Tăng huyết áp có thể gây nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được kiểm soát tốt. Và muốn giữ huyết áp ổn định thì cần thực hiện một việc rất quan trọng. Đó là uống thuốc hạ huyết áp đúng cách. Hiện nay, thuốc hạ áp rất đa dạng với chỉ định và tác dụng khác nhau. Vậy tác dụng phụ của thuốc huyết áp là gì? Làm sao để hạn chế chúng? Bài viết sau đây của Bác sĩ Lương Sỹ Bắc sẽ giải đáp những thắc mắc này cho bạn. Mời bạn cùng tìm hiểu nhé!
Khi nào cần dùng thuốc điều trị huyết áp?
Tăng huyết áp ở người trưởng thành được xác định khi huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg. Theo Joint National Committee – JNC, tăng huyết áp được chia thành hai giai đoạn (trước đây là ba giai đoạn) như sau:1
Phân loại | Huyết áp tâm thu | Huyết áp tâm trương |
Huyết áp bình thường | ≤ 120 mmHg | ≤ 80 mmHg |
Tiền tăng huyết áp | 120 – 139 mmHg | 80 – 89 mmHg |
Tăng huyết áp | ≥ 140 mmHg | ≥ 90 mmHg |
Tăng huyết áp độ I | 140 – 159 mmHg | 90 – 99 mmHg |
Tăng huyết áp độ II | ≥ 160 mmHg | ≥ 100 mmHg |
Khi sử dụng thuốc huyết áp nào, bệnh nhân cần lưu ý chỉ định, tương tác, cũng như các tác dụng phụ của thuốc huyết áp đó. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ cân nhắc tình trạng từng bệnh nhân để đưa ra phác đồ. Cụ thể, thuốc hạ huyết áp sẽ được bác sĩ chỉ định trong các trường hợp sau:2
- Bệnh nhân ở mức tiền tăng huyết áp. Và có yếu tố nguy cơ tim mạch rất cao (như có bệnh tim mạch, tiểu đường có biến chứng hoặc có bệnh thận mạn).
- Bệnh nhân có tăng huyết áp độ I và có yếu tố nguy cơ tim mạch trung bình.
- Người bệnh tăng huyết áp độ II trở lên bắt buộc phải sử dụng thuốc huyết áp theo y lệnh bác sĩ.
- Ngoài ra các trường hợp lên cơn tăng huyết áp đột ngột khi nhập viện cũng sẽ được dùng thuốc để kiểm soát huyết áp.
Tác dụng phụ của thuốc huyết áp
Về cơ bản, tất cả các thuốc hạ áp đều có tác dụng phụ với nhiều mức độ khác nhau. Các tác dụng phụ thường gặp đối với từng nhóm thuốc huyết áp là:3
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Huyết áp, tải ngay ứng dụng YouMed.
1. Thuốc ức chế men chuyển và thuốc ức chế thụ thể angiotensin
Hai nhóm thuốc này có tác dụng phụ khá gần giống nhau. Phổ biến nhất là gây ho khan dai dẳng. Thuốc trị ho thông thường sẽ không thể làm hết tình trạng này. Vì vậy, bệnh nhân chỉ có thể đổi thuốc hạ áp khác hoặc giảm liều.
Các tác dụng phụ ít gặp hơn gồm khô miệng, buồn nôn và nôn, đau cơ, phát ban, tăng kali máu. Đặc biệt, nhóm thuốc này có thể gây dị tật thai nhi nếu bà bầu sử dụng khi mang thai.
Bên cạnh đó, phù mạch cũng là tác dụng phụ nguy hiểm nhưng hiếm gặp của ACEi. Cụ thể, sau vài phút tới vài giờ sử dụng thuốc. Bệnh nhân có thể bị sưng môi, lưỡi, họng dẫn đến nặng ngực khó thở. Đây là tình trạng cấp cứu, phải đưa bệnh nhân tới bệnh viện và ngừng sử dụng thuốc. Ngoài ra, thuốc ức chế thụ thể sẽ ít gây tác dụng phụ hơn ức chế men chuyển.
2. Thuốc chẹn beta giao cảm
Thuốc chẹn beta thường không thích hợp cho người có bệnh hen. Hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (bệnh COPD) không được kiểm soát tốt. Bởi thuốc có thể làm nặng thêm triệu chứng của các bệnh liên quan tới mạch máu ngoại vi.
Thuốc chẹn beta còn có thể gây mệt mỏi, nhịp tim chậm, rối loạn giấc ngủ, phát ban, tay chân lạnh, giảm khả năng tình dục.
3. Thuốc chẹn kênh canxi
Thuốc gây các tác dụng phụ như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, táo bón, ợ nóng, nóng phừng mặt, phù chân.
4. Thuốc lợi tiểu
Thuốc lợi tiểu làm tăng cường đào thải nước và muối qua đường nước tiểu. Từ đó làm giảm huyết áp. Do đó, thuốc có thể làm bệnh nhân đi tiểu tiện nhiều hơn bình thường.
Đồng thời, do tác dụng làm giảm điện giải và giảm lượng dịch trong cơ thể. Bệnh nhân cũng có thể có triệu chứng mệt mỏi, đau yếu cơ, chuột rút, rối loạn nhịp tim khi sử dụng thuốc. Một số tác dụng phụ khác có thể gồm rối loạn cương dương, gây cơn gút cấp.
Xem thêm: Những phương pháp điều trị tăng huyết áp hiện nay
Làm thế nào hạn chế tác dụng phụ của thuốc huyết áp?
Như đã đề cập, các thuốc điều trị tăng huyết áp đều ít nhiều gây ra các tác dụng phụ. Ở đa số trường hợp, cơ thể sẽ tự thích ứng và giảm dần các triệu chứng sau một khoảng thời gian sử dụng. Tuy nhiên, nếu muốn hạn chế tác dụng phụ của thuốc huyết áp. Bệnh nhân có thể dùng một số biện pháp sau:
- Với thuốc lợi tiểu, nên dùng thuốc vào buổi sáng. Việc này để tránh đi tiểu đêm nhiều lần, làm mất ngủ. Nếu phải dùng hai lần trong ngày, liều thứ hai nên uống trước bốn giờ chiều.
- Với các thuốc nhóm ức chế men chuyển hoặc chẹn thụ thể angiotensin. Phụ nữ dự định mang thai hay đang có thai không nên sử dụng các thuốc này. Còn bệnh nhân trong độ tuổi sinh sản nếu cần sử dụng hai nhóm thuốc này. Nên sử dụng trước các phương pháp tránh thai hiệu quả để không mang thai. Ngoài ra, thông báo với bác sĩ nếu thấy ho khan kéo dài dai dẳng trong quá trình dùng thuốc.4
- Để hạn chế té ngã do hạ huyết áp tư thế nên đứng hoặc ngồi dậy từ từ, tránh thay đổi tư thế quá nhanh.
- Không nên tự bẻ, nhai, nghiền hoặc pha với nước để uống thuốc. Càng không nên tự mua thuốc uống mà phải có sự tư vấn của bác sĩ.
- Đảm bảo uống thuốc đúng giờ và đúng liều mỗi ngày. Tránh uống thuốc hạ áp quá liều.
Xem thêm: Bác sĩ hướng dẫn uống thuốc hạ huyết áp đúng cách và hiệu quả
Những phương pháp kiểm soát huyết áp không dùng thuốc
Điều trị tăng huyết áp phải kết hợp biện pháp dùng thuốc và không dùng thuốc. Uống thuốc đúng cách sẽ hạn chế tác dụng phụ của thuốc huyết áp. Và xây dựng lối sống lành mạnh sẽ giúp góp phần kiểm soát huyết áp ổn định:5
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, có lợi cho tim mạch.
- Sử dụng chế độ ăn hạn chế muối.
- Không hút thuốc lá, rượu bia.
- Tập thể dục điều độ, nhẹ nhàng.
- Kiểm soát cân nặng phù hợp.
- Theo dõi huyết áp thường xuyên tại nhà.
- Kiểm soát huyết áp khi mang thai.
- Thư giãn tâm trí và hạn chế căng thẳng, stress.
Xem thêm: Huyết áp cao kiêng ăn gì để kiểm soát tốt bệnh?
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn giải đáp thắc mắc về các tác dụng phụ của thuốc huyết áp. Hãy uống thuốc đúng cách để hạn chế tác dụng phụ này. Đồng thời, cần lưu ý là khi có chỉ định thì việc uống thuốc huyết áp sẽ là bắt buộc và kéo dài liên tục đến suốt đời. Ngoài ra, bệnh nhân nên tuân thủ phác đồ và xây dựng cuộc sống lành mạnh để giúp kiểm soát huyết áp ổn định.