Tăng huyết áp là một trong những bệnh lý mãn tính phổ biến nhất hiện nay. Nếu không được kiểm soát, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nề. Trong đó, xuất huyết não chính là biến chứng nguy hiểm và thường gặp nhất. Xuất huyết não có thể gây tử vong, hoặc di chứng liệt vận động nặng nề cho người bệnh. Vậy điều trị tăng huyết áp trong xuất huyết não như thế nào? Mời bạn tham khảo bài viết sau của bác sĩ Lương Sỹ Bắc để được giải đáp thắc mắc trên nhé!
Mối liên hệ giữa tăng huyết áp và xuất huyết não
Huyết áp là áp lực của máu tác động lên thành các mạch máu trong cơ thể. Tăng huyết áp làm gia tăng áp lực lên thành mạch. Vì vậy khiến cho mạch máu dễ bị vỡ ra và xuất huyết. Đặc biệt là các mạch máu bị dị dạng hay xơ vữa từ trước đó, thành của chúng càng yếu và dễ vỡ hơn.
Bài viết này sẽ tập trung vào các mạch máu trong bộ não của chúng ta. Cụ thể là xuất huyết não. Biến chứng này thường xảy ra ở bệnh nhân tăng huyết áp trên nền dị dạng, phình hoặc xơ vữa mạch máu não sẵn có.
Xuất huyết não xảy ra khi một mạch máu não bị vỡ hoặc tăng tính thấm. Điều này khiến cho máu thoát khỏi lòng mạch và chảy vào các nhu mô não. Và khi máu chảy vào các khoang trong não, nó sẽ làm tăng áp lực nội sọ đột ngột. Hội chứng này có thể gây tổn thương những tế bào não xung quanh khối máu tụ. Đồng thời, lượng máu chảy càng nhanh, tăng áp lực càng đột ngột thì nguy cơ bị mất ý thức hoặc tử vong càng cao. Theo thống kê, khoảng 10 – 15 % các ca đột quỵ xảy ra do xuất huyết não.1
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Huyết áp, tải ngay ứng dụng YouMed.
Xem thêm: Tụ máu nội sọ: Những điều bạn cần biết!
Vậy chúng ta có thể điều trị tăng huyết áp trong xuất huyết não như thế nào? Cùng tìm hiểu ở các phần ngay sau đây nhé.
Mức độ nguy hiểm của tăng huyết áp trong xuất huyết não
Xuất huyết não là một căn bệnh rất nguy hiểm. Vì nó có thể gây nhiều biến chứng nặng nề và có tiên lượng hồi phục kém.
Biến chứng
Các biến chứng thường gặp nhất do xuất huyết não gây ra là:
- Tử vong: Xuất huyết nhanh và nhiều có thể gây tử vong nhanh chóng.
- Rối loạn vận động một vùng cơ thể: Một nghiên cứu trên 2.500 bệnh nhân đột quỵ lần đầu có 1 % bị rối loạn vận động cấp tính hoặc chậm phát triển và 90 % rối loạn vận động khởi phát cấp tính khỏi trong vòng 6 tháng.2 3 Tùy thuộc vào việc vùng não bị xuất huyết chi phối cơ quan nào. Bệnh nhân sẽ bị liệt cơ quan đó. Thường thì bệnh nhân sẽ bị liệt một nửa người. Đây là di chứng làm suy giảm vận động và chất lượng cuộc sống nặng nề. Yếu liệt sau tai biến không chỉ là gánh nặng cho bệnh nhân mà còn cho gia đình và xã hội.
- Chứng rối loạn tâm lý: Ngoài bị khiếm khuyết vận động, tâm lý của bệnh nhân cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Người bệnh thường bị rối loạn tâm lý do trải qua cú sốc lớn về tinh thần.
- Rối loạn ngôn ngữ: Nếu xuất huyết đã làm ảnh hưởng tới vùng não chi phối việc phát âm. Người bệnh có thể bị rối loạn ngôn ngữ. Một số biểu hiện như méo miệng, phát âm không tròn vành rõ tiếng. Ngoài ra còn gặp khó trong việc nhận thức ngôn ngữ. Một số trường hợp nặng sẽ phải học lại ngôn ngữ từ đầu như trẻ nhỏ.
- Rối loạn nhận thức: Suy giảm trí nhớ, lơ mơ, lú lẫn, thờ ơ, mất trí nhớ ngắn hạn và dài hạn.
- Rối loạn nuốt: Người xuất huyết não khi nuốt dễ bị sặc, khó nuốt, không nhai được,…
- Tiểu không tự chủ: Đây là biến chứng thường gặp và làm giảm chất lượng cuộc sống nghiêm trọng. Bệnh nhân sẽ không thể tự vệ sinh cá nhân mà cần sự giúp đỡ của người thân.
Tiên lượng bệnh
Nếu xuất huyết nhanh và nhiều làm tăng áp lực nội sọ đột ngột, bệnh nhân sẽ hôn mê sâu. Kéo theo đó là các tình trạng như sốc, suy hô hấp, rối loạn nhịp tim. Đa số những bệnh nhân này sẽ tử vong trong vòng 48 giờ. Ngoài ra, theo thống kế có khoảng 50% bệnh nhân bị đột quỵ may mắn bình phục sau tai biến.4 Nhưng trong số đó có khá nhiều người bị biến chứng về vận động và chiếm số lượng nhiều là bị di chứng vừa và nhẹ. Chỉ có một số ít hơn chịu biến chứng nặng.
Xem thêm: Những bài tập phục hồi chức năng sau tai biến hiệu quả
Có thể thấy, tiên lượng bệnh tùy thuộc vào tình trạng xuất huyết. Tuy nhiên, phần lớn đều để lại hậu quả nặng nề. Hiểu được điều này, ta có thể thấy được điều trị tăng huyết áp trong xuất huyết não có tầm quan trọng như thế nào.
Chẩn đoán tăng huyết áp trong xuất huyết não
Chẩn đoán xuất huyết não cần nhanh, kịp thời và chính xác để can thiệp cứu sống bệnh nhân.
Dấu hiệu lâm sàng5
Thông thường, xuất huyết não khởi phát rất đột ngột và dữ dội. Nó thường xảy ra sau một cơn tăng huyết áp. Các nguyên nhân tăng huyết áp đột ngột có thể là do gắng sức về tâm lý và thể lực. Tuy nhiên, vẫn có các trường hợp bị xuất huyết não khi nghỉ ngơi, đang ngủ hoặc trong lúc sinh hoạt bình thường.
Một số dấu hiệu để nhận biết bệnh như:
- Đột ngột đau đầu dữ dội, yếu chân tay và ngã chúi xuống hoặc bị tê liệt một cánh tay, một bên chân.
- Đột ngột khó nói, méo miệng, méo mặt, khó nuốt, nuốt dễ bị sặc và không nhai được.
- Suy giảm trí nhớ nhanh chóng, hay quên hoặc quên mọi thứ hoàn toàn một cách nhanh chóng,…
- Đột ngột giảm tri giác, hôn mê hoặc ngất.
Ngay khi phát hiện các dấu hiệu trên cần đưa bệnh nhân tới các trung tâm cấp cứu đột quỵ gần nhất. Vì thời gian kéo dài càng lâu, các tế bào não càng bị tổn thương nhiều và khó hồi phục.
Ngoài ra, điều trị tăng huyết áp trong xuất huyết não cũng đóng vai trò quan trọng. Bởi kiểm soát huyết áp sẽ giúp kiểm soát vùng xuất huyết lan rộng.
Xem thêm: Tai biến mạch máu não: dấu hiệu nhận biết và nơi điều trị
Phương pháp chẩn đoán5
Chẩn đoán xuất huyết não cần nhanh và chính xác, kết hợp với lâm sàng và cận lâm sàng. Bên cạnh đó, xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh cũng bắt buộc phải thực hiện. Dù triệu chứng lâm sàng có rõ ràng hay không. Bởi chẩn đoán hình ảnh không chỉ có tác dụng chẩn đoán mà còn giúp tiên lượng và định hướng điều trị. Hai phương pháp chẩn đoán thường được sử dụng nhất là CT scan và chụp MRI sọ não. Tùy vào từng bệnh nhân và bác sĩ mà sẽ có chỉ định khác nhau.
Điều trị tăng huyết áp trong xuất huyết não
Xuất huyết não là tình trạng phức tạp. Vì vậy, việc điều trị sẽ gồm nhiều phương diện khác nhau như kiểm soát vùng xuất huyết, hạn chế tăng áp lực nội sọ, khắc phục biến chứng và kiểm soát huyết áp,… Trong phạm vi bài viết này, chúng ta sẽ chỉ đề cập tới việc điều trị tăng huyết áp trong xuất huyết não.
Cơn tăng huyết áp trong xuất huyết não thường lên rất cao. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà phải hạ huyết áp xuống nhanh chóng. Bởi hạ huyết áp nhanh có thể làm tổn thương các vùng não bị thiếu máu tạm thời. Từ đó, làm tình trạng tai biến thêm nặng hơn. Vì vậy, mức độ kiểm soát huyết áp sẽ tùy thuộc vào tình trạng của mỗi bệnh nhân. Thông thường, người bệnh sẽ phải sử dụng thuốc hạ áp đường tĩnh mạch để điều trị. Ngoài ra, kiểm soát huyết áp tốt cũng sẽ góp phần làm giảm vùng não bị tổn thương và cải thiện tiên lượng.
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn giải đáp thắc mắc điều trị tăng huyết áp trong xuất huyết não như thế nào. Như đã nhắc đến, xuất huyết não là bệnh lý nguy hiểm, gây nhiều biến chứng nghiêm trọng. Vì vậy, để có thể dự phòng, kiểm soát và tiên lượng bệnh. Điều trị tăng huyết áp trong xuất huyết não trở nên hết sức cần thiết và quan trọng. Bên cạnh đó, khi phát hiện triệu chứng nghi ngờ, hãy nhanh chóng đưa bệnh nhân tới trung tâm đột quỵ gần nhất nhé!