Nhịp tim nhanh báo hiệu bệnh gì?

Tim đập nhanh là phản ứng nhất thời của cơ thể trước các yếu tố như: vận động mạnh, stress, dùng chất kích thích…Tuy nhiên, nếu bạn nhận thấy tim đập nhanh thường xuyên, thì đó có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nào đó nghiêm trọng hơn. Hãy cùng YouMed tìm hiểu những nguyên nhân có thể gây ra tình trạng này qua bài viết dưới đây.

Nhịp tim bao nhiêu là nhanh?

Để biết được nhịp tim nhanh hay bình thường người ta đo mạch đập khi nằm nghỉ. Đối với người từ 18 tuổi trở lên, nhịp tim bình thường lúc nghỉ ngơi trong khoảng 60 – 100 nhịp/phút. Nhịp tim nhanh là trên 100 lần/phút. Nếu bạn thường xuyên có nhịp tim nhanh trên 100 nhịp/phút, đây là một tình trạng đáng chú ý.

Các bệnh lý có thể gây ra nhịp tim nhanh

Cường giáp

Cường giáp là bệnh về nội tiết khá phổ biến ở Việt Nam, thường xảy ra ở nữ nhiều hơn nam. Bệnh xảy ra khi tuyến giáp ở cổ tăng cường hoạt động quá mức cần thiết. Cường giáp có nhiều loại, trong đó Basedow là loại thường gặp nhất.

Một trong những dấu hiệu báo hiệu bệnh cường giáp là nhịp tim nhanh thường xuyên. Tim đập nhanh kể cả lúc nghỉ, có thể lên tới 110 – 120 lần/phút. Các triệu chứng khác của cường giáp bao gồm đổ mồ hôi, mệt mỏi, sút cân, thường xuyên đi tiêu phân lỏng, có thể có bướu cổ, lồi mắt.

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Chăm sóc tim mạch, tải ngay ứng dụng YouMed.

Trào ngược dạ dày – thực quản

Nếu hiện tượng đánh trống ngực xảy ra sau khi ăn hoặc khi đi ngủ, đi kèm với chứng ợ nóng thì đây có thể là biểu hiện do trào ngược axit dạ dày…

Các triệu chứng thường gặp khác của bệnh gồm: ợ hơi, ợ nóng, ợ chua, buồn nôn, khó thở, tim nhanh sau ăn, viêm họng, khàn tiếng… Một số trường hợp còn bị đau, tức ngực, dễ nhầm lẫn với các bệnh tim mạch.

Rối loạn lo âu, căng thẳng kéo dài

Khi bạn cảm thấy lo lắng hay hoảng loạn, tim đập nhanh hơn để bơm máu nhiều hơn cho cơ thể. Đây là cơ chế giúp cơ thể phản ứng nhanh và chiến đấu chống lại mối đe dọa. Tuy nhiên nếu tình trạng hồi hộp, tim đập nhanh kéo dài vô cớ, kèm theo lo lắng dễ giật mình, luôn cảm thấy bất an và thường có những suy nghĩ tiêu cực về cuộc sống, có thể bạn đang bị tình trạng rối loạn lo âu.

Triệu chứng dễ thấy và thấy sớm nhất là hồi hộp đánh trống ngực (lo vô cớ). Nếu trạng thái lo âu kéo dài, bạn nên đi khám chuyên khoa tâm thần. Để tìm ra cách loại bỏ được nỗi lo âu, bạn tham khảo thêm ở bài viết sau nhé: Rối loạn lo âu: 6 cách giúp bạn vượt qua nỗi lo (Phần 1)

Bệnh tim mạch

Nhịp tim nhanh cũng có thể liên quan đến các bệnh tim. Các tình trạng về tim gắn với đánh trống ngực bao gồm: bệnh động mạch vành, bệnh ở van tim, cơ tim… Ngoài ra, tình trạng huyết áp thấp, thiếu máu cũng có thể làm tim đập nhanh.

Tim đập nhanh có thể là phản ứng của cơ thể trước các yếu tố như:

  • Uống bia rượu, cà phê, chất kích thích.
  • Hoạt động thể chất mạnh.
  • Áp lực công việc, lo âu trước một tình huống xấu.
  • Hạ đường huyết do đói…

Nếu không thường xuyên thì không phải quá lo lắng. Nhưng nếu bạn nhận thấy tim đập nhanh thường xuyên thì đó có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nào đó nghiêm trọng hơn như các bệnh lý đã nêu trên.

Cần làm những xét nghiệm nào?

Nếu nhịp tim của bạn thường xuyên ở mức trên 100 nhịp/phút, kể cả khi nghỉ ngơi, thì bạn cần đi gặp bác sĩ. Khi đi khám, bạn nên thông báo với bác sĩ tất cả những triệu chứng khác lạ trong cơ thể (như hụt hơi, khó thở, chóng mặt, đổ mồ hôi, tiêu chảy, đau bụng…) để giúp bác sĩ có chẩn đoán chính xác nhất. Ngoài ra, bạn cần nói cho bác sĩ biết những loại thuốc mà bạn đang uống. Vì chúng cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhịp tim nhanh.

Sau khi khai báo triệu chứng, các bác sĩ có thể yêu cầu bạn làm những xét nghiệm sau đây để chẩn đoán bệnh chính xác hơn:

  • Đo điện tâm đồ (còn gọi là đo ECG): bác sĩ có thể sử dụng phương pháp này để xác định các bất thường ở tim.
  • Siêu âm tim.
  • Chụp CT.
  • Xét nghiệm máu: bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm máu để xác định nguyên nhân có đến từ rối loạn cân bằng điện giải, hoặc bệnh tuyến giáp hay không.

Lời khuyên giúp làm giảm tình trạng nhịp tim nhanh

  • Tập thể dục thường xuyên (30 phút/lần, ít nhất 5 ngày/tuần) và duy trì cân nặng khỏe mạnh.
  • Ăn chế độ ăn tốt cho tim mạch: Bao gồm ăn nhiều rau xanh, trái cây, hạn chế ăn đồ ăn chiên dầu, mỡ động vật.
  • Hạn chế căng thẳng trong cuộc sống: Bạn có thể thử tập yoga hoặc thiền. Điều này sẽ rất hiệu quả trong việc giảm nhịp tim nhanh đặc biệt trong trường hợp nguyên nhân xuất phát từ tâm lý lo âu, căng thẳng quá mức.
  • Hạn chế uống đồ uống có chứa caffein: Bạn nên hạn chế bia rượu, trà, cà phê vì chúng có thể góp phần làm tăng nhịp tim.
  • Ngưng hút thuốc lá: Hút thuốc làm tăng nhịp tim của bạn. Việc bỏ thuốc lá có thể giúp đưa nhịp tim trở lại bình thường.
  • Kiểm tra sức khỏe định kì: Việc kiểm tra sức khỏe toàn diện sẽ giúp bạn phát hiện sớm những bệnh lý như cholesterol cao, tăng huyết áp,…

Tình trạng nhịp tim nhanh thường xuyên cần được điều trị càng sớm càng tốt. Nếu không điều trị hoặc điều trị trễ, nhịp tim nhanh về lâu dài có thể gây ra các biến chứng như suy tim, đột quỵ… Bạn cần đi khám bệnh và làm các xét nghiệm máu, đo điện tâm đồ, siêu âm tim để tìm được nguyên nhân chính xác nhất.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *