Dấu hiệu nhồi máu cơ tim cấp và cách xử trí bạn cần biết

Ắt hẳn nhiều người trong số chúng ta đã từng nghe đến nhồi máu cơ tim cùng những biến chứng đáng sợ mà nó đem lại. Tuy nhiên, không phải ai cũng trang bị cho mình đầy đủ những kiến thức để có thể kịp ứng phó với những tình huống bất ngờ này. Bài viết sau đây của bác sĩ Lương Sỹ Bắc sẽ trang bị cho bạn một số kiến thức cơ bản trong việc nhận biết, cũng như các quy tắc sống còn có thể áp dụng tại nhà. Qua đó, giúp giảm thiểu đến mức tối đa các biến chứng hậu nhồi máu cơ tim, cũng như gia tăng tỉ lệ sống ở những bệnh nhân có nguy cơ cao mắc căn bệnh này.

Nguyên nhân dẫn đến nhồi máu cơ tim

Có thể hiểu nôm na rằng: Để tim chúng ta hoạt động hiệu quả, cần có những mạch máu (cụ thể là mạch vành) dẫn máu đến để nuôi tim. Tuy nhiên, vì một số lý do được liệt kê dưới đây, những mạch máu này bị tắc. Điều đó làm tim không có đủ nguồn dinh dưỡng cần thiết. Từ đó dẫn đến một số cơ tim sẽ thoái hóa dần và không còn khỏe mạnh để co bóp tống máu ra khỏi tim đi nuôi cơ thể nữa. Khi cung không đáp ứng đủ cầu, nhồi máu cơ tim xuất hiện. Trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong.

Có 2 nguyên nhân chính gây tắc mạch vành:

  • Hình thành mảng xơ vữa mạch máu;
  • Xuấ hiện cục máu đông.
Tim
Tim

Trong đó, lối sống không lành mạnh là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng trên, bao gồm:

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Tim mạch, tải ngay ứng dụng YouMed.

  • Chế độ ăn nhiều dầu mỡ.
  • Hút thuốc lá.
  • Thói quen ăn quá mặn.
  • Lười vận động, tập thể dục thể thao.

Bạn có thể tìm hiểu thêm: Bệnh cơ tim: Nhóm bệnh gây hậu quả nặng nề tới sức khỏe tim mạch

Nhận biết nhanh một số dấu hiệu nhồi máu cơ tim cấp

Nhồi máu cơ tim có thể xảy ra rất đột ngột và dữ dội. Tuy nhiên, cũng có những dạng đau âm ỉ, kéo dài, dễ khiến bệnh nhân lầm tưởng với những chứng bệnh thông thường khác mà lơ là, mất cảnh giác. Sau đây là một số đặc điểm chung có thể gặp ở người bệnh nhồi máu cơ tim:

  • Đau ngực hoặc khó chịu ở chính giữa ngực. Cảm giác trái tim bị bóp chặt và đè nặng. Triệu chứng này có thể kéo dài đến vài phút.
  • Cảm giác đau lan ra một số khu vực khác bao gồm: cánh tay, lưng, cổ, hàm hoặc vùng thượng vị dạ dày.
  • Khó thở, có thể có hoặc không kèm theo khó chịu ở ngực.
  • Một số dấu hiệu dễ nhầm lẫn với các bệnh cảm lạnh thông thường khác như: vã mồ hôi lạnh, buồn nôn, nôn mửa, chóng mặt, hồi hộp, đánh trống ngực,…

Cũng cần lưu ý rằng, ở một số trường hợp nhồi máu cơ tim không triệu chứng. Điều này được lí giải là do ngưỡng chịu đau của họ cao hơn người bình thường. Hoặc do các rối loạn trong quá trình dẫn truyền thần kinh nhận biết cảm giác đau thường gặp ở những người lớn tuổi hoặc bệnh nhân có các biến chứng tiểu đường.

Xem thêm: Đau thắt ngực: Những điều cần chuẩn bị trước khi khám

Xử trí cấp cứu nhồi máu cơ tim tại nhà

Cần biết rằng với nhồi máu cơ tim, chúng ta có “khoảng thời gian vàng” là 2 tiếng. Trong khoảng thời gian này, nếu được xử trí phù hợp, cơ hội sống tăng lên và các biến chứng cũng giảm đi rất nhiều.

Với người bệnh đã có từng bị nhồi máu cơ tim, thuốc nitroglycerin phải luôn có sẵn trong tủ thuốc gia đình. Khi người bệnh bắt đầu có triệu chứng nhồi máu, điều đầu tiên cần làm là gọi ngay cấp cứu và khẩn trương đưa đến bệnh viện ngay. Trong lúc chờ đợi xe cấp cứu đến, việc cần làm là:

  • Dùng ngay Nitroglycerin đặt dưới lưỡi bệnh nhân;
  • Giữ tư thế bệnh nhân ở trạng thái nửa nằm, nửa ngồi;
  • Nếu bệnh nhân có ngưng tim, ngưng thở thì thực hiện các biện pháp sơ cấp cứu (ép tim, hô hấp nhân tạo).

Thực hiện phương pháp ép tim

Lưu ý: Phương pháp ép tim được mô tả trong đây chỉ áp dụng đối với người trưởng thành.

  • Đặt nạn nhân nằm trên mặt phẳng cứng.
  • Quỳ gối bên trái nạn nhân.
  • Chồng hai bàn tay lên nhau rồi đặt trước tim người bệnh ở vị trí giữa hai núm vú.
  • Từ từ ấn sâu xuống khoảng 1/3 -1/2 bề dày lồng ngực, sau đó nới lỏng tay ra.
  • Lặp lại động tác trên với tốc độ 60 lần/phút.
  • Việc làm này giúp tác động một lực cơ học lên tim nạn nhân giúp tim co bóp.

Bạn có thể tìm hiểu thêm: Bệnh tim thiếu máu cục bộ: Nguyên nhân, nhận biết, phòng ngừa

Phương pháp chèn ép tim
Thực hiện phương pháp chèn ép tim trong thời gian chờ đợi xe cứu thương (nếu bệnh nhân có ngưng tim ngưng thở)

Hô hấp nhân tạo

  • Đặt bệnh nhân ở nơi thoáng đãng, thông khí tốt.
  • Nới rộng quần áo, dây thắt lưng.
  • Đặt gối dưới cổ cho đầu hơi ngửa ra để đảm bảo thông thoáng đường hô hấp.
  • Dùng tay móc dị vật trong miệng bệnh nhân nếu có. Cần lưu ý đeo găng tay cẩn thận để bảo vệ sức khỏe người cấp cứu.
  • Đẩy đầu bệnh nhân về phía sau, nâng cằm lên sao cho hai hàm răng gần như chạm nhau. Lắng nghe hơi thở bệnh nhân.
  • Dùng một tay bịt mũi nạn nhân.
  • Dùng miệng ngậm kín miệng nạn nhân, thở hai hơi liên tiếp.
Hà hơi thổi ngạt
Hà hơi thổi ngạt

Cần nhớ bạn chỉ có 3 phút. Đây là khoảng thời gian từ lúc tim ngừng đập đến khi xuất hiện những thương tổn não không hồi phục. Vì vậy, cần lập tức hồi sinh tim cho bệnh nhân.

Khi xe cấp cứu đến

Đến đây, công việc tự sơ cứu của bạn đã xong. Nhưng bạn cũng cần nắm một số kiến thức cơ bản để có thể hỗ trợ các nhân viên y tế nếu cần.

Cũng cần lưu ý khi vận chuyển bệnh nhân, phải dùng xe cứu thương chuyên dụng, có các thiết bị thở oxy, truyền tĩnh mạch, làm điện tim hỗ trợ.

  • Đầu tiên, nhân viên y tế sẽ tiến hành đặt nội khí quản. Lưu ý, việc ép tim vẫn phải được diễn ra.
  • Trường hợp tim bệnh nhân ngừng đập, tiến hành sốc điện ngoài lồng ngực.
  • Phương pháp sốc điện được xem là thành công nếu sau khi thực hiện, tim bệnh nhân có dấu hiệu đập trở lại.

Trên đây là một số phương pháp sơ cứu cơ bản nhằm hỗ trợ bệnh nhân giảm thiểu biến chứng. Tuy nhiên, bản thân người bệnh phải luôn ý thức rằng khả năng tái phát bệnh là rất cao. Nên dù có cấp cứu thành công, cũng không được chủ quan. Vì vậy, phải phòng bệnh quay lại bằng cách thực hiện các chế độ ăn uống, sinh hoạt điều độ kết hợp sử dụng các thực phẩm bổ sung phù hợp.

Bạn có thể tìm hiểu thêm: Bệnh mạch vành: Bệnh lý tim mạch nguy hiểm hàng đầu

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *