Tăng huyết áp ngày càng trở nên phổ biến và trở thành gánh nặng cho sức khỏe. Quá trình điều trị cần phải duy trì huyết áp ở mức ổn định để tránh các biến chứng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, huyết áp không ổn định có thể xảy ra trong sinh hoạt. Bài viết sau đây của bác sĩ Lương Sỹ Bắc về tình trạng huyết áp không ổn định. Mời bạn cùng tìm hiểu để có thể kiểm soát bệnh tăng huyết áp tốt hơn nhé.
Huyết áp không ổn định là gì?
Huyết áp không ổn định là tình trạng thay đổi huyết áp lên xuống thất thường của một người bệnh. Sự thay đổi này có thể diễn ra đột ngột hoặc liên tục trong một thời gian dài.
Trên thực tế, huyết áp của cơ thể thay đổi mỗi ngày thậm chí là thay đổi từng giờ. Nhưng sự thay đổi này là sinh lý và ở mức có thể chấp nhận được. Ở những bệnh nhân tăng huyết áp không được điều trị tốt, huyết áp có thể giao động rất mạnh. Điều này đặc biệt nguy hiểm vì dễ gây ra các biến chứng.1 2 3
Biểu hiện huyết áp không ổn định
Tùy theo mức độ biến đổi mà huyết áp không ổn định có thể có các biểu hiện khác nhau. Biểu hiện thường không rõ rệt như:3
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Huyết áp, tải ngay ứng dụng YouMed.
- Đau đầu, hoa mắt chóng mặt, tăng khi thay đổi tư thế hoặc thay đổi môi trường đột ngột.
- Hay ù tai, choáng váng đầu.
- Mặt đỏ, tim đập nhanh hoặc có thể kèm theo vã mồ hôi.
- Chỉ số huyết áp đo được thay đổi thường xuyên và khó kiểm soát.
Nếu kéo dài, huyết áp biến đổi nhiều hoặc đột ngột có thể gây nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, suy tim… với các biểu hiện nặng:2
- Đau ngực, khó thở, giảm khả năng gắng sức.
- Ngất.
- Yếu tay chân, méo miệng.
Khi thấy các biểu hiện trên cần đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế để được chăm sóc.
Nguyên nhân huyết áp không ổn định
Có rất nhiều yếu tố làm huyết áp tăng cao hoặc giảm thấp không ổn định. Một số nguyên nhân thường gặp là:1 3
- Sự thay đột ngột cảm xúc và trạng thái tâm lý. Lo lắng, sợ hãi, căng thẳng, hay những cú sốc tâm lý đều có thể khiến huyết áp tăng vọt hoặc hạ nhanh.
- Quên hoặc uống thuốc huyết áp sai liều.
- Do sử dụng chất kích thích.
- Thay đổi môi trường đột ngột (nóng hay lạnh) hoặc thay đổi tư thế đột ngột.
- Do tác dụng phụ của một số thuốc có ảnh hưởng lên huyết áp.
- Huyết áp không ổn định cũng có thể là biến chứng hoặc ảnh hưởng của một số bệnh như suy tim, cơn đau thắt ngực, sốt…
Huyết áp không ổn định có nguy hiểm không?
Huyết áp không được kiểm soát hợp lý lâu dài sẽ gây các biến chứng nguy hiểm. Tình trạng huyết áp lên xuống thất thường có thể tạo áp lực trực tiếp cho tim và các cơ quan khác. Các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra thường là:1 2 3
- Đột quỵ: xuất huyết não, nhồi máu não, cơn thiếu máu não thoáng qua.
- Bệnh động mạch vành: nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực.
- Bệnh võng mạc do tăng huyết áp.
- Tắc động mạch ngoại biên
- Bệnh thận mãn.
Các biến chứng trên đều rất nặng và nhiều biến chứng không thể hồi phục. Do đó, kiểm soát huyết áp để phòng ngừa biến chứng là quan trọng với người bệnh tăng huyết áp.2
Cách xử trí khi huyết áp quá cao hoặc quá thấp
Khi xuất hiện các biểu hiện của huyết áp không ổn định cần ngay lập tức đo huyết áp để đánh giá. Nếu huyết áp không quá cao hoặc quá thấp, có thể cho bệnh nhân nằm nghỉ ngơi, thư giãn. Không nên cho bệnh nhân ăn uống gì khi tình trạng chưa cải thiện. Sau đó nên gọi điện để hỏi ý kiến bác sĩ.1 3
Nếu có các dấu hiệu nặng như đau ngực, khó thở, ngất, yếu tay chân… thì phải có thái độ xử trí tích cực.
- Đặt bệnh nhân ở nơi thông thoáng trong tư thế nằm nghiêng, kê gối hơi cao.
- Không nên di chuyển nhiều hay tác động mạnh lên cơ thể bệnh nhân.
- Kiểm tra nhịp tim và nhịp hô hấp và của bệnh nhân. Nếu người bệnh ngưng hô hấp tuần hoàn có thể hô hấp nhân tạo nếu nắm rõ kĩ thuật.
- Để bệnh nhân nghỉ ngơi tuyệt đối, không cho ăn uống gì.
- Sau đó ngay lập tức liên hệ với các bệnh viện gần nhất. Những hành động này góp phần giúp cấp cứu bệnh nhân kịp thời.
Nếu tình trạng huyết áp quá cao hoặc quá thấp kéo dài, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân và cách điều trị phù hợp.
Phương pháp hạn chế tình trạng huyết áp không ổn định
Để hạn chế tình trạng huyết áp lên xuống thất thường, trước tiên cần chắc chắn bệnh nhân uống thuốc theo đúng phác đồ của bác sĩ. Không ít trường hợp huyết áp thất thường do uống nhầm hay sai liều thuốc huyết áp. Tiếp theo đó, người bệnh nên kiểm soát các yếu tố liên quan đến cuộc sống như:1 2 3
- Có chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý, hạn chế ăn muối, lối sống lành mạnh.
- Hạn chế sử dụng các chất kích thích như cà phê, rượu bia, thuốc lá…
- Tránh căng thẳng, áp lực và stress trong công việc.
- Tập luyện thể dục thể thao để tăng cường sức khỏe.
- Theo dõi huyết áp thường xuyên.
- Bảo vệ cơ thể khi thời tiết thay đổi.
Xem thêm: Bác sĩ hướng dẫn uống thuốc hạ huyết áp đúng cách và hiệu quả
Điều trị tăng huyết áp là quá trình lâu dài và nhiều biến động. Huyết áp không ổn định là động cơ thúc đẩy nhiều biến chứng nguy hiểm. Kiểm soát huyết áp ổn định lâu dài là mục tiêu của điều trị tăng huyết áp. Để làm được, cả bệnh nhân và bác sĩ cần phối hợp với nhau. Tuân thủ cả về thuốc và lối sống lành mạnh là chìa khóa để kiểm soát huyết áp ổn định.