Huyết áp cao hay tăng huyết áp là một trong những rối loạn khá nguy hiểm. Tình trạng rối loạn này có thể gây ra những biến chứng phức tạp, thậm chí đe dọa tính mạng. Vậy thì huyết áp cao bao nhiêu là nguy hiểm? Cách xử trí khi huyết áp cao nguy hiểm là gì? Mời các bạn hãy cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Thành Đô đi tìm câu trả lời qua bài viết sau đây.
Huyết áp cao bao nhiêu là nguy hiểm?
Huyết áp cao có nguy hiểm không?
Thế nào là huyết áp cao?
Trước khi tìm hiểu vấn đề huyết áp cao bao nhiêu là nguy hiểm, bạn đọc nên biết được rằng cao huyết áp có nguy hiểm không. Cao huyết áp được định nghĩa là khi trị số huyết áp của một người trên 140/90 mmHg. Khi ấy, người bệnh có thể không xuất hiện triệu chứng nào điển hình báo hiệu tình trạng tăng huyết áp.
Bệnh huyết áp cao có nguy hiểm không?
Nói chung, huyết áp cao có thể chỉ gây nên những rối loạn nhất thời. Nhưng cũng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm. Vậy thì bệnh huyết áp cao nguy hiểm như thế nào? Huyết áp cao thường xuyên và kéo dài có thể dẫn đến những biến chứng khá nặng sau đây:
- Suy giảm thị lực, có thể dẫn đến mù lòa.
- Suy tim, đặc biệt đối với những người có sẵn bệnh lý tim mạch kèm theo. Chẳng hạn như hẹp hở van tim, hẹp hở van động mạch chủ.
- Suy thận cấp.
- Đột quỵ, bao gồm nhồi máu não và xuất huyết não.
- Rối loạn nhịp tim, thậm chí có thể xuất hiện một số tình trạng loạn nhịp nguy hiểm. Chẳng hạn như: Nhịp nhanh kịch phát trên thất, rung thất, xoắn đỉnh,…
Mức huyết áp nguy hiểm
Theo các chuyên gia y tế, mức huyết áp nguy hiểm là:
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Huyết áp, tải ngay ứng dụng YouMed.
- Huyết áp tâm thu từ 160 mmHg trở lên
- Và/hoặc huyết áp tâm trương từ 100 mmHg trở lên.
Lúc này, những biến chứng nguy hiểm do huyết áp cao có thể xuất hiện bất cử lúc nào. Ngược lại, huyết áp 90/60 có nguy hiểm không? Câu trả lời là “Có thể”. Vì huyết áp mức này là thấp, và có thể xảy ra tình trạng hạ huyết áp bất cứ lúc nào. Đồng thời có thể gây ra nhiều hậu quả phức tạp tương tự tình trạng huyết áp cao.
Theo định nghĩa nói trên, mức huyết áp 160/100 mmHg là chỉ điểm của huyết áp tăng cao nguy hiểm. Người bệnh tăng huyết áp từ mức này trở lên gọi là tăng huyết áp giai đoạn II (theo JNC VII).
Biến chứng huyết áp cao
Tìm hiểu những biến chứng của huyết áp cao, bạn đọc sẽ biết được bệnh cao huyết áp có nguy hiểm không. Những biến chứng của huyết áp cao có thể bao gồm:
- Đau thắt ngực do hội chứng vành cấp, nhồi máu cơ tim.
- Đau ngực do tình trạng tăng áp phổi hoặc thuyên tắc phổi cấp.
- Đột quỵ xuất huyết não hoặc nhồi máu não.
- Phình bóc tách động mạch chủ. Có thể vỡ mạch gây xuất huyết và tử vong.
- Suy tim ở những bệnh nhân có sẵn bệnh lý van tim hoặc bệnh cơ tim.
- Suy thận cấp, tổn thương thận.
- Mất thị lực, thậm chí mù lòa.
- Bệnh mạch máu ngoại biên, có thể trầm trọng đến mức hoại tử và cắt cụt chi.
- Rối loạn chuyển hóa. Bao gồm: Rối loạn thăng bằng kiềm toan, rối loạn nước điện giải.
- Suy giảm trí nhớ, suy giảm sự tập trung chú ý.
Dấu hiệu nhận biết huyết áp cao
Thông thường, khi huyết áp tăng rất cao mới gây ra những triệu chứng điển hình. Nhiều người thắc mắc huyết áp 180 có nguy hiểm không. Câu trả lời là “Có”. Đây là tình trạng tăng huyết áp cấp cứu, đòi hỏi phải được xử trí ngay lập tức.
Những dấu hiệu điển hình giúp nhận biết huyết áp cao bao gồm:
- Triệu chứng thần kinh. Chẳng hạn như: Đau đầu, chóng mặt, nặng đầu.
- Những triệu chứng tim mạch như: Tim đập nhanh, mạch, loạn nhịp tim.
- Rối loạn thị giác như hoa mắt, mờ mắt.
- Xuất huyết da niêm mạc. Chẳng hạn như: Chảy máu cam, chảy máu chân răng, đi tiểu ra máu,…
- Đỏ bừng mặt, vã mồ hôi.
- Đau ngực, khó thở, mệt mỏi, suy giảm ý thức, suy giảm trí nhớ,…
- Một số triệu chứng tâm thần như: Lo lắng, mất ngủ.
Các xử lý khi bị huyết áp cao
Sau khi hiểu được vấn đề huyết áp cao bao nhiêu là nguy hiểm, bạn đọc nên biết những cách xử lý khi bị huyết áp cao. Đó chính là:
Xử lý huyết áp cao tại nhà
Cách xử lý huyết áp tăng tại nhà đó là nằm nghỉ. Nếu bạn đang làm việc ngoài trời thì nhanh chóng vào nơi mát mẻ, có bóng râm. Ngồi nghỉ hoặc nằm nghỉ ở những nơi tránh ánh sáng chói, tránh tiếng ồn. Nếu bạn đang sử dụng các chất kích thích như rượu bia, cà phê thì ngưng ngay.
Nếu sau khi nghỉ ngơi 30 phút đến 1 giờ mà huyết áp vẫn cao, người bệnh nên đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời. Trong trường hợp người bệnh bất tỉnh, người nhà nên đặt người bệnh nằm nghiêng. Đồng thời kê cao đầu để tránh hít phải chất nôn. Sau đó nhanh chóng đưa người bệnh đi cấp cứu càng sớm càng tốt.
Xử lý huyết áp cao tại cơ sở y tế
Tại cơ sở y tế như trạm y tế hoặc bệnh viện, tùy vào mức độ tăng huyết áp, các bác sĩ sẽ có hướng xử trí phù hợp. Người bệnh có thể được chỉ định thuốc uống và nằm nghỉ tại giường. Trong những trường hợp nặng hơn, người bệnh sẽ được truyền thuốc hạ huyết áp. Có thể kết hợp thuốc lợi tiểu, thở oxy nếu cần.
Với những thông tin mà bài viết đã cung cấp, hy vọng bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về vấn đề huyết áp cao bao nhiêu là nguy hiểm. Đồng thời các bạn sẽ biết cách xử trí phù hợp khi bị tăng huyết áp. Mục đích là để nhanh chóng ổn định huyết áp, hạn chế những biến chứng có thể xảy ra.