Tăng huyết áp nguyên phát và thứ phát: Làm thế nào phân biệt?

Nhiều bạn đọc vẫn còn băn khoăn về cách phân biệt giữa tăng huyết áp nguyên phát và thứ phát. Việc chẩn đoán đúng loại tăng huyết áp nào rất quan trọng và ảnh hưởng đến việc điều trị bệnh. Bài chia sẻ sau của Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Thành Đô sẽ giúp bạn phân biệt hai loại tăng huyết áp này.

Thế nào là tăng huyết áp?

Trước khi tìm hiểu xem tăng huyết áp nguyên phát và thứ phát là gì, hãy cùng lượt qua một số vấn đề liên quan đến huyết áp.

Huyết áp là lực của máu tác động lên thành động mạch khi tim bơm máu đi khắp cơ thể. Tình trạng tăng huyết áp có nghĩa là áp lực máu nẩy lên thành mạch mạnh cao hơn bình thường. Huyết áp càng cao khi Tim bơm máu càng nhiều và động mạch càng hẹp.

Tăng huyết áp là bệnh mạn tính rất phổ biến hiện nay. Bạn có thể bị huyết áp cao trong nhiều năm mà không có bất kỳ triệu chứng nào. Huyết áp cao không được kiểm soát làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, như đau tim, bệnh tim và đột quỵ.

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Huyết áp, tải ngay ứng dụng YouMed.

Bạn có thể bị huyết áp cao trong nhiều năm mà không có bất kỳ triệu chứng nào

Huyết áp cao không được kiểm soát làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng

Nguyên nhân gây tăng huyết áp được chia làm 2 loại, tăng huyết áp nguyên phát và thứ phát.

1. Tăng huyết áp nguyên phát

Tăng huyết áp nguyên phát là huyết áp cao nhưng không rõ nguyên nhân gây ra nó. Báo cáo thống kê cho thấy tăng huyết áp nguyên phát chiếm 90% số lượng bệnh nhân tăng huyết áp.

2. Tăng huyết áp thứ phát

Khác với tăng huyết áp nguyên phát, tăng huyết áp thứ phát là huyết áp cao được gây ra bởi một tình trạng sức khỏe nào đó. Ví dụ bệnh nhân có tình trạng liên quan đến bệnh lý thận, tim hoặc nội tiết. Những tình trạng bệnh lý này dẫn đến huyết áp cao. Tăng huyết thứ phát cũng có thể xảy ra trong thai kỳ.

Tăng huyết áp thứ phát chiếm khoảng 10% số người cao huyết áp. Xu hướng của tình trạng này là huyết áp cao cao xuất hiện đột ngột và chỉ số huyết áo thường cao hơn so tăng huyết áp nguyên phát. Trong những trường hợp này, khi bệnh lý nền được điều trị, huyết áp thường trở lại bình thường hoặc hạ xuống đáng kể.

Nguyên nhân tăng huyết áp nguyên phát và thứ phát

Nguyên nhân tăng huyết áp nguyên phát

Như đã đề cập ở trên, tăng huyết áp nguyên phát là khi huyết áp cao nhưng không rõ nguyên nhân gây ra nó. Tuy nhiên, vẫn có những yếu tố nguy cơ làm cho người này dễ mắc tăng huyết áp hơn người khác. Các yếu tố này bao gồm:

  • Thừa cân, béo phì.
  • Ăn quá mặn.
  • Ít vận động thể lưc.
  • Lạm dụng rượu bia, cà phê hoặc các thức uống chứa nhiều caffein khác.
  • Hút thuốc lá nhiều.
  • Lo âu, căng thẳng, không ngủ được nhiều hoặc bị rối loạn giấc ngủ.
  • Trên 65 tuổi.
  • Có người thân bị cao huyết áp.
  • Sống trong một khu vực thiếu thốn, dinh dưỡng kém.

Ăn quá mặn là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tăng huyết áp

Ăn quá mặn là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tăng huyết áp

Nguyên nhân tăng huyết áp thứ phát

Nhiều tình trạng sức khỏe khác nhau có thể gây tăng huyết áp thứ phát, bao gồm:

Các bệnh lý về thận như:

  • Bệnh thận do đái tháo đường, một trong những biến chứng của đái tháo đường. Bệnh tiểu đường có thể làm hư hỏng hệ thống lọc của thận và dẫn đến huyết áp cao.
  • Bệnh thận đa nang: Trong tình trạng này, u nang trong thận ngăn cản thận hoạt động bình thường và có thể làm tăng huyết áp.
  • Bệnh cầu thận. Thận của bạn lọc chất thải và natri bằng cách sử dụng các bộ lọc siêu nhỏ gọi là cầu thận.Nếu các cầu thận tổn thuong không thể hoạt động bình thường có thể dẫn đến cao huyết áp.
  • Hẹp động mạch thận

Các tình trạng bệnh lý liên quan đến nội tiết:

  • Hội chứng Cushing: Lạm dụng thuốc corticosteroid có thể gây tăng huyết áp thứ phát. Hoặc tăng huyết áp có thể do khối u tuyến yên hoặc các yếu tố khác làm cho tuyến thượng thận sản xuất quá nhiều hormone cortisol.
  • Cường Aldosterone: Các tuyến thượng thận sản xuất quá nhiều hormone aldosterone. Hậu quả làm cho thận giữ lại muối và nước gây tăng huyết áp.
  • U tủy thượng thận: Khối u hiếm gặp này, làm sản xuất quá nhiều hormone adrenaline và noradrenalin. Khi 2 hormone này tăng cao trong máu, hậu quả có thể dẫn đến huyết áp cao trong thời gian dài hoặc tăng huyết áp trong thời gian ngắn.
  • Các tình trạng liên quan tuyến giáp: Tình trạng suy giáp khi tuyến giáp không sản xuất đủ hormone tuyến giáp hoặc cường giáp do sản xuất quá nhiều hormone tuyến giáp có thể dẫn đến huyết áp cao.
  • Cường cận giáp: Các tuyến cận giáp kiểm soát mức độ canxi và phospho trong cơ thể. Nếu hormone tuyến cận giáp tăng cao trong máu, lượng canxi trong máu sẽ tăng lên gây lắng đọng canxi trong các hệ mạch, hậu quả gây tăng huyết áp.

Các nguyên nhân khác có thể gây ra tăng huyết áp thứ phát bao gồm:

  • Hẹp động mạch chủ: Trong tình trạng này, động mạch chính của cơ thể (động mạch chủ) bị thu hẹp. Tình trạng này buộc tim phải bơm mạnh hơn để đưa máu qua động mạch chủ và phần còn lại của cơ thể. Kết quả là làm tăng huyết áp lên.
  • Chứng ngưng thở lúc ngủ
  • Thừa cân- Béo phì: Khi bạn tăng cân, lượng máu chảy qua cơ thể cũng tăng lên. Hậu quả gây thêm áp lực lên thành động mạch, làm tăng huyết áp.
  • Thai kỳ: Mang thai có thể làm cho bệnh cao huyết áp hiện có trở nên trầm trọng hơn hoặc gây ra bệnh cao huyết áp (tăng huyết áp thai nghén hoặc tiền sản giật).
  • Thuốc và chất bổ sung

Điều trị tăng huyết áp nguyên phát và thứ phát

Việc điều trị tăng huyết áp nguyên phát và thứ phát phụ thuộc vào nhiều yếu tố: loại tăng huyết áp, nguyên nhân, yếu tố nguy cơ, các yếu tố nguy cơ tim mạch, các bệnh lý nền kèm theo, v.v

Việc điều trị tăng huyết áp nguyên phát và thứ phát phụ thuộc vào nhiều yếu tố: loại tăng huyết áp, nguyên nhân, yếu tố nguy cơ, các yếu tố nguy cơ tim mạch, các bệnh lý nền kèm theo, v.v

Việc điều trị tăng huyết áp nguyên phát và thứ phát phụ thuộc vào nhiều yếu tố ảnh hưởng đến bệnh

Điều trị tăng huyết áp nguyên phát

Để điều trị tăng huyết áp hiệu quả thường phối hợp phương pháp điều trị không dùng thuốc và điều trị bằng thuốc. Phương pháp điều trị không dùng thuốc tương tự như các biện pháp phòng ngừa tăng huyết áp sẽ được nói đến tại phần sau.

Việc điều trị bằng thuốc thường được phối hợp 2-3 loại thuốc hơn là chỉ sử dụng một loại. Tùy vào sức khỏe tổng thể của bạn mà bác sỹ sẽ ưu tiên lựa chọn thuốc phù hợp.

Điều trị tăng huyết áp thứ phát

Điều trị tăng huyết áp thứ phát bao gồm cả điều trị tình trạng bệnh lý nền đang mắc bằng thuốc hoặc phẫu thuật. Khi tình trạng bệnh lý nền được điều trị, huyết áp của bạn có thể giảm hoặc trở lại bình thường.

Phòng ngừa tăng huyết áp

Việc thay đổi lối sống lành mạnh giúp giữ cho tim khỏe mạnh và huyết áp ở mức bình thường, bao gồm:

  • Ăn thực phẩm lành mạnh: Trong đó ăn ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt. Nếu là thực phẩm từ sữa nên là dùng hàm lượng ít béo. Bổ sung nhiều kali có trong trái cây và rau quả như khoai tây, rau bina, chuối và mơ, giúp ngăn ngừa và kiểm soát huyết áp cao. Ăn ít chất béo, dầu mỡ.
  • Giảm muối trong chế độ ăn uống: Khuyến cáo chỉ nên sử dụng 1 muỗng café muối/ ngày.
  • Duy trì cân nặng hợp lý.
  • Tăng cường vận động: Vận động tập thể dục thường xuyên có thể giúp giảm huyết áp và kiểm soát cân nặng. Hãy cố gắng hoạt động thể chất ít nhất 30 phút mỗi ngày và tối thiểu 5 ngày một tuần.
  • Hạn chế rượu bia: Hãy uống rượu bia có chừng mực. Lạm dụng rượu bia làm tăng huyết áp và gây ra nhiều vấn đề sức khỏe khác.
  • Không hút thuốc: Thành mạch máu dễ bị tổn thương và dễ bị xơ cứng hơn khi sử dụng thuốc lá.
  • Quản lý căng thẳng: Giảm căng thẳng càng nhiều càng tốt. Đối phó với các cơn căng thẳng lành mạnh, chẳng hạn như thư giãn cơ và thở sâu.

Để biết được bạn mắc tăng huyết áp nguyên phát và thứ phát, bạn cần phải có một cuộc hẹn với bác sỹ. Nếu bạn nghi ngờ bị tăng huyết áp ví dụ như qua theo dõi qua máy đo huyết áp tại nhà nhiều lần. Hãy đến bệnh viện tư vấn và làm một số kiểm tra và xét nghiệm tổng quát.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *