Hạ huyết áp tư thế làm cho bạn lo lắng và khó chịu khi thường xuyên diễn ra. Vậy nguyên nhân của hạ huyết áp tư thế là gì? Biểu hiện và phòng ngừa nó như thế nào? Hãy cùng bác sĩ Nguyễn Hoàng Yến tìm giải đáp ngay sau đây!
Hạ huyết áp tư thế đứng là gì?
Hạ huyết áp tư thế là khi huyết áp bị tụt nhanh khi thay đổi tư thế. Đặc biệt là từ ngồi, nằm sang đứng dậy đột ngột. Huyết áp tụt có thể làm cho bạn chóng mặt, thậm chí có thể dẫn đến ngất xỉu.
Tình trạng này có thể chỉ biểu hiện nhẹ và chỉ kéo dài dưới vài phút. Tuy nhiên, nếu hạ áp kéo dài hơn và thường xuyên xảy ra, bạn nên cẩn trọng. Vì nó có thể báo hiệu rằng bạn đang có tồn tại vấn đề sức khỏe khác nghiêm trọng hơn. Điều quan trọng là bạn nên cần đi khám tổng quát nếu thường xuyên cảm thấy choáng váng khi đứng lên.
>>> Xem thêm: Hạ huyết áp: Vấn đề thường gặp và cách xử trí
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Huyết áp, tải ngay ứng dụng YouMed.
Nếu hạ huyết áp tư thế đứng chỉ xảy ra thỉnh thoảng thường có nguyên nhân rõ ràng. Ví dụ như bạn đang bị mất nước hoặc do nằm lâu trên giường. Những nguyên nhân này sẽ dễ dàng khắc phục nhanh chóng. Tuy nhiên, với hạ huyết áp tư thế đứng mãn tính và xảy ta thường xuyên thường là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe khác. Do đó, bạn cần đến cơ sở y tế khám để chẩn đoán nguyên nhân và điều trị đúng.
Biến chứng hạ huyết áp tư thế
Hạ huyết áp tư thế thường xuyên có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Tình trạng này càng nguy hiểm hơn ở người lớn tuổi. Các biến chứng có thể là:
- Làm té, ngã: Té ngã do ngất xỉu là biến chứng thường gặp ở những người bị tụt huyết áp tư thế đứng.
- Đột quỵ: Sự thay đổi huyết áp khi bạn đứng có thể là một yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ. Điều này là do hậu quả của giảm lượng máu cung cấp đến não.
- Bệnh tim mạch: Hạ huyết áp tư thế đứng có thể là một yếu tố nguy cơ của các bệnh tim mạch và các biến chứng của tim, như đau ngực, suy tim hoặc các vấn đề về nhịp tim.
Nguyên nhân gây hạ huyết áp tư thế đứng
Tụt huyết áp tư thế xảy ra khi nào?
Khi bạn đứng lên, trọng lực làm cho máu đọng lại ở chân và bụng. Hậu quả làm giảm huyết áp vì có ít máu lưu thông trở lại tim hơn.
Thông thường, các tế bào đặc biệt (cơ quan thụ cảm) gần tim và động mạch cổ sẽ nhận được tín hiệu với mức huyết áp thấp hơn này. Các cơ quan thụ cảm gửi tín hiệu đến các trung tâm bên trong não. Các trung tâm này báo hiệu đến tim và làm cho tim đập nhanh hơn và bơm nhiều máu hơn. Kết quả làm giúp ổn định huyết áp. Các tế bào này cũng cũng gửi tín hiệu làm co mạch máu và tăng huyết áp.
Tụt huyết áp tư thế xảy ra khi một vấn đề nào đó làm gián đoạn quá trình phản hồi của cơ thể để chống lại huyết áp thấp.
Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra hạ huyết áp tư thế, có thể là:
- Mất nước: Xảy ra khi bạn bị sốt cao, nôn mửa nhiều, không uống đủ nước. Các vấn đề khác như tiêu chảy nặng và vận động gắng sức gây đổ mồ hôi nhiều cũng có thể dẫn đến mất nước. Hậu quả của mất nước là làm giảm thể tích máu.
- Có bệnh về tim mạch: Một số bệnh tim có thể dẫn đến huyết áp thấp bao gồm: chậm nhịp tim, các vấn đề về van tim và suy tim. Tình trạng này làm cơ thể bạn không thể đáp ứng nhanh để bơm nhiều máu hơn khi đứng lên.
- Các tình trạng về nội tiết: Bệnh về tuyến giáp, suy thượng thận (bệnh Addison) và lượng đường trong máu thấp (hạ đường huyết) có thể gây ra hạ huyết áp tư thế. Tiểu đường cũng có thể làm tổn thương các dây thần kinh giúp gửi tín hiệu điều chỉnh huyết áp.
- Hạ huyết áp sau khi ăn: Một số người bị huyết áp thấp sau khi ăn. Tình trạng này phổ biến hơn ở người lớn tuổi.
Các yếu tố nguy cơ gây hạ huyết áp:
Có những yếu tố nguy cơ làm cho đối tượng dễ bị hạ huyết áp hơn người khác:
- Tuổi tác. Tụt huyết áp tư thế thường gặp ở những người từ 65 tuổi trở lên.
- Sử dụng thuốc gây hạ áp.
- Có một số bệnh nền: Một số tình trạng về tim, chẳng hạn như các vấn đề về van tim, suy tim. Rối loạn hệ thần kinh nhất định, chẳng hạn như bệnh Parkinson. Các bệnh gây tổn thương thần kinh, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, làm tăng nguy cơ huyết áp thấp.
- Tiếp xúc với nhiệt: Ở trong môi trường nóng có thể gây đổ mồ hôi nhiều và có thể mất nước.
- Nằm quá lâu: Nếu bạn phải nằm trên giường một thời gian dài vì bệnh tật, khi cố gắng đứng lên có thể bị hạ huyết áp tư thế.
- Đang mang thai: Hệ thống tuần hoàn mở rộng nhanh chóng khi phụ nữ mang thai, huyết áp có thể giảm xuống.
- Lạm dụng rượu bia. Uống rượu có thể làm tăng nguy cơ hạ huyết áp thế đứng.
Triệu chứng hạ huyết áp tư thế
Triệu chứng phổ biến nhất của hạ huyết áp tư thế là gây choáng váng hoặc chóng mặt khi bạn đứng lên từ tư thế ngồi hoặc nằm. Các triệu chứng thường kéo dài vài giây hoặc chỉ dưới vài phút.
Các dấu hiệu khác hạ huyết áp thế đứng bao gồm:
- Cảm thấy nhìn mờ.
- Cơ thể yếu ớt, mệt mỏi.
- Buồn nôn.
- Ngất.
Cách kiểm soát huyết áp
Mục tiêu của điều trị hạ huyết áp thế đứng là khôi phục huyết áp lại bình thường. Điều này liên quan đến việc tăng lượng máu, giảm lượng máu tụ ở cẳng chân và giúp các mạch máu đẩy máu đi khắp cơ thể.
Việc điều trị hạ huyết áp tư thế sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây hạ áp. Đối với đối tượng chỉ biểu hiện nhẹ, một trong những cách điều trị đơn giản nhất là ngồi hoặc nằm xuống ngay sau khi cảm thấy choáng váng khi đứng. Các triệu chứng hạ áp lúc này sẽ biến mất.
Một số bước đơn giản giúp kiểm soát hoặc ngăn ngừa hạ huyết áp thế đứng, bao gồm:
Tăng muối trong chế độ ăn uống
Lưu ý rằng nếu ăn quá nhiều muối có thể làm cho huyết áp tăng quá mức cho phép. Hậu quả làm tăng những nguy cơ bệnh tật mới cho sức khỏe. Vì thế bạn nên cần được thăm khám và hỏi bác sỹ xem liệu bạn có thể ăn nhiều muối hơn trong chế độ ăn uống của mình không.
Ăn nhiều bữa ăn nhỏ
Nếu huyết áp của bạn giảm sau khi ăn, nên chia thành các bữa ăn nhỏ trong ngày và nên có khẩu phần ăn ít tinh bột.
Bổ sung vitamin thiết yếu
Thiếu sắt và thiếu vitamin B-12 đều có thể ảnh hưởng đến quá trình tạo máu và làm trầm trọng thêm các triệu chứng của hạ huyết áp tư thế đứng. Vì vậy bổ sung sắt và các vitamin thiết yếu có thể hữu ích cho bạn.
Uống nhiều nước
Giữ đủ nước giúp ngăn ngừa các triệu chứng của huyết áp thấp. Uống nhiều nước trước khi đứng trong thời gian dài hoặc khi thời tiết nóng, khi tập thể dục.
Tránh uống rượu
Rượu có thể làm trầm trọng thêm tình trạng hạ huyết áp thế đứng. Vì vậy hãy hạn chế uống hoặc cân nhắc không sử dụng chúng.
Vận động thể lực thường xuyên
Các bài tập giúp tăng cường sức khỏe tim mạch có thể giúp giảm các triệu chứng của hạ huyết áp thế đứng.
Một số mẹo nhỏ khác giúp bạn hạn chế hạ huyết áp tư thế
- Tránh uốn cong ở thắt lưng: Nếu bạn làm rơi thứ gì đó trên sàn, hãy ngồi xổm bằng đầu gối để lấy nó rồi đứng lên từ từ.
- Mang vớ nén cao đến thắt lưng. Vớ nén có thể giúp cải thiện lưu lượng máu và giảm các triệu chứng tụt huyết áp. Nên mang vớ vào ban ngày và cởi ra khi đi ngủ hoặc bất cứ lúc nào bạn nằm nghỉ.
- Từ từ đứng dậy: Khi cần đứng dậy, hãy chuyển đổi tư thế từ từ. Khi ra khỏi giường, hãy ngồi trên mép giường một phút trước khi đứng.
- Ngủ với đầu giường cao: Ngủ với đầu giường hơi nâng lên có thể giúp chống lại tác động của trọng lực. Bạn có thể sử dụng sách hoặc vật gì đó cứng để chèn dưới gối.
- Xử trí hạ áp khi đứng lên: Nếu bạn bắt đầu có các triệu chứng hạ huyết áp khi đứng, hãy khoanh đùi theo kiểu kéo về sau và ép chặt, hoặc đặt một chân lên gờ hoặc ghế và nghiêng người về phía trước càng nhiều càng tốt. Những động tác này cho phép máu lưu thông từ chân đến tim.
Hạ huyết áp tư thế thường ít xảy ra và không quá ảnh hưởng nghiệm trọng. Tuy nhiên, với những đối tượng thường xuyên bị hạ huyết áp hoặc có triệu chứng hạ áp kéo dài sau khi đứng, cần đến cơ sở y tế đê khám tổng quát và tìm nguyên nhân cụ thể.