Tăng huyết áp áo choàng trắng là tình trạng khá phổ biến và thường dễ chẩn đoán nhầm với tăng huyết áp thực sự. Vậy tăng huyết áp áo choàng trắng là gì? Tình trạng này có cần điều trị không? Hãy cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Thành Đô tìm hiểu ngay sau đây!
Tăng huyết áp áo choàng trắng là gì?
Tăng huyết áp là tình trạng áp lực của máu lên thành động mạch trong cơ thể cao. Mức huyết áp của một người bình thường là khoảng 120/80 mmHg. Theo Hội tim mạch học Việt Nam, một người được đo tại phòng khám có huyết áp trên 140/90 mmHg với 3 lần đo tại thời điểm khác nhau được chẩn đoán là tăng huyết áp. Khi bạn có tăng huyết áp thực sự, có nghĩa là ngay cả khi bạn đo tại phòng khám, tại nhà đều có ngưỡng huyết áp cao hơn mức cho phép.
Tăng huyết áp áo choàng trắng là tình trạng huyết áp chỉ cao khi được đo tại bệnh viện, phòng khám hoặc trung tâm y tế. Trong khi đó, huyết áp đo tại nhà lại bình thường.
Các báo cáo cho thấy rằng nó có liên quan đến việc người đi khám cảm thấy hồi hộp, lo sợ, tim đập nhanh khi đến những nơi khám bệnh.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Huyết áp, tải ngay ứng dụng YouMed.
Mức độ nguy hiểm của tăng huyết áp áo choàng trắng
Điều đáng lo ngại của tình trạng này là dễ chẩn đoán nhầm với tăng huyết áp thực sự. Trường hợp người không mắc bệnh sử dụng thuốc huyết áp có thể dẫn đến hạ áp. Biểu hiện các triệu chứng như mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu, v.v.
Mặt khác, một số bác sĩ cho rằng tăng huyết áp áo choàng trắng có thể là dấu hiệu báo trước của tăng huyết áp thực sự. Trên thực tế, một nghiên cứu cho thấy những người bị có tình trạng này có nguy cơ tăng đau tim, suy tim, các tình trạng tim mạch khác. Một nghiên cứu khác cho thấy tử vong do bệnh tim có liên quan chặt chẽ với tình trạng này.
Vì những lý do này, việc chẩn đoán và quyết định xem bạn có cần điều trị tăng huyết áp hay không là điều quan trọng.
Nguyên nhân tăng huyết áp áo choàng trắng
Những người đến khám bệnh lo lắng hoặc căng thẳng khi gặp bác sĩ có thể có nhiều nguy cơ có tăng huyết áp áo choàng trắng. Không có gì lạ khi chúng ta cảm thấy lo lắng khi đến phòng khám. Tuy nhiên ở một số người, lo lăng quá mức có thể làm huyết áp tăng cao.
Làm thế nào để xác định tăng huyết áp áo choàng trắng?
Nếu bạn đo huyết áp tại phòng khám hoặc bệnh viên và có kết quả huyết áp cao. Bác sĩ có thể hẹn bạn tái khám kiểm tra huyết áp thêm 1-2 lần sau một đến vài tuần. Tuy nhiên, không loại trừ được trường hợp bạn bị tăng huyết áp áo choàng trắng ở những lần sau.
Để tránh điều này, bác sĩ sẽ đề nghị bạn đo huyết áp tại thời điểm khác ngoài bệnh viện.
Bác sĩ có thể đưa cho bạn 2 lựa chọn:
1. Thường xuyên theo dõi huyết áp tại nhà: Bạn có thể đầu tư cho mình một máy đo huyết áp điện tử. Tại các nơi cung cấp thiết bị, dụng cụ y khoa hầu như đều có máy đo huyết áp điện tử. Với máy đo huyết áp tại nhà, bạn có thể theo dõi huyết áp của mình bất kỳ lúc nào. Tốt nhất nên đo 1 ngày tối thiểu 2 lần, sáng và tối, đo liên tục tối thiểu 5 ngày.
Một số máy đo huyết áp điện tử đều ghi nhớ thông số huyết áp những lần đo. Tuy nhiên, nếu bạn không chắc chắn điều này, hãy ghi các chỉ số huyết áp ra một cuốn sổ. Bạn nên ghi thêm chi tiết giờ đo và ngày đo. Đây sẽ là những thông tin cần thiết để bác sĩ chẩn đoán đúng tình trạng huyết áp của bạn.
2. Đo bằng máy đo huyết áp lưu động (Holter huyết áp): Thiết bị máy đo này được đeo vào tay của bệnh nhân, và đeo trong 24-48 giờ. Máy đo sẽ tự động đo huyết áp của bạn sau mỗi 30 phút. Máy cũng sẽ tự động đo ngay ca khi bạn đang nghỉ ngơi, vận động hoặc đang ngủ.
Điều trị tăng huyết áp áo choàng trắng
Thông thường, các bác sĩ không kê đơn thuốc điều trị huyết áp cao mà dựa trên một lần đo. Điều này có thể dẫn đến chẩn đoán nhầm và gây ra các vấn đề như hạ huyết áp.
Thay vào đó, các bác sĩ sẽ thực hiện nhiều lần đo. Họ có thể hẹn bạn tái khám nhiều lần hoặc sử dụng máy đo huyết áp tại nhà. Chẩn đoán đúng rất quan trọng để giúp điều trị và phòng ngừa biến chứng.
May thay, đây là một tình trạng lành tính và không cần điều trị bằng thuốc nếu ít có nguy cơ tim mạch.
Thay vào đó, sẽ nên áp dụng điều trị không dùng thuốc, bao gồm:
Bảo đảm chế độ ăn hợp lý:
- Giảm ăn mặn (
- Tăng cường rau xanh, hoa quả tươi.
- Hạn chế thịt nhiều mỡ, nhiều da.
- Tích cực giảm cân (nếu quá cân), duy trì cân nặng hợp lý.
Hạn chế uống rượu, bia với số lượng tiêu chuẩn như sau:
- Ít hơn 3 cốc chuẩn/ngày và tổng cộng ít hơn 14 cốc chuẩn/tuần ở nam.
- It hơn 2 cốc chuẩn/ngày và tổng cộng ít hơn 9 cốc chuẩn/tuần ở nữ.
- Một cốc chuẩn chứa 10 g ethanol tương đương với 330 ml bia hoặc 120 ml rượu vang, hoặc 30 ml rượu mạnh.
Duy trì lối sống lành mạnh:
- Tăng cường hoạt động thể lực ở mức thích hợp: Tập thể dục, đi bộ hoặc vận động ở mức độ vừa phải, đều đặn khoảng 30-60 phút mỗi ngày.
- Duy trì vòng bụng dưới 90 cm ở nam và dưới 80 cm ở nữ.
- Ngừng hoàn toàn việc hút thuốc lá hoặc thuốc lào.
Ngoài ra, bạn nên tái khám định kỳ nửa năm hoặc hàng năm. Đồng thời tự theo dõi huyết áp tại nhà thường xuyên.
Với những đối tượng có huyết áp áo choàng trắng nhưng có nguy cơ tim mạch cao. Bác sĩ có thể sẽ xem xét kết hợp thay đổi lối sống và điều trị thuốc hạ áp.
Việc đến phòng khám bác sĩ có thể làm cho huyết áp của bạn tăng tạm thời dẫn đến tăng huyết áp áo choàng trắng. Tuy tình trạng này không phải là vấn đề đáng lo ngại nhưng vẫn cần theo dõi nhiều lần. Nếu bạn đang lo lắng về số đo huyết áp của bạn, nên đến cơ sở y tế để kiểm tra và chẩn đoán chính xác.
Tăng huyết áp áo choàng trắng tuy không nguy hiểm nhưng cần được chẩn đoán và điều trị đúng. Để hạn chế chẩn đoán sai, bạn có thể chủ động đo huyết áp tại nhà. Sau đó ghi lại các số đo ra tờ giấy trong ngày ngày và nhiều giờ khác nhau. Những thông tin này rất hữu ích để chẩn đoán tình trạng huyết áp của bạn.