Bệnh tim bẩm sinh, đây là nỗi sợ hãi và lo lắng của nhiều cha mẹ. Nhưng với sự phát triển của y học, Bác sĩ tim mạch nhi có thể giúp trẻ được điều trị và theo dõi tốt nhất. Hầu hết những đứa trẻ bị Thông liên nhĩ hay Thông liên thất đã phẫu thuật đều tiếp tục sống khỏe mạnh như mọi trẻ khác.
1. Thông liên nhĩ và Thông liên thất là gì?
Cấu trúc tim gồm có 4 buồng. Các buồng ở trên được gọi là tâm nhĩ. Các buồng ở dưới được gọi là tâm thất. Bình thường, giữa tâm nhĩ phải và trái được ngăn cách bởi một thành mỏng gọi là vách liên nhĩ. Tương tự, giữa hai tâm thất trái và phải sẽ có vách liên thất. Các vách ngăn này hình thành từ trước khi trẻ được sinh ra đời. Nhờ đó, lượng máu giàu oxy đi nuôi cơ thể sẽ không trộn lẫn với máu nghèo oxy cần phải đến phổi để trao đổi khí.
Thông thường, máu chảy từ tâm nhĩ phải vào tâm thất phải và tâm thất phải bơm nó vào phổi. Khi có một lỗ thủng ở vách liên nhĩ, máu giàu oxy từ tâm nhĩ trái qua tâm nhĩ phải rồi xuống tâm thất phải. Tương tự trong thông liên thất, máu giàu oxy từ tâm thất trái chảy vào tâm thất phải. Sau đó, máu cả hai trường hợp này sẽ được bơm trở lại phổi. Mặc dù máu này không cần phải trao đổi oxy. Điều này làm cho tim và phổi phải làm việc nhiều hơn.
Nếu do một nguyên nhân nào đó, sau khi trẻ sinh ra mà cấu trúc của hai vách ngăn của tâm nhĩ và của tâm thất chưa hoàn chỉnh, trẻ sẽ có tật tim bẩm sinh. Gọi chung là Thông liên nhĩ (có sự thông thương máu giữa hai tâm nhĩ). Hoặc Thông liên thất (có sự thông thương máu giữa hai tâm thất).
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Tim mạch, tải ngay ứng dụng YouMed.
>> Có thể bạn quan tâm:
Không phải ai ra đời cũng may mắn có một cơ thể khỏe mạnh. Những khiếm khuyết bẩm sinh không mong muốn xuất hiện ở trẻ là nỗi lo lắng của nhiều cha mẹ. Trong đó, thường gặp nhất là bệnh tim bẩm sinh. Một số bệnh tim bẩm sinh có thể được phát hiện lúc mẹ siêu âm trong thai kì. Hãy cùng Bác sĩ: Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm chuyên khoa Nhi tìm hiểu về Nguyên nhân, Triệu chứng, Chẩn đoán, Điều trị và Cách chăm sóc trẻ bị tim bẩm sinh trong bài viết: “Bệnh tim bẩm sinh: Những điều bạn cần biết“
2. Nguyên nhân dẫn đến Bệnh tim bẩm sinh là gì?
Các khuyết tật về tim có thể được di truyền. Điều đó có nghĩa là trẻ có mang gen bệnh của cha mẹ. Tuy nhiên, đa số trường hợp các tật tim bẩm sinh đều không có nguyên nhân rõ ràng
2.1 Thông liên nhĩ
Có nhiều kiểu thông liên nhĩ khác nhau tùy thuộc vào vị trí của lỗ thông:
- Trẻ sơ sinh thường có một lỗ nhỏ ở vách liên nhĩ (được gọi là lỗ bầu dục) cho phép máu chảy giữa hai tâm nhĩ trong bào thai. Trước khi sinh, máu của trẻ không cần phải đi qua phổi để lấy oxy. Bởi vì trẻ lấy máu giàu oxy từ người mẹ. Sau khi sinh, áp lực tăng ở buồng tim trái. Chính điều này giúp đóng lại lỗ bầu dục. Nếu lỗ thông này không được bịt kín, đó được gọi là tật tim tồn tại lỗ bầu dục. Lỗ này thường sẽ tự đóng lại khi trẻ lớn.
- Các lỗ khác ở vách liên nhĩ có thể xảy ra do tim của trẻ trong bào thai không được hình thành đúng cách.
2.2 Thông liên thất
Thông liên thất là khuyết tật bẩm sinh phổ biến nhất của tim, thường gặp ở trẻ sơ sinh. Thường thì đó là tật tim bẩm sinh duy nhất. Nhưng đôi khi, một số trẻ cũng có thêm những bệnh tim bẩm sinh khác như hẹp van động mạch phổi, còn ống động mạch,… Hiếm khi, chấn thương ở tim có thể gây ra thông liên thất.
>> Xem thêm: “Bệnh tim bẩm sinh ở người lớn:Bạn cần biết những gì?“
3. Bệnh tim bẩm sinh có những triệu chứng nào?
Nếu tật tim bẩm sinh nhẹ, trẻ có thể không có triệu chứng. Nhiều trẻ sống cả đời với lỗ thông liên nhĩ hay thông liên thất có kích thước nhỏ. Một số trường hợp trẻ tình cờ phát hiện khi đi khám vì một lí do khác.
Tuy nhiên, nếu lỗ thông lớn có thể gây ra các triệu chứng. Lưu lượng máu tăng thêm qua phổi có thể làm tăng áp lực trong mạch máu phổi. Theo thời gian, điều này có thể gây ra suy tim. Các triệu chứng có thể bao gồm:
- Trẻ sơ sinh gặp vấn đề trong khi ăn và tăng trưởng.
- Thở mệt, thở nhanh, thở co lõm ngực.
- Sưng phù hai chân.
- Nhịp tim nhanh hoặc không đều.
Đôi khi cục máu đông hình thành bên trong các mạch máu. Các cục máu đông có thể vỡ thành từng mảnh nhỏ. Nếu cục máu đông làm bít mạch máu, hậu quả có thể dẫn đến đau tim, đột quỵ, mất thị lực hoặc các vấn đề khác.
4. Trẻ cần làm những xét nghiệm nào?
Sau khi hỏi và thăm khám về các triệu chứng của con bạn, trẻ có thể được đề nghị những xét nghiệm quan trọng như chụp X-quang ngực, đo điện tim và siêu âm tim. Ngoài ra, tùy từng trường hợp mà trẻ có thể cần làm thêm các xét nghiệm khác để kiểm tra nguyên nhân xảy ra triệu chứng.
5. Có những phương pháp điều trị gì?
Bác sĩ sẽ tư vấn điều trị cho con bạn dựa trên các triệu chứng và kích thước của lỗ thông liên thất và thông liên nhĩ.
Nếu tật tim bẩm sinh nhỏ có thể không bao giờ gây ra bất kỳ triệu chứng nào cho trẻ. Theo diễn tiến tự nhiên, lỗ thông có thể tự đóng trong những năm đầu đời của trẻ. Trong trường hợp lỗ có kích thước lớn, trẻ cần phải được can thiệp phẫu thuật.
Nếu con của bạn có triệu chứng, trẻ có thể cần uống thuốc để giúp tim được bơm máu tốt hơn cho đến khi đủ điều kiện phẫu thuật.
Có hai phương pháp phẫu thuật có thể được thực hiện để đóng lỗ thông:
- Đặt ống thông tim. Bác sĩ sẽ sử dụng một ống nhỏ đưa vào mạch máu để đến tim. Nhờ đó, những thiết bị đặt qua ống thông sẽ giúp sửa chữa khiếm khuyết. Lỗ thông có thể được đóng lại bằng cách khâu vá bằng một mảnh mô nhỏ từ một phần khác của tim hoặc từ một tấm vải nhỏ bằng kim loại hoặc nhựa.
- Phẫu thuật tim trong trường hợp lỗ thông lớn hoặc có các tật tim khác đi kèm.
Trong hầu hết các trường hợp, những trẻ được phẫu thuật bệnh tim bẩm sinh đều phục hồi nhanh chóng và không có biến chứng. Nhưng các bác sĩ sẽ theo dõi chặt chẽ về các dấu hiệu có thể xảy ra ở trẻ. Con bạn có thể cần siêu âm tim lại để đảm bảo rằng lỗ thông đã đóng hoàn toàn. Hãy chắc chắn rằng bạn biết khi nào con bạn cần tái khám theo đúng lịch hẹn.