Cách xử trí tình trạng nặng ngực khó thở tại nhà

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng khó thở như nhiễm vi-rút, tắc động mạch, hen suyễn, viêm phổi,… Khó thở không những gây khó chịu trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày mà về lâu dài làm nghiêm trọng thêm các bệnh lý. Cách giảm nặng ngực khó thở như thế nào? Tham khảo ngay 8 cách trong bài viết sau đây của Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Thành Đô bạn nhé!

Thở sâu

Thở sâu bằng đường bụng là cách để giúp bạn kiểm soát được tình trạng khó thở của mình hiệu quả. Cách thực hiện bài hít thở sâu đơn giản như sau:

  • Bạn nằm xuống với tư thế thư giãn toàn thân, hai tay đặt lên trên bụng.
  • Hít sâu qua đường mũi, bụng phình ra. Lúc này, phổi của bạn đang chứa đầy không khí.
  • Bạn nín thở sâu trong vòng 2 đến 3 giây.
  • Sau đó, thở chậm, từ từ qua đường miệng. Lúc này, không khí đi hết từ phổi ra.
  • Thực hành động tác thở sâu này khoảng từ 5 đến 10 phút.

Hít thở sâu giúp giảm nặng ngực hiệu quả

Hít thở sâu giúp giảm nặng ngực hiệu quả

Bạn nên tập thở sâu từ 2 đến 3 lần trong ngày. Đặc biệt làm khi bạn bị khó thở. Nguyên tắc là bạn cần phải giữ cho nhịp thở chậm, sâu.

Thở mím môi

Đây là một kỹ thuật tương đối đơn giản để bạn có thể kiểm soát được sự khó thở của mình. Thở mím môi giúp bạn mở rộng đường thở, hít vào dễ dàng, thở sâu hơn. Kỹ thuật giúp loại bỏ những tác nhân gây cản trở sự thở của bạn. Cách thực hiện thở mím môi đơn giản:

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Chăm sóc tim mạch, tải ngay ứng dụng YouMed.

  • Thư giãn toàn thân, nhất là thả lỏng ở phần cơ vai và cổ.
  • Đặt một tay lên trên bụng.
  • Hít vào sâu nhất có thể, nhẹ nhàng bằng đường mũi. Miệng bạn lúc này mím chặt lại, cảm thấy thành bụng bắt đầu căng ra.
  • Thở chúm môi lại, cho hơi thở thoát ra ở kẽ môi, từ từ. Thành bụng lúc này cũng từ từ xẹp xuống.

Ngồi thả lỏng, hơi chúi đầu về phía trước

Cách giảm nặng ngực khó thở tiếp theo là thả lỏng cơ thể, hơi chúi đầu về phía trước. Lúc này, bạn hãy để cơ thể của mình thư giãn với tư thế ngồi trên ghế, bắt đầu hít thở sâu.

  • Ngồi trên ghế hoặc trên mặt phẳng, để hai chân xuống mặt sàn, phần ngực hơi chếch về phía trước.
  • Bạn đặt cùi chỏ lên trên đầu gối, hai tay chống cằm và bắt đầu thở sâu.
  • Khi thở nhớ luôn giữ cho phần vai và cổ được thả lỏng.
  • Bạn thở và giữ tư thế này trong khoảng từ 5 đến 10 phút sẽ cảm thấy dễ thở hơn rất nhiều.

Hít hơi nước

Hít hơi nước là cách làm thông mũi, thở ra thở vào dễ dàng hơn. Hơn nữa, hơi nóng và độ ẩm của hơi nước giúp làm tan chất nhầy ở trong phổi, giúp giảm thở dốc, thở tắc.

Hít hơi nước để dễ thở hơn

Hít hơi nước để dễ thở hơn

Để hít hơi nước tương đối đơn giản. Tương tự như việc bạn xông hơi tại nhà.

  • Bạn đổ nước nóng vào một bát đầy
  • Sau đó, cho khoảng 1 đến 2 giọt tinh dầu bạc hà hoặc tinh dầu khuynh diệp khuếch tán mùi, tăng công dụng thông mũi hiệu quả.
  • Bạn cúi mặt về phía bát nước, cách bát khoảng 5 đến 8 cm. Có thể sử dụng một chiếc khăn trùm đầu để hơi nước tập trung tỏa lên mặt, thông mũi.
  • Chú ý có thể hơi nước quá nóng, để mặt với bát nước một khoảng cách vừa đủ, tránh bị phỏng.
  • Trong lúc hít hơi nóng, bạn áp dụng thở sâu. Áp dụng cách này cách 1 ngày một lần, bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn rất nhiều.

Tìm tư thế thoải mái nhất

Khó thở trong lúc ngủ là tình trạng thường gặp ở những người cao tuổi. Thường người bị khó thở khi ngủ sẽ bị thức giấc nhiều lần. Với trường hợp này, chỉ cần thay đổi tư thế ngủ về trạng thái thoải mái nhất, cơ thể thư giãn, bạn sẽ cảm thấy dễ thở hơn.

Cách giảm nặng ngực khó thở, cải thiện khả năng hô hấp trong khi ngủ, bạn hãy thực hiện theo một số gợi ý dưới đây:

  • Bạn ngồi dậy, cúi về phía trước hoặc tựa vào tường để lưng chống đỡ.
  • Nằm nghiêng về một phía, có thể kẹp một chiếc gối giữa hai chân. Đồng thời, bạn kê đầu cao bằng một hoặc nhiều chiếc gối, giữ cho lưng thẳng. Tư thế này rất tốt cho sự thở.
  • Nếu nằm nghiêng không hiệu quả, bạn có thể chuyển sang nằm ngửa. Bạn kê cao đầu bằng một đến hai chiếc gối, đặt một chiếc gối nhỏ ở dưới gáy.

Kết hợp với việc chuyển đổi tư thế, bạn cũng nên thực hiện bài tập hít thở sâu nhẹ nhàng. Trong lúc này, bạn không nên nghĩ, hãy tập trung vào hơi thở. Như vậy, cơn khó thở sẽ tan biến nhanh chóng, bạn dễ dàng chìm sâu vào giấc ngủ.

Dùng máy quạt

Những tưởng không liên quan nhưng các nghiên cứu chỉ ra dùng máy quạt sẽ dễ thở hơn dùng điều hòa. Nếu gia đình bạn sử dụng điều hòa trong phòng kín thì nên trang bị thêm một máy phun sương. Như vậy, không khí đi vào phối dễ dàng hơn.

Uống cà phê

Trong cà phê, đặc biệt là cà phê đen có chứa chất caffeine tác dụng giảm mệt mỏi của cơ đường hô hấp hiệu quả. Các nhà khoa học chỉ ra rằng, caffeine cải thiện nhẹ chức năng hô hấp cho những người bị hen suyễn hiệu quả. Với những bạn bị khó thở thì uống cà phê thường xuyên là cách hỗ trợ rất tốt.

caffeine được chứng minh tốt cho nhịp thở

Caffeine được chứng minh tốt cho nhịp thở

Lời khuyên dành cho bạn là nên uống cà phê vào buổi sáng khoảng 2 đến 3 lần trong tuần. Khi cà phê mới pha, còn hơi nóng, bạn hãy hít nhẹ nhàng để dễ thở hơn. Ngoài ra, để tránh khó thở thường xuyên, bạn nên từ bỏ thói quen hút thuốc lá, tránh xa khói thuốc, nơi có khí thải ô nhiễm. Đặc biệt với những người bị hen suyễn rất cần chú ý điều này.

Uống trà gừng

Một cách giảm nặng ngực khó thở khác, rất đơn giản mà bạn có thể tham khảo qua đó là uống trà gừng. Như các bạn cũng biết, trà gừng là một cách để chữa sổ mũi rất tốt. Bạn chỉ cần gọt vỏ một củ gừng, thái lát mỏng và cho vào cốc nước sôi, pha thêm một chút mật ong để dễ uống hơn. Khi pha trà gừng xong, bạn nên hít hơi nóng của trà. Hương trà gừng rất dễ chịu, bạn sẽ cảm thấy thư giãn, dễ thở.

Nếu có thể, bạn nên ăn gừng tươi. Ngoài gừng thì bạn nên nhai lá bạc hà, ăn húng quế,… những loại nguyên liệu tự nhiên có tác dụng thông mũi hiệu quả mà rất lành tính.

Một số lưu ý khi thực hiện cách giảm nặng ngực khó thở

  • Trong các biện pháp cải thiện sự thở và giảm nặng ngực trên đây thì bài tập hít thở sâu là quan trọng nhất. Bạn nên rèn luyện thở sâu thường xuyên tại nhà. Vào mỗi buổi sáng sau khi thức dậy hoặc trước khi đi ngủ vào buổi tối, bạn ngồi ở tư thế thư giãn nhất và tập thở sâu, thở mím môi.
  • Các biện pháp giúp tăng cường sự thở không thể chữa được các bệnh lý như hen suyễn, viêm hô hấp,… Tuy nhiên, các cách giảm nặng ngực khó thở trên đây có tác dụng hỗ trợ rất tốt cho trong việc điều trị các bệnh lý liên quan đến hô hấp.
  • Bạn cũng có thể sử dụng các loại máy trợ thở tại nhà như thiết bị điều trị hen suyễn, tai mũi họng,… Luôn giữ cho không gian sống sạch sẽ, đầy đủ độ ẩm, tránh hanh khô sẽ giúp bạn thở dễ dàng hơn.
  • Trong trường hợp bạn bị khó thở nhẹ, tìm được nguyên nhân khó thở thì không cần đến bác sĩ. Tuy nhiên, nếu bạn khó thở thường xuyên; mỗi lần khó thở rất tức ngực, nặng ngực thậm chí là bị ngất, bạn nên tìm đến bác sĩ để được thăm khám ngay lập tức.

Nếu bạn thường xuyên gặp tình trạng khó thở, cần khám bác sĩ để được điều trị

Nếu bạn thường xuyên gặp tình trạng khó thở, cần khám bác sĩ để được điều trị

Hy vọng những chia sẻ về cách giảm nặng ngực khó thở trong bài viết đã hữu ích cho bạn. Khó thở là biểu hiện dễ nhận ra nhất của các bệnh lý về hô hấp. Khi thấy bản thân bị khó thở thường xuyên, nặng ngực, đau thắt ngực; thì bạn hãy nhanh chóng đến bác sĩ chuyên khoa. Mọi thông tin trong bài viết đều mang tính chất tham khảo. Để biết chính xác về tình trạng sức khỏe, bạn nên đến bác sĩ để thăm khám và tư vấn. Chúc bạn và người thân trong gia đình khỏe mạnh!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *