Việc điều trị tăng huyết áp cần giữ cho huyết áp ổn định nhằm phòng tránh các biến chứng. Tuy vậy, vẫn có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến huyết áp mà chúng ta khó có thể kiểm soát. Huyết áp có sự thay đổi theo sinh lý cơ thể, theo thời gian ngày đêm… Trong đó, huyết áp tăng về đêm khá thường gặp. Tình trạng này ảnh hưởng cả giấc ngủ và làm huyết áp biến động. Mời bạn cùng bác sĩ Lương Sỹ Bắc tìm hiểu về vấn đề huyết áp cao về đêm để có thể kiểm soát bệnh tăng huyết áp tốt hơn.
Tình trạng huyết áp tăng về đêm là gì?
Theo sinh lý bình thường của cơ thể, huyết áp về đêm thấp hơn ban ngày từ 10 – 15 mmHg. Chủ yếu là do giảm hoạt động của hệ thần kinh giao cảm và hoạt động của hệ đối giao cảm. Cơ chế chính là giảm hoạt động của hệ tim và mạch máu làm huyết áp hạ xuống. Ngoài ra còn do trong lúc nằm ngủ giảm vận động, giảm nhu cầu oxi.
Huyết áp tăng về đêm là tình trạng huyết áp trung bình buổi tối (từ lúc lên giường ngủ đến khi thức dậy) ≥ 120/70 mmHg. Giá trị này phải được đo bằng máy theo dõi huyết áp liên tục.1
Các mốc huyết áp theo dõi trong ngày để xác định tình trạng tăng huyết áp về đêm:
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Huyết áp, tải ngay ứng dụng YouMed.
Huyết áp tâm thu (mmHg) | Huyết áp tâm trương (mmHg) | |
Đo huyết áp tại phòng khám/bệnh viện | ≥ 140 | ≥ 90 |
Đo Holter huyết áp 24h | ||
– Ban ngày (hoặc lúc ngủ dậy) | ≥ 135 | ≥ 85 |
– Ban đêm (hoặc lúc đi ngủ) | ≥ 120 | ≥ 70 |
– 24 giờ | ≥ 130 | ≥ 80 |
Đo huyết áp tại nhà (tự do) | ≥ 135 | ≥ 85 |
Nguyên nhân của tình trạng huyết áp tăng về đêm
Huyết áp tăng về đêm có thể liên quan đến các tình trạng:1 2
- Tình trạng bệnh tăng huyết áp không được kiểm soát tốt.
- Có hội chứng ngưng thở khi ngủ.
- Có bệnh lý về thận.
- Mắc đái tháo đường.
- Các vấn đề bệnh lý tuyến giáp.
- Bất thường hệ thống thần kinh trung ương: mất ngủ, rối loạn nhận thức, già suy yếu, bệnh nhân sau đột quỵ.
- Có các bệnh lý tim mạch.
Chế độ ăn nhiều muối cũng góp phần làm tăng huyết áp ban đêm. Lượng muối và nước nhiều làm cơ thể phải tăng huyết áp ban đêm để tăng thải qua nước tiểu. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây tiểu đêm. Ngoài ra, các yếu tố có thể ảnh hưởng đến huyết áp ban đêm, bao gồm:1 2
- Thường xuyên làm việc vào ban đêm.
- Hút thuốc lá.
- Rối loạn lo âu, trầm cảm, stress…
Đối tượng có nguy cơ bị huyết áp tăng về đêm
Các đối tượng sau có thể gặp phải tình trạng tăng huyết áp ban đêm:
- Không điều trị tốt tăng huyết áp, không uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ (quên uống thuốc, uống sai liều,…).
- Ăn chế độ ăn quá nhiều muối.
- Bệnh nhân có bệnh tim mạch, đái tháo đường, bệnh thận mãn, tuyến giáp…
- Thường xuyên gặp stress, lo lắng, không ổn định về tâm lý.
- Làm việc ca đêm lâu ngày.
- Người lớn tuổi cũng thường bị tăng huyết áp ban đêm.
Huyết áp buổi tối tăng có thể là biểu hiện ban đầu của bệnh tăng huyết áp. Hoặc là dấu hiệu dự báo của các bệnh lý về tim mạch, thận. Do đó khi phát hiện cần có thái độ xử trí phù hợp.1 2
Xem thêm: Bác sĩ hướng dẫn uống thuốc hạ huyết áp đúng cách và hiệu quả
Huyết áp tăng về đêm nguy hiểm như thế nào?
Có nhiều yếu tố cần chú ý để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân. Vào ban đêm khi đang ngủ, bệnh nhân thường không nhận ra được các triệu chứng nguy hiểm để thông báo. Do đó khi xảy ra biến chứng sẽ không được cấp cứu kịp thời. Các thuốc huyết áp hầu hết đã sử dụng ban ngày nên khi có cơn tăng huyết áp ban đêm thì thiếu thuốc sử dụng tại chỗ.
Ngoài ra, như đã đề cập, mức huyết áp ban đêm thường thấp hơn ban ngày. Nên huyết áp tăng về đêm ở mức trung bình cũng là tình trạng đáng ngại. Khi các biến cố xảy ra vào ban đêm, bệnh nhân sẽ không được phát hiện kịp thời và dễ diễn tiến nặng. Do đó khi phát hiện tăng huyết áp ban đêm cần phải theo dõi sát.1 2 3
Chẩn đoán tình trạng tăng huyết áp ban đêm như thế nào?
Huyết áp tăng về đêm được chẩn đoán bằng cách theo dõi huyết áp liên tục (Holter huyết áp). Khi nghi ngờ bệnh nhân có tình trạng tăng huyết áp buổi tối, bác sĩ sẽ chỉ định đeo máy Holter huyết áp. Máy sẽ đo huyết áp vào các thời điểm được lập trình sẵn. Tăng huyết áp ban đêm được chẩn đoán khi huyết áp trung bình ban đêm > 120/70 mmHg (theo hiệp hội tim mạch châu Âu).1 2
Điều trị và phòng ngừa tăng huyết áp về chiều và đêm
Về cơ bản điều trị huyết áp tăng ban đêm không khác bệnh tăng huyết áp nói chung. Điều trị trên nhóm bệnh nhân này nên lựa chọn nhóm thuốc có tác dụng kéo dài. Cân nhắc về tình trạng quá tay có thể làm hạ huyết áp sâu về đêm. Đây là yếu tố nguy cơ có thể gây các biến cố về thiếu máu cơ tim, giảm oxi máu.
Một số bệnh nhân dung nạp cữ thuốc ban đêm tốt hơn nên có thể đổi sang uống buổi tối. Ngoài ra phải điều trị các bệnh lý liên quan, nhất là tình trạng mất ngủ. Mất ngủ là nguyên nhân phổ biến làm huyết áp không ổn định.1 2 3
Xem thêm: Khó ngủ: Tìm hiểu nguyên nhân và hướng điều trị
Các biện pháp dự phòng cũng rất quan trọng trong kiểm soát huyết áp. Một số điểm sau có thể áp dụng hiệu quả:1 2 3
- Giảm căng thẳng, stress.
- Hạn chế làm việc vào ban đêm.
- Giảm muối trong chế độ ăn.
- Điều trị tốt các bệnh kèm theo.
Huyết áp tăng về đêm góp phần vào làm quá trình điều trị bệnh tăng huyết áp không ổn định. Tình trạng này có thể góp phần đẩy nhanh các biến cố tim mạch, thận. Thái độ tiếp nhận và xử trí cần tích cực để đạt được mục tiêu huyết áp. Kiểm soát huyết áp ổn định trong cả ngày sẽ cải thiện tiên lượng cuộc sống cho bệnh nhân tăng huyết áp.