Đau ngực: Triệu chứng tiềm ẩn nhiều bệnh lý nguy hiểm

Đau ngực là một triệu chứng thường gặp, là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác nhau. Độ nặng và tính chất đau ngực là khác nhau giữa các nguyên nhân gây ra nó, nhưng tương đối khó phân biệt, kể cả đối với các bác sĩ không chuyên ngành. Vậy, những nguyên nhân gây đau ngực thường gặp là gì? Khi nào bạn cần đến khám và có sự tư vấn y khoa khi bị đau ngực? Đến khám chuyên khoa nào là phù hợp? Hãy cùng tìm hiểu với bài viết sau của Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Thành Đô.   

Các nguyên nhân gây đau ngực

Có rất ít sự tương quan giữa độ nặng của độ và mức độ nghiêm trọng của nguyên nhân gây ra nó (Không phải đau càng nặng, càng nhiều thì càng nguy hiểm tính mạng).

Nguyên nhân nguy hiểm và thường gặp nhất của đau ngực là nhồi máu cơ tim cấp (NMCT cấp). Năm 2003, theo thống kê của Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam, tỷ lệ bệnh nhân vào viện vì NMCT cấp là 4,2%; đến năm 2007 con số này là 9,1%. Ở bệnh viện Chợ Rẫy (Năm 2010) có tới 7.421 trường hợp nhập viện vì đau thắt ngực, 1.538 ca phải nhập viện và điều trị vì hội chứng vành cấp, 267 trường hợp tử vong.

Ngoài ra, các nguyên nhân đau ngực khác bao gồm:

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Tim mạch, tải ngay ứng dụng YouMed.

Nguyên nhân bệnh Tỷ lệ phần trăm
Bệnh dạ dày – thực quản:

  • Trào ngược dạ dày – thực quản.
  • Bệnh rối loạn vận động thực quản.
  • Loét dạ dày.
  • Sỏi mật.
42
Bệnh thiếu máu cơ tim 31
Hội chứng thành ngực 28
Viêm màng ngoài tim 4
Viêm phổi – màng phổi 2
Thuyên tắc phổi (Nhồi máu phổi) 2
Ung thư phổi 1,5
Phình bóc tách động mạch chủ 1
Hẹp động mạch chủ 1
Nhiễm Herpes zoster (Bệnh Zona thần kinh) 1
Nguồn: Fruergaard P et al: Eur Heart J 17; 1028, 1996.

Đặc điểm cơn đau ngực và nhận diện các nguyên nhân

Khi bạn xuất hiện cảm giác đau ngực, tính chất và đặc điểm đau ngực có thể giúp bạn sơ bộ định hướng nguyên nhân và xác định cần đến gặp bác sĩ thuộc chuyên khoa nào. Tuy nhiên, chúng tôi không khuyến cáo bạn tự chẩn đoán bệnh; dù đau ngực do nguyên nhân gì, khám và tư vấn của các bác sĩ cũng đều cần thiết.

1. Các cơn đau ngực liên quan nguyên nhân nghiêm trọng, tiềm ẩn

Đau ngực do thiếu máu cơ tim (Bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính): Vị trí đau thường ở ngực trái, có lúc ở sau xương ức, ít gặp hơn ở 1 số vị trí khác; đau có xu hướng lan lên vai trái và mặt trong tay trái; cảm giác như co thắt, đè nặng; thường xuất hiện khi gắng sức, đặc biệt, có thể xuất hiện sau bữa ăn nhiều và stress tình cảm; cơn đau thường không kéo dài quá 20 phút (Trung bình 3-5 phút/cơn) và thường đỡ sau khi nghỉ ngơi, hoặc dùng thuốc Nitroglycerin.

Trường hợp cơn đau kéo dài hơn, hoặc không đỡ khi nghỉ hoặc dùng thuốc trên, bạn có khả năng đang mắc 1 tình trạng nguy hiểm là nhồi máu cơ tim cấp, cần được cấp cứu nhanh chóng và đúng cách.

  • Chuyên khoa: Nội Tim mạch; Can thiệp tim mạch.

đau ngực

Nhồi máu cơ tim do hẹp, tắc động mạch vành

Thuyên tắc phổi: Có thể đau ở 1 bên ngực hoặc ngay sau xương ức; thường kèm theo khó thở, thở nhanh hoặc ho ra máu.

  • Chuyên khoa: Can thiệp tim mạch.

Bóc tách động mạch chủ ngực: Đau dữ dội như xé ở giữa ngực, đau lan ra sau lưng; không ảnh hưởng khi thay đổi tư thế; thường xuất hiện ở những người tiền sử có tăng huyết áp, nhất là khi huyết áp của bạn tăng đến trị số rất cao.

  • Khám chuyên khoa: Can thiệp tim mạch.

Bóc tách thành động mạch chủ: Máu và huyết tương qua vết loét, tách các lớp thành động mạch rời nhau ra

Bóc tách thành động mạch chủ: Máu và huyết tương qua vết loét, tách các lớp thành động mạch rời nhau ra

Tràn khí màng phổi hoặc trung thất cấp: Đau chói dữ dội, đột ngột; kèm theo lồng ngực bên đau căng vồng, gõ vang; thường xuất hiện sau 1 chấn thương vùng ngực, hoặc ở những người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).

  • Chuyên khoa: Nội Hô hấp.

Viêm màng ngoài tim: Cảm giác đau đè ép đều đặn dưới xương ức; thường tăng nặng hơn khi ho, thở sâu, nằm ngửa và giảm khi ngồi thẳng.

  • Chuyên khoa: Nội Tim mạch.

Viêm màng phổi: Thường đau nông 1 bên ngực, đau như dao đâm, tăng nặng khi ho và thở.

  • Chuyên khoa: Nội Hô hấp.

Vỡ thực quản: Đau dữ dội dưới xương ức và thượng vị (Vùng trên rốn); kèm theo nôn, ói, nôn ra máu.

  • Chuyên khoa: Nội Tiêu hóa.

2. Các cơn đau ngực do nguyên nhân ít nghiêm trọng hơn

Đau sụn sườn hoặc thành ngực (Hoặc thường gọi là đau ngực do căn nguyên thành ngực): Đau khu trú, đau nhói như dao đâm; hoặc đau liên tục/âm ỉ, xuất hiện hoặc tăng lên khi có lực tác động vào vùng đau (Sờ, ấn); vị trí thường gặp là khớp ức – sườn (Phía trước ngực, hai bên xương ức). Ngoài ra, cũng có thể đau do căng cơ hoặc dây chằng khi tập luyện quá mức, hoặc sau chấn thương.

  • Chuyên khoa: Nội Tổng quát.

Bệnh ở đốt sống cổ và ngực gây chèn ép ngực thần kinh (Đau dây thần kinh liên sườn): Đau nhói, có thể đau lan dọc đường đi dây thần kinh bị chèn ép; tăng nặng khi vận động vùng cổ, lưng; vị trí đau thường chạy dọc 1-2 khoang gian sườn ở 1 bên ngực.

  • Chuyên khoa: Cơ – xương – khớp; Nội Thần kinh; Nội Tổng quát.

Đau ở thực quản hoặc dạ dày: Đau vùng thượng vị (Trên rốn) lan lên ngực vùng sau xương ức; thường kèm các triệu chứng đầy bụng, khó tiêu, ợ hơi, ợ chua; xuất hiện hoặc tăng lên liên quan đến ăn uống (Đồ chua, cay, uống rượu, bia, …), hoặc sau khi uống 1 số thuốc (Thuốc giảm đau, thuốc chống viêm, thuốc hạ sốt…).

  • Chuyên khoa: Nội Tiêu hóa.

Đau liên quan đến mật: Đau ở khu vực ¼ trên bên phải của bụng (Dưới sườn phải); thường kèm theo cảm giác đầy bụng, khó tiêu khi ăn các đồ ăn nhiều dầu, mỡ.

  • Chuyên khoa: Nội Tiêu hóa.

Đau do các rối loạn cảm xúc: Đau kéo dài hoặc đau ít trong giây lát; thường gắn với mệt mỏi hoặc khi cảm xúc căng thẳng.

  • Chuyên khoa: Nội Tâm – Thần kinh.

Để xác định chính xác nguyên nhân gây đau ngực, cần thiết phải thực hiện nhiều xét nghiệm và phương pháp chẩn đoán nâng cao khác. Việc nhận biết đặc điểm riêng của từng cơn đau ngực là rất quan trọng; đặc biệt đối với các nguyên nhân  thuộc nhóm 1 ở trên (Nguyên nhân nghiêm trọng, tiềm ẩn).

Cách xử trí cho các bệnh lý gây đau ngực thuộc nhóm này đều là cấp cứu hoặc cấp cứu tối khẩn cấp. Việc bạn chủ động tìm hiểu và nhận diện sớm các cơn đau ngực giúp các bác sĩ có cơ hội tiếp cận bạn nhanh chóng hơn và đúng chuyên ngành hơn, góp phần làm tăng tỷ lệ cứu sống và điều trị khỏi, đồng thời, tiết kiệm chi phí và thời gian khám bệnh.

Bài viết trên chỉ cung cấp cho các bạn những nội dung chung nhất về đau ngực và các bệnh lý gây ra nó. Mỗi mặt bệnh lại thuộc các chuyên ngành rất sâu. YouMed sẽ tiếp tục cung cấp và trao đổi với các bạn về từng mặt bệnh trong các bài viết khác.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *