Huyết áp tâm trương: Những vấn đề cần tìm hiểu

Huyết áp là một trong những chỉ số quan trọng đầu tiên, nói lên tình trạng sức khỏe hiện tại của con người. Bên cạnh huyết áp tâm thu thì huyết áp tâm trương cũng là một chỉ số quan trọng. Vậy thì chúng ta nên hiểu như thế nào cho đúng về huyết áp này? Hãy cùng bác sĩ Nguyễn Lâm Giang đi tìm câu trả lời qua bài viết sau đây.

Huyết áp tâm trương

Huyết áp là gì?

Nội dung đầu tiên chúng ta nên tìm hiểu đó chính là định nghĩa huyết áp. Huyết áp là áp suất của dòng máu tác động lên thành mạch trong quá trình tim co bóp. Loại áp suất này phụ thuộc chủ yếu vào cung lượng tim và sức cản ngoại biên. Chính vì vậy, huyết áp sẽ thay đổi do bất cứ nguyên nhân nào làm cho:

  • Thay đổi nhịp tim (nhịp tim nhanh hoặc chậm).
  • Sức co bóp của tim thay đổi.
  • Thay đổi cung lượng tim.
  • Sức cản ngoại biên của hệ thống mạch máu tăng hoặc giảm.

Bên cạnh nhiệt độ cơ thể, tần số mạch, nhịp thở thì huyết áp là một trong những chỉ số quan trọng đầu tiên. Những chỉ số này được gọi chung là dấu hiệu sinh tồn hay sinh hiệu. Nói cách khác, đây là những con số cơ bản nhất thể hiện tình trạng sức khỏe của một người. Bất kỳ bệnh lý hoặc rối loạn nào của cơ thể đều làm thay đổi những chỉ số này đầu tiên.

Huyết áp tâm trương là gì?

Huyết áp tâm trương còn được viết tắt là DBP – Diastolic Blood Pressure. Nói chung, chỉ số huyết áp được biểu thị bằng hai con số. Con số trên là huyết áp tối đa, còn gọi là huyết áp tâm thu. Trị số này bình thường nằm trong khoảng 90 đến 120 mmHg. Trong khi con số dưới là huyết áp tối thiểu, còn gọi là huyet ap tam truong. Trị số huyết áp này bình thường nằm trong khoảng 60 đến 80 mmHg.

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Huyết áp, tải ngay ứng dụng YouMed.

Huyết áp tâm trương

Huyết áp tâm trương

Chỉ số huyết áp tâm trương

Chỉ số huyết áp tâm trương bình thường

Như bài viết đã trình bày ở trên, chỉ số DBP bình thường nằm trong khoảng 60 đến 80 mmHg. Nếu chỉ số DBP dưới 60 mmHg thì gọi là hạ và cao hơn 80 mmHg gọi là tăng huyết áp. Khi DBP tăng, mức độ tăng được định nghĩa như sau:

  • Tăng huyết áp giai đoạn 1: DBP nằm trong khoảng 80 đến 89 mmHg.
  • Tăng huyết áp giai đoạn 2: DBP từ 90 mmHg hoặc hơn.
  • Cấp cứu tăng huyết áp: DBP tăng từ 120 mmHg hoặc hơn.

Chỉ số DBP thấp

Chỉ số DBP được gọi là thấp khi đo huyết áp bằng máy cơ hoặc máy huyết áp điện tử. Lúc ấy, huyết áp tối thiểu dưới 60 mmHg. Người bệnh sẽ xuất hiện những triệu chứng báo hiệu huyết áp hạ thấp như:

  • Mệt mỏi, hụt hơi.
  • Xây xẩm, choáng váng, chóng mặt.
  • Nhịp tim đập nhanh, hồi hộp đánh trống ngực.
  • Muốn ngất hoặc ngất.

Ngất xỉu do hạ huyết áp

Ngất xỉu do hạ huyết áp

Chỉ số DBP cao

Chỉ số DBP được gọi là cao khi đo huyết áp bằng máy cơ hoặc máy huyết áp điện tử. Lúc ấy, huyết áp tối thiểu cao hơn 80 mmHg. Cùng với sự tăng huyết áp ấy, người bệnh sẽ xuất hiện những triệu chứng sau:

  • Đau đầu, nặng đầu, xây xẩm.
  • Suy giảm thị lực, mờ mắt.
  • Mệt mỏi, vã mồ hôi.
  • Đỏ bừng mặt.
  • Chảy máu cam, chảy máu chân răng, đi tiểu ra máu.

Những yếu tố ảnh hưởng đến huyết áp tâm trương

Sau khi nắm được một cách cụ thể huyết áp tâm trương là gì, chúng ta hãy tìm hiểu những yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số huyết áp này. Nói chung, các yếu tố ảnh hưởng đến huyết áp tối đa đều có thể ảnh hưởng đến huyết áp tối thiểu. Vì vậy, những yếu tố điển hình có thể kể đến bao gồm:

  • Thừa cân, béo phì.
  • Chế độ ăn nhiều mỡ động vật hay chất béo bão hòa. Điều này sẽ làm tăng cholesterol xấu trong máu. Từ đó dẫn đến xơ vữa mạch máu làm cho DBP tăng.
  • Chế độ ăn mặn, nhiều muối.
  • Thói quen lười vận động thể lực.
  • Uống nhiều rượu bia và các thức uống có cồn.
  • Sử dụng nhiều chất kích thích như: Caffein, Amphetamin, Cocain,…
  • Hút thuốc lá.
  • Căng thẳng tâm lý thường xuyên.

Xơ vữa mạch máu làm tăng huyết áp tâm trương

Xơ vữa mạch máu làm tăng huyết áp tâm trương

Cách kiểm soát huyết áp tâm trương

Chẩn đoán và điều trị

Việc chẩn đoán chủ yếu dựa vào đo huyết áp, thông qua máy đo huyết áp cơ, máy huyết áp điện tử hoặc huyết áp kế. Việc đo huyết áp nên thực hiện sau khi bệnh nhân nghỉ ngơi 10 phút, không vận động và không sử dụng bất kỳ loại thuốc nào. Nếu chỉ số huyết áp đo được tăng bền vững qua nhiều ngày thì bệnh nhân ấy được chẩn đoán tăng huyết áp. Huyết áp có thể tăng bao gồm cả tâm thu và tâm trương, hoặc chỉ tăng huyết áp tâm thu đơn độc.

Điều trị bằng cách uống thuốc

Điều trị bằng cách uống thuốc

Điều trị bệnh tăng huyết áp nói chung là phải uống thuốc lâu dài. Thuốc được chỉ định là nhóm thuốc hạ áp, có thể kèm theo một vài loại thuốc khác. Tuy nhiên, người bệnh nên uống theo toa của bác sĩ chuyên khoa, không nên tự ý mua thuốc uống.

Phòng ngừa rối loạn huyết áp tâm trương

Để ổn định DBP, phòng ngừa rối loạn huyết áp, chúng ta nên thực hiện một số biện pháp sau:

  • Giữ cân nặng ở mức phù hợp, giảm cân nếu đang bị thừa cân hoặc béo phì.
  • Từ bỏ thói quen hút thuốc lá.
  • Có chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh. Hạn chế: thức ăn mặn, thức ăn chứa nhiều mỡ động vật.
  • Siêng năng tập thể dục mỗi ngày.
  • Hạn chế rượu bia, thức uống có cồn và các chất kích thích.
  • Có chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý. Hạn chế để tâm lý căng thẳng, lo âu thường xuyên.
  • Uống đủ nước mỗi ngày (khoảng 1,5 đến 2 lít nước).
  • Tăng cường chất xơ trong những bữa ăn hàng ngày.
  • Uống thuốc điều hòa huyết áp hàng ngày theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
  • Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các bệnh lý về huyết áp.

Uống đủ nước mỗi ngày góp phần ổn định huyết áp

Uống đủ nước mỗi ngày góp phần ổn định huyết áp

Qua bài viết này, hy vọng bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về huyết áp tâm trương. Đồng thời biết được những cách điều trị và phòng bệnh rối loạn huyết áp. Mục đích là để giữ huyết áp cả tâm thu và tâm trương được ổn định, giữ gìn sức khỏe của bản thân mình.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *