Bác sĩ giải đáp: Cao huyết áp có sinh thường được không?

Tăng huyết áp thai kỳ là một trong những bệnh lý phổ biến của phụ nữ mang thai. Tình trạng này có thể gây nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được can thiệp kịp thời. Bên cạnh đó, các mẹ bầu cũng thường lo lắng và thắc mắc về việc cao huyết áp có sinh thường được hay không? Mời bạn tìm hiểu về vấn đề này và cách xử trí phù hợp qua bài viết sau đây của Bác sĩ Lương Sỹ Bắc nhé!

Cao huyết áp thai kỳ là gì?

Cao huyết áp (hay tăng huyết áp) là khi huyết áp tăng cao trên mức bình thường của cơ thể. Ở mỗi độ tuổi sẽ có mức huyết áp bình thường khác nhau. Đối với người trưởng thành và phụ nữ mang thai. Huyết áp cao là khi trị số huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg.1

Trị số huyết áp tâm thu ≥140 mmHg thể hiện huyết áp tăng cao hơn mức bình thường ở một người trưởng thành

Trị số huyết áp tâm thu ≥140 mmHg thể hiện huyết áp tăng cao hơn mức bình thường ở một người trưởng thành

Xem thêm: Giải đáp huyết áp bà bầu bao nhiêu là bình thường?

Cao huyết áp khi mang thai có thể xảy ra khi người phụ nữ bắt đầu mang thai hoặc đã có từ trước đó. Cụ thể, gồm các trường hợp sau:2

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Huyết áp, tải ngay ứng dụng YouMed.

Thai phụ bị bệnh tăng huyết áp mạn tính

Đây là trường hợp thai phụ đã bị cao huyết áp trước đó, hoặc trước khi mang thai 20 tuần. Thai phụ có thể không biết hoặc đã biết tình trạng tăng huyết áp của mình.

Nếu được chẩn đoán xác định bị tăng huyết áp mạn tính. Người mẹ phải tầm soát sau 6 tuần hậu sản. Bởi thời điểm này tác động của thai kỳ lên cơ thể thai phụ đã giảm, vì vậy, mới bộc lộ bệnh. Ngoài ra, thai kỳ còn có thể làm tăng nặng một số bệnh lý tim mạch. Do đó, khi có ý định sinh em bé, người mẹ nên đi khám để xác định mình có đủ sức khỏe tốt cho việc mang thai.

Tăng huyết áp thai kỳ

Đây là tình trạng thai phụ bị huyết áp cao sau tuần thứ 20 của thai kỳ. Dù cho trước đó chưa từng mắc bệnh tăng huyết áp. Tuy nhiên, người mẹ có thể được hồi phục trong vòng 6 tuần sau sinh.3

Hiện tại, cơ chế gây tăng huyết áp thai kỳ này vẫn chưa được hoàn toàn khẳng định. Nhưng một số giả thiết cho thấy, có thể là do sự thay đổi của các hormone và sự xâm lấn bất thường của nhau thai.4 5

Tăng huyết áp thai kỳ là tình trạng bệnh lý thường gặp ở phụ nữ mang thai

Tăng huyết áp thai kỳ là tình trạng bệnh lý thường gặp ở phụ nữ mang thai

Tiền sản giật và sản giật

Đây là tình trạng thai phụ bị huyết áp cao trong thai kỳ. Đặc biệt, có kèm theo các biểu hiện nguy hiểm như tiểu đạm, giảm tiểu cầu,… Tiền sản giật là bệnh lý nguy hiểm và có thể ảnh hưởng tới tính mạng của cả mẹ và bé. Vì vậy, sản phụ cần khám thai đúng lịch để được tầm soát và phát hiện tiền sản giật kịp thời.1

Tăng huyết áp không được phân loại trước sinh

Khái niệm này dùng để chỉ những trường hợp bị huyết áp cao sau tuần 20 của thai kỳ. Tuy nhiên, thai phụ không biết là mình đã có tăng huyết áp trước đó hay chưa. Vì vậy, bệnh nhân cần được khám và đánh giá lại sau 6 tuần hậu sản. Nếu huyết áp trở về bình thường thì đây là tăng huyết áp thai kỳ. Ngược lại, nếu tình trạng huyết áp của thai phụ không phục hồi về bình thường thì đây là bị bệnh tăng huyết áp mãn tính.2

Vậy, câu hỏi đặt ra là cao huyết áp có sinh thường được không? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu ở những phần tiếp theo.

Mức độ nguy hiểm của tăng huyết áp thai kỳ

Huyết áp là áp suất mà tim tạo ra để đẩy máu đi tới các cơ quan trong cơ thể. Huyết áp cao làm gia tăng áp lực tác động lên các hệ cơ quan. Một số cơ quan đặc biệt như tim và thận rất nhạy cảm với tình trạng huyết áp cao. Điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, bệnh thận và đột quỵ. Trong đó, một số biến chứng thường gặp ở thai phụ và thau nhi là:1 3 6

1. Ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của bào thai

Cụ thể, tăng huyết áp trong thai kỳ có thể làm giảm dòng máu dinh dưỡng nuôi bé qua nhau thai. Từ đó, dẫn tới xuất hiện các vấn đề xấu ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Như là việc thai chậm tăng trưởng trong tử cung so với tuổi thai, hoặc tệ hơn là suy thai, sẩy thai,…

Đặc biệt, tiền sản giật và sản giật có thể nguy hiểm tới tính mạng của cả sản phụ và thai nhi. Vì tình trạng này có thể gây các biến chứng như giảm tiểu cầu, xuất huyết bất thường,… Tất cả đều có thể gây biến chứng nặng, thậm chí tử vong nếu không được phát hiện kịp thời.

2. Sinh non

Tăng huyết áp không chỉ khiến các sản phụ lo lắng về việc mình bị cao huyết áp có sinh thường được hay không. Mà nó còn khiến mẹ bầu có nguy cơ đối mặt với tình trạng sinh non.

Huyết áp cao sẽ làm giảm dòng máu đi tới nhau thai. Vì vậy, khi nhau thai không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng và oxy. Nó dễ bị bong ra và làm thai phụ sinh non. Khi được sinh non, do chưa phát triển đầy đủ trong bụng mẹ nên sẽ dẫn tới nhiều khiếm khuyết, biến chứng của em bé sau này.

3. Nhau bong non

Rối loạn nội tiết và dinh dưỡng trong tăng huyết áp thai kỳ sẽ gây ảnh hưởng tới nhau thai. Điều này làm nhau thai sớm bong ra khỏi thành tử cung. Trong trường hợp này, cần được cấp cứu ngay vì nhau bong non có thể gây biến chứng nguy hiểm. Một trong những tình trạng phổ biến nhất khi này là chảy máu nhiều, từ đó có thể gây sốc cho mẹ bầu.

Ở thời điểm hiện tại, tỉ lệ sinh mổ ngày càng tăng. Trong khi đó, sinh thường lại có nhiều lợi ích hơn cho cả mẹ và bé. Không những vậy, sinh mổ còn khiến thời kì hậu sản của sản phụ trở nên nặng nề. Chưa kể tăng nguy cơ gặp các tình trạng xấu trong lần mang thai tiếp theo thai. Hay việc phải đối diện với các biến chứng của sinh mổ như nhiễm trùng, tổn thương nội tạng và chảy máu trong lúc mổ.

Cao huyết áp có sinh thường được không?

Thai phụ bị tăng huyết áp thai kỳ hoàn toàn có thể sinh thường. Tuy nhiên, việc lựa chọn phương thức sinh này tùy thuộc vào sức khỏe của cả mẹ và em bé. Bởi điểm cốt yếu trong việc lựa chọn là để cân bằng giữa các lợi ích, tác hại trong thời điểm chấm dứt thai kỳ và phương thức sinh.7

Nếu tình trạng sức khỏe của mẹ và bé ổn định, có thể duy trì thai kỳ tới đủ tuần để sinh. Còn mổ lấy thai sẽ được sử dụng nếu tình trạng sức khỏe của mẹ và bé không đủ để chịu được quá trình chuyển dạ. Quyết định này phải được bác sĩ sản khoa đưa ra sau khi đã cân nhắc tất cả yếu tố.7

Tuy nhiên, nếu thai đã phát triển tới tuần thứ 35 và 36, cổ tử cung người mẹ đã “được chuẩn bị” thì vẫn có cơ hội sinh thường. Và khi quyết định sinh thường, thai phụ trong quá trình chuyển dạ cần được theo dõi kĩ và sát sao.

Điều quan trọng sản phụ cần làm khi gặp tăng huyết áp thai kỳ là: tái khám đúng hẹn và tự theo dõi sức khỏe. Cụ thể, thai phụ cần làm những điều sau:

  • Tại bệnh viện: Làm các xét nghiệm, đo monitoring sản khoa, siêu âm Doppler thai, hướng dẫn theo dõi cử động thai máy.
  • Tại nhà: Theo dõi huyết áp 2 lần/ngày (sáng, chiều) và ghi lại các thông số đo được. Ngoài ra, cũng cần theo dõi cân nặng, thai máy và nằm nghỉ ngơi hoàn toàn, không làm việc.

Xem thêm: Huyết áp thấp có sinh thường được không: Giải đáp từ bác sĩ

Thai phụ bị cao huyết áp vẫn có thể sinh thường nếu đủ chỉ định

Thai phụ bị cao huyết áp vẫn có thể sinh thường nếu đủ chỉ định

Cách nhận biết cao huyết áp thai kỳ

Các mẹ bầu không nên lo lắng quá mức về việc cao huyết áp có sinh thường được không. Thay vào đó, hãy tìm cách xử trí phù hợp. Chẳng hạn như việc đi khám thai đúng hẹn của bác sĩ. Bởi đây là cách tốt nhất để nhận biết cao huyết áp thai kỳ và can thiệp sớm nhất.

Thai phụ cũng cần lưu ý là khi bị tăng huyết áp thai kỳ, sẽ có thể xuất hiện các triệu chứng hoặc không. Tuy nhiên, một số dấu hiệu mẹ bầu cần lưu ý là:1 3

  • Đo ghi nhận huyết áp cao.
  • Nước tiểu bọt.
  • Phù tay, chân, mặt.
  • Tăng cân nhanh chóng, đột ngột.
  • Thay đổi thị giác đột ngột, nhìn mờ.
  • Buồn nôn và nôn nhiều.
  • Lượng nước tiểu quá nhiều hoặc quá ít.
  • Đột ngột tê yếu mặt, tê tay chân, khó nói.
  • Đau đầu, chóng mặt thường xuyên.

Tỉ lệ người bị huyết áp cao nhưng không xuất hiện triệu chứng tương đối cao. Trong khi đó, các triệu chứng nói trên lại dễ trùng lặp với bệnh khác. Vì vậy, các sản phụ cần chú trọng chăm sóc và theo dõi cơ thể mình cũng như đến gặp bác sĩ để phát hiện kịp thời.

Những phương pháp kiểm soát huyết áp thai kỳ

Điều trị bằng thuốc1 3

Khi được chẩn đoán tăng huyết áp thai kỳ và có chỉ định. Các sản phụ đều cần dùng thuốc để ổn định huyết áp. Và thuốc được lựa chọn phải hiệu quả và an toàn cho cả mẹ và bé. Bởi một số thuốc viên điều trị tăng huyết áp có thể ảnh hưởng xấu tới em bé. Do đó, bệnh nhân không nên tự mua thuốc uống mà cần thăm khám bác sĩ để được chỉ định.

Điều trị không dùng thuốc1 3

Ngoài phương pháp dùng thuốc theo chỉ định để ổn định huyết áp. Đồng thời giảm bớt lo lắng về việc cao huyết áp có sinh thường được không. Xây dựng thói quen sống lành mạnh cũng là một cách có thể góp phần giúp bà bầu kiểm soát huyết áp. Cụ thể, sản phụ bị cao huyết áp hãy:

  • Sử dụng chế độ ăn hạn chế muối. Không nêm thêm nhiều mắm, muối vào thức ăn. Hạn chế ăn đồ kho, đồ muối, thức ăn nhanh, đồ đóng hộp. Ăn nhiều loại thức ăn khác nhau, đa dạng hóa khẩu phần ăn, nhất là rau xanh.
  • Vận động thể dục nhẹ nhàng cũng rất tốt cho sản phụ. Mẹ bầu không nên vận động mạnh quá sức. Tuy nhiên, cũng không nên quá tĩnh vì sẽ dễ dẫn tới tăng cân nhanh, béo phì, thai to,…
  • Hạn chế căng thẳng, lo lắng và có thể thư giãn bằng cách nghe nhạc, đọc sách,…
  • Không sử dụng các chất kích thích. Không uống rượu bia.

Chế độ ăn rất quan trọng trong việc kiểm soát huyết áp thai phụ

Chế độ ăn rất quan trọng trong việc kiểm soát huyết áp thai phụ

Xem thêm: Lời khuyên từ bác sĩ: Bà bầu bị cao huyết áp nên ăn gì?

Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn giải đáp thắc mắc cao huyết áp có sinh thường được không. Như đã nhắc đến, cao huyết áp ảnh hưởng trực tiếp đến các quyết định trong thai kỳ, bao gồm cả phương pháp sinh. Vì vậy, để biết được cao huyết áp có sinh thường được không cần phụ thuộc nhiều yếu tố. Trong đó, khám thai đúng hẹn, tự theo dõi sức khỏe và xây dựng lối sống lành mạnh đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và bé.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *