Trà là một trong những thức uống rất quen thuộc đối với người Việt Nam chúng ta. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể uống được trà. Cũng như không phải bất kỳ loại trà nào cũng đều có lợi cho người mắc các bệnh mạn tính. Vậy thì trà hạ huyết áp loại nào tốt? Hãy cùng Bác sĩ Nguyễn Lâm Giang đi tìm câu trả lời qua bài viết sau đây.
Khái niệm về huyết áp
Trước khi tìm hiểu về trà cho người cao huyết áp, chúng ta nên nắm qua khái niệm về huyết áp. Huyết áp là áp lực của dòng máu lên thành mạch. Đồng thời, nó cũng chính là thước đo lực mà tim sử dụng nhằm mục đích bơm máu đi khắp cơ thể. Huyết áp được đo bằng đơn vị milimét thủy ngân (mmHg). Kết quả đo huyết áp được biểu hiện dưới dạng 2 con số:
- Huyết áp tâm thu. Đây chính là áp suất khi tim bơm máu ra ngoài.
- Huyết áp tâm trương. Đây chính là áp suất khi tim nghỉ giữa các nhịp đập.
Theo hướng dẫn chung:
- Trị số huyết áp lý tưởng là trong khoảng từ 90/60 mmHg đến 120/80 mmHg.
- Huyết áp cao được định nghĩa là khi trị số huyết áp từ 140/90 mmHg hoặc cao hơn.
- Huyết áp thấp được định nghĩa là khi trị số huyết áp từ 90/60 mmHg hoặc thấp hơn.
Tại sao nên kiểm soát tốt huyết áp?
Nguyên nhân – vấn đề giúp ta biết được vai trò của trà điều hòa huyết áp
Một nội dung nữa mà bạn đọc cần quan tâm trước khi tìm hiểu trà điều hòa huyết áp. Đó là nguyên nhân huyết áp cần được kiểm soát tốt. Huyết áp là một trong những thông số quan trọng của sức khỏe con người. Bất kỳ một chỉ số huyết áp bất thường nào cũng chứng tỏ cơ thể đang không khỏe. Rất có thể một cơ quan hoặc hệ cơ quan nào đó của bạn đang bị rối loạn.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Huyết áp, tải ngay ứng dụng YouMed.
Đồng thời, cho dù huyết áp tăng cao hay hạ thấp đều ảnh hưởng nhất định đến:
- Các cơ quan, hệ cơ quan trong cơ thể.
- Có thể gây ra những biến chứng phức tạp, nguy hiểm. Thậm chí đe dọa tính mạng.
- Làm giảm chất lượng cuộc sống. Ảnh hưởng đến công việc, học tập và sinh hoạt hàng ngày.
- Làm suy giảm tuổi thọ của con người.
Sự nguy hiểm của việc không kiểm soát tốt huyết áp
Huyết áp thấp
Nếu huyết áp của một người ở mức thấp thường xuyên thì người đó cần được điều trị. Bởi tình trạng này có thể gây nguy hiểm cho cơ thể. Nguyên nhân do máu đến tim, não hoặc các cơ quan khác trong cơ thể không đầy đủ. Nguy hiểm nhất của tình trạng huyết áp thấp là não bị thiếu một nguồn cung cấp máu. Tình trạng này sẽ dẫn đến chóng mặt, choáng.
Khi người bệnh thay đổi tư thế đột ngột, huyết áp cũng thay đổi theo. Đây là tình trạng hạ huyết áp tư thế. Hoặc huyết áp có thể hạ thấp do trung gian. Đó là khi một người đứng trong thời gian dài dẫn đến hạ huyết áp. Theo ước tính, những người ≥ 65 tuổi bị hạ huyết áp tư thế chiếm tỷ lệ từ 10 đến 20%. Nguyên nhân là do hệ tim mạch suy yếu. Hệ thần kinh sẽ điều khiển cơ thể thích ứng với những thay đổi đột ngột.
Ngoài ra, huyết áp thấp có thể xảy ra khi người bệnh bị tiêu chảy, mất nước, xuất huyết tiêu hóa, rong kinh, rối loạn tiền mãn kinh. Biểu hiện càng xảy ra rõ ràng hơn khi người bệnh đột ngột thay đổi tư thế.
Huyết áp cao
Huyết áp cao thường gặp hơn tình trạng huyết áp thấp. Một người bị bệnh cao huyết áp và không được điều trị thích hợp. Hậu quả là người đó có thể đối mặt với những nguy cơ sau:
- Tăng nguy cơ đột quỵ. Huyết áp của bạn thường xuyên tăng cao thì nguy cơ bị đột quỵ sẽ càng tăng. Đây là lý do quan trọng nhất giải thích vì sao chúng ta cần kiểm soát tốt huyết áp. Huyết áp cao làm tăng nguy cơ tử vong vì đột quỵ lên gấp 4 lần.
- Gây nên những biến chứng tim mạch. Huyết áp cao cũng dẫn đến biến chứng bệnh tim do tăng huyết áp. Sự nguy hiểm của bệnh lý này tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim. Về lâu dài là tình trạng suy tim. Theo nhiều nghiên cứu, người bệnh tăng huyết áp sẽ tăng nguy cơ tử vong vì bệnh tim cao gấp 3 lần.
Các loại trà hạ huyết áp hiệu quả
Trước khi tìm hiểu về các loại trà cho người cao huyết áp thì chúng ta nên biết qua công dụng của trà trong việc điều hòa huyết áp.
Công dụng của trà đối với huyết áp
Số liệu thống kê từ các nghiên cứu khoa học trên thế giới:
- Uống nửa tách trà xanh hoặc trà ô long mỗi ngày có thể giúp giảm gần 50% nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp. Đây là nghiên cứu về những người uống trà ở Trung Quốc, được thực hiện vào năm 2004.
- Các nhà khoa học đã thực hiện nhiều công trình nghiên cứu trong 10 năm trở lại đây. Họ kết luận: Mọi người uống trà hàng ngày trong tối thiểu một năm sẽ giảm nguy cơ tăng huyết áp. Đồng thời, họ uống trà càng nhiều thì ích lợi về sức khỏe càng lớn.
- Nếu nước lọc là thức uống tiêu thụ số 1, thì trà là thức uống được tiêu thụ nhiều thứ hai trên thế giới.
Như vậy, có thể nói trà có tác dụng giúp hạ huyết áp. Tuy nhiên, trà tăng huyết áp cũng là một điều hiển nhiên, nhưng nó không gây ra bệnh cao huyết áp. Vì trong thành phần của trà có chứa caffein. Đây là một chất kích thích giúp tăng nhịp tim, co mạch. Qua đó giúp huyết áp tăng lên ở mức bình thường đối với những người có huyết áp thấp.
Các loại trà hạ huyết áp tốt
Sau đây là một số loại trà giảm huyết áp phổ biến ở nước ta hiện nay.
1. Trà xanh – huyết áp cao có được uống chè xanh không?
Uống trà xanh là cách hiệu quả và giản đơn. Trà xanh giúp hạ huyết áp một cách nhanh chóng. Uống trà xanh trong thường xuyên có thể giúp giảm nguy cơ tăng huyết áp lên đến hơn 40%.
Các nhà khoa học ở Anh đã nghiên cứu và cho kết quả khả quan. Việc uống trà xanh trong vòng 03 tháng có thể giúp giảm 2,6 mmHg huyết áp tâm thu. Đồng thời giảm trung bình 2,2 mmHg huyết áp tâm trương. Bên cạnh đó, trà xanh có chứa chất flavonoid. Chất này có tác dụng ngăn ngừa nguy cơ đột quỵ, tim mạch. Đây đều là những biến chứng nguy hiểm của bệnh lý cao huyết áp.
2. Trà khổ qua rừng – loại trà hạ huyết áp hiệu quả
Các nhà nghiên cứu cho biết uống trà khổ qua rừng sẽ giúp hạ huyết áp. Vì vậy, đây là một thức uống rất phù hợp với những người bị cao huyết áp. Nguyên nhân là vì các thành phần trong khổ qua rừng giúp giảm mỡ máu. Từ đó giúp ngăn ngừa tình trạng xơ vữa mạch. Đây là một trong những cơ chế của bệnh cao huyết áp.
3. Trà tâm sen – loại trà hạ huyết áp rất bổ dưỡng
Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, tâm sen giúp hạ huyết áp. Cơ chế là các hoạt chất trong tâm sen có tác dụng làm giãn cơ trơn thành mạch. Đồng thời giảm kháng lực thành mạch. Ngoài ra, tâm sen cũng cải thiện tình trạng thiếu máu cơ tim, ổn định lưu lượng tuần hoàn của mạch vành. Chính vì thể, trà tâm sen có tác dụng rất tốt đối với những người bị cao huyết áp.
4. Trà hoa cúc hòe hạ huyết áp và phòng ung thư
Theo các nghiên cứu, trà hoa cúc hòe có chứa chất Apigenin. Chất này có tác dụng ngăn ngừa ung thư và ổn định huyết áp. Đồng thời, nhiều hoạt chất khác trong trà hoa cúc hòe còn giúp thư giãn mạch máu. Hơn nữa còn có tác dụng ngăn ngừa huyết khối thành mạch.
5. Trà bồ công anh – trà giảm huyết áp rất phổ biến
Trà bồ công anh là một loại trà điều hòa huyết áp rất phổ biến. Nó giúp hạ huyết áp qua cơ chế làm giảm cholesterol máu và lợi tiểu.
6. Trà gạo lứt giúp hạ huyết áp rất tốt cho sức khỏe
Trà gạo lứt là một thức uống tuyệt vời cho người đang bị suy nhược, có tác dụng hạ huyết áp rất hiệu quả. Bên cạnh tác dụng thanh lọc gan, trà gạo lứt còn giúp cho chúng ta có một làn da hồng hào, sáng mịn.
7. Trà bụp giấm điều hòa huyết áp hiệu quả
Một số nghiên cứu đã cho kết quả là: Trà bụp giấm có tác dụng giảm cả huyết áp tâm thu và tâm trương. Bên cạnh đó, trà bụp giấm còn giúp giảm cân, giảm mỡ máu, bảo vệ gan.
Huyết áp cao có uống được lá vối không?
Câu trả lời là “Có” nhé các bạn. Nước lá vối giúp giảm huyết áp thông qua cơ chế làm giảm mỡ máu. Đồng thời còn hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường, là một căn bệnh rất “thân thiết” với bệnh cao huyết áp.
Hy vọng qua bài viết này, bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về công dụng của trà hạ huyết áp. Từ đó, các bạn hãy chọn cho mình một loại trà yêu thích. Vì bên cạnh tác dụng hạ áp thì các loại trà kể trên còn có nhiều tác dụng tích cực đối với sức khỏe của chúng ta.