Hở van tim là bệnh lý tim mạch có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào. Có không ít người sau khi được chẩn đoán bị bệnh thấy bất an, lo lắng. Với bài viết dưới đây, YouMed hy vọng sẽ cung cấp những kiến thức bổ ích để bạn hiểu hơn về bệnh lý này nhé!
Hở van tim là gì?
Trái tim của mỗi người có bốn van tim. Bao gồm: van 2 lá, van 3 lá, van động mạch chủ và van động mạch phổi. Mỗi van có chức năng tương tự như máy bơm, giúp máu lưu thông theo một chiều.
Nhờ cơ chế đóng – mở điều hoà mà máu không bị trào ngược trở lại vào buồng tim trước. Nếu van tim bị hở (van không thể đóng kín hoàn toàn), dòng máu sẽ bị trào ngược một phần vào buồng tim phía trước. Điều này khiến quá trình lưu thông máu trở nên khó khăn hơn.
Phân loại hở van tim
Bệnh hở van tim được chia làm 4 loại tương ứng với 4 van tim:
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Tim mạch, tải ngay ứng dụng YouMed.
- Hở van tim 2 lá: Van 2 lá nằm ở giữa tâm thất trái và tâm nhĩ trái. Khi bị hở van tim 2 lá khiến cho máu trào ngược trở lại vào buồng nhĩ trái.
- Hở van 3 lá: Van 3 lá nằm ở giữa tâm thất phải và tâm nhĩ phải, cho nên khi van bị hở, máu sẽ trào ngược lại buồng nhĩ phải.
- Hở van động mạch chủ: Khi bị hở van động mạch chủ, máu sẽ trào ngược trở lại buồng thất trái.
- Hở van động mạch phổi: Khi bị hở van động mạch phổi, máu sẽ bị trào ngược về tâm thất phải.
Tuỳ vào từng loại bệnh van tim và mức độ nặng nhẹ, bạn sẽ được chỉ định cách chữa trị khác nhau.
Ngoài ra, có thể chia thành 2 loại: sinh lý và bệnh lý. Nhiều người trong chúng ta có hở van tim sinh lý ở mức độ nhẹ (mức độ 1/4). Mức độ hở này thường không gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày và không cần phải điều trị. Tuy nhiên, người bệnh vẫn cần được theo dõi và khám định kỳ để phòng ngừa tiến triển.
Nguyên nhân dẫn đến hở van tim
Có hai nguyên nhân chính gây ra bệnh lý này:
1. Bẩm sinh:
Có nhiều trẻ em sinh ra đã bị hở van tim. Nguyên nhân có thể do cấu tạo của cơ tim của bé được cấu tạo và hình thành trong quá trình mang thai. Trong quá trình có sự sai sót hay biến chứng dẫn đến bị hở van bẩm sinh.
2. Bị bệnh lý:
Bệnh do mắc phải được chia làm 2 loại:
- Do bệnh lý van tim hậu thấp: khi người bệnh bị hở van tim sau thấp khớp, thấp tim.
- Do thoái hoá: Những người có bệnh lý về tim (nhồi máu cơ tim, thiếu máu cơ tim…) có nguy cơ bị hở van tim rất cao. Ngoài ra, lão hoá do tuổi già cũng làm cho cơ tim yếu dần, có thể dẫn đến hở van tim.
Triệu chứng
1. Giai đoạn nhẹ
Ở giai đoạn đầu, hầu như rất khó để phát hiện vì bệnh thường không ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hằng ngày của người bệnh. Chỉ có những người thường xuyên khám sức khoẻ định kỳ mới có thể phát hiện bệnh hở van tim ở giai đoạn đầu.
2. Giai đoạn tiến triển
Sau vài năm tim phải hoạt động mạnh hơn để bù lại lượng máu không được bơm đến các cơ quan, cơ tim dần duy yếu. Khi ấy, các triệu chứng của bệnh xuất hiện rõ hơn và thường xuyên hơn, điển hình như:
– Cảm thấy khó thở: Đây có lẽ là triệu chứng thường xuyên nhất. Dấu hiệu này là điển hình cho hở van tim 2 lá và hở van tim động mạch phổi.
– Cảm thấy mệt mỏi. Bệnh khiến cho máu không thể bơm đến các cơ quan một cách hoàn toàn. Điều đó khiến tim phải làm việc gắng sức. Vì thế, bệnh nhân thường cảm thấy mệt mỏi và uể oải, thậm chí ngất xỉu nếu làm việc nặng.
– Đau đầu, chóng mặt: Tình trạng máu lưu thông không tốt, dẫn đến việc thiếu máu lên não ở người bệnh. Đặc biệt là khi bạn thay đổi tư thế đột ngột (ngồi dậy đột ngột, đứng lên đột ngột…).
– Tim đập nhanh, liên hồi: Nếu như bạn cảm thấy nhịp tim của bản thân mình tăng nhanh, dễ mệt mỏi, thì rất có thể bạn đã bị hở van tim.
– Sưng bàn chân, cẳng chân, sưng bụng, ho nhiều đặc biệt ho nhiều vào ban đêm.
Hở van tim nguy hiểm như thế nào?
Ở giai đoạn nhẹ, bệnh lý có thể không ảnh hưởng đến sinh hoạt của người bệnh.
Nhưng trong những trường hợp nặng, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tim phải làm việc quá sức trong thời gian dài. Bệnh hở van tim có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng người bệnh như:
- Huyết khối
- Suy tim
- Rối loạn nhịp tim
- Hội chứng mạch vành cấp
- Đột quỵ
Nếu không được điều trị kịp thời, máu dồn lại ở tim có thể hình thành huyết khối. Những cục huyết khối di chuyển trong mạch máu gây tắc nghẽn mạch. Đặc biệt, khi lên não có thể gây đột quỵ, là biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh này.
Với sự phát triển mạnh mẽ của y học hiện đại, các bệnh lý về tim mạch, kể cả hở van tim đều được kiểm soát tốt nếu người bệnh kịp thời đi khám và điều trị đúng. Vì vậy để bảo vệ sức khỏe cho người thân, bạn nên cùng gia đình thăm khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện sớm.
Thuốc Atenolol là gì? Thuốc Atenolol được dùng trong những trường hợp nào? Hãy cùng YouMed tìm hiểu thật kĩ về thuốc Atenolol nhé!
>> Xem thêm: Những điều cần biết về thuốc tim mạch Atenolol.