Huyết áp cao vô căn là bệnh mạn tính rất phổ biến hiện nay. Có đến 90% là tăng huyết áp vô căn, không tìm được nguyên nhân rõ ràng gây ra bệnh. Tuy nhiên, vẫn có những yếu tố làm cho đối tượng dễ mắc bệnh hơn. Nhiều câu hỏi đặt ra tiền sử gia đình có người mắc bệnh cao huyết áp có di truyền không? Câu hỏi sẽ được giải đáp ngay sau đây! Hãy cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Thành Đô tìm hiểu rõ hơn qua bài viết dưới đây nhé!
Bệnh cao huyết áp là gì?
Trước khi biết được bệnh cao huyết áp có di truyền không, chúng ta cần tìm hiểu xem cao huyết áp là gì.
Áp lực của máu tác động lên thành động mạch được gọi huyết áp. Động mạch là những mạch máu mang máu từ tim đến phần còn lại của cơ thể. Khi tim đập, máu đi qua các động mạch để cung cấp chất dinh dưỡng và oxy cho cơ thể.
Tăng huyết áp khi là áp lực này cao bất thường tác động lên thành động mạch.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Huyết áp, tải ngay ứng dụng YouMed.
Ở người lớn, chỉ số huyết áp bình thường dưới 120/80 mmHg. Theo lý thuyết, huyết áp đo tại cơ sở y tế với 3 lần đo có mức huyết áp từ 140/90 mmHg trở lên được chẩn đoán là cao huyết áp.
Bệnh cao huyết áp hầu như không có triệu chứng hoặc biểu hiện ra bên ngoài để nhận biết chúng. Vì thế nhiều người không biết mình đang mắc bệnh cao huyết áp.
Tầm soát bệnh bằng cách thăm khám sức khỏe định kỳ hoặc đo huyết áp tại nhà là quan trọng. Tăng huyết áp không được điều trị và kiểm soát tốt là một yếu tố nguy cơ chính gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như: bệnh tim, đột quỵ, suy thận và các vấn đề về mắt.
Bệnh cao huyết áp có di truyền không?
Di truyền là gì?
Khi các thành viên trong gia đình truyền các tính trạng qua các thế hệ thông qua gen. Quá trình đó được gọi là di truyền. Gen là đơn vị di truyền được truyền từ cha mẹ sang con cái.
Không may thay, các gen có thể đóng một số vai trò trong huyết áp cao, bệnh tim và các tình trạng sức khỏe liên quan khác.
Theo các báo cáo nghiên cứu cho thấy rằng, có cha hoặc mẹ bị huyết áp cao là một trong những yếu tố nguy cơ lớn nhất làm cho người con có nguy cơ mắc bệnh. Cụ thể, cha hoặc mẹ bị huyết áp cao có thể chiếm khoảng 35% đến 65% sự thay đổi mức huyết áp của người con.
Vì thế, khi thăm khám sức khỏe, bác sỹ thường khai thác thêm về tiền sử gia đình của bạn về bệnh cao huyết áp. Tiền sử gia đình bị cao huyết áp có nghĩa là bạn có người trong gia đình (họ hàng như mẹ, cha, chị, em) có bệnh cao huyết áp trước 60 tuổi. Tiền sử gia đình rõ ràng khi có 3 người thân trở lên bị cao huyết áp trước 60 tuổi.
Điều quan trọng bạn cần hiểu rằng có tiền sử gia đình bị cao huyết áp không có nghĩa là bạn sẽ bị cao huyết áp. Tuy nhiên nó là yếu tố làm tăng nguy cơ có bệnh cao huyết áp cao hơn người khác. Nguy cơ mắc cao huyết áp có thể tăng nhiều hơn khi tình trạng di truyền kết hợp với các lối sống không lành mạnh, chẳng hạn như hút thuốc, kém vận động, v.v.
Những yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp
Ngoài biết được tăng huyết áp có di truyền không, chúng ta cũng cần cẩn trọng các yếu tố khác làm tăng huyết áp. Bao gồm:
- Chế độ ăn mặn, ăn quá nhiều natri – một thành phần trong muối ăn – làm tăng huyết áp.
- Béo phì: Khi béo phì hoặc thừa cân, tim làm việc nhiều hơn để bơm máu và oxy đi khắp cơ thể. Theo thời gian có thể gây căng thẳng cho tim và mạch máu của bạn.
- Căng thẳng, ngủ không đủ giấc thường xuyên.
- Kém hoặc không hoạt động thể chất.
- Uống quá nhiều rượu.
- Sử dụng thuốc lá.
Điều trị cao huyết áp
Để điều trị cao huyết áp cần phối hợp điều trị không dùng thuốc và điều trị dùng thuốc. Phương pháp điều trị không dùng thuốc tương tự như cách chúng ta phòng ngừa căn bệnh này.
Tùy theo tổng trạng sức khỏe, bác sỹ sẽ phối hợp các loại thuốc điều trị huyết áp phù hợp.
Phòng ngừa cao huyết áp
Các chuyên gia cho thấy rằng có một lối sống lành mạnh và vận động thể lực thường xuyên làm giảm đáng kể nguy cơ mắc cao huyết áp. Điều này vẫn đúng kể cả những đối tượng có tiền sử gia đình mắc cao huyết áp.
1. Vận động thể lực
Một nghiên cứu cho thấy những người khỏe mạnh có vận động thể lực có tiền sử gia đình bị huyết áp cao có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp thấp hơn tới 34% so với những người hiếm khi tập thể dục.
Theo báo cáo của nhà nghiên cứu Robin P. Shook, một nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Trường Y tế Công cộng Arnold thuộc Đại học Nam Carolina ở Columbia. Ngay cả một lượng tập thể dục rất vừa phải có thể mang lại lợi ích sức khỏe rất lớn. Tập thể dục vừa phải được định nghĩa là đi bộ nhanh trong 150 phút mỗi tuần. Điều này cực kỳ đặc biệt là đối với những người có khuynh hướng tăng huyết áp do di truyền.
Những người có mức độ vận động cao có nguy cơ bị cao huyết áp thấp hơn 42% và những người có mức độ vận động trung bình thấp hơn 26% so với những người có mức độ vận động thấp.
Vận động thể lực có thể giúp bạn giữ được cân nặng hợp lý và giảm huyết áp. Theo khuyến nghị người lớn nên tập thể dục khoảng 30 phút mỗi ngày, 5 ngày một tuần.
Các môn hoạt động thể chất vừa phải có thể là đi bộ nhanh hoặc chạy xe đạp. Với trẻ em và thanh thiếu niên nên hoạt động thể chất 1 giờ mỗi ngày.
2. Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh
- Đảm bảo ăn nhiều trái cây tươi, rau quả.
- Hạm chế ăn nhiều dầu mỡ, chất béo không tốt.
- Giảm ăn mặn.
3. Các yếu tố khác
- Giữ cho cơ thể có trọng lượng phù hợp.
- Không hút thuốc.
- Hạn chế uống rượu bia.
- Ngủ đủ giấc: Ngủ đủ giấc rất quan trọng đối với sức khỏe tổng thể của bạn. Ngủ đủ giấc là một phần của việc giữ cho tim và mạch máu của bạn khỏe mạnh.
- Kiểm tra huyết áp: Nên kiểm tra huyết áp ít nhất mỗi năm một lần để đảm bảo huyết áp ở mức bình thường.
Sau bài viết này, bệnh cao huyết áp có di truyền không đã được giải đáp . Tiền sử gia đình mắc bệnh cao huyết áp là một trong những yếu tố nguy cơ đáng lưu tâm. Tuy nhiên, vận động thể lực thường xuyên giúp giảm tỉ lệ lớn mắc bệnh cao huyết áp sau này. Đồng thời với lối sống lành mạnh, dinh dưỡng đúng và khám sức khỏe định kỳ phối hợp sẽ giúp bạn kiểm soát huyết áp tốt.