Thất phải hai đường ra là một trong những bệnh lý tim bẩm sinh nguy hiểm. Bệnh được chẩn đoán trước hoặc sau khi sinh trong giai đoạn sớm. Hãy cùng YouMed tìm hiểu về bệnh lý này qua bài viết dưới đây để biết cách phát hiện và quản lý bệnh như thế nào.
1. Tổng quan về bệnh Thất phải hai đường ra
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Tim mạch, tải ngay ứng dụng YouMed.
Ở tim bình thường, động mạch phổi nối với thất phải và động mạch chủ nối với thất trái. Trong bệnh thất phải hai đường ra (DORV), động mạch chủ và động mạch phổi nối một phần hoặc hoàn toàn với thất phải. Đôi khi hai động mạch này bị đảo ngược vị trí.
- Ở người bị bệnh này, giữa hai buồng thất có một lỗ thông, gọi là thông liên thất, có thể nằm ở một số vị trí trên vách liên thất. Do đó dòng máu giàu oxy từ thất trái chảy qua thất phải và trộn với máu nghèo oxy. Vì vậy, trẻ sinh ra có độ bão hòa oxy máu thấp hơn bình thường.
- Quá nhiều máu chảy qua thất phải dẫn đến máu lên phổi nhiều, gây suy tim và chậm phát triển sau này. Trong một số trường hợp khác, máu lên phổi có thể giảm, làm cho da của trẻ xanh xao.
Trẻ có thể cần phải phẫu thuật để sửa chữa dị tật này và các dị tật khác đi kèm. Một số trẻ sẽ cần phải phẫu thuật trong vài ngày đầu sau sinh. Số khác có thể phải phẫu thuật vào lúc vài tháng tuổi.
Một số người có thể có những dị tật bẩm sinh khác đi kèm. Chẳng hạn như lỗ thông khác ở tim (thông liên nhĩ), vấn đề về van tim hoặc mạch máu. Các dị tật tim khác có thể đòi hỏi thay đổi thuốc điều trị và phương pháp phẫu thuật.
2. Chẩn đoán bằng cách nào?
Để chẩn đoán bệnh Thất phải hai đường ra, bác sĩ sẽ làm siêu âm tim. Xét nghiệm này có thể giúp bác sĩ nhìn rõ tim, bao gồm hai tâm thất, động mạch chủ và động mạch phổi cũng như các van tim. Bác sĩ thường dùng xét nghiệm này để chẩn đoán tình trạng bệnh và các dị tật đi kèm, cũng như xác định hướng điều trị thích hợp.
Nếu cần thêm thông tin, bác sĩ có thể chỉ định CT hoặc MRI tim hoặc đặt catheter vào tim. Khi đặt catheter tim, con bạn sẽ được luồn một ống thông nhỏ, mềm (catheter) vào động mạch hoặc tĩnh mạch ở háng hoặc cổ và luồn đến tim. Thuốc cản quang sẽ được bơm qua catheter để các cấu trúc của tim hiện rõ trên X-quang. Đặt catheter tim cũng giúp đo áp lực và nồng độ oxy trong buồng tim và trong mạch máu.
3. Điều trị thất phải hai đường ra như thế nào?
Tuỳ vào dị tật tim cụ thể và các dị tật đi kèm sẽ có những loại phẫu thuật phù hợp.
- Tạo đường hầm (vách ngăn) qua lỗ thông liên thất để nối tâm thất trái với động mạch chủ
- Đổi chỗ động mạch chủ và động mạch phổi, nếu có hoán vị đại động mạch. Nối động mạch phổi với tâm thất phải và động mạch chủ với tâm thất trái
- Đặt một miếng vá giữa hai tâm thất để đóng lỗ thông liên thất
- Lồng một đoạn mạch máu để nối thất phải với động mạch phổi nếu động mạch phổi nhỏ hoặc không có
- Mở rộng đoạn động mạch phổi bị hẹp để tăng lưu lượng máu
- Tạo cầu nối động mạch chủ – động mạch phổi để cung cấp nhiều máu hơn cho động mạch phổi
- Thực hiện các quy trình giúp máu đến phổi và giúp tim hoạt động với một tâm thất, nếu dị tật phức tạp
- Sửa chữa các dị tật tim bẩm sinh khác nếu có, như dị tật vách liên nhĩ hoặc còn ống động mạch
- Đặt shunt chủ – phổi tạm thời sẽ được thực hiện cho một số trẻ có lưu lượng máu lên phổi không đủ lúc mới sinh. Shunt sẽ được lấy ra sau này khi trẻ được phẫu thuật tim.
Điều trị thất phải hai đường ra ở người lớn
Bác sĩ sẽ đánh giá lại thường xuyên để theo dõi những thay đổi trong quá trình bệnh. Sau này, người bệnh có thể cần tiến hành phẫu thuật đối với bệnh van tim, chẳng hạn như hẹp hoặc hở van tim. Một số người cần được đánh giá kỹ động mạch chủ và động mạch phổi, đặc biệt nếu họ muốn phẫu thuật sớm. Một số ít người bệnh có thể cần đến thuốc điều trị suy giảm chức năng thất phải hoặc trái.
>> Hội chứng trái tim tan vỡ – bạn đã từng nghe đến hội chứng này bao giờ chưa?
Thất phải hai đường ra là bệnh lý tim bẩm sinh gây thiếu oxy máu, dẫn đến nhiều hệ quả nghiêm trọng. Nếu con bạn có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh, hãy liên hệ bác sĩ nhi khoa Tim mạch để được khám và điều trị kịp thời.
Bác sĩ Đào Thị Thu Hương