Tim là cơ quan “hoạt động suốt đời mà không nghỉ ”. Trái tim đóng vai trò là máy bơm, bơm máu đi khắp cơ thể. Để thực hiện được chức năng đó, quả tim phải có cấu tạo hết sức đặc biệt. Tim cấu tạo gồm nhiều bộ phận: van tim, cơ tim, động mạch vành, hệ thống điện trong tim… Các bộ phận trên làm việc hài hòa, đồng bộ để thực hiện chức năng bơm máu. Nếu một trong các đơn vị trên bị rối loạn sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của tim. Trong phạm vi bài viết này chúng ta cùng tìm hiểu về bệnh cơ tim. Cơ tim chiếm đa số khối lượng trong cấu trúc tim và trực tiếp thực hiện chức năng bơm máu.
1. Bệnh cơ tim là gì?
- Bệnh cơ tim là nhóm bệnh ảnh hưởng tới cơ tim. Đây là bệnh lý khi cấu trúc cơ tim thay đổi dẫn đến chức năng cơ tim bị biến đổi. Khả năng bơm máu của tim cũng gặp vấn đề trầm trọng.
- Khi mắc bệnh, các cơ tim trở nên quá lớn, dày hoặc chai cứng. Hiện tượng này khiến tim không thể co bóp hiệu quả để bơm máu trong hệ tuần hoàn. Lâu dần, dưới áp lực lớn tim sẽ bị suy.
- Có nhiều bệnh lý ảnh hưởng tới cơ tim. Tổn thương trên có tim có thể nguyên phát hoặc thứ phát từ bệnh khác. Theo đó, mỗi loại bệnh cơ tim sẽ có triệu chứng và cách điều trị khác nhau.
- Một số bệnh lý làm tổn thương cơ tim thứ phát:
- Bệnh lý động mạch vành: động mạch nuôi tim.
- Van tim
- Bệnh lý màng ngoài tim: màng bao bọc bảo vệ tim.
- Nhóm bệnh cơ tim nguyên phát thường gặp bao gồm:
- Bệnh cơ tim giãn nở: chiếm tỉ lệ cao nhất. Cơ tim giãn ra, thành tim căng mỏng làm tim co bóp yếu đi.
- Bệnh cơ tim phì đại: là sự dày lên bất thường của thành cơ tim.
- Bệnh cơ tim hạn chế. Hiếm gặp nhất, cơ tim bị cứng lại không thực hiện được chức năng co bóp.
>> Bệnh cơ tim giãn nở là một trong những bệnh điển hình của nhóm bệnh cơ tim. Tìm hiểu ngay Bệnh cơ tim giãn nở là gì? Cách điều trị
2. Tại sao lại bị bệnh lý cơ tim?
Nguyên nhân chính xác gây ra bệnh cho đến nay vẫn chưa được xác định rõ ràng. Nhưng một số các yếu tố dưới đây có thể là nguyên nhân phát triển bệnh bao gồm:
- Di truyền. Khoảng 30% bệnh cơ tim giãn nở nguyên phát là do di truyền gen trội. Tức là cha mẹ có 50% xác suất di truyền bệnh cho con.
- Miễn dịch. Cơ thể người bệnh có cơ địa đặc biệt, có tự kháng thể kháng lại bản thân. Nhóm nguyên nhân này thường ảnh hưởng nhiều cơ quan trong cơ thể.
- Viêm cơ tim do virus. Cơ chế vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên nhiễm siêu vi có thể kích hoạt các bất thường gen hay miễn dịch.
- Tăng huyết áp kéo dài
- Tổn thương cơ tim sau nhồi máu cơ tim
>> Viêm cơ tim là một trong những nguyên nhân làm phát triển bệnh lý cơ tim. Đọc ngay bài viết của bác sĩ về Bệnh viêm cơ tim và cách phòng ngừa
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Tim mạch, tải ngay ứng dụng YouMed.
- Mắc phải các bệnh về tim mạch như bệnh mạch vành, bệnh van tim, rối loạn nhịp tim…
- Những người bị các bệnh rối loạn chuyển hóa như tiểu đường, cường giáp và béo phì…
- Biến chứng trong thai kỳ: bệnh cơ tim chu sinh.
- Thiếu hụt một số loại vitamin, khoáng chất thiết yếu chẳng hạn như vitamin B1.
- Sử dụng thuốc hóa trị hoặc xạ trị để điều trị ung thư.
- Nghiện rượu.
- Sử dụng ma túy.
- Mắc một số bệnh hiếm gây tổn thương đến cơ tim như:
- Hemochromatosis là sự tích tụ quá nhiều sắt trong cơ thể.
- Amyloidosis (sự tích tụ bất thường của một loại protein có tên là Amyloid), hoặc.
- Sarcoidosis (sự phát triển của các ổ viêm bất thường tại nhiều cơ quan trong cơ thể).
- Nhiễm một số chất độc hại như: chì, thủy ngân, coban…
3. Những người nào dễ mắc bệnh cơ tim?
Bệnh cơ tim có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên độ tuổi có nguy cơ cao nhất là trung niên. Các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao là những người thuộc các nhóm sau:
- Có tiền sử gia đình về bệnh
- Mắc các bệnh lý tim mạch như: tăng huyết áp, bệnh lý van tim..
- Người sử dụng chất ma túy, chất kích thích.
- Hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều.
- Tiếp xúc chất độc hại lâu ngày.
- Có các bệnh hệ thống như: đái tháo đường, bệnh thận, lupus…
- Bệnh nhân đang điều trị hóa xạ trị ung thư.
- Bệnh nhân nữ có bệnh tim mạch, hệ thống và đang mang thai,
- Có các dị tật bẩm sinh hay di truyền, đặc biệt là dị tật tim.
4. Biến chứng của bệnh cơ tim là gì?
- Suy tim: diễn tiến thường gặp nhất của bệnh là suy tim. Cơ tim tổn thương lâu dài làm giảm sức co bóp từ đó gây nên tình trạng suy tim. Một khi có triệu chứng suy tim thì bệnh đã tới giai đoạn trễ. Bệnh thường diễn tiến chậm, khó nhận biết. Tuy nhiên có thể diễn tiến nhanh trong một số trường hợp: bệnh động mạch vành, mang thai, ma túy…
- Đột tử: bệnh cơ tim có thể gây đột tử. Đột tử xảy ra khi bệnh nhân vào viện trong trình trạng suy tim nặng, rối loạn nhịp nguy hiểm.
- Tắc mạch: cơ tim bóp bất thường tạo các dòng máu xoáy. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho cục máu đông hình thành. Cục máu đông này được tim bóp ra các động mạch và có thể chèn ép gây tắc mạch máu. Có thể là mạch máu não, phổi, tay chân và các cơ quan khác.
- Rối loạn nhịp tim. Hệ thống dẫn truyền truyền điện nằm trong cơ tim. Tổn thương cơ tim làm tổn thương hệ thống dẫn truyền điện. Từ đó gây ra các rối loạn nhịp tim. Thậm chí có thể bị các rối loạn nhịp nguy hiểm tính mạng như rung thất, nhanh thất.
>> Suy tim là trạm dừng cuối của các bệnh lý về tìm. Vậy suy tim là gì? Có chữa được không?
5. Biểu hiện của bệnh cơ tim như thế nào?
Tùy theo từng nguyên nhân mà biểu hiện của bệnh có thể khác nhau. Bệnh cơ tim nguyên phát thường diễn tiến âm thầm, triệu chứng khó nhận biết. Bệnh cơ tim thứ phát do có nguyên nhân cấp tính nên biểu hiện rõ ràng.
Các biểu hiện của bệnh thường là triệu chứng của suy tim hoặc rối loạn nhịp. Các dấu hiệu có thể là:
- Khó thở: khó thở khi nằm, khó thở về đêm, khó thở khi gắng sức.
- Giảm khả năng hoạt dòng thể lực và gắng sức.
- Phù: phù tay chân, mặt
- Bụng to lên do tích tụ dịch
- Đau thắt ngực
- Hồi hộp, cảm giác tim đập không đều
- Suy kiệt: mặc dù phù, tăng cân do ứ dịch nhưng cơ teo, cơ thể gầy
- Đột ngột ngất không rõ nguyên nhân
6. Chẩn đoán bệnh như thế nào?
Bệnh cơ tim được chẩn đoán dựa vào các yếu tố sau:
- Hỏi bệnh sử: tiền căn gia đình, nhiễm siêu vi..Triệu chứng suy tim, rối loạn nhịp của bệnh nhân.
- Thăm khám lâm sàng: phát hiện các triệu chứng suy tim.
- Xét nghiệm:
- Xquang ngực: phát hiện dịch trong phổi, tim to, v.v.
- Điện tâm đồ: quan sát được hoạt động điện của tim và rối loạn nhịp tim.
- Điện tâm đồ liên tục 24 giờ: giúp phát hiện rối loạn nhịp.
- Siêu âm tim: quan sát cấu trúc tim.
- Cộng hưởng từ tim: quan sát rõ cấu trúc tim và các phần sợi xơ hóa.
- Điện sinh lý tim: giúp phát hiện vị trí gây loạn nhịp trong tim.
- Chụp động mạch vành: phát hiện tình trạng động mạch vành có tắc nghẽn không?
- Điều quan trọng trong chẩn đoán bệnh là phân loại được nguyên nhân của bệnh. Bệnh cơ tim thứ phát được điều trị nguyên nhân sẽ cải thiện hoặc hạn chế tổn thương lan rộng. Tùy tình trạng của bệnh nhân, yếu tố nguy cơ mà bác sĩ sẽ cho các xét nghiệm phù hợp. Chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời sẽ hạn chế biến chứng và cải thiện chất lượng sống bệnh nhân.
7. Điều trị bệnh cơ tim như thế nào?
Dựa vào nhiều yếu tố như tuổi tác, tình trạng bệnh, xét nghiệm,v.v mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân. Đầu tiên phải điều trị các nguyên nhân gây nếu có. Song song với đó là điều trị triệu chứng và các biến chứng. Có thể sử dụng một hoặc kết hợp các phương pháp sau:
Điều trị bằng thuốc
- Điều trị bệnh này có rất nhiều loại thuốc. Việc phối hợp thuốc tùy theo tình trạng bệnh nhân và nhận định của bác sĩ. Thuốc không làm thay đổi bản chất bệnh cơ tim, do đó không thể điều trị khỏi hẳn. Điều trị bằng thuốc có thể làm chậm tiến triển và cải thiện tiên lượng sống cho bệnh nhân. Việc bệnh nhân nên làm là tuân thủ điều trị và không tự ý bỏ thuốc.
Điều trị bằng phẫu thuật, thủ thuật
- Can thiệp mạch vành: ở những bệnh nhân có bệnh cơ tim do biến chứng nhồi máu cơ tim. Thủ thuật giúp hạn chế tổn thương lan rộng và bảo vệ nhánh mạch vành khác chưa bị tắc. Vùng cơ tim đã bị hoại tử sẽ không hồi phục.
- Ghép tim: Ở những bệnh nhân có bệnh tiến triển, bác sĩ có thể cân nhắc cấy ghép tim. Tuy nhiên tiêu chuẩn sức khỏe để được ghép tim cũng rất nghiêm ngặt và được bác sĩ quyết định. Nếu ghép tim thành công, tỉ lệ sống và chất lượng sống được cải thiện rất tốt. Ghép tim là phương thức điều trị tốt nhất cho bệnh cơ tim kháng trị nội khoa.
- Phẫu thuật tạm thời: hiệu quả cải thiện triệu chứng, tuy nhiên không thay đổi tiên lượng của bệnh.
- Đặt máy tạo nhịp: là phương pháp là cần thiết với những người có rối loạn nhịp nguy hiểm.
- Đặt máy hỗ trợ tim và phá rung. Ở những bệnh nhân suy tim nặng, chức năng co bóp giảm nhiều. Thủ thuật giúp cải thiện triệu chứng và kéo dài cuộc sống. Bên cạnh đó còn có thể đề phòng các rối loạn nhịp nguy hiểm.
Nếu được điều trị kịp thời và đúng đắn, sẽ làm chậm diễn tiến bệnh, bảo tồn chức năng bơm máu của tim. Từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống bệnh nhân.
8. Theo dõi bệnh nhân bị bệnh như thế nào?
- Bệnh cơ tim khi đã có triệu chứng thường suy tim nặng. Cần theo dõi sát các triệu chứng của bệnh nhân để điều trị các kịp thời.
- Tuân thủ y lệnh của bác sĩ, không được bỏ thuốc. Thuốc giúp bệnh chậm tiến triển và cải thiện triệu chứng cho bệnh nhân.
9. Cải thiện lối sống ở người bệnh cơ giãn nở
Bên cạnh các thuốc hay giải pháp hỗ trợ điều trị, chế độ ăn uống sinh hoạt có vai trò quyết định đến hiệu quả điều trị. Do đó bệnh nhân cần lưu ý:
- Ăn nhạt, ăn giảm muối để tránh tăng gánh nặng cho tim
- Không dùng chất kích thích như cà phê, rượu bia, thuốc lá.
- Tránh lo lắng, căng thẳng, ngủ đủ giấc.
- Tránh mang thai.Nếu có thai cần được theo dõi sát bởi bác sĩ chuyên khoa tim mạch.
- Hạn chế gắng sức nặng, tập thể dục bằng các môn VỪA SỨC: đi bộ, yoga…
Nói chung, bệnh cơ tim là nhóm bệnh lý nguy hiểm với nhiều nguyên nhân khác nhau. Bệnh có thể diễn tiến nặng với biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Điều quan trọng là chẩn đoán sớm nguyên nhân, phân loại bệnh để có điều trị phù hợp. Bệnh nhân cần duy trì lối sống lành mạnh và tuân thủ điều trị của bác sĩ. Phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng đắn giúp cải thiện triệu chứng, tiên lượng và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Bác sĩ Lương Sỹ Bắc