Huyết áp thấp là một bệnh lý tim mạch phổ biến hiện nay. Chúng không chỉ thường gặp ở người cao tuổi mà còn gặp ở những người trẻ tuổi. Hiện nay tỉ lệ người trẻ tuổi mắc bệnh huyết áp thấp có xu hướng tăng lên theo từng ngày. Chúng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của họ. Chính vì thế, người bị huyết áp thấp cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời tránh gây ra các biến chứng nguy hiểm. Bài viết dưới đây của Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Thành Đô sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cơ bản về bệnh huyết áp thấp ở người trẻ tuổi. Cùng nhau tìm hiểu nhé!
Huyết áp thấp là gì?
Trước khi tìm hiểu những biểu hiện huyết áp thấp ở người trẻ tuổi, bạn cần biết tình trạng huyết áp thấp là gì. Trong cơ thể người, nhịp tim đập sẽ tạo ra một áp lực lên thành mạch để đưa lưu lượng máu đến các bộ phận trong cơ thể. Áp lực này được gọi là huyết áp.
Huyết áp bao gồm huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương. Huyết áp có thể tăng và giảm trong suốt cả ngày. Huyết áp được coi là bình thường khi dưới 120/80 mmHg. Vậy huyết áp thấp được xác định khi chỉ số huyết áp nhỏ hơn 90/60 mmHg. Với huyết áp tâm thu nhỏ hơn 90 mmHg hoặc huyết áp tâm trương nhỏ hơn 60 mmHg.
Tuy nhiên, với một người bình thường khoẻ mạnh khi đo huyết áp mà chỉ số huyết áp thấp nhưng người đó không có triệu chứng gì thì đây không phải là bệnh mà đó là chỉ số huyết áp bình thường của người đó. Chính vì thế, việc chẩn đoán huyết áp thấp còn phụ thuộc vào các yếu tố như:
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Huyết áp, tải ngay ứng dụng YouMed.
- Dựa vào chỉ số huyết áp bình thường trước đó của người bệnh.
- Tiền sử bệnh.
- Tuổi tác.
- Giới tính.
- Có thể có các triệu chứng kèm theo như: nhìn mờ, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt…
Tại sao người trẻ tuổi lại bị huyết áp thấp?
Đa số mọi người đều nghĩ rằng huyết áp thấp sẽ gặp ở những người cao tuổi. Tuy nhiên hiện nay người trẻ tuổi vẫn bị bệnh huyết áp thấp và tỉ lệ ngày càng gia tăng. Vậy tại sao người trẻ tuổi lại bị huyết áp thấp? Dưới đây là một số lí do phổ biến thường gặp:
- Mắc phải các bệnh lý thận mãn tính hay các bệnh lý gây thiếu máu.
- Nội tiết tố mất cân bằng.
- Sử dụng nhiều đồ uống chứa cồn như: rượu bia.
- Hút thuốc lá.
- Béo phì.
- Tâm trạng căng thẳng, nhiều áp lực trong cuộc sống.
- Ăn uống không đúng giờ, thường xuyên bỏ bữa.
- Thức khuya: người trẻ thường hay thức khuya, ngủ ít. Ngủ không đủ giấc, thiếu ngủ là nguyên nhân gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe.
- Mắc phải tình trạng tiêu chảy, ngộ độc thực phẩm hay nhiễm trùng nặng.
- Ngồi nhiều, ít vận động. Mỗi khi đứng lên ngồi xuống dễ khiến huyết áp hạ thấp.
- Sử dụng một số loại thuốc có tác dụng phụ gây hạ huyết áp.
Xem thêm: Burnout: Tình trạng kiệt sức nơi làm việc và 13 cách để khôi phục
Biểu hiện huyết áp thấp ở người trẻ tuổi
Người cao tuổi hay người trẻ tuổi khi mắc phải tình trạng huyết áp thấp đều biểu hiện gần giống nhau. Dưới đây là một số dấu hiệu phổ biến ở người bị huyết áp thấp:
- Chóng mặt, hoa mắt: Thường xuất hiện khi thay đổi tư thế đột ngột như đứng dậy sau khi ngồi quá lâu, ngồi bật dậy khi đang nằm.
- Mệt mỏi kéo dài.
- Dễ nhầm lẫn.
- Buồn nôn và nôn.
- Choáng váng, có thể dẫn đến ngất xỉu.
- Có thể khó thở.
- Da lạnh, nhợt nhạt, sần sùi.
- Vấn đề về thị lực như nhìn mờ.
- Lo âu.
- Thiếu tập trung: Khi bị huyết áp thấp thì máu sẽ không đủ cung cấp đến não, từ đó khiến các tế bào não không nhận đủ oxy và chất dinh dưỡng để hoạt động bình thường.
Khi nào huyết áp thấp nên gặp bác sĩ
Thông thường tình trạng huyết áp thấp thường nhẹ và không quá nguy hiểm. Tuy nhiên khi bạn thường xuyên xuất hiện những triệu chứng sau đây, bạn nên đến gặp ngay bác sĩ.
- Khi đo huyết áp thấy chỉ số huyết áp thấp bất thường.
- Thay đổi thị lực, khó thở.
- Thường xuyên bị chóng mặt hay ngất xỉu.
- Tim đập không đều hay đau ngực.
- Choáng váng khi đứng lâu hay khi đứng lên từ tư thế ngồi hay nằm.
Huyết áp thấp nếu không được chữa trị và kiểm soát tốt từ đầu đặc biệt là ở những người trẻ tuổi có thể ảnh hưởng sức khỏe và làm suy giảm một số chức năng của các bộ phận trong cơ thể. Chính vì thế chúng ta không nên chủ quan về căn bệnh này.
Xem thêm: Lời khuyên của bác sĩ khi bạn bị chóng mặt
Điều trị huyết áp thấp ở người trẻ tuổi
Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị huyết áp thấp. Một trong những cách điều trị bệnh huyết áp thấp phổ biến, hiệu quả và nhanh chóng nhất đó là dùng thuốc. Các loại thuốc có thể được sử dụng để trị bệnh huyết áp thấp như: Fludrocortisone, Midodrine, Heptaminol…
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng bạn không nên tự ý sử dụng tại nhà. Vì các loại thuốc này cần sử dụng theo chỉ định của bác sĩ. Khi bạn đã tìm ra được nguyên nhân gây ra tình trạng huyết áp thấp thì các bác sĩ sẽ điều trị nguyên nhân gây ra bệnh.
Bên cạnh phương pháp dùng thuốc, có những cách điều trị bệnh huyết áp thấp không cần dùng thuốc. Những cách đó cụ thể bao gồm:
- Bổ sung nước: Huyết áp thấp có thể do nguyên nhân thiếu nước, hoặc mất nước, mất máu. Vì vậy, cách chữa huyết áp thấp nhanh nhất và đơn giản nhất là uống nhiều nước. Tốt hơn hết là bạn nên uống nước lọc hoặc có thể uống nước dừa hay nước cam…
- Thay đổi tư thế một cách từ từ: Nếu bạn thay đổi tư thế từ ngồi sang đứng, hoặc từ nằm sang ngồi, bạn hãy thực hiện từ từ. Không nên thay đổi tư thế một cách đột ngột hay nhanh quá.
- Tăng lượng muối trong chế độ ăn hàng ngày: Huyết áp của bạn thấp có thể do thiếu muối. Vì vậy, bạn hãy bổ sung thêm muối vào các bữa ăn hàng ngày.
Xem thêm: Chế độ dinh dưỡng cho người bị thiếu máu
Phòng ngừa huyết áp thấp ở người trẻ tuổi
Đối với những người trẻ tuổi, để tránh được tình trạng huyết áp thấp chúng ta nên có các biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Dưới đây là một số phương pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả.
Chế độ dinh dưỡng
- Nên ăn mặn hơn bình thường.
- Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn đủ bữa và tránh bỏ bữa.
- Trong chế độ ăn hàng ngày bạn cần bổ sung thêm các loại thực phẩm có chứa các thành phần như protein, vitamin C hay một số thực phẩm có tác dụng nâng cao huyết áp như: cà phê, nước chè đặc, nước sâm, tam thất, rau cần tây, hạt sen, nho khô, hạnh nhân, trà cam thảo, trà gừng… Các loại thực phẩm này rất tốt cho việc kiểm soát huyết áp thấp.
- Tránh các loại thực phẩm gây hạ huyết áp như: rau cải, râu ngô, dưa hấu, bí ngô…
- Uống nhiều nước giúp tăng thể tích máu và tránh tình trạng mất nước. Không nên sử dụng đồ uống có cồn, có ga.
Chế độ sinh hoạt
- Tránh thức khuya. Nên ngủ đủ giấc và đúng giờ.
- Người bị huyết áp thấp rất hay bị hoa mắt, chóng mặt mỗi khi thay đổi tư thế. vì thế khi ngồi dậy cần phải từ từ. Khi ngủ nên gối đầu thấp, chân cao.
- Giữ tâm trạng, tinh thần luôn lạc quan, vui vẻ. Tránh xúc động quá mạnh như sợ hãi, lo lắng… có thể khiến tình trạng bệnh nặng thêm.
- Tập thể dục, thể thao vận động nhẹ nhàng như đi bộ. Nên tránh các môn thể thao vận động mạnh dễ gây mất nước và năng lượng.
- Cuối cùng đối với những người bị huyết áp thấp, việc thăm khám định kì là vô cùng cần thiết để kiểm soát chỉ số huyết áp tốt hơn.
Tóm lại, huyết áp thấp ở người trẻ tuổi là tình trạng phổ biến hiện nay. Chúng gây ra các triệu chứng phiền toái cho mọi người. Khiến mọi người không thể tập trung và ảnh hưởng đến công việc. Bài viết trên đây của Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Thành Đô đã cung cấp cho bạn thông tin đầy đủ về bệnh huyết áp thấp ở người trẻ tuổi. Nếu các bạn có thắc mắc hay câu hỏi nào thì hãy liên hệ với chúng tôi nhé!