Bệnh động mạch vành là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong bệnh lý tim mạch. Bệnh có thể diễn tiến âm thầm, nếu không được phát hiện sớm có thể dẫn đến những biến chứng tim mạch, đột quỵ. Đây là bệnh lý đang có xu hướng ngày càng tăng ở Việt Nam.
Bệnh mạch vành là gì?
Mạch vành là hệ thống mạch máu trực tiếp nuôi dưỡng quả tim. Máu và oxy được cung cấp cho tim thông qua hệ thống mạch vành này.
Bệnh lý mạch vành là tình trạng mạch vành bị tắc nghẽn một phần hoặc nghẽn hoàn toàn do hình thành những mảng xơ vữa tích tụ bên trong. Thường khi động mạch vành bị hẹp từ 50% đường kính lòng mạch trở lên, lúc đó sẽ xuất hiện các triệu chứng rõ ràng của bệnh.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Tim mạch, tải ngay ứng dụng YouMed.
Các chất béo lắng đọng dọc thành mạch tạo mảng xơ vữa. Từ đó gây ra hẹp thành mạch máu. Sự tắc nghẽn này gây thiếu máu nuôi cơ tim rất nguy hiểm.
Bệnh lý mạch vành có nhiều dạng khác nhau: đau thắt ngực không ổn định, nhồi máu cơ tim…Các bác sĩ dựa trên xét nghiệm máu, điện tâm đồ của bệnh nhân để chẩn đoán phân biệt.
Bạn có thể tìm hiểu thêm: Hội chứng mạch vành cấp: Mối hiểm họa hàng đầu!
Những ai có nguy cơ cao mắc bệnh mạch vành?
Các yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:
- Tuổi cao (nam trên 50 và nữ trên 55 tuổi);
- Nam có nguy cơ cao hơn nữ;
- Thừa cân, béo phì;
- Yếu tố di truyền;
- Người đang mắc các bệnh lý liên quan như: Rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, đái tháo đuờng, stress…
- Lối sống: hút thuốc lá, nghiện bia rượu, lười vận động…
Bạn có thể tìm hiểu thêm: Chụp mạch vành có nguy hiểm không?
Dấu hiệu cảnh báo bệnh mạch vành
Đau thắt ngực là triệu chứng điển hình nhất của bệnh mạch vành. Các đặc điểm của cơn đau thắt ngực bao gồm:
- Cảm giác bó chặt, thắt nghẹt, đè ép;
- Vị trí đau xuất phát ở giữa ngực hoặc vùng ngực bên trái;
- Đau tại chỗ hoặc lan ra hai bên vai, cánh tay, lan lên cổ, hàm.
- Cơn đau có thể ngắn chỉ khoảng 30 giây hay vài phút. Tuy nhiên càng về sau khi bệnh tiến triển, cơn đau càng xuất hiện nhiều và kéo dài hơn, nguy hiểm hơn.
Triệu chứng khác có thể xuất hiện kèm theo các cơn đau thắt ngực: Buồn nôn, nôn, khó thở, choáng, đổ mồ hôi…
Điều trị bệnh mạch vành
Khi có biểu hiện bị đau thắt ngực, người bệnh cần nghỉ ngơi ngay lập tức, đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Tùy thuộc vào từng trường hợp từ nhẹ tới nặng mà bệnh lý mạch vành có phương pháp điều trị khác nhau. Có hai phương pháp điều trị là dùng thuốc và can thiệp phẫu thuật.
1. Dùng thuốc
Việc dùng thuốc nên kết hợp với một lối sống khoa học, lành mạnh. Việc uống thuốc cần được tuân thủ mỗi ngày để việc điều trị đạt hiệu quả cao nhất.
2. Phương pháp can thiệp:
- Can thiệp mạch vành qua da (PCI), đặt stent: một ống stent nhỏ làm bằng kim loại được đặt trong động mạch để nong rộng thành động mạch, cải thiện lưu thông máu. Các thủ thuật sẽ kéo dài trong 2 giờ. Bạn sẽ ở lại phòng chăm sóc một đêm trước khi được xuất viện.
- Phẫu thuật bắc cầu động mạch (CABG): những mạch máu bị tắc nghẽn sẽ được thay thế bởi những động mạch khỏe mạnh trong cơ thể. Bạn có thể sẽ cần nằm theo dõi tại bệnh viện 1 tuần.
Bạn có thể tìm hiểu thêm: Cần chuẩn bị gì trước khi khám bệnh mạch vành?
Phòng ngừa bệnh mạch vành
Không chỉ những người đã mắc bệnh mới cần phải tập một lối sống lành mạnh để phòng ngừa bệnh tiến triển. Cả những người trẻ, có nguy cơ cao cũng cần phải tập lối sống khoa học, vì bệnh thường tiến triển âm thầm và có thể dẫn đến đột quỵ.
- Tập thể dục một giờ mỗi ngày, ít nhất 3 ngày một tuần
- Ăn uống lành mạnh: hạn chế ăn quá nhiều đồ mặn, dầu mỡ động vật, phủ tạng động vật,… Ăn các loại thức ăn tốt cho tim mạch bao gồm các loại ngũ cốc thô, các loại đậu, các loại hạt và rau quả. Nên ăn nhiều các loại rau lá màu xanh đậm, màu vàng và màu đỏ.
- Bỏ thuốc lá (nếu hút thuốc), hạn chế bia rượu.
- Tuân thủ việc uống thuốc và điều trị nếu đang mắc bệnh tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường…
- Tinh thần khỏe mạnh, giảm áp lực, lo âu.
Khi nào cần tầm soát bệnh mạch vành?
Bệnh mạch vành có thể diễn biến âm thầm trong nhiều năm. Nhiều khi bệnh chỉ được phát hiện khi đã xuất hiện một cơn nhồi máu cơ tim. Do đó, việc tầm soát bệnh là quan trọng. Mặc dù bệnh mạch vành chủ yếu xảy ra ở tuổi trên 40, tuy nhiên, người trẻ hơn vẫn có thể mắc bệnh. Gần đây, lứa tuổi mắc bệnh càng ngày càng giảm.
Theo Hội Tim mạch Mỹ, việc tầm soát bệnh mạch vành có thể bắt đầu từ lúc 20 tuổi. Để kiểm tra và đánh giá mức độ của các nguy cơ, bác sĩ sẽ tiến hành đo huyết áp, cân nặng, xét nghiệm nồng độ mỡ máu, đường huyết…
Bạn có thể tìm hiểu thêm: Bệnh tim thiếu máu cục bộ: Nguyên nhân, nhận biết, phòng ngừa