Tăng áp phổi (TAP) là một bệnh lý hiếm gặp và nguy hiểm. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên thường gặp hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim hoặc phổi. Hằng năm có khoảng 10-15 người trên 1 triệu người mắc tăng áp phổi. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra các biến chứng rất nặng nề và nguy cơ cao dẫn đến tử vong. Dù TAP không thể chữa khỏi hoàn toàn, điều trị sẽ giúp giảm triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống của bạn.
1. Tăng áp phổi nghĩa là gì?
1.1. Định nghĩa
Để hiểu về bệnh lý này, trước tiên chúng ta sẽ tìm hiểu về đường đi của máu trong cơ thể. Trái tim của chúng ta có 2 phần: tim trái và tim phải đảm nhiệm 2 vai trò khác nhau. Tim phải bơm máu lên phổi để lấy oxy sau đó trở về tim trái rồi được đưa vào hệ tuần hoàn để đi nuôi toàn bộ cơ thể. Tăng áp phổi xảy ra khi áp lực trong các mạch máu ở phổi tăng cao gây ảnh hưởng lên áp lực ở tim phải và quá trình trao đổi khí oxy ở phổi.
1.2. Phân loại
TAP được chia làm 2 loại chính bao gồm:
- Loại 1: tăng áp phổi nguyên phát thường vô căn, tự phát và không rõ nguyên nhân. Nó còn có tên khác là tăng áp động mạch phổi (Pulmonary arterial hypertension – PAH).
- Loại 2: tăng áp phổi thứ phát, thường là hậu quả của một bệnh lý tim, phổi, bệnh lý huyết khối mạn có trước.
Bài viết sẽ chủ yếu sẽ đề cập đến loại đầu tiên. Do một số nguyên nhân chưa rõ, thành mạch máu ở phổi bị hẹp và cứng lại. Như vậy, tim phải sẽ cần bóp mạnh hơn để bơm máu qua các mạch máu bị hẹp, làm cho kích thước tim lớn hơn và giảm độ đàn hồi.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Tim mạch, tải ngay ứng dụng YouMed.
Giai đoạn tiếp theo, trái tim trở nên yếu dần và cuối cùng suy giảm khả năng hoạt động. Hơn nữa, thời gian máu được đưa lên phổi và thời gian trao đổi oxy sẽ kéo dài hơn bình thường dẫn đến giảm nồng độ oxy trong máu. Oxy rất quan trọng không chỉ đối với tế bào và các cơ quan của chúng ta mà còn là nhu cầu thiết yếu của não bộ. Vì vậy, bạn có thể thấy rẳng việc chẩn đoán và điều trị căn bệnh TAP rất cần thiết.
2. Triệu chứng của Tăng áp phổi
Chấn đoán TAP khó khăn vì triệu chứng của căn bệnh rất giống với các bệnh lý thường gặp khác như:
- Hen
- Béo phì
- Khí phế thũng
- Suy tim
- Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
Ở giai đoạn sớm, người bệnh có thể:
- Khó thở khi đi lại
- Cảm thấy mệt mỏi
Giai đoạn tiếp theo, các biểu hiện khác sẽ xuất hiện như:
- Đau bụng
- Khó thở cả khi nghỉ ngơi
- Phù ở phần thấp: chi dưới, bàn chân, cẳng chân hay bụng
- Đau ngực, hồi hộp
- Ngất, xây xẩm, choáng váng
- Không cảm thấy đói bụng
Trong một số trường hợp hiếm, bệnh nhân có ho, ho ra máu hoặc thay đổi giọng nói.
3. Làm sao để chẩn đoán Tăng áp phổi?
Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn mắc TAP, bạn sẽ được chỉ định thực hiện một số xét nghiệm để chẩn đoán xác định cũng như đưa ra các phác đồ trị liệu thích họp với từng loại TAP. Những xét nghiệm sau đây giúp đánh giá giai đoạn bệnh và có thể trực tiếp đo được áp lực trong mạch máu phổi.
Các kỹ thuật, xét nghiệm được sử dụng để chẩn đoán TAP là:
-
Xét nghiệm máu: Bác sĩ sẽ kiểm tra các bệnh lý nền có liên quan đến TAP cũng như các dấu hiệu khác của TAP, bao gồm xét nghiệm HIV; chức năng tuyến giáp; tự miễn, bệnh lupus ban đỏ hệ thống và xơ cứng bì, chức năng gan, tổng phân tích tế bào máu… Đồng thời, đo hormone brain natriuretic peptide (BNP) cũng giúp đánh giá khả năng hoạt động của tim.
- X-quang ngực: hiển thị hình ảnh tổng quát của tim, phổi và lồng ngực của bạn để tìm các dấu hiệu của TAP.
- CT scan ngực: cung cấp hình ảnh chi tiết hơn về phổi, tim và mạch máu.
- Điện tâm đồ: cho thấy hoạt động điện của tim và có thể phát hiện được các rối loạn nhịp tim. Đây là một công cụ hữu ích để lý giải cho các triệu chứng của TAP.
-
Kỹ thuật đo hô hấp ký (đo chức năng hô hấp): Xét nghiệm hít thở đơn giản này giúp đo lượng không khí được giữ trong phổi, lượng không khí hít vào và thở ra khỏi phổi của bạn. Đo chức năng hô hấp có thể chẩn đoán các bệnh lý phổi khác: như hen suyễn hoặc xơ phổi, tình trạng xơ thường gây sẹo có thể làm hẹp các mạch máu phổi.
-
Kiểm tra chức năng tim phổi gắng sức: Kỹ thuật này đánh giá khả năng hoạt động của tim phổi lúc đang làm việc gắng sức (tập thể dục) và cả khi nghỉ ngơi. Công cụ giúp các bác sĩ biết được mức độ Oxy cơ thể bạn đang sử dụng hay nồng độ CO2 được thải ra, cũng như cách bạn hít thở. Kết quả có thể xác định được bạn có bị TAP hay không.
-
Siêu âm tim: Giúp ước lượng kích thước và chức năng của các buồng tim, van tim. Siêu âm tim mang tính thực hành cao, khả năng phát hiện được các dấu hiệu của bệnh TAP cũng như các biến chứng.
-
Chụp MRI tim (Chụp cộng hưởng từ tim): MRI tim đánh giá kích thước và chức năng của tim, hình ảnh về cơ tim, van tim và các mạch máu chính xác hơn so với siêu âm tim. Nó có thể hiển thị bệnh lý tim bẩm sinh (bất thường sự hình thành phát triển tim từ trước khi sinh). Các bất thường dòng chảy của máu, sự lưu thông máu ở tim phải và tim trái cũng được phát hiện.
- Catheter tim phải (Right heart catheterization): Khi các xét nghiệm nêu trên hướng đến chẩn đoán TAP, catheter tim phải được sử dụng. Bác sĩ sẽ đưa một ống thông nhỏ gọi là catheter vào mạch máu lớn ở cổ, cánh tay hoặc bẹn. Sau đó, ống thông được luồn qua các buồng tim và phổi để đo áp lực trong từng nơi.
Catheter tim phải được coi là tiêu chuẩn vàng, là công cụ chính xác và hiệu quả nhất để chẩn đoán xác định. Nó giúp tính toán trực tiếp áp lực trong động mạch phổi, phân loại rõ ràng TAP từ đó áp dụng được phương pháp điều trị cụ thể.
4. Cách điều trị tăng áp phổi
Trong hầu hết các trường hợp, TAP có thể điều trị được, tuy nhiên không thể chữa khỏi hoàn toàn. Điều trị TAP tùy theo từng cá thể. Mục tiêu là để làm giảm các triệu chứng và chậm sự tiến triển của bệnh.
Quá trình chữa trị tăng áp phổi cụ thể phụ thuộc vào từng bệnh nhân, mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, kết quả xét nghiệm, và phương pháp hỗ trợ tại nhà của từng bệnh nhân.
Mỗi bệnh nhân cần phải trao đổi thường xuyên với bác sĩ để có liệu pháp trị liệu giúp đạt được mục tiêu riêng. Nhìn chung, điều trị cần kết hợp nhiều hơn một loại thuốc để có kết quả tốt nhất. Đồng thời, một số bệnh nhân cũng cần hỗ trợ oxy để giúp thở dễ dàng hơn.
Thuốc điều trị tăng áp phổi có 3 dạng chính:
- Thuốc dạng viên uống
- Thuốc xịt, hít
- Thuốc đường tiêm (tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm dưới da)
Các loại thuốc dùng để điều trị bệnh hoặc giảm triệu chứng phổ biến như: nhóm thuốc lợi tiểu, kháng đông, nhóm prostacylin, kháng thụ thể endothelin… Tác dụng của thuốc bao gồm: làm giãn mạch máu, cải thiện lượng máu qua phổi. Ngoài ra còn giúp chống co thắt động mạch, ngăn chặn hình thành cục máu đông, giúp thải bớt nước ra ngoài…
-
Hỗ trợ oxy
Một số bệnh nhân cần sử dụng thêm oxy để thở dễ hơn và cải thiện chất lượng cuộc sống. Thở oxy giúp hoạt động tốt hơn vào ban ngày, giấc ngủ ngon hơn và tinh thần tốt hơn.
-
Tập thể dục
Một số người bị TAP quá mệt mỏi, khó năng động được. Nhưng nếu bạn có thể thực hiện một số hoạt động, đi bộ hoặc các bài tập nhẹ khác sẽ hữu ích, nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu tập luyện.
-
Ghép phổi
Ghép phổi có thể là sự lựa chọn ở một số bệnh nhân, giúp kéo dài sự sống và tăng chất lượng sống. Tuy nhiên đây thường được xem là biện pháp cuối cùng khi các điều trị khác không có hiệu quả.
Tăng áp phổi là một bệnh lý nghiêm trọng gây ra bởi nhiều loại nguyên nhân và mỗi loại có từng phương pháp điều trị khác nhau. Căn bệnh sẽ diến tiến ngày càng nặng lên nếu không được điều trị kịp thời dẫn đến các biến chứng tồi tệ đe dọa tính mạng . Điều quan trọng nhất trong hành trình sống chung với TAP là sự hiểu biết về tình trạng bệnh cũng như sự tuân thủ điều trị. Bạn nên thường xuyên trao đổi với bác sĩ của mình để có phương pháp điều trị tốt nhất.