Suy tim cấp là một tình trạng cấp cứu tim mạch cần chẩn đoán và điều trị sớm, đòi hỏi phải nhập viện khẩn cấp. Nếu không được cấp cứu kịp thời, một số trường hợp có thể dẫn đến tử vong hoặc các biến chứng nguy hiểm khác. Bài viết sau đây của Thạc sĩ, Bác sĩ Lý Quang Sang sẽ cung cấp cho bạn đọc những điều cơ bản cần biết về tình trạng bệnh lý này. Nào chúng ta cùng tìm hiểu nhé.
Suy tim cấp là gì?
Suy tim là tình trạng tim không đủ khả năng bơm để cung cấp máu, đảm bảo cho các nhu cầu hoạt động của cơ thể. Bệnh lý là con đường chung cuối cùng của hầu hết các bệnh lý tim mạch. Suy tim có thể chia thành hai dạng: suy tim cấp và suy tim mạn.1
Suy tim mạn
Suy tim mạn là tình trạng suy giảm mạn tính chức năng tim. Đó là khi bệnh nhân sống chung với một trái tim không còn khoẻ mạnh nữa. Dần dần, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng nặng dần theo thời gian, do chức năng của trái tim ngày càng suy giảm.1
Suy tim cấp
Trong khi đó, suy tim cấp là một thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng khởi phát nhanh chóng các triệu chứng do suy giảm cấp tính chức năng của tim. Với tình trạng này, người bệnh cần phải nhập viện khẩn cấp để điều trị. Các triệu chứng của suy tim cấp liên quan đến tình trạng sung huyết, hoặc giảm cung lượng tim.2
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Bệnh tim, tải ngay ứng dụng YouMed.
Để hiểu sung huyết và giảm cung lượng tim là gì, chúng ta hãy cùng tìm hiểu phần nội dung tiếp theo sau đây.
Suy tim cấp làm cơ thể bị rối loạn như thế nào?
Hệ tuần hoàn ở người gồm có vòng tuần hoàn lớn và vòng tuần hoàn nhỏ (phổi). Trong đó, tim và các mạch máu như một hệ thống kín gồm máy bơm nước (tim) và các ống dẫn nước (động mạch và tĩnh mạch).
Trong vòng tuần hoàn lớn, máu đỏ (giàu oxy) được tim trái bơm vào hệ thống động mạch, để mang các chất dinh dưỡng đi nuôi các mô và cơ quan của cơ thể. Sau đó, máu sẽ thu nhận CO2 và các “chất thải” khác của tế bào để trở thành máu đen (nghèo oxy, nhiều CO2), và theo hệ thống tĩnh mạch về lại tim phải.
Đến lượt vòng tuần hoàn nhỏ, tim phải tiếp tục bơm lượng máu đen này lên động mạch phổi, để máu này được trao đổi khí với các phế nang (các túi nhỏ trong phổi chứa không khí mà chúng ta hít vào), để rồi lượng máu này được “nạp” nhiều oxy từ các phế nang và thải bớt CO2 ra ngoài để trở thành máu đỏ, rồi theo tĩnh mạch phổi quay về tim trái và được tiếp tục bơm ra ngoài theo vòng tuần hoàn lớn. Cứ như vậy tạo thành một vòng lặp đi lặp lại trong cơ thể.
Vậy sung huyết là gì?1 2
Khi tim của người bệnh bị suy, tức là “máy bơm” không thể làm tốt nhiệm vụ bơm máu ra các “ống dẫn nước” được nữa. Dẫn đến hệ quả là máu bị ứ đọng ở cả tim và ở hệ thống mạch máu – nhất là ở hệ thống tĩnh mạch.
Khi tim trái bị suy, tim trái không thể bơm nổi hết lượng máu đã nhận được từ các tĩnh mạch phổi ra ngoài tuần hoàn lớn được. Dẫn đến máu ứ lại ở vòng tuần hoàn nhỏ. Lúc này, bệnh nhân có tình trạng ứ máu ở phổi hay còn gọi là “sung huyết phổi”, dịch sẽ thoát từ lòng mao mạch vào trong phế nang của phổi. Tình trạng này gây khó khăn cho việc trao đổi khí ở phổi. Từ đó làm cho bệnh nhân bị khó thở.
Tương tự như vậy, khi tim phải bị suy, người bệnh sẽ có tình trạng ứ đọng máu trong vòng tuần hoàn lớn. Dẫn đến sung huyết ngoại biên với các biểu hiện như phù chân, gan to, tĩnh mạch cổ nổi,…
Giảm cung lượng tim là gì?1 2
Ngoài ra, khi tim bị suy, tim sẽ không bơm đủ lượng máu đi nuôi cơ thể như bình thường được. Giai đoạn đầu, cơ thể của chúng ta sẽ có nhiều cơ chế để bù trừ lại tình trạng này, nhằm đảm bảo các mô và cơ quan không bị thiếu máu nuôi. Nhưng khi bệnh tiến triển, các cơ chế bù trừ này thất bại; các mô và cơ quan trong cơ thể bắt đầu bị thiếu máu nuôi, thiếu oxy và các chất dinh dưỡng, dẫn đến suy đa cơ quan. Tình trạng này được gọi là “hội chứng giảm cung lượng tim”.
Đây là những rối loạn diễn ra trong cơ thể của người bệnh bị suy giảm chức năng tim. Ở người bệnh suy tim cấp tính, các rối loạn này sẽ trở nên rầm rộ hơn, đột ngột hơn, và nặng hơn.
Suy tim cấp nguy hiểm như thế nào?
Đây là nguyên nhân nhập viện hàng đầu ở những bệnh nhân lớn hơn 65 tuổi. Có khoảng hơn 26 triệu lượt nhập viện mỗi năm vì suy tim cấp trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, cứ 10 người suy tim cấp sau khi ra viện, thì có đến 2 – 3 người tử vong chỉ sau 1 năm.3 4
Bệnh nhân suy tim cấp nếu không được quản lý tốt sẽ có nguy cơ tái nhập viện. Ước tính cứ 4 bệnh nhân suy tim cấp sau khi ra viện, thì đã có 1 bệnh nhân phải tái nhập viện trở lại chỉ sau một tháng. Với mỗi lần tái nhập viện như vậy thì chức năng tim của người bệnh ngày càng suy giảm, đồng thời tỷ lệ tử vong sẽ ngày càng tăng lên.3 4
Phân loại suy tim cấp
Suy tim cấp có thể là suy tim mới khởi phát; hoặc là đợt tiến triển nặng lên của tình trạng suy tim mạn tính trước đó (hay còn gọi là đợt mất bù cấp của suy tim mạn).2
Trong đó, suy tim cấp mới khởi phát ít gặp hơn. Đây là trường hợp người bệnh có tình trạng suy tim đột ngột trên nền chức năng tim bình thường, người bệnh thường không có tiền căn bệnh lý tim mạch trước đó.
Dạng suy tim cấp thường gặp hơn là đợt mất bù cấp của suy tim mạn (chiếm khoảng 80% trường hợp).5 Đây là trường hợp người bệnh đã có suy tim mạn tính trước đó. Và tình trạng suy tim trở nên nặng hơn do có những yếu tố thúc đẩy, khiến người bệnh phải nhập viện để điều trị.
Triệu chứng suy tim cấp
Các triệu chứng thường gặp
Người bệnh cần nhanh chóng nhập viện, khi thấy có những triệu chứng suy tim cấp như sau:2 6 7
- Khó thở: Đây là lý do nhập viện thường gặp nhất. Thường gặp ở hơn 90% người bệnh suy tim cấp liên quan đến tình trạng sung huyết ở phổi. Khó thở điển hình xuất hiện khi nghỉ ngơi hoặc khi gắng sức nhẹ. Khi khó thở, người bệnh phải ngồi dậy để thở. Khó thở nặng hơn nhiều nếu người bệnh nằm đầu thấp. Trường hợp người bệnh đã được chẩn đoán suy tim mạn trước đó, gặp phải triệu chứng điển hình như thế này thì là lúc cần phải nhanh chóng được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu ngay.
- Đau ngực: Người bệnh có thể có triệu chứng đau thắt ngực gợi ý bệnh mạch vành. Đau ngực thường ở bên trái hoặc giữa xương ức, đau theo kiểu như có vật gì đè nặng lên ngực. Nếu người bệnh có tình trạng đau ngực dữ dội vào kéo dài, không đỡ hơn khi nghỉ ngơi, kèm theo vã mồ hôi và khó thở dữ dội; thì rất có thể đây là những gợi ý cho tình trạng nhồi máu cơ tim – đây là một trong những nguyên nhân nguy hiểm dẫn đến suy tim cấp.
- Ho đàm bọt hồng: Trong trường hợp phù phổi cấp.
- Hồi hộp đánh trống ngực, cảm giác tim đập nhanh, không đều: Các triệu chứng này gợi ý người bệnh có rối loạn nhịp tim. Đây vừa có thể là nguyên nhân hoặc là biến chứng của suy tim cấp.
- Phù: Người bệnh có thể có tình trạng phù hai chân, hoặc phù lan ra toàn thân.
Xem thêm: Dấu hiệu nhồi máu cơ tim cấp và cách xử trí bạn cần biết
Các triệu chứng khác gợi ý chẩn đoán
Ngoài ra, khi thăm khám người bệnh suy tim cấp, các bác sĩ có thể phát hiện ra các triệu chứng khác gợi ý chẩn đoán như:2 6 7
- Tim to, nghe tim phát hiện những tiếng tim và âm thổi bất thường.
- Tĩnh mạch cổ nổi: khi quan sát cổ người bệnh suy tim cấp có thể phát hiện tĩnh mạch cảnh nổi rõ.
- Gan to.
- Khám phổi nghe thấy tiếng ran ẩm hai bên phổi. Dấu hiệu này chứng tỏ có dịch trong các phế nang, nguyên nhân do sung huyết phổi làm dịch từ trong mạch máu thoát vào trong phế nang.
- Các dấu hiệu của hội chứng giảm cung lượng tim, chứng tỏ người bệnh có tình trạng giảm tưới máu cơ quan như: rối loạn tri giác với biểu hiện lừ đừ, mất tập trung, lơ mơ hay thậm chí là hôn mê, tay chân lạnh, da nổi lên các vân tím, tiểu ít hoặc không có nước tiểu,…
- Huyết áp bất thường: Huyết áp tâm thu có thể tăng cao hơn 180 mmHg, đây có thể là nguyên nhân gây suy tim cấp, hoặc có thể do suy tim cấp gây ra. Ngoài ra, người bệnh có thể có huyết áp tâm thu tụt thấp hơn 90 mmHg. Trường hợp này mặc dù ít gặp hơn, nhưng lại là dấu hiệu cho thấy bệnh có thể đang diễn tiến nặng và có tiên lượng xấu. Khi này, bệnh nhân có thể bị sốc tim – dạng nặng nhất của suy tim cấp.
Các dạng lâm sàng của suy tim cấp
Dựa vào các biểu hiện lâm sàng, cũng như đánh giá tình trạng cấu trúc và chức năng tim của người bệnh, các bác sĩ có thể phân loại suy tim cấp thành một trong những dạng sau đây:8
Suy tim mất bù cấp
Dạng này do rối loạn chức năng của tim trái, thường diễn tiến từ từ (trong vài ngày) với các biểu hiện của sung huyết, tích tụ dịch trong cơ thể như khó thở, phù, tăng cân,…
Phù phổi cấp
Tình trạng này cũng do bất thường chức năng tim trái, nhưng diễn tiến nhanh và đột ngột hơn (trong vòng vài giờ). Bệnh nhân thấy khó thở dữ dội, vã mồ hôi, cảm giác như “sắp chết”, có thể ho ra đàm có bọt hồng.
Các triệu chứng này liên quan đến tình trạng sung huyết ở phổi, suy hô hấp, hậu quả của tình trạng xuất tiết dịch từ trong lòng mạch máu phổi vào trong phế nang; dịch này ban đầu xuất hiện ở đáy phổi sau đó ngày càng dâng lên cao. Người ta ví phù phổi cấp như là tình trạng “chết đuối trên cạn”, có tỷ lệ tử vong cao nếu không được cấp cứu kịp thời.
Suy tim phải đơn độc
Trường hợp này bệnh nhân có chức năng tim trái bình thường và chỉ có rối loạn chức năng tim bên phải, gây sung huyết tuần hoàn lớn. Nếu tình trạng này nghiêm trọng, tim phải không đủ sức để bơm đủ máu lên phổi. Do đó tim trái nhận được lượng máu ít hơn bình thường, dẫn đến giảm cung lượng tim.
Sốc tim
Đây là dạng nặng nhất của suy tim cấp, có tiên lượng rất xấu. Hậu quả của rối loạn chức năng tim nặng, gây giảm tưới máu hệ thống, có thể khởi phát từ từ hoặc nhanh tuỳ vào nguyên nhân.
Nguyên nhân suy tim cấp
Có một số nguyên nhân chính dẫn đến suy tim cấp, các nguyên nhân này có thể hồi phục nếu được phát hiện và điều trị sớm:7 8
Hội chứng vành cấp
Hội chứng mạch vành cấp là tình trạng mạch máu nuôi tim bị tắc nghẽn, làm cho tim bị thiếu máu nuôi.
Tăng huyết áp cấp cứu
Tăng huyết áp cấp cứu là tình trạng mà khi đo huyết áp của người bệnh, thấy huyết áp tăng cao trên 180/110 – 120 mmHg. Và có những dấu hiệu của tổn thương cơ quan đích của cơ thể. Một trong những cơ quan đích đó là tim.
Rối loạn nhịp tim
Rối loạn nhịp nhanh hay nhịp chậm đều có thể gây ra suy tim cấp.
Biến chứng cơ học của hội chứng vành cấp
Một số biến chứng này bao gồm: thủng vách liên thất, hở van hai lá cấp, vỡ thất trái.
Chèn ép tim cấp
Đây là tình trạng màng bao tim chứa đầy dịch hoặc máu, gây chèn ép và làm cho tim co bóp không còn hiệu quả.
Thuyên tắc động mạch phổi cấp
Thuyên tắc động mạch phổi cấp là tình trạng có một cục máu đông trên động mạch phổi. Cục máu đông này gây tắc nghẽn và chặn đứng dòng máu được bơm từ tim phải lên mạch phổi. Từ đó làm ứ máu và gây quá tải cho tim phải, gây ra suy tim phải cấp.
Một số nguy cơ khác
Ngoài ra, có một số những yếu tố thúc đẩy, đóng vai trò như là một “mồi lửa” dẫn đến suy tim cấp ở những bệnh nhân đã có sẵn một trái tim bị suy trước đó. Khi phát hiện và kiểm soát được những yếu tố này, có thể giúp cải thiện tình trạng của bệnh nhân:7 8
- Nhiễm trùng.
- Thiếu máu.
- Suy thận.
- Đợt cấp bệnh phổi mạn tính, hen phế quản.
- Không tuân thủ chế độ ăn kiêng hoặc thuốc điều trị.
- Do sử dụng một số thuốc làm nặng hơn tình trạng suy tim như: thuốc kháng viêm không steroid, corticoid,…
- Tăng huyết áp không được kiểm soát hiệu quả.
- Sử dụng rượu bia, các chất gây nghiện.
Chẩn đoán suy tim cấp như thế nào?
Quá trình chẩn đoán suy tim cấp được bác sĩ bắt đầu thực hiện ngay từ lúc nhập viện ở khoa cấp cứu, nhằm đánh giá kịp thời và khởi động điều trị thích hợp. Song song đó, bác sĩ sẽ nhận diện và điều trị ngay lập tức các nguyên nhân, các yếu tố thúc đẩy có thể hồi phục hoặc đe dọa đến tính mạng của người bệnh.
Bác sĩ sẽ hỏi nhanh bệnh sử, tiền căn bệnh lý, tiền căn sử dụng thuốc trước đó, thăm khám để tìm các dấu hiệu lâm sàng gợi ý suy tim. Việc hỏi bệnh và thăm khám người bệnh được thực hiện song song với điều trị. Vì đây là một cấp cứu đe doạ đến tính mạng của người bệnh, do đó việc chẩn đoán và điều trị có thể được thực hiện nhanh chỉ trong vòng vài phút.
Bác sĩ sẽ chỉ định thêm một số xét nghiệm để chẩn đoán xác định suy tim cấp, tìm nguyên nhân, cũng như các biến chứng nếu có như:7 8
- Điện tâm đồ.
- X-quang tim phổi.
- Siêu âm tim.
- Siêu âm phổi.
- Peptide lợi niệu (BNP, NT-proBNP, MR-proANP).
- Troponin.
- BUN, Creatinine máu.
- Ion đồ (Na, K, Cl).
- Tình trạng sắt (sắt huyết thanh, ferritin hay độ bão hòa transferrin).
- TSH.
- D-dimer.
- Procalcitonin.
- Lactate máu.
- Độ bão hòa oxy và khí máu động mạch.
Điều trị suy tim cấp như thế nào?
Người bệnh suy tim cấp sẽ được khởi động điều trị song song hoặc ngay khi có chẩn đoán. Người bệnh sẽ được theo dõi chức năng tim phổi, bao gồm độ bão hòa oxy, huyết áp, nhịp thở và điện tâm đồ, thể tích nước tiểu.8
Bác sĩ sẽ nhận diện các yếu tố thúc đẩy và nguyên nhân cần điều trị khẩn cấp và điều trị nếu có.
Có những biện pháp điều trị cơ bản và nâng cao, mà bác sĩ sẽ chỉ định khi tiếp nhận một người bệnh suy tim cấp:2 6 7 8
1. Thở oxy
Được chỉ định khi người bệnh có dấu hiệu suy hô hấp.
2. Điều trị dùng thuốc
Thuốc lợi tiểu: Đây là thuốc chủ lực trong điều trị phần lớn bệnh nhân suy tim cấp. Thuốc này giúp thải trừ lượng muối nước dư thừa và ứ đọng trong cơ thể. Từ đó cải thiện các triệu chứng sung huyết. Sau khi được tiêm thuốc này, nếu đáp ứng tốt, người bệnh sẽ đi tiểu nhiều, tình trạng khó thở sẽ giảm dần.
Thuốc giãn mạch: Giúp cải thiện huyết động của người bệnh. Giãn tĩnh mạch giúp làm giảm lượng máu đi về tim, giãn động mạch giúp tim bơm máu được dễ dàng hơn.
Thuốc tăng co bóp cơ tim: Làm tăng cường khả năng bơm máu của tim. Từ đó tăng lượng máu đi nuôi cơ thể và cải thiện triệu chứng.
Thuốc vận mạch: Đây là các thuốc thường được chỉ định ở bệnh nhân bị sốc tim, huyết áp tụt, giảm tưới máu cơ quan.
Digoxin: Để kiểm soát tần số tim khi nhịp tim người bệnh quá nhanh như trong trường hợp rung nhĩ.
Morphine: Khi người bệnh quá hốt hoảng, lo lắng, khó thở dữ dội. Thuốc này có thể được chỉ định giúp bệnh nhân giảm khó thở và lo lắng.
3. Các điều trị nâng cao
Điều trị thay thế thận: Trong một số trường hợp nặng, người bệnh không đáp ứng với thuốc lợi tiểu, nước tiểu ra rất ít, hoặc thậm chí là không có nước tiểu; mặc dù đã sử dụng liều cao của thuốc. Hoặc bệnh nhân có tình trạng suy thận nặng kèm theo. Việc điều trị thay thế thận với một máy lọc thận nhân tạo được gắn vào bệnh nhân, sẽ giúp hỗ trợ lấy lượng nước dư thừa cũng như các chất thải, chất độc trong cơ thể.
Bóng đối xung động mạch chủ: Được chỉ định trong hỗ trợ tuần hoàn, trước khi điều trị ngoại khoa các vấn đề cơ học cấp tính như: thủng vách liên thất, hở van hai lá cấp, trong viêm cơ tim cấp nặng; và chọn lọc ở bệnh nhân thiếu máu cục bộ và nhồi máu cơ tim trước đó, trong và sau khi tái thông động mạch vành.
ECMO (hỗ trợ tuần hoàn ngoài cơ thể): Được chỉ định trong trường hợp bệnh nhân sốc tim mà không đáp ứng với các điều trị khác.
Làm gì để phòng ngừa suy tim cấp?
Bên cạnh những thuốc điều trị suy tim do bác sĩ chỉ định – giúp cải thiện tiên lượng sống còn, cũng như ngăn ngừa tái nhập viện. Người bệnh suy tim mạn, hoặc có mắc những bệnh lý tim mạch mạn tính có thể thực hiện một số biện pháp tại nhà để phòng ngừa diễn tiến đến suy tim cấp, và bảo tồn chức năng tim của mình như:6
- Bỏ thuốc lá.
- Hạn chế rượu bia.
- Chế độ ăn lành mạnh: giảm muối, nhiều chất xơ, ít mỡ động vật thay bằng dầu thực vật.
- Giảm cân nếu thừa cân.
- Tập luyện thể dục nhẹ nhàng tùy theo mức độ bệnh.
- Dự phòng huyết khối tĩnh mạch sâu ở bệnh nhân phải bất động, nằm lâu.
- Kiểm soát đường huyết, huyết áp: cần có máy đo huyết áp, máy đo đường huyết tại nhà để theo dõi đều đặn.
- Uống thuốc đều đặn, không tự ý bỏ hoặc dừng thuốc.
- Không tự ý dùng thuốc hay chất nào khác mà không được bác sĩ chỉ định.
- Tiêm ngừa cúm, phế cầu.
- Lắng nghe cơ thể, theo dõi những dấu hiệu sớm của suy tim cấp như: phù, tăng cân, khó thở khi gắng sức nhẹ, mệt, ho khan nhiều về đêm. Nếu có những dấu hiệu này, người bệnh cần phải đi khám ngay.
Xem thêm: Những lưu ý khi chăm sóc người suy tim để phòng tránh rủi ro
Qua bài viết trên, Thạc sĩ, Bác sĩ Lý Quang Sang hi vọng có thể cung cấp cho quý độc giả những thông tin cần biết về suy tim cấp – một bệnh lý nguy hiểm và đe doạ đến tính mạng của người bệnh. Khi phát hiện những dấu hiệu gợi ý bị suy tim cấp, việc bạn cần làm là nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.