Nhịp tim chậm huyết áp thấp tình trạng không thể xem nhẹ

Các vấn đề tim mạch luôn là chủ đề sức khỏe được quan tâm bởi nhiều người. Đa phần các bệnh lý huyết áp đều diễn tiến từ từ và âm thầm. Do đó có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Nhịp tim chậm huyết áp thấp cũng là một trong những “sát thủ thầm lặng” mà chúng ta thường không để ý đến. Bài viết sau đây của Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Thành Đô sẽ giúp bạn có thêm một số thông tin về vấn đề này. 

Thế nào là nhịp tim chậm?

Nhịp tim được định nghĩa là số lần tim đập trong một phút để bơm máu đi nuôi cơ thể. Chỉ số nhịp tim giúp chúng ta biết được tình trạng hoạt động của tim. Nhịp tim đo được thấp hơn 60 lần/ phút khi ở trạng thái nghỉ được gọi là nhịp tim chậm. 

Tuy nhiên, liệu có phải tất cả các trường hợp nhịp tim dưới 60 lần/ phút đều nguy hiểm? Nhịp tim mạnh, đều đặn là dấu hiệu cho thấy tim của bạn hoạt động khỏe mạnh. Trong một số trường hợp, nhịp tim chậm cũng là dấu hiệu của trái tim cực kỳ khỏe mạnh.

Điển hình là ở những vận động viên thường có nhịp tim thấp hơn bình thường khi nghỉ. Nguyên nhân là do hoạt động cơ tim mạnh, số lần tim bơm máu đi khắp cơ thể giảm. Nếu nhịp tim chậm bất thường hoặc đi kèm các triệu chứng khác, có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. 

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Huyết áp, tải ngay ứng dụng YouMed.

Chỉ số nhịp tim bình thường ở các độ tuổi như sau:

  • Người trưởng thành: 60-100 lần/phút.
  • Trẻ từ 1 đến 12 tuổi: 80-120 lần/phút
  • Trẻ sơ sinh từ 1 đến 12 tháng tuổi: 100-170 lần/phút.

nhịp tim chậm huyết áp thấp

Các chỉ số nhịp tim cho thấy tình trạng hoạt động của từng nhịp tim

Thế nào là huyết áp thấp?

Người có chỉ số huyết áp thấp hơn 90/60 mmHg được cho là huyết áp thấp. Người mắc huyết áp thấp thường có các triệu chứng: hoa mắt, chóng mặt, không vận động mạnh được và dễ ngất xỉu.

nhịp tim chậm huyết áp thấp

Máy đo huyết áp thể hiện chỉ số

Ngày nay dưới áp lực của cuộc sống, công việc, cũng như lối sống và dinh dưỡng không cân bằng, hiện có rất nhiều người mắc phải tình trạng này. Các bệnh lý về huyết áp có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào, nhưng ngày càng gặp nhiều hơn ở những người trẻ.

Nhịp tim chậm huyết áp thấp có ảnh hưởng gì đến sức khỏe?

Tình trạng nhịp tim chậm thường ít được biết và quan tâm đến. Các bệnh lý gây ra nhịp tim chậm có thể diễn tiến từ từ. Và ảnh hưởng đột ngột đến sức khỏe khiến người bệnh không có khả năng xoay xở kịp. Tình trạng này thường chỉ được phát hiện khi vô tình kiểm tra sức khỏe. Hoặc khi có các dấu hiệu sức khỏe trầm trọng.

Nhịp tim chậm huyết áp thấp có liên quan mật thiết với nhau. Chúng có khả năng gây nguy hiểm nếu xảy ra đồng thời. Những người có tình trạng nhịp tim chậm huyết áp thấp có thể gặp các triệu chứng như: mệt mỏi, đau ngực, choáng, thậm chí là ngất xỉu. Nhịp tim chậm có thể làm giảm lượng máu đi nuôi cơ thể, gây nhiều biến chứng sức khỏe. 

Biến chứng thường gặp nhất là ngất xỉu. Việc ngất xỉu đột ngột có thể dẫn đến kèm theo các biến chứng do té ngã. Nguy hiểm nhất là khi không được chữa trị có thể dẫn đến tình trạng suy tim, xuất hiện các cơn đau tim đột ngột, có nguy cơ gây tử vong. Do vậy trong trường hợp nhịp tim quá thấp, bác sĩ thường chỉ định can thiệp hoặc phẫu thuật đặt máy tạo nhịp để bảo vệ sức khỏe người bệnh.  

Xem thêm: Cách xử trí khi hạ đường huyết đột ngột mà bạn cần quan tâm

Nhịp tim chậm huyết áp thấp

Nhịp tim chậm huyết áp thấp khi xảy ra đồng thời có thể gây ngất xỉu đột ngột

Điều trị và phòng ngừa tình trạng nhịp tim chậm huyết áp thấp

Tình trạng nhịp tim chậm huyết áp thấp thường được bỏ qua khi không có các triệu chứng. Do đó, khi đã nhận thấy các dấu hiệu bất thường, cần thăm khám ngay để được điều trị phù hợp. Đối với tình trạng này, người bệnh có thể cần kết hợp điều trị thuốc và thay đổi chế độ sinh hoạt, lối sống. 

Điều trị thuốc

Việc lựa chọn loại thuốc điều trị phải dựa vào tình trạng và nguyên nhân bệnh. Trường hợp nhịp tim chậm huyết áp thấp là hậu quả của bệnh lý tim mạch hoặc toàn thân khác đi kèm, cần phải điều trị cả bệnh lý nguyên nhân. Nếu nguyên nhân gây ra nhịp tim chậm huyết áp thấp là do việc sử dụng một loại thuốc nào đó. Cần điều chỉnh liều/ loại thuốc hoặc ngưng sử dụng nếu cần thiết. Mục tiêu điều trị thuốc là giúp nhịp tim ổn định và cân bằng huyết áp để cung cấp đủ lượng máu cho cơ thể.

Việc dùng thuốc điều trị cần thực hiện theo đúng sự chỉ dẫn của bác sĩ. Vì vậy, bạn nên đến các cơ sở y tế hoặc bác sĩ gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Xem thêm: Mách bạn cách phòng ngừa nhịp tim chậm

Đặt máy tạo nhịp

Trường hợp nhịp tim chậm do rối loạn hệ thống dẫn truyền tim mức độ nặng, có thể phải cần đặt máy tạo nhịp tim. Đây là thiết bị được đặt dưới da giúp điều chỉnh nhịp tim. Sau khi đặt, bạn vẫn có thể hoạt động bình thường. Cần tránh các thiết bị điện và có từ trường mạnh. Người bệnh cần tái khám định kỳ để kiểm tra tình trạng hoạt động của máy.

Thay đổi lối sống

Nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng nhịp tim chậm huyết áp thấp là do chế độ dinh dưỡng và chế độ sinh hoạt. Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe và phòng chống bệnh tật, bạn nên xây dựng cho mình một lối sống khoa học và lành mạnh.

  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh với dinh dưỡng cân bằng. Tránh các thức ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh. Ăn nhiều trái cây và rau củ.
  • Cần hạn chế bia rượu và các chất kích thích.
  • Thường xuyên vận động nhẹ nhàng. Có thể lựa chọn một môn thể thao yêu thích để tập luyện hằng ngày.

Xem thêm: Những thực phẩm cho người huyết áp thấp mà bạn nên biết

Nhịp tim chậm huyết áp thấp

Luyện tập thể dục là cách giúp tăng cường sức khỏe và phòng tránh các bệnh lý tim mạch

Tóm lại, bệnh nhịp tim chậm huyết áp thấp có liên quan mật thiết với nhau. Để tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra, cần tuân thủ điều trị và thăm khám thường xuyên theo hướng dẫn của bác sĩ. Việc thay đổi lối sống lành mạnh sẽ giúp bạn kiểm soát tốt tình trạng bệnh. Hi vọng bài viết trên của Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Thành Đô đã cung cấp cho bạn những thông tin bổ ích về hai bệnh này. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào về sức khỏe, bạn hãy liên hệ ngay với các chuyên gia y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời nhé.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *