Cao huyết áp (hay còn gọi là tăng huyết áp) thường được cho là “bệnh của người già”. Tuy nhiên trong thực tế, hiện nay có nhiều người trẻ tuổi, thanh thiếu niên cũng trở thành nạn nhân của căn bệnh này. Với lối sống ít tập thể dục và chế độ ăn thiếu khoa học khiến vấn đề ngày càng phổ biến và trầm trọng hơn. Bài viết sau đây của ThS.BS Vũ Thành Đô sẽ giúp chúng ta tìm hiểu kỹ thêm về vấn đề cao huyết áp ở người trẻ.
Chẩn đoán cao huyết áp ở người trẻ
Cao huyết áp được chẩn đoán ở người trẻ phức tạp hơn vì phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố:
-
Tuổi.
-
Giới tính.
-
Chiều cao.
-
Chỉ số huyết áp tâm thu (HATT).
-
Chỉ số huyết áp tâm trương (HATTr).
Đối với độ tuổi thiếu niên, việc chẩn đoán tăng huyết áp phụ thuộc vào bảng chỉ số huyết áp theo tuổi, giới tính, chiều cao. Một trẻ được chẩn đoán cao huyết áp khi các chỉ số huyết áp tâm thu, tâm trương đo được cao hơn bách phân vị 95 (Huyết áp cao hơn 95% các trẻ khác trong nhóm).
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ năm 2017 (JNC 7) khuyến cáo sử dụng định nghĩa tăng huyết áp cho người lớn đối với những người trên 13 tuổi:
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Huyết áp, tải ngay ứng dụng YouMed.
-
Bình thường: HATT =
-
Tiền tăng huyết áp: HATT 120-129 mmHg và/hoặc HATTr
-
Tăng huyết áp giai đoạn 1: HATT 130-139 mmHg và/hoặc HATTr 80-89 mmHg.
-
Tăng huyết áp giai đoạn 2: HATT từ 140 mmHg trở lên và/hoặc HATTr từ 90 mmHg trở lên.
Nguyên nhân gây cao huyết áp ở người trẻ tuổi.
Nguyên nhân gây cao huyết áp ở người trẻ bao gồm:
-
Béo phì, thừa cân.
-
Chế độ ăn nhiều natri.
-
Các bệnh lý: bệnh tim, bệnh thận, bệnh tuyến giáp, tuyến thượng thận, bệnh tiểu đường,…
-
Rối loạn di truyền.
-
Căng thẳng.
Trước đây nhiều người cho rằng nguyên nhân gây cao huyết áp ở người trẻ tuổi thường liên quan đến vấn đề sức khỏe tiềm ẩn (tăng huyết áp thứ phát). Nhưng các nghiên cứu hiện nay cho thấy tình trạng thanh thiếu niên mắc bệnh cao huyết áp đang ngày càng gia tăng với tỷ lệ tương đương người lớn.
Hầu hết các trường hợp cao huyết áp ở người trẻ được phân loại là tăng huyết áp nguyên phát. Nguyên nhân cơ bản của loại này hiện vẫn chưa được hiểu đầy đủ. Thường có liên quan chặt chẽ với các yếu tố điều chỉnh được như: lối sống, béo phì,…
Những thay đổi sinh lý mà thanh thiếu niên trải qua trong giai đoạn dậy thì cũng khiến cơ thể có nguy cơ dễ mắc bệnh. Sự thay đổi nội tiết tố và sự gia tăng nhanh chóng mức cholesterol cùng các tình trạng khác do: chế độ ăn nhiều chất béo, lười vận động, hút thuốc… cũng góp phần gây ra cao huyết áp ở người trẻ. Một số trẻ dù không có các biểu hiện thể chất của bệnh béo phì, nhưng các chỉ số huyết áp cũng có thể nằm trong phạm vi của trẻ béo phì.
Biểu hiện của cao huyết áp ở người trẻ
Cao huyết áp là bệnh lý “thầm lặng”. Hầu như ở giai đoạn sớm không biểu hiện nhiều triệu chứng. Phải mất một khoảng thời gian dài cho đến khi các triệu chứng trở nên rõ ràng. Đôi khi các triệu chứng biểu hiện cũng góp phần bởi các vấn đề sức khỏe khác.
Các triệu chứng của cao huyết áp có thể là:
-
Đau đầu.
-
Khó thở.
-
Chảy máu mũi.
-
Đỏ bừng mặt.
-
Chóng mặt.
-
Tức ngực.
-
Hoa mắt.
Khi gặp những triệu chứng trên cần liên hệ y tế để được chăm sóc ngay lập tức. Nếu lơ là và bỏ qua chúng có thể dẫn đến những tình trạng trầm trọng hơn.
Phòng ngừa và điều trị cao huyết áp ở người trẻ
Theo khuyến cáo của Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ JNC7 đề nghị thực hiện các biện pháp thay đổi lối sống sau đối với những người tiền tăng huyết áp cũng như đang mắc bệnh tăng huyết áp:
-
Duy trì cân nặng thích hợp
Việc giảm cân đối với người béo phì để đạt được cân nặng thích hợp, với chỉ số khối cơ thể mục tiêu (BMI) từ 18.5 đến 24.9. Chỉ số huyết áp tâm thu có thể giảm khoảng 5-20 điểm trên mỗi 10 kg cân nặng.
Xem thêm: Chỉ số khối cơ thể BMI: Bao nhiêu là tốt?
-
Thực hiện chế độ ăn DASH (Phương pháp thực hiện chế độ ăn giúp ngừng tăng huyết áp)
Bạn cần áp dụng chế độ ăn nhiều trái cây, rau và các sản phẩm từ sữa ít béo. Việc thay đổi chế độ ăn lành mạnh hơn không những giúp bạn giảm được huyết áp còn giúp bạn có thể chất, sức khỏe tốt hơn. Khi áp dụng chế độ ăn này, huyết áp tâm thu giảm từ 8 -14 điểm.
-
Giảm lượng muối tiêu thụ
Cần duy trì chế độ ăn DASH kết hợp với lượng muối tiêu thụ dưới 2400 mg mỗi ngày. Theo JNC7, chế độ ăn 1600 mg natri kèm DASH có tác dụng tương tự như liệu pháp điều trị bằng thuốc. Mức giảm huyết áp tâm thu từ 2-8 điểm.
-
Vận động thể chất
Thường xuyên hoạt động thể chất như đi bộ, chạy bộ.. ít nhất 30 phút mỗi ngày sẽ giúp làm giảm huyết áp tâm thu.
-
Hạn chế bia rượu thuốc lá
Các chất kích thích khi được sử dụng quá mức( trên 2 ly mỗi ngày) sẽ gây tình trạng tăng huyết áp. Việc hạn chế các loại chất kích thích như bia rượu dưới mức này sẽ giúp giảm huyết áp tâm thu từ 2-4 điểm.
-
Thường xuyên thăm khám sức khỏe và kiểm tra tim mạch
Việc thăm khám sức khỏe thường xuyên sẽ giúp bác sĩ tầm soát được các nguy cơ tim mạch. Đồng thời còn giúp đánh giá được tình trạng bệnh lý nếu có để có hướng điều trị thích hợp.
Các biện pháp thay đổi lối sống sẽ được hướng dẫn thực hiện trước khi can thiệp bằng thuốc. Việc điều trị thuốc sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân và tình trạng bệnh của người mắc.
Cao huyết áp ở người trẻ dường như là vấn đề được ít bạn chú ý tới. Nhưng thực tế hiện nay số lượng người trẻ phải đối mặt với nó ngày càng tăng. Việc duy trì sức khỏe và lối sống lành mạnh sẽ giúp chúng ta tránh được bệnh lý này, giữa xã hội ngày càng nhiều nguy cơ cao huyết áp.