Bệnh van ba lá: Phát hiện sớm để điều trị hiệu quả!

Tương tự như các bệnh lý van tim khác, bệnh van ba lá có thể không xuất hiện triệu chứng trong thời gian đầu. Tuy vậy, bệnh có thể diễn tiến nặng ở giai đoạn sau. Hệ quả dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm và cần các can thiệp xâm lấn. Do đó, bài viết dưới đây hi vọng cung cấp được các thông tin cần thiết để giúp bạn nhận biết và điều trị hiệu quả bệnh van ba lá.

1. Bệnh van ba lá là gì?

Bình thường, van ba lá đóng vai trò chốt chặn giữa tâm nhĩ phải và tâm thất phải. Nhờ vậy, luồng máu trong buồng tim phải lưu thông đúng chiều. Trong bệnh van ba lá, những tổn thương gây hẹp hay hở van khiến cho “cánh cửa” này hoạt động không hiệu quả.

Van ba lá là chốt chặn giữa tâm nhĩ phải và tâm thất phải

Van ba lá là chốt chặn giữa tâm nhĩ phải và tâm thất phải

2. Nguyên nhân nào gây nên bệnh?

Tổn thương tại cấu trúc van

  • Thấp tim: đây là nguyên nhân thường gặp nhất. Đa số trường hợp có bệnh van hai lá kèm theo.
  • Máy tạo nhịp: điện cực tạo nhip được đặt qua van ba lá có nguy cơ gây tổn thương van ba lá làm hở van.
  • Hội chứng Marfan: hội chứng do rối loạn di truyền của mô liên kết bẩm sinh này đôi khi có liên quan đến hẹp van ba lá.
  • Bệnh Ebstein: van ba lá bám thấp hơn bình thường ở tâm thất phải và các lá của van ba lá được hình thành bất thường. Vì thế, máu chảy ngược qua van ba lá.
  • Hội chứng Carcinoid: biểu hiện tim mạch gồm dày lớp nội mạc buồng tim, van tim và mạch máu. Buồng tim phải và van ba lá bị ảnh hưởng nhiều hơn.

Đừng lo lắng nếu bạn cảm thấy xa lạ với tên riêng của các hội chứng nêu trên. Đây là những từ chuyên ngành mà bác sĩ luôn nắm rõ. Bạn hãy thảo luận với bác sĩ khi có bất kì thắc mắc nào về tình trạng của mình.

Tổn thương ngoài van (bệnh van ba lá thứ phát)

  • Thường gặp nhất là hở van ba lá cơ năng do giãn buồng tim phải. Đây là hệ quả của các bệnh lý van hai lá và bệnh tim bẩm sinh.

3. Triệu chứng của bệnh gồm những gì?

Nếu van ba lá bị hẹp sẽ gây cản trở dòng máu từ nhĩ phải xuống thất phải. Nếu van ba lá đóng không kín, một phần máu từ thất phải sẽ trào ngược lại nhĩ phải. Trong cả hai trường hợp, tim đều phải làm việc nhiều hơn để đảm bảo cung lượng máu. Về lâu dài sẽ dẫn đến những biểu hiện sau:

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Tim mạch, tải ngay ứng dụng YouMed.

  • Mệt mỏi, khó thở, giảm khả năng gắng sức. Nặng hơn bệnh nhân sẽ gặp khó thở khi nằm, khó thở về đêm.
  • Hồi hộp đánh trống ngực, nhịp tim không đều.
  • Sưng phù tay chân, bụng to.
  • Buồn nôn, chán ăn, căng tức bụng.
  • Tổng trạng suy kiệt.

Sưng tay chân là biểu hiện thường gặp trong bệnh van ba lá

Sưng tay chân là biểu hiện thường gặp trong bệnh van ba lá

4. Bác sĩ có thể yêu cầu làm xét nghiệm gì?

Sau khi hỏi và thăm khám về các triệu chứng của bạn, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện những cận lâm sàng quan trọng như chụp X-quang ngực, đo điện tim và siêu âm tim.

Hẹp van ba lá sẽ gây giãn nhĩ phải. Thế nhưng, thất phải vẫn bình thường hoặc nhỏ hơn do không nhận đủ máu. Hở van ba lá sẽ gây giãn cả tâm thất và tâm nhĩ phải. Ngoài ra, tùy từng trường hợp cụ thể mà bạn cần thực hiện thêm các xét nghiệm khác. Mục đích nhằm tìm nguyên nhân tổn thương van ba lá.

5. Bệnh van ba lá nguy hiểm như thế nào?

Dù rằng phần lớn trường hợp hẹp hở van ba lá nhẹ (mức độ hở ¼) không gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên, bệnh lý này vẫn có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng như sau, đặc biệt khi đi kèm tổn thương các van tim khác.

bệnh van ba lá

  • Tăng áp động mạch phổi: áp lực quá lớn sẽ gây ra ho ra máu, có nguy cơ tử vong.
  • Suy thất phải, suy tim toàn bộ: tim không còn đủ khả năng co bóp để duy trì tuần hoàn cho cơ thể.
  • Rối loạn nhịp tim, rung nhĩ.
  • Huyết khối: những cục máu đông này di chuyển theo dòng tuần hoàn, cực kì nguy hiểm khi gây tắc nghẽn mạch máu hoàn toàn. Điển hình có thể kể đến gồm lấp mạch phổi gây thuyên tắc phổi, lấp mạch não gây đột quỵ, lấp mạch chi gây thuyên tắc tĩnh mạch chi dưới.

6. Điều trị như thế nào?

Giai đoạn đầu:

Trong giai đoạn đầu của bệnh, các triệu chứng chưa xuất hiện. Tăng áp phổi chưa có và suy thất phải chưa tiến triển. Vì thế, bệnh van ba lá thường dung nạp tốt và không yêu cầu điều trị đặc biệt.

Giai đoạn sau:

Trong giai đoạn nặng hơn, các triệu chứng của bệnh có thể được cải thiện bằng các biện pháp:

  • Thay đổi lối sống: giảm cân, ăn nhạt, tập thể dục
  • Thuốc: lợi tiểu, huyết áp, mỡ máu, kháng đông

Điều trị nội khoa đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát triệu chứng

Điều trị nội khoa đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát triệu chứng

Bên cạnh đó, biện pháp ngoại khoa có thể được chỉ định. Hình thức phẫu thuật nào sẽ được bác sĩ cân nhắc cẩn thận. Sau khi đánh giá chi tiết tình trạng của bệnh nhân, các lựa chọn bao gồm:

  • Bệnh van ba lá mức độ nhẹ đi kèm bệnh van hai lá đã có chỉ định mổ: phẫu thuật van ba lá thường được thực hiện đồng thời.
  • Bệnh van ba lá mức độ nặng hoặc trung bình, có giãn vòng van hoặc tăng áp động mạch phổi: xem xét tạo hình vòng van ba lá.
  • Hở van ba lá thứ phát do bệnh lý bẩm sinh, hệ thống (bệnh Ebstein, carcinoid): có thể cần phải thay van. Khi đó, ưu tiên dùng van sinh học để giảm thiểu nguy cơ huyết khối.

Tuy rằng không phổ biến như bệnh lý van hai lá hay van động mạch chủ nhưng bệnh van ba lá vẫn có khả năng tiến triển đến những biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng người bệnh. Do đó, cần khám bác sĩ ngay khi xuất hiện các triệu chứng kể trên để có biện pháp can thiệp kịp thời. Nếu chú ý đến thói quen sinh hoạt, chế độ ăn uống và áp dụng đúng cách điều trị phù hợp với tình trạng bệnh thì bạn hoàn toàn có thể kiểm soát được các biến cố, duy trì chất lượng cuộc sống.

Bác sĩ Trần Hoàng Nhật Linh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *