Tăng huyết áp là bệnh lý tim mạch mãn tính phổ biến hiện nay. Bệnh lý có thể gây nhiều biến chứng nặng nề nếu không được điều trị kịp thời. Thuốc điều trị tăng huyết áp rất đa dạng và phải dùng theo chỉ định của bác sĩ. Bài viết của Bác sĩ Lương sỹ Bắc sẽ cùng chúng ta tìm hiểu các nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp bạn cần biết.
Các nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp
Dưới đây là các nhóm thuốc có tác dụng điều trị trong bệnh lý tăng huyết áp:1 2
Thuốc lợi tiểu
Tác dụng, cơ chế hoạt động
Lợi tiểu là nhóm thuốc có nhiều cơ chế tác dụng lên sinh lý thận. Từ đó làm tăng lượng nước tiểu được lọc ra từ máu. Thông qua đó thuốc làm giảm thể tích huyết tương và huyết áp của cơ thể
Một số loại thuốc phổ biến
Các nhóm lợi tiểu phổ biến hiện nay là:
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Huyết áp, tải ngay ứng dụng YouMed.
- Lợi tiểu quai: Furosemid, Torasemid…
- Thuốc lợi tiểu giữ kali: Spironolactone, Amiloride…
- Thuốc lợi tiểu thiazide: Hydrochlothiazide, Chlorothiazide…
Đối tượng sử dụng
Trong đó lợi tiểu quai là nhóm có tác dụng lợi tiểu mạnh. Nhóm này thường được dùng điều trị kết hợp trong bệnh lý tim mạch. Ngoài ra do tác dụng hạ huyết áp mạnh nên thường dùng để hạ huyết áp nhanh khi cần. Thuốc lợi tiểu giữ Kali (kháng Aldosterol) do cơ chế đặc thù nên được sử dụng trong nhiều bệnh lý, đặc biệt trong suy tim. Thuốc lợi tiểu thiazide là thuốc lợi tiểu được sử dụng phổ biến nhất. Ngoài tác dụng hạ huyết áp, chúng có thể gây ra một sự giãn mạch nhẹ.
Tác dụng phụ của thuốc
Sử dụng không hợp lý thuốc lợi tiểu có thể gây một số tác dụng phụ như: rối loạn chuyển hóa glucose, gout, rối loạn điện giải: natri, kali, calci…
Thuốc chẹn beta
Tác dụng, cơ chế hoạt động
Thuốc chẹn beta có cơ chế khóa thụ thể beta giao cảm của hệ thần kinh thực vật. Thụ thể beta có tác động lên hoạt động của tim (beta 1) và mạch máu (beta 2). Giảm ảnh hưởng của beta giao cảm làm huyết áp giảm.
Một số loại thuốc phổ biến
Thuốc chẹn beta hiện nay có rất nhiều nhóm nhưng chủ yếu phân loại thành 2 nhóm: chọn lọc và không chọn lọc beta.
Một số loại thuốc thuộc nhóm này: Bisoprolol, Carvedilol…
Đối tượng sử dụng
Thuốc chẹn beta 1 có tác động chủ yếu lên hoạt động tim. Do đó nó thường được sử dụng phổ biến trong các bệnh lý tim mạch. Thuốc chẹn beta không chọn lọc có tác động lên cả thụ thể beta 2 và alpha. Do đó nhóm này còn được sử dụng trong một số bệnh lý đặc biệt khác.
Tác dụng phụ của thuốc
Chẹn beta có nhiều tác dụng phụ do tác động lên nhiều cơ quan trong cơ thể. Trong đó nguy hiểm có thể kể tới: co thắt phế quản, nhịp tim chậm… Ngoài ra còn có mất ngủ, trầm cảm, giảm khả năng sinh lý…
Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACEi)
Tác dụng, cơ chế hoạt động
Thuốc ức chế men chuyển có cơ chể ngăn chặn việc chuyển angiotensin I thành angiotensin II. Agiotensin II do cơ thể sản xuất có tác dụng co mạch mạnh làm tăng huyết áp. Giảm chất này làm hạ huyết áp của cơ thể.
Một số loại thuốc phổ biến
Thuốc ức chế men chuyền dựa vào dược động học thường có các loại sử dụng 1 hay nhiều lần trong ngày. Phổ biến có Captopril hay được sử dụng để ngậm hạ áp, khi điều trị cần dùng 3 lần/ngày. Enalapril và Lisinopril là 2 thuốc có thể dùng 1 lần/ ngày… Nói chung nếu đúng chỉ định và liều thì các nhóm này không có khác biệt nhiều.
Đối tượng sử dụng
Thuốc ức chế men chuyển là thuốc đầu tay trong điều trị một số bệnh tim mạch quan trọng như: nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, suy tim. Ngoài ra thuốc có thể được chỉ định trong bệnh nhân đái tháo đường với tác dụng bảo vệ thận.
Tác dụng phụ của thuốc
Ho khan là tác dụng phụ nhẹ và thường gặp nhất của ACEi. Một số trường hợp có thể gặp phù mạch. Thuốc có thể làm tăng kali và creatinin máu. Do đó, đặc biệt cẩn trọng và tuân thủ chỉ định của bác sĩ khi sử dụng ở bệnh nhân có bệnh thận mãn.
Thuốc chẹn thụ thể Angiotensin II (ARB)
Thuốc ức chế thụ thể ngăn chặn tác động của Agiotensin II lên các cơ quan đích. Về cơ bản chỉ định, tác dụng và đối tượng của ARB giống ACEi. Tác dụng phụ và chống chỉ định cũng tương tự ACEi nhưng tỉ lệ thấp hơn.
Một số loại thuốc đang có mặt trên thị trường: Losartan, Olmesartan, Telmisartan, Valsartan…
Thuốc chẹn canxi
Tác dụng, cơ chế hoạt động
Thuốc ức chế kênh canxi có cơ chế ức chế các kênh ion canxi trong cơ thể. Gần như toàn bộ cơ quan có kênh canxi nên tác dụng của thuốc đa dạng. Tác dụng hạ áp là do thuốc làm giãn cơ trơn mạch máu gây hạ áp.
Một số loại thuốc phổ biến
Thuốc chẹn kênh canxi gồm 2 nhóm
- Dihydropiridine (DHP) là thuốc hạ huyết áp phổ biến: Amlodipin, Felodipin… Thuốc có thể được chỉ định trong cơn đau thắt ngực, hội chứng Raynoud…
- Non – Dihydropiridine (Verapamin và Diltiazem) có tác động lên điện sinh lý tim nên được sử dụng trong điều trị liên quan nhịp tim.
Tác dụng phụ của thuốc
Đau đầu là tác dụng phụ phổ biến của thuốc chẹn kênh canxi. Ngoài ra có thể gặp phù, khô miệng, táo bón…
Thuốc chẹn alpha
Thuốc chẹn alpha giảm hoạt động tại các thụ thể alpha giao cảm. Qua đó giúp giãn mạch, giảm sức cản ngoại vi, cải thiện lưu lượng máu và hạ huyết áp. Thuốc chẹn alpha có lợi trong tăng huyết áp kèm tăng lipid máu do tác dụng tăng HDL và giảm LDL. Ngoài ra thuốc còn được chỉ định trong khó tiểu do tăng sản tuyến tiền liệt. Một số thuốc chẹn alpha thường gặp là: Doxazosin, Prazosin, Terazosin,… Chẹn alpha có tác dụng phụ làm hạ huyết áp tư thế đứng hoặc ngất. Nên bắt đầu bằng liều thấp để hạn chế tác dụng phụ này. Ngoài ra còn gây chóng mặt, đau đầu, nhịp tim nhanh, mệt mỏi, suy nhược cơ thể, chán ăn, rối loạn tiêu hóa, đau xương khớp,…
Thuốc chẹn alpha-beta
Nhóm thuốc này chủ yếu là ức chế beta được thêm vào hoạt tính kháng alpha (không chọn lọc). Chỉ định, chống chỉ định, tác dụng phụ tương tự từng loại riêng lẻ.
Kế hoạch điều trị bằng thuốc huyết áp như thế nào?
Điều trị huyết áp là quá trình lâu dài, cần sự phối hợp tốt giữa bác sĩ và bệnh nhân. Sử dụng thuốc và phối hợp thuốc tùy thuộc vào mỗi người. Không được tự ý điều trị mà phải tuân theo y lệnh của bác sĩ. Tuy nhiên mỗi người cũng nên tìm hiểu cách sử dụng các loại thuốc điều trị tăng huyết áp để tránh sai lầm.
Phối hợp thuốc điều trị tăng huyết áp.2
Bắt đầu sử dụng thuốc cơ bản như sau:
Điều trị các bệnh lý liên quan khác1
Tùy thuộc vào các bệnh lý đi kèm mà các thuốc điều trị tăng huyết áp được chỉ định khác nhau để tối ưu. Các bạn có thể tham khảo
Uống thuốc hạ huyết áp quá liều có sao không?
Uống thuốc điều trị tăng huyết áp quá liều có thể làm giảm huyết áp đột ngột. Biểu hiện thường thấy là chóng mặt, xây xẩm, thậm chí có thể ngất xỉu. Người bệnh có thể thấy nhìn mờ, buồn nôn, mệt mỏi và thiếu tập trung. Một số dấu hiệu nguy hiểm khi bị tụt huyết áp cần chú ý để có thể cấp cứu kịp thời như: giảm tri giác, da lạnh, thở nhanh, mạch nhanh yếu.
Đột ngột hạ huyết áp, đặc biệt ở những người có bệnh lý nền và người già rất nguy hiểm. Nguy cơ té ngã chấn thương tăng khi bệnh nhân chóng mặt. Huyết áp thấp còn làm nặng thêm bệnh lý mãn tính. Kéo dài còn làm tổn thương các cơ quan trong cơ thể. Do đó mỗi người bệnh nên chủ động trong sử dụng đúng liều thuốc.2
Cách xử lý khi uống thuốc hạ huyết áp quá liều
Tùy theo từng bệnh nhân mà ta có thể có cách xử trí phù hợp. Trước tiên cần đo huyết áp để kiểm tra huyết áp. Nếu thấy các biểu hiện nhẹ và đo huyết áp không quá thấp (trên 90 mmHg) thì nên đưa người bệnh nằm nghỉ trong môi trường thông thoáng. Tư thế nằm đầu thấp, nếu còn tỉnh thì cho bệnh nhân uống thêm nước. Phải tìm loại thuốc điều trị tăng huyết áp mà bệnh nhân uống quá liều và hỏi ý kiến bác sĩ. Nếu triệu chứng không giảm thì cần đưa bệnh nhân tới bệnh viện.
Nếu có biểu hiện nặng hoặc huyết áp quá thấp thì nên đưa người bệnh tới ngay cơ sở y tế gần nhất. Bệnh nhân có thể được bù dịch đường tĩnh mạch, theo dõi các biến chứng. Một số trường hợp nặng có thể phải lọc máu, dùng thuốc đối kháng… 2
Cách hạ huyết áp không dùng thuốc
Thuốc điều trị tăng huyết áp không phải là điều duy nhất cần chú ý. Xây dựng lối sống tốt có thể giúp kiểm soát huyết áp ổn định:
- Hạn chế muối trong khẩu phần ăn.
- Không lạm dụng thuốc lá, uống rượu bia.
- Tập thể dục điều độ, nhẹ nhàng.
- Giảm cân.
- Thử giãn, giảm stress.
Một số biện pháp có thể hạ huyết áp không dùng thuốc. Tuy nhiên không khuyến cáo thực hiện:2
- Ngân chân trong nước ấm. Nước ấm làm giãn mạch máu chân, từ đó làm giảm huyết áp, tuy nhiêu tác dụng rất ít và tạm thời.
- Nghe nhạc thư giãn. Stress là nguyên nhân gây cơn tăng huyết áp. Giảm stress cũng giúp hạ áp.
- Massage vùng đầu cổ. Động mạch cảnh ở cổ có thụ thể cảm nhận áp lực máu. Tác dựng lực lên có thể làm cơ thể hạ áp nhanh chóng. Động tác này đặc biệt nguy hiểm nếu không nắm rõ, không nên làm tại nhà.
Điều trị huyết áp cần sự tuân thủ nghiêm ngặt của bệnh nhân. Nhất là sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp đúng đắn. Xây dựng lối sống lành mạnh và tuân thủ y lệnh là chìa khóa để kiểm soát huyết áp. Mong rằng những thông tin trong bài viết của Bác sĩ Lương Sỹ Bắc sẽ giúp ích cho bạn!