Block phân nhánh: Bệnh lý tim mạch thường gặp bạn cần biết

Block phân nhánh là gì mà có thể gây rối loại trên hệ thống dẫn truyền điện trong tim? Nguyên nhân, cách chẩn đoán và điều trị như thế nào, bạn hãy cùng YouMed tìm hiểu nhé!

Tim đóng vai trò là máy bơm, bơm máu đi khắp cơ thể, đồng thời là cơ quan “ hoạt động suốt đời mà không nghỉ ”. Để thực hiện được chức năng đó, quả tim phải có cấu tạo hết sức đặc biệt. Tim cấu tạo gồm nhiều bộ phận : van tim, cơ tim, động mạch vành, hệ thống điện trong tim…

Các bộ phận trên làm việc hài hòa, đồng bộ để thực hiện chức năng bơm máu. Nếu một trong các đơn vị trên bị rối loạn sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của tim. Đặc biệt là hệ thống dẫn truyền điện, giúp cho trái tim đập đều đặn, đúng nhịp…

1. Block phân nhánh là gì?

Hệ thống dẫn truyền tim

Hệ thống dẫn truyền tim

Tim có cấu trúc rỗng hình bầu dục, chia thành 4 buồng với các chức năng khác nhau:

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Tim mạch, tải ngay ứng dụng YouMed.

  • Nhĩ phải: Nhận máu nghèo oxy sau khi các cơ quan trong cơ thể đã sử dụng.
  • Thất phải: bóp máu lên phổi để trao đổi oxy.
  • Nhĩ trái: nhận máu giàu oxy từ phổi về tim.
  • Thất trái: bóp máu đi nuôi các cơ quan trong cơ thể.

Hệ thống điện trong cơ tim đảm bảo cho các buồng tim co bóp tuần tự và chính xác. Đường dẫn truyền bắt đầu từ tâm nhĩ phải đi xuống theo vách giữa hai tâm nhĩ, tiếp tục đi xuống tâm thất thông qua nút chặn gọi là nút nhĩ thất. Sau khi xuống thất, nó đi trong bó His nằm trong thành giữa hai tâm thất (vách liên thất). Tại đây đường dẫn truyền chia thành hai nhánh: phải và trái. Nhánh trái chi phối hoạt động timtrái và ngược lại nhánh phải chi phối hoạt động tim phải.

Hệ thống đường dẫn truyền trên có thể bị chặn hay tắc nghẽn được gọi là block. Do tính phức tạp của hệ thống dẫn truyền, có rất nhiều bệnh lý liên quan tới nhiều vị trí khác nhau. Vị trí và mức độ gián đoạn dẫn truyền liên quan chặt chẽ tới tiên lượng bệnh. Gián đoạn dẫn truyền sau khi đường dẫn đã chia thành hai nhánh:

  • Block nhánh trái
  • Block nhánh phải

Lưu ý: tim còn nhiều đường dẫn truyền phụ phức tạp không đề cập tới trong bài viết này.

2. Nguyên nhân block phân nhánh 

Block phân nhánh

Block nhánh có rất nhiều nguyên nhân khác nhau tùy từng vị trí, có thể lành tính hay nguy hiểm. Cũng có thể tình trạng này có thể xảy ra mà không có nguyên nhân. Nguyên nhân có thể bao gồm:

2.1. Block nhánh trái

Biểu hiện block nhánh trái trên điện tâm đồ thường được đánh giá nguy hiểm block nhánh phải. Nhất là block nhánh trái mới xuất hiện trong khi trước đó không có, càng phải theo dõi sát sao. Đó có thể là biểu hiện của một số bệnh nguy hiểm:

  • Bệnh cơ tim
  • Viêm cơ tim cấp
  • Huyết áp tăng cao
  • Nhồi máu cơ tim cấp, bệnh động mạch vành

Tất cả các bệnh lý trên đều là tình trạng cấp cứu nguy hiểm. Cần nhận biết sớm thông qua block nhánh trái để được điều trị kịp thời.

2.2. Block nhánh phải

Block nhánh phải thường lành tính hơn so với block nhánh trái. Một số bệnh nhân có block nhánh phải nhưng hoàn toàn không có triệu chứng gì. Tuy nhiên không phải vì vậy mà bỏ qua, lơ là chẩn đoán. Block nhánh phải có thể do các nguyên nhân nguy hiểm khác:

  • Viêm cơ tim
  • Nhồi máu cơ tim cấp
  • Tăng áp động mạch phổi
  • Thuyên tắc phổi (có cục máu đông trong động mạch phổi)
  • Bệnh tim bẩm sinh (Một số di tật tim bẩm sinh cũng có thể gây block nhánh)

3. Block phân nhánh có nguy hiểm không?

Tùy nguyên nhân, vị trí mà block nhánh có tiên lượng khác nhau. Block nhánh có thể là lành tính. Tuy nhiên, nếu block nhánh có nguyên nhân nguy hiểm sẽ để lại hậu quả do nguyên nhân đó. Các nguyên nhân kể trên đều có thể diễn tiến tới tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Nếu may mắn vượt qua được, bệnh nhân sẽ phải đối mặt với các biến chứng nặng nề.

Các biến chứng thường là suy tim, rối loạn nhịp nguy hiểm…  Đặc biệt nếu có block nhánh trái mới, biểu thị bệnh nhân đang có tổn thương cơ tim cấp. Block nhánh phải thường có tiên lượng tốt hơn block nhánh trái. Tuy nhiên để khẳng định cần loại trừ các nguyên nhân nguy hiểm trước.

4. Triệu chứng block phân nhánh 

Bệnh nhân có block phân nhánh mà không biểu hiện triệu chứng thường lành tính. Ngược lại, block nhánh có triệu chứng thường báo hiệu nguyên nhân nguy hiểm. Các biểu hiện quan trọng cần theo dõi là:

  • Ngất
  • Buồn nôn
  • Vã mồ hôi
  • Khó thở (đột ngột khó thở dữ dội)
  • Đau ngực (người bệnh đau ngực dữ dội sau xương ức, lệch trái, cảm giác bóp nghẹt, “ như có cục đá đè trong ngực”. Đau vã mồ hôi và không giảm khi nghỉ ngơi)
  • Rối loạn nhịp tim (đột ngột thấy tim đập nhanh hay chậm cũng là biểu hiện nguy hiểm)

Nếu có các triệu chứng trên bệnh nhân cần vào viện ngay để nhân được điều trị kịp thời.

5. Cách chẩn đoán block nhánh 

Nhồi máu cơ tim: nguyên nhân gây block nhánh

Nhồi máu cơ tim: nguyên nhân gây block nhánh

Điện tâm đồ là xét nghiệm ghi lại hoạt động điện của tim. Block nhánh sẽ hiện rõ khi đo điện tâm đồ vì đây là rối loạn dẫn truyền điện trong tim. Quan trọng là phải phối hợp toàn diện tiền căn, hỏi bệnh sử,  khám lâm sàng và xét nghiệm. Điều này giúp tránh bị bỏ sót các nguyên nhân nguy hiểm.

Các xét nghiệm thường dùng là:

  • Xquang ngực: phát hiện dịch trong phổi, tim to…
  • Điện tâm đồ: quan sát được hoạt động điện của tim và rối loạn nhịp tim.
  • Điện tâm đồ liên tục 24 giờ: giúp phát hiện rối loạn nhịp.
  • Siêu âm tim: quan sát cấu trúc tim, đánh giá chức năng co bóp.
  • Cộng hưởng từ tim: quan sát rõ cấu trúc tim và các phần sợi xơ hóa.
  • Điện sinh lý tim: giúp phát hiện vị trí gây loạn nhịp, tắc nghẽn trong đường dẫn truyền.
  • Chụp động mạch vành: phát hiện tình trạng động mạch vành có tắc nghẽn không?

Tùy biểu hiện của bệnh nhân và khám lâm sàng mà bác sĩ sẽ cho các xét nghiệm phù hợp.

6. Cách điều trị block nhánh

Đặt máy tạo nhịp

Đặt máy tạo nhịp

Điều trị block nhánh là điều trị nguyên nhân gây bệnh. Block nhánh phải nếu không có nguyên nhân và triệu chứng thường không phải điều trị. Cần điều trị sớm nếu có nguyên nhân để tránh các biến chứng. Các phương pháp điều trị thường dùng là:

Thuốc

Thuốc giúp điều trị bệnh nguyên nhân gây block phân nhánh và khống chế các rối loạn nhịp nếu có. Điều trị block nhánh có rất nhiều loại thuốc. Việc sử dụng thuốc tùy theo tình trạng bệnh nhân và nhận định của bác sĩ.

Block nhánh có xảy ra rối loạn nhịp trước đó, việc kiểm soát nhịp là hết sức cần thiết. Nếu không được khống chế có thể xảy ra các rối loạn nhịp nguy hiểm. Điều bệnh nhân cần làm là tuân thủ điều trị của bác sĩ.

Thủ thuật

Tùy theo nguyên nhân gây bệnh mà có các thủ thuật điều trị nguyên nhân đó:

  • Can thiệp mạch vành. Thủ thuật quan trọng trong điều trị nhồi máu cơ tim và bệnh động mạch vành.
  • Cắt đốt điện sinh lý. Thủ thuật này tiến hành trực tiếp trên hệ thống dẫn truyền tim. Bác sĩ sẽ khảo sát tìm vị trí bất thường gây nên các rối loạn nhịp. Sau đó điểm bất thường sẽ được sửa đổi tại chỗ.
  • Đặt máy tạo nhịp. Đối với block nhánh có rối loạn nhịp nguy hiểm mà không điểm soát được bằng thuốc. Máy tạo nhịp giúp cứu sống tim trong trường hợp tim không thể tự đập theo nhịp của mình.

 

Điều trị block nhánh chủ yếu là điều trị nguyên nhân và dự phòng các biến chứng nguy hiểm. Nếu được tầm soát nguyên nhân và kiểm soát kĩ, tiên lượng của block nhánh thường tốt.

7. Kiểm soát tình trạng block nhánh

Người bệnh cần phải chủ động hơn trong việc:

  • Theo dõi sát các triệu chứng, nhất là các triệu chứng rối loạn nhịp. Cần phát hiện kịp thời và thông báo cho bác sĩ để được điều trị kịp thời.
  • Tái khám thường xuyên, đo điện tâm đồ để ghi nhân kịp thời sự thay đổi của nhịp tim. Tuân thủ chỉ định của bác sĩ, không được bỏ thuốc.

8. Xây dựng lối sống lành mạnh

Bên cạnh các thuốc hay giải pháp hỗ trợ điều trị, chế độ ăn uống sinh hoạt có vai trò quyết định đến hiệu quả điều trị. Do đó bệnh nhân cần lưu ý:

  • Ăn nhạt, ăn giảm muối để kiểm soát tăng huyết áp
  • Không dùng chất kích thích như cà phê, rượu bia, thuốc lá.
  • Tránh lo lắng, căng thẳng, ngủ đủ giấc.
  • Tăng cường tập thể dục thể thao. Không vận động quá sức.
  • Tránh các thức ăn dầu mỡ, ăn nhiều rau xanh.

Block phân nhánh là rối loạn thường gặp trong bệnh lý tim mạch. Tiên lượng và mức độ nguy hiểm có thể thay đổi tùy nguyên nhân và vị trí gây block nhánh. Bệnh có thể có các biến chứng đe dọa tính mạng. Do đó, cần tầm soát đầy đủ các nguyên nhân và kiểm soát chặt chẽ các nguy cơ. Tái khám thường xuyên, tuân thủ y lệnh bác sĩ và xây dựng lối sống lành mạnh là cách tốt nhất để điều trị block nhánh.

Bác sĩ Lương Sỹ Bắc

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *