Thông liên nhĩ là một tình trạng bất thường cấu trúc của tim. Đây cũng là một trong những dị tật tim bẩm sinh thường gặp. Vậy tình trạng này có nguy hiểm không? Dị tật tim này liệu có cần phải mổ? Hãy để Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Thành Đô giúp bạn giải đáp những thắc mắc về dị tật tim này nhé.
Tổng quan
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Tim mạch, tải ngay ứng dụng YouMed.
Thông liên nhĩ là sự xuất hiện của việc thông thương bất thường giữa hai buồng tâm nhĩ. Tim người có bốn ngăn, hai tâm nhĩ và hai tâm thất. Bình thường, hai tâm nhĩ sẽ được ngăn cách bởi một vách. Nhưng khi có dị tật thông liên nhĩ, vách ngăn này không hoàn chỉnh, từ đó gây ra sự thông thương giữa hai buồng tim.
Nếu dị tật này nhỏ, có thể trẻ sẽ không có biểu hiện gì bất thường. Một số trường hợp thông liên nhĩ tự khỏi sau một vài năm. Tuy nhiên, nếu dị tật này lớn, nó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng tim và phổi của đứa trẻ. Nếu được phát hiện kịp thời, các phương pháp can thiệp hoặc phẫu thuật có thể giúp sửa lại dị tật này.
Các biểu hiện của tật thông liên nhĩ là gì?
Nhiều trường hợp trẻ sơ sinh với tật thông liên nhĩ không có biểu hiện gì khi ra đời. Tuy nhiên, các triệu chứng có thể xuất hiện sau đó nếu như dị tật này không tự khỏi.
Các triệu chứng mà thông liên nhĩ gây ra như:
- Khó thở, đặc biệt là khi vận động, gắng sức.
- Mệt mỏi.
- Phù chân, bàn chân hay báng bụng.
- Đánh trống ngực hay rối loạn nhịp tim.
- Đột quỵ.
- Âm thổi nghe được ở tim (dấu hiệu qua thăm khám).
Khi nào bạn nên đưa trẻ đi khám?
Thông liên nhĩ cần được chẩn đoán và điều trị sớm. Do đó, nếu trẻ có các biểu hiện sau, hay đưa trẻ đi khám ngay:
- Khó thở.
- Rất dễ mệt mỏi, thường quan sát được khi trẻ vận động.
- Trẻ phù chân, báng bụng.
- Trẻ có đánh trống ngực (cảm giác tim đập mạnh) hay rối loạn nhịp tim.
Nguyên nhân
Trái tim bình thường hoạt động ra sao?
Trái tim người được chia làm bốn ngăn, hai ngăn bên phải và hai ngăn bên trái. Thông qua cơ chế đập của tim, tim bơm máu đi các cơ quan khác để nuôi cơ thể. Tim phải đưa máu lên phổi để trao đổi oxy. Sau đó, máu giàu oxy từ phổi sẽ đi trở lại tim trái để đi tới các cơ quan, cấp máu cho cơ thể.
Vậy tật thông liên nhĩ xuất hiện như thế nào?
Trong khi còn là bào thai, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành các cơ quan của trẻ. Khi có một bất thường xảy ra trong quá trình hình thành của tim, trẻ có thể bị dị tật tim bẩm sinh. Các yếu tố di truyền và môi trường có thể ảnh hưởng đến quá trình này. Tuy nhiên, nguyên nhân cụ thể cho từng trường hợp thì thường không được tìm ra.
Vậy tim hoạt động ra sao nếu có thông liên nhĩ?
Một tật thông liên nhĩ lớn có thể làm tăng lượng máu đi lên phổi, từ đó làm quá tải tim phải. Nếu không được điều trị kịp thời, tim phải thường phì đại và suy. Áp lực máu trong phổi cũng tăng lên, dẫn đến tăng áp phổi.
Có nhiều dạng thông liên nhĩ:
- Thông liên nhĩ lỗ thứ phát. Đây là dạng thường gặp nhất của thông liên nhĩ. Xuất hiện ở chính giữa vách liên thất.
- Thông liên nhĩ lỗ tiên phát. Lỗ xuất hiện ở phần thấp của tâm nhĩ và có thể đi kèm các dị tật tim khác.
- Thông liên nhĩ lỗ xoang tĩnh mạch. Dị tật này hiếm gặp. Lỗ thông liên nhĩ xuất hiện ở phần trên tâm nhĩ và cũng hay đi kèm với các dị tật tim khác.
- Thông liên nhĩ lỗ xoang vành. Đây cũng là dạng dị tật hiếm gặp.
Các yếu tố nguy cơ của thông liên nhĩ
Nguyên nhân cụ thể của thông liên nhĩ chưa được biết rõ. Nhưng một số dị tật tim bẩm sinh mang tính gia đình và có liên quan đến vấn đề về di truyền như hội chứng Down. Nếu như bạn có dị tật tim, con bạn khi sinh ra cũng có thể có dị tật tim.
Một số trường hợp sau có thể liên quan tới việc xuất hiện dị tật cho thai nhi:
- Nhiễm rubella khi đang mang thai. Việc nhiễm rubella, đặc biệt là những tháng đầu thai kỳ có thể làm tăng khả năng dị tật ở thai nhi.
- Sử dụng thuốc, chất hay đồ uống có cồn khi mang thai. Một số loại thuốc, thuốc lá, rượu hay chất cấm như cocaine khi sử dụng có thể gây ra nguy hại cho thai nhi.
- Đái tháo đường thai kỳ hay bệnh lupus. Các bệnh này cũng làm tăng nguy cơ dị tật.
Những biến chứng do thông liên nhĩ gây ra
Những trường hợp dị tật nhỏ có thể không gây ra vấn đề gì. Tuy nhiên, dị tật tim lớn có thể dẫn đến những tình trạng nguy hiểm, như:
- Suy tim phải.
- Rối loạn nhịp tim.
- Tăng nguy cơ đột quỵ.
- Tuổi thọ bị rút ngắn.
Ngoài ra, một số biến chứng ít gặp hơn nhưng cũng rất nghiêm trọng có thể xảy ra là:
- Tăng áp phổi. Việc tăng lượng máu đi đến phổi có thể dẫn đến tăng áp lực mạch máu trong phổi.
- Hội chứng Eisenmenger. Tăng áp phổi kéo dài có thể gây tổn thương không hồi phục. Khi đó sẽ xảy ra hội chứng Eisenmenger, thường xuất hiện sau vài năm ở những bệnh nhân thông liên nhĩ lớn.
Việc chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể ngăn ngừa các biến chứng này xảy ra.
Phụ nữ có thông liên nhĩ khi mang thai
Hầu hết phụ nữ với tật thông liên nhĩ có thể sinh con mà không gặp phải những vấn đề do dị tật này gây ra. Tuy nhiên, nếu dị tật này đủ lớn hay có các biến chứng như suy tim, tăng áp phổi hay rối loạn nhịp xảy ra, những nguy cơ xảy ra vấn đề nghiêm trọng trong lúc mang thai là khá đáng kể.
Do đó, bác sĩ khuyến cáo những phụ nữ với hội chứng Eisenmenger không nên mang thai. Nếu mang thai thì tính mạng của họ có thể bị nguy hiểm.
Khả năng một đứa trẻ có cha mẹ bị dị tật tim mắc bệnh tim bẩm sinh sẽ cao hơn những đứa trẻ bình thường. Do đó, những người bị tim bẩm sinh nên được tư vấn tiền hôn nhân hay tư vấn tiền sản. Khi đó, bác sĩ sẽ đánh giá và cho lời khuyên thích hợp.
Làm sao để phòng ngừa dị tật thông liên nhĩ?
Hầu hết trường hợp, tật thông liên nhĩ là không thể phòng ngừa được. Do đó, khi có thai hoặc dự định có thai, bạn nên đi khám để được tư vấn phù hợp. Một số điều có ích cho bạn khi đi khám tiền sản là:
- Được xét nghiệm bệnh rubella. Bác sĩ có thể đánh giá bạn đã có kháng thể chống lại rubella chưa. Nếu chưa có, bạn có thể được tiêm vaccine trước khi mang thai.
- Kiểm tra tổng quát tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn. Điều này giúp phát hiện và điều chỉnh kịp thời các vấn đề nếu có.
- Đánh giá về mặt tiền sử gia đình. Bác sĩ có thể tìm hiểu về các bệnh di truyền trong dòng họ, gia đình bạn. Từ đó giúp tiên lượng nguy cơ dị tật cho đứa trẻ.
>> Xem thêm về một bệnh lý tim khác: Dị tật van hai lá bẩm sinh có điều trị được không?
Chẩn đoán tật thông liên nhĩ ra sao?
Bác sĩ sẽ hỏi bệnh và khám lâm sàng để hướng đến chẩn đoán tim bẩm sinh. Việc nghe thấy âm thổi ở tim cũng là một dấu hiệu gợi ý. Khi đã nghi ngờ, bác sĩ sẽ cho bạn hay con của bạn làm một số xét nghiệm để chẩn đoán bệnh.
- Siêu âm tim. Đây là xét nghiệm thường được dùng nhất để chẩn đoán thông liên nhĩ. Các sóng siêu âm sẽ cho ra hình ảnh của tim, từ đó cho phép bác sĩ đánh giá và xem xét dị tật nếu có.
- Chụp X quang ngực. Xét nghiệm giúp đánh giá tình trạng tim và phổi. Ngoài ra, phim X quang còn giúp tìm các dấu hiệu của các bệnh khác tương tự.
- Đo điện tim (ECG). Giúp đánh giá tốt nhịp tim.
- Thông tim. Bác sĩ sẽ đưa một ống nhỏ (gọi là catheter) vào tim để đánh giá các dị tật tim một cách trực tiếp. Ngoài ra, xét nghiệm này còn cho phép đo các thông số có giá trị trong đánh giá bệnh tim bẩm sinh. Thủ thuật này thường được dùng với mục đích điều trị.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI). Giúp đánh giá tốt cấu trúc tim và các tình trạng đi kèm của bệnh.
- Chụp CT scan. Xét nghiệm này giúp chẩn đoán dị tật tim trong trường hợp các xét nghiệm đơn giản hơn không đánh giá rõ các bất thường.
Điều trị tình trạng này như thế nào?
Có nhiều trường hợp tự khỏi sau một vài năm. Tuy nhiên, đối với những tật thông liên nhĩ lớn, không tự đóng được, điều trị có thể là cần thiết. Những trường hợp thông liên nhĩ kéo dài, không tự đóng thường vẫn cần phải được phẫu thuật sau này.
Theo dõi bệnh
Nếu bạn hay con bạn có thông liên nhĩ, bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa tim mạch và cần được theo dõi sát. Bác sĩ sẽ đánh giá những phương pháp điều trị thích hợp và đưa ra lời khuyên cho bạn. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị vào thời điểm phù hợp.
Điều trị dùng thuốc
Thuốc sẽ không thể nào điều trị hết dị tật thông liên nhĩ được. Tuy nhiên, chúng có thể giúp giảm bớt các triệu chứng khiến bạn khó chịu và ảnh hưởng đến cuộc sống. Ngoài ra, thuốc còn được dùng để giảm bớt các biến chứng, chuẩn bị cho phẫu thuật khi cần. Một số thuốc giúp điều trị rối loạn nhịp và chống tạo cục máu đông.
Điều trị phẫu thuật
Đối với những tật thông liên nhĩ mức độ trung bình đến lớn, thường bác sĩ sẽ khuyên bạn nên phẫu thuật. Việc này giúp ngăn ngừa các biến chứng về sau và cải thiện sức khỏe. Tuy nhiên, khi đã có tăng áp phổi, bác sĩ sẽ không khuyên bạn điều trị phẫu thuật nữa vì việc này có thể làm tình trạng tăng áp phổi nặng nề hơn.
Đối với cả người lớn và trẻ em, việc điều trị phẫu thuật đều với mục tiêu bị kín lỗ thông giữa hai tâm nhĩ. Tùy thuộc vào tình trạng của bệnh nhân, một trong hai phương pháp là can thiệp tim mạch hoặc phẫu thuật mổ hở sẽ được thực hiện.
Tái khám và theo dõi
Việc tái khám tùy thuộc vào loại dị tật, điều trị được thực hiện và các yếu tố khác. Bạn nên liên hệ với bác sĩ để được giải thích và tư vấn cụ thể về cách theo dõi bệnh. Đối với người lớn có dị tật thông liên nhĩ, họ cần được tái khám thường xuyên để đánh giá các biến chứng như tăng áp phổi, rối loạn nhịp, suy tim hay bệnh van tim. Thông thường, những bệnh nhân này cần đánh giá lại mỗi năm một lần.
Thông liên nhĩ là một trong những dị tật tim bẩm sinh thường gặp nhất. Tình trạng này thường nhẹ, không ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống nhưng các trường hợp dị tật nặng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm. Bệnh có thể liên quan đến các yếu tố di truyền, do đó bạn nên đi khám trước và trong khi mang thai để được theo dõi và chăm sóc tốt nhất. Khi có bất kỳ thắc mắc nào, hãy đi khám hoặc liên hệ với các bác sĩ để được giải đáp nhé!