Tim là bộ phận rất quan trọng trong cơ thể. Nó hoạt động như một máy bơm để vận chuyển máu đến toàn bộ cơ quan. Máu sẽ chứa oxy và các chất dinh dưỡng đi nuôi các cơ quan. Khi hoạt động bơm máu của tim bị rối loạn, theo đó các cơ quan cũng suy yếu theo. Từng cơ quan sẽ dần chết đi, dẫn đến hậu quả cuối cùng là suy đa cơ quan. Hoạt động bơm máu của tim có thể rối loạn từ từ hoặc đột ngột. Khi diễn tiến là bất ngờ, nguy cơ tử vong thường cao, người ta gọi đó là sốc tim. Đây là nguyên nhân dẫn đến tim ngưng hoạt động một cách đột ngột.
1. Sốc tim là gì?
- Sốc tim là một tình trạng mà trong đó tim đột ngột không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu cơ thể. Nguyên do bắt nguồn từ tổn thương trực tiếp trên tim.
- Tim bị tổn thương có thể ngừng đập ngay lập tức, hoặc co bóp yếu đi. Giảm chức năng co bóp dẫn tới tụt huyết áp, giảm máu tới các cơ quan trong cơ thể. Từ đó dẫn tới suy đa cơ quan và tử vong.
- Đây là bệnh hiếm gặp nhưng nguy hiểm, diễn tiến nhanh và tử vong nếu không điều trị kịp thời.
2. Nguyên nhân sốc tim là gì?
Sốc tim xảy ra khi tim của không thể bơm đủ máu cho phần còn lại của cơ thể. Có nhiều nguyên nhân gây tổn thương trực tiếp lên tim. Hầu hết các trường hợp là do thiếu oxy cho cơ tim. Nếu cơ tim thiếu oxy, thì các tế bào cơ tim sẽ chết và gây ra sốc tim.
Các nhóm nguyên nhân thường gặp
- Bệnh lý động mạch vành: là động mạch nuôi tim. Khi động mạch vành bị tắc, cơ tim sẽ không nhận được máu nuôi và chết. Đây là nguồn gốc phổ biến chiếm 80% nguyên nhân của bệnh.
- Bệnh lý van tim. Một số bệnh lý van tim có thể gây sốc tim đột ngột như hẹp van động mạch chủ, hở van hai lá cấp…
- Bệnh lý màng ngoài tim ( màng bao ngoài để bảo vệ tim). Khi có dịch ở màng ngài tim, trái tim bị chèn ép khó co bóp dẫn tới sốc tim.
- Viêm cơ tim cấp: cơ tim bị nhiễm siêu vi cũng có thể tổn thương nghiêm trọng làm sốc tim.
- Các rối loạn nhịp nguy hiểm. Các rối loạn nhịp tim nguy hiểm có thể làm tim ngưng đập đột ngột. Ví dụ rung thất, nhanh thất…
Các nguyên nhân khác
- Viêm nội tâm mạc. Thường bị sau khi nhiễm liên cầu hầu họng, thấp khớp. Bệnh có thể gây hư các van tim và cơ tim đột ngột dẫn tới tim bị sốc.
- Suy tim nặng. Suy tim đến một mức độ nào đó quá sức đáp ứng của tim cũng có thể gây sốc.
- Quá liều thuốc hoặc ngộ độc chất có thể ảnh hưởng đến chức năng bơm máu của tim.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Tim mạch, tải ngay ứng dụng YouMed.
3. Những người nào có nguy cơ bị sốc tim?
Sốc tim là tình trạng diễn tiến nhanh, nguy hiểm tới tính mạng. Nó thường xảy ra trên bệnh nhân đã có bệnh nền tim mạch trước đó. Các yếu tố nguy cơ của bệnh thường là:
- Lớn tuổi.
- Tiền sử có cơn đau thắt ngực.
- Có tiền sử gia đình có người sốc tim hay đột tử.
- Có bệnh lý tim mạch: nhồi máu cơ tim, suy tim, bệnh van tim…
- Hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều
- Có các bệnh mãn tính như đái tháo đường hoặc tăng huyết áp kèm theo.
- Có dị tật bẩm sinh hay di truyền, đặc biệt là dị tật tim.
- Tiền căn thấp khớp, có ảnh hưởng tới van tim.
4. Biến chứng của sốc tim là gì?
Nếu không điều trị kịp thời, sốc tim thường dẫn đến tử vong nhanh chóng. Một số biến chứng nguy hiểm khác bao gồm: suy tim, tổn thương gan, thận hoặc các cơ quan khác. Tuỳ thuộc vào thời gian sốc, các biến chứng này có thể hồi phục một phần hoặc không. Nếu không được điều trị ngay, các tổn thương thường là vĩnh viễn để lại di chứng nặng nề.
5. Biểu hiện của sốc tim như thế nào?
Mấu chốt của điều trị sốc tim là phải thực hiện ngay lập tức. Do đó cần nắm rõ triệu chứng để nhận biết để được can thiệp kịp thời. Các biểu hiện thường là:
- Thở nhanh, thở dốc nghiêm trọng.
- Đau ngực dữ dội
- Nhịp tim nhanh đột ngột.
- Mất ý thức.
- Đổ mồ hôi.
- Da nhợt nhạt.
- Lạnh tay hoặc bàn chân.
- Đi tiểu ít hơn bình thường hoặc không đi tiểu.
- Mạch yếu.
- Tụt huyết áp.
Bởi vì sốc tim thường diễn ra sau khi bệnh nhân có cơn đau thắt ngực nghiêm trọng. Nên việc quan trọng là cần biết những triệu chứng của cơn đau thắt ngực. Chúng bao gồm:
- Cảm giác nặng ngực hoặc đau dữ dội vùng trước xương ức kéo dài nhiều hơn vài phút.
- Đau lan ra vai, cánh tay, lưng, hoặc thậm chí cả xương hàm và răng.
- Tăng số lần đau ngực và thời gian đau ngực.
- Khó thở.
- Vã mồ hôi.
- Buồn nôn và nôn ói.
- Ngất .
Nên đến cơ sở y tế một cách nhanh chóng khi có những dấu hiệu hoặc triệu chứng trên. Điều này có thể làm giảm cơ hội phát triển bệnh và phần nào giảm nhẹ biến chứng. Nhanh chóng điều trị sốc tim cải thiện cơ hội sống sót và giảm thiểu thiệt hại cho tim.
6. Chẩn đoán sốc tim như thế nào?
Sốc tim cần được chẩn đoán nhanh, chính xác trong vòng vài phút. Việc này đòi hỏi bác sĩ chuyên khoa và có nhiều kinh nghiệm. Sốc tim được chẩn đoán dựa vào các yếu tố sau:
- Hỏi bệnh sử khai thác triệu chứng lâm sàng và tiền căn bản thân và gia đình. Khai thác triệu chứng của bệnh và triệu chứng của các nguyên nhân gây bệnh.
- Thăm khám từ bác sĩ lâm sàng. Bao gồm các dấu hiệu:
- Huyết áp tụt. Huyết áp tối đa dưới 90mmHg hoặc giảm so với huyết áp nền trên 30mmHg (người có tăng huyết áp).
- Da lạnh tái, nổi vân tím trên da, đầu chi tím lạnh.
- Nước tiểu ít.
- Tiếng tim bất thường: tùy theo nguyên nhân gây ra sốc tim.
- Thần kinh: ý thức của bệnh nhân giảm.
- Các xét nghiệm:
- Điện tâm đồ. Đây là thử nghiệm đầu tiên thực hiện để chẩn đoán một cơn đau tim. Điện tâm đồ có thể cho thấy một cơn đau tim đã xảy ra hoặc đang diễn ra.
- X quang ngực. Hình ảnh X quang ngực cho phép bác sĩ kiểm tra kích thước và hình dạng của tim.
- Siêu âm tim. Siêu âm tim có thể giúp xác định một khu vực của trái tim đã bị hư hại bởi một cơn đau tim và chức năng bơm máu của tim.
- Đặt ống thông mạch vành. Thử nghiệm này có thể hiển thị động mạch vành bị thu hẹp hoặc bị chặn tắc. Đây vừa là xét ngiệm vừa là điều trị, có thể thông động mạch vành nếu bị tắc.
- Xét nghiệm máu. Khảo sát các cơ quan như gan thận, và mức độ của sốc thông qua các yếu tố trong máu bệnh nhân
7. Điều trị sốc tim như thế nào?
Điều trị sốc tim cần nhanh chóng, chính xác và dứt khoát. Tập trung vào sửa chữa những thiệt hại cho cơ tim và các cơ quan khác do thiếu oxy. Hồi sức ban đầu là tối quan trọng quyết định tiên lượng sống của bệnh nhân.
Hỗ trợ chức năng sống khẩn cấp
Hỗ trợ chức năng sống khẩn cấp là điều trị cần thiết cho hầu hết những người có sốc tim. Các biện pháp hồi sức tim phổi có thể gồm
- Thở oxy
- Đặt ống thở máy
- Sốc điện, bóp tim ngoài lồng ngực
- Thuốc trợ tim…
Thuốc trong sốc tim
Điều trị thuốc trong sốc tim làm việc để cải thiện lưu lượng máu qua tim và tăng khả năng bơm của tim. Sử dụng thuốc trong sốc tim rất phức tạp. Do các yếu tố bệnh nền và tình trạng bệnh nhân việc dùng thuốc cần được quyết định chính xác và cẩn trọng. Điều này đòi hỏi bác sĩ có kĩ năng và kinh nghiệm.
Thủ thuật y tế
Thủ thuật y tế để điều trị sốc tim thường tập trung vào phục hồi lưu lượng máu qua tim. Chúng bao gồm:
- Nong mạch và đặt stent động mạch vành. Khi lưu lượng máu được phục hồi qua động mạch vành, các dấu hiệu và triệu chứng của sốc tim sẽ cải thiện. Nong mạch vành khẩn cấp mở động mạch vành bị chặn, cho phép máu chảy tự do hơn đến tim.
- Bóng động mạch chủ. Tùy theo tình trạng, các bác sĩ có thể chọn chèn bóng động mạch chủ. Thủ thuật này giúp duy trì huyết áp, tránh tình trạng suy đa cơ quan diễn tiến nhanh.
Phẫu thuật
Nếu thuốc và thủ thuật y tế không hiệu quả để điều trị bệnh, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật.
- Phẫu thuật động mạch vành. Giúp phục hồi lưu lượng máu tới tim
- Phẫu thuật sửa chữa tổn thương tim, như một vết rách trong các buồng tim hoặc van tim bị hư. Đây là kĩ thuật cao, nhiều tai biến cần phẫu thuật viên tay nghề cao.
- Máy bơm hỗ trợ tim. Những thiết bị được cấy vào trong bụng và gắn liền với tim bị suy yếu để giúp bơm máu. Cấy máy bơm tim có thể kéo dài đáng kể và cải thiện cuộc sống của một số người bị suy tim giai đoạn cuối.
- Cấy ghép tim. Nếu tim bị hư hỏng mà không có phương pháp điều trị khác, ghép tim có thể là một phương sách cuối cùng cho điều trị sốc tim.
8. Theo dõi bệnh nhân sau sốc tim như thế nào?
Bệnh nhân bị sốc tim nếu được cứu sống sẽ được theo dõi sát trong phòng hồi sức. Bệnh nhân hoàn toàn có thể tái sốc nếu không điều trị đúng cách. Điều này đòi hỏi theo dõi sát sao của bác sĩ. Nếu hồi phục và được xuất viện, theo dõi tại nhà cũng rất quan trọng. Xây dựng lối sống lành mạnh và tuân thủ điều trị là bắt buộc.
9. Phòng ngừa sốc tim như thế nào?
Cách tốt nhất để ngăn chặn sốc tim là để ngăn chặn một cơn đau tim xảy ra. Việc thay đổi lối sống có thể giúp ngăn ngừa tim bị sốc. Bệnh nhân cần xây dựng lối sống lành mạnh:
- Kiểm tốt các bệnh nền tim mạch như tăng huyết áp, suy tim… Bằng cách tái khám thường xuyên và tuân thủ y lệnh bác sĩ. Bỏ thuốc đột ngột sẽ làm bệnh nặng lên dẫn tới sốc tim.
- Tránh ăn thức ăn nhiều dầu mỡ và nhiều muối
- Không hút thuốc và tránh hút thút thụ động.
- Hạn chế uống thức uống có cồn và đường.
- Duy trì một cân nặng khỏe mạnh. Thừa cân góp phần vào các yếu tố nguy cơ khác đối với cơn đau tim và sốc tim.
- Tập thể dục thường xuyên. Tập thể dục làm giảm nguy cơ bị đau tim bằng nhiều cách. Nên tập bằng các môn vừa sức. Chẳng hạn như đi bộ, chạy bộ, bơi lội hoặc đi xe đạp
Sốc tim là tình trạng cấp cứu nguy hiểm tính mạng. Bệnh thường diễn ra đột ngột và diễn tiến nhanh. Bệnh nhân cần được điều trị nhanh chóng và chính xác. Sốc tim thường gây tử vong hoặc nhiều biến chứng nặng nề. Do vậy, ngăn ngừa sốc tim là cách tốt nhất để hạn chế hậu quả của nó. Điều trị bệnh nền ổn định và xây dựng lối sống lành mạnh là chìa khóa để phòng ngừa sốc tim.
Bác sĩ Lương Sỹ Bắc