể. Tắc mạch phổi là tình trạng một cục máu đông lọt vào mạch máu trong phổi. Cục máu đông này ngăn chặn dòng lưu thông bình thường của máu trong vùng đó. Sự tắc nghẽn này gây trở ngại cho việc trao đổi khí. Tùy thuộc vào cục máu đông nhỏ hay to và số lượng các mạch máu có liên quan, nó có thể đe dọa tính mạng.
  • Do sự phân thùy của phổi, động mạch phổi cũng phân nhánh. Tùy vị trí tắc nghẽn mà mức độ tổn thương cũng như nguy hiểm cũng thay đổi theo. Tắc vị trí động mạch càng lớn thì tổn thương càng nhiều dễ dẫn tới tử vong và ngược lại.

Tại sao bị thuyên tắc phổi?

Thuyên tắc động mạch phổi gây ra bởi sự di chuyển của cục máu đông. Sự tạo thành cục máu đông trong hệ tĩnh mạch phụ thuộc nhiều yếu tố.

Tốc độ di chuyển của dòng máu:

  • Liên quan đến vận động cơ thể, lười vận động máu chảy càng chậm càng dễ bị huyết khối.
  • Hệ thông van tĩnh mạch. Suy van tĩnh mạch làm dòng máu lưu thông không thuận lợi làm dễ tạo huyết khối.

Sự xơ vữa của hệ thống mạch máu. Mạch máu xơ vữa dễ bị các yếu tố đông máu bám vào để tạo cục máu đông. Ngoài ra mạch máu hẹp do xơ vữa cũng cản trở làm máu chảy chậm.

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Tim mạch, tải ngay ứng dụng YouMed.

Mức độ hoạt hóa của các hệ thống đông máu. Liên quan đến các bệnh mà bệnh nhân có sẵn, thuốc chống đông…

Khi một trong những yếu tố trên bất thường sẽ dễ tạo thành cục máu đông. Cục máu đông này sẽ di chuyển từ các tĩnh mạch sang tim phải. Từ tim phải đi vào động mạch phổi chính và có thể bị mắc kẹt ở đó. Thuyên tắc phổi chủ yếu xuất phát từ huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới. Ngoài ra, có thể xuất phát từ các tĩnh mạch chậu, thận, chi trên hoặc từ tim phải.

Một số ít trường hợp thuyên tắc phổi không phải do huyết khối mà do những nguyên nhân khác như:

  • Thuyên tắc mỡ.
  • Do dị vật.
  • Ung thư.
  • Thuyên tắc khí.
  • Thuyên tắc ối (thường gặp trong thuyên tắc phổi sau sinh).
  • Nhiễm trùng huyết.

Thuyên tắc động mạch phổi

Thuyên tắc động mạch phổi

Những người nào có nguy cơ bị thuyên tắc động mạch phổi?

Sự hình thành cục máu đông bị tác động bởi nhiều yếu tố. Các yếu tố nguy cơ được phân thành hai nhóm: di truyền và mắc phải

Di truyền

Các bệnh lý di truyền làm gia tăng quá trình đông máu tạo điều kiện tạo thành huyết khối:

  • Thiếu antithrombin III.
  • Yếu tố V Leiden (kháng protein C hoạt hóa).
  • Khiếm khuyết gen prothrombin.
  • Thiếu protein C.
  • Thiếu protein S.
  • Rối loạn fibrinogen máu.
  • Rối loạn plasminoge.
  • Tăng homocystein máu.

Mắc phải

Các bệnh lý thường dễ tạo thành cục máu đông:

  • Trên 70 tuổi.
  • Tiền căn phẫu thuật lớn, đặc biệt là phẫu thuật phụ khoa hoặc phẫu thuật xương chậu và chân.
  • Tiền căn thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch.
  • Chấn thương, chấn thương sọ não.
  • Gãy khớp háng.
  • Bất động, liệt.
  • Suy tĩnh van tĩnh mạch.
  • Giãn tĩnh mạch chi dưới.
  • Bệnh nhân có suy tim.
  • Nhồi máu cơ tim.
  • Béo phì.
  • Mang thai hoặc trong vòng 6 tuần sau sinh.
  • Sử dụng thuốc ngừa thai: Viên uống tránh thai hoặc thuốc hormon.
  • Thói quen hút thuốc lá.
  • Mắc bệnh ung thư.
  • Đi xe hơi hoặc máy bay đường dài mà không dừng lại vận động cơ thể.
  • Người không sử dụng thuốc làm loãng máu đã được bác sĩ chỉ định.
  • Một số bệnh lý miễn dịch hệ thống như: hội chứng kháng phospholipid, lupus ban đỏ hệ thống.

Thuyên tắc động mạch phổi

Giãn tĩnh mạch nguy cơ tạo thành huyết khối

Biến chứng của thuyên tắc động mạch phổi

Khi huyết khối nằm trong động mạch phổi sẽ chặn lưu lượng máu đến phổi để nhận lấy oxy. Không có đủ máu để nhận được oxy nồng độ oxy trong cơ thể giảm xuống một cách nguy hiểm. Điều này có thể gây ra tổn thương cho tất cả các cơ quan trong cơ thể. Đầu tiên kể tới não, thận và tim.

Ngoài ra, do tắc nghẽn tại phổi làm tăng áp suất lên tim. Tim phải dùng lực mạnh hơn để bóp máu lên phổi. Nếu tim không thể bơm đủ máu, huyết áp cũng giảm xuống. Tất cả những tác động này có thể dẫn đến tử vong đột ngột hoặc tử vong sớm nếu không được điều trị.

Thuyên tắc phổi là bệnh thường gây tử vong với tỉ lệ khoảng 30% nếu không được điều trị. Tuy nhiên tử suất có thể giảm đáng kể nhờ chẩn đoán và điều trị sớm.

Những trường hợp thuyên tắc động mạch phổi nhỏ, tiên lượng thường tốt hơn. Tuy nhiên nếu không được điều trị lâu dần cũng sẽ dẫn tới biến chứng nguy hiểm:

  • Suy tim do tim phải hoạt động nhiều để bóp máu lên phổi.
  • Gây nên tình trạng tăng áp động mạch phổi.
  • Tăng nguy cơ thuyên tắc động mạch phổi lần sau và các biến chứng do cục máu đông khác.

Biểu hiện của thuyên tắc động mạch phổi như thế nào?

Triệu chứng của thuyên tắc mạch phổi phụ thuộc vào:

  • Số lượng, kích thước cục máu đông.
  • Số lượng, kích thước mạch máu phổi bị tắc.
  • Tình trạng sức khỏe của bệnh nhân tại thời điểm đó.

Có nhiều trường hợp thuyên tắc mạch phổi không có triệu chứng gì. Bệnh nhân chỉ phát hiện khi có những biến chứng của thuyên tắc mạch phổi. Hoặc vô tình phát hiện khi đi khám sức khỏe định kỳ.

Trường hợp thuyên tắc mạch phổi có triệu chứng

Bệnh nhân có thể có các dấu hiệu sau:

  • Khó thở: có thể khó thở nhẹ hoặc nặng, thậm chí là rất nặng dẫn đến suy hô hấp.
  • Đau ngực: cảm giác đau nhói khi hít vào. Bệnh nhân không thể hít thở sâu, hít càng sâu càng đau.
  • Ho ra máu.
  • Sốt nhẹ.
  • Tim đập nhanh.

Trường hợp thuyên tắc mạch phổi nặng

Bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng như:

  • Suy hô hấp.
  • Đau nhói giữa ngực xuyên qua xương ức.
  • Cơ thể mệt mỏi, không có sức lực, thường xuyên bị choáng. Nguyên nhân là do huyết khối lớn cản trở hoạt động bơm máu và tuần hoàn của tim. Dẫn đến giảm huyết áp cung cấp các cơ quan như não.
  • Ở những trường hợp rất nặng, bệnh nhân có thể bị ngừng tim dẫn đến tử vong rất nhanh.
  • Huyết khối tĩnh mạch sâu là bắt nguồn của thuyên tắc động mạch phổi. Chúng ta cũng cần theo dõi các triệu chứng của huyết khối tĩnh mạch sâu để điều trị trước. Trường hợp có huyết khối tĩnh mạch sâu, bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng như:
  • Đột ngột đau bắp chân.
  • Đau cơ bắp chân tăng dần.
  • Sưng bàn chân hoặc sưng một chân.
  • Phần da bắp chân đỏ, nóng ran, có vết bầm trên da.

Bệnh thuyên tắc mạch phổi nếu được chẩn đoán và điều trị sớm có thể khỏi dứt điểm. Nhưng nếu phát hiện muộn, bệnh nhân có thể gặp biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng.

Chẩn đoán thuyên tắc động mạch phổi như thế nào?

Chẩn đoán thuyên tắc phổi dựa vào yếu tố nguy cơ, các triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm. Tùy đánh giá bác sĩ và tình trạng bệnh nhân mà sẽ thực hiện các xét nghiêm phù hợp:

Các xét nghiệm thường quy:

1. Giúp đánh giá toàn diện bệnh nhân:

  • Khí máu động mạch.
  • X-quang phổi.
  • Điện tâm đồ.

2. Xét nghiệm chuyên sâu:

  • Siêu âm tim: thường được thực hiện để đánh giá mức độ nghiêm trọng của thuyên tắc phổi.
  • Định lượng men tim: để tiên lượng bệnh nhân.
  • Định lượng nồng độ D-dimer trong máu. D-dimer là một sản phẩm giáng hóa của fibrin. Nồng độ D-dimer càng cao càng đặc hiệu cho chẩn đoán thuyên tắc phổi.
  • Siêu âm tĩnh mạch chi dưới: 50% thuyên tắc phổi có huyết khối tĩnh mạch chi dưới.
  • Chụp CT động mạch phổi là xét nghiệm được sử dụng để tìm kiếm nguyên nhân của thuyên tắc phổi.
  • Xạ hình thông khí tưới máu: phát hiện bất tương hợp thông khí tưới máu. Xạ hình bình thường giúp loại trừ chẩn đoán.
  • Chụp cản quang hệ mạch máu phổi. Là xét nghiệm xâm lấn nhưng là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán thuyên tắc phổi.

Điều trị thuyên tắc động mạch phổi như thế nào?

Thường một người bị tắc mạch phổi cấp tính sẽ được nhập viện và có thể phải đến phòng săn sóc đặc biệt. Điều trị ban đầu rất quan trọng khi gặp thuyên tắc động mạch phổi. Nếu bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng phải điều trị hồi sức. Sau đó mới điều trị làm tan cục máu đông. Điều trị thuyên tắc động mạch phổi kết hợp giữa thuốc và các thủ thuật

Điều trị bằng thuốc

  • Thuốc làm tan cục máu đông: được gọi là thuốc tiêu sợi huyết. Tiêu sợi huyết có hiệu quả cao nhất trong vòng 48 giờ kể từ khi xuất hiện triệu chứng.
  • Thuốc chống đông máu: các loại thuốc giúp ngăn ngừa cục máu đông phát triển hoặc mới hình thành.

Các thủ thuật

  • Phẫu thuật lấy huyết khối, hoặc can thiệp lấy huyết khối bằng ống thông. Đây là kĩ thuật cao cần được thực hiện bởi bác sĩ có kinh nghiệm. Chỉ định của thủ thuật cũng nghiêm ngặt cần được xem xét kĩ.
  • Dùng lưới lọc tĩnh mạch chủ dưới. Để ngăn chặn cục máu đông di chuyển và được chỉ định khi không dùng được thuốc chống đông máu.

Thuyên tắc động mạch phổi

Đặt lưới lọc tĩnh mạch chủ dưới

Theo dõi bệnh nhân sau điều trị thuyên tắc động mạch phổi như thế nào?

Bệnh nhân ngoài điều trị y khoa thì nên kết hợp với việc thay đổi lối sống lành mạnh. Nên áp dụng các thói quen này để ngăn ngừa bệnh tái phát. Bao gồm:

  • Khám đúng lịch để các bác sĩ kiểm soát tình trạng bệnh, phát hiện các diễn biến bất thường.
  • Uống thuốc đúng liều, đúng hướng dẫn của bác sĩ. Không tự ý dừng thuốc, không tự ý mua thuốc khi không có sự cho phép của bác sĩ.
  • Hạn chế nằm quá lâu.
  • Tập thể dục đều đặn, thường xuyên vận động.
  • Không hút thuốc lá, không sử dụng các chất kích thích.
  • Kiểm soát cân nặng, cần giảm cân nếu béo phì
  • Cố giữ ngón chân cao hơn hông khi nằm hoặc ngồi.
  • Không mặc quần áo quá khó khiến quá trình lưu thông máu bị cản trở.

Thuyên tắc động mạch phổi là tình trạng cấp cứu nguy hiểm tính mạng. Bệnh có nguy cơ tử vong và nhiều biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên có thể chữa khỏi nếu được điều trị đúng đắn, kịp thời. Theo dõi bệnh nhân sau thuyên tắc động mạch phổi cũng rất quan trọng, đặc biệt nếu có dùng thuốc chống đông máu. Tuân thủ điều trị, phát hiện kịp thời và phòng ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu là chìa khóa để cải thiện tiên lượng thuyên tắc động mạch phổi.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *