Viêm sụn sườn là một tình trạng gây đau thành ngực. Nguyên nhân do viêm các sụn sườn – khớp nối giữa xương sườn và xương ức. Đây không phải là một bệnh lý nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, các triệu chứng bệnh có thể gây ảnh hưởng đến công việc, đến chất lượng cuộc sống của bạn. Việc trang bị những kiến thức cơ bản về nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị viêm sụn sườn là vô cùng quan trọng. Vì vậy, hãy cùng Youmed tìm hiểu những thông tin đó trong bài viết sau đây nhé!
1. Cấu tạo khung xương sườn (lồng ngực)
Trước khi tìm hiểu về viêm sụn sườn, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về cấu tạo cơ bản của lồng ngực nhé. Khung xương sườn là một cấu trúc khá bền vững, để bảo vệ những cơ quan bên trong. Ví dụ: tim, phổi, mạch máu… Khi con người hít thở, lồng ngực cũng nở ra để hỗ trợ hô hấp.
Có 12 đôi xương sườn. Các xương sườn gắn vào xương cột sống ở phía sau và xương ức ở phía trước. Xương sườn gắn vào xương ức bởi các sụn sườn. Các xương sườn số 1 – 7 đều có riêng sụn sườn của nó để bám vào xương ức. Các xương sườn 8, 9, 10 thì bám gián tiếp qua sụn sườn số 7. Hai xương sườn 11, 12 không có sụn sườn mà lơ lửng. Nên chúng được gọi là xương sườn cụt.
2. Viêm sụn sườn là gì?
Viêm sụn sườn là tình trạng viêm của các sụn sườn của xương sườn. Cơn đau ngực gây ra bở viêm sụn sườn có thể từ nhẹ đến nặng. Những trường hợp đau nhẹ có thể chỉ là cảm giác đau ngực khi chạm vào. Hoặc một vài trường hợp đau khi bạn đẩy vào vùng sụn.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Tim mạch, tải ngay ứng dụng YouMed.
Những trường hợp đau nặng có thể gây đau nhói lan xuống tay hoặc đau không thể chịu nổi. Và những con đau này dường như không biến mất. Tình trạng này thường kéo dài trong một vài tuần. Nhưng một số trường hợp có thể cần điều trị.
3. Triệu chứng của viêm sụn sườn là gì?
Đau thành ngực là triệu chứng nổi bật và thường gặp nhất. Nếu bị viêm sụn sườn, bạn thường bị đau ở các xương sườn trên và giữa, hai bên xương ức. Cơn đau có thể lan ra sau lưng hoặc xuống bụng. Đau tăng lên khi bạn di chuyển, kéo dãn, hoặc hít thở sâu.
Những triệu chứng đau ngực có thể có nhiều nguyên nhân khác gây nên. Một trong những nguyên nhân nguy hiểm đó là nhồi máu cơ tim hoặc những bệnh lí tim mạch khác. Do đó, bạn cần được hỗ trợ y tế ngay nếu bạn cảm thấy mình bị đau ngực.
4. Nguyên nhân của viêm sụn sườn là gì?
Nguyên nhân chính xác của viêm sụn sườn hầu hết là chưa xác định. Nhưng một số tình trạng có thể liên quan đó là:
- Chấn thương thành ngực, ví dụ như tai nạn xe hơi hoặc té ngã…
- Căng thẳng về thể chất. Ví dụ như nâng các vật nặng, những bài tập quá sức, tình trạng ho trầm trọng, kéo dài.
- Những tình trạng hô hấp hoặc nhiễm virus, vi trùng, nấm nào đó. Ví dụ như lao, giang mai, đều có thể gây viêm khớp.
- Tình trạng viêm khớp: viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp
- Khối u: Những khối u không ung thư hoặc u ung thư đều có thể gây viêm sụn sườn. Ung thư có thể di căn từ cơ quan khác tới. Ví dụ như ung thư vú, tuyến giáp, phổi…
5. Ai dễ bị viêm sụn sườn?
Viêm sụn sườn thường xảy ra nhiều ở nữ và người trên độ tuổi 40. Bạn cũng có thể dễ bị viêm sụn sườn nếu bạn có một trong những tình trạng như:
- Tham gia vào những hoạt động cường độ cao
- Thực hiện lao động chân tay
- Bị dị ứng và thường xuyên tiếp xúc với những chất gây dị ứng
- Viêm khớp dạng thấp
- Viêm khớp phản ứng
Việc nâng vật nặng bằng tay không đúng cách có thể gây áp lực lên các cơ thành ngực. Vì vậy, hãy nâng vật nặng hay ba lô đúng cách. Người thực hiện lao động chân tay nên làm việc một cách thận trọng.
6. Các triệu chứng khẩn cấp của viêm sụn sườn là gì?
Bạn cần phải gặp bác sĩ ngay nếu bạn cảm thấy khó thở hoặc đau ngực dữ dội.
Luôn luôn tìm kiếm sự chăm sóc y tế khẩn cấp nếu bạn bị đau bất thường ở ngực. Tình trạng này có thể chỉ ra một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng, chẳng hạn như một cơn đau tim. Được chăm sóc y tế càng sớm càng tốt sẽ hạn chế các biến chứng xảy ra. Đặc biệt là vấn đề tiêm ẩn đang gây ra tình trạng viêm sụn sườn của bạn.
7. Viêm sụn sườn được chẩn đoán như thế nào?
Đầu tiên, bác sĩ của bạn sẽ hỏi bạn một số câu hỏi về bệnh. Ví dụ như:
- Những triệu chứng mà bạn đã và đang trải qua
- Những triệu chứng này xuất hiện khi nào?
- Mức độ cơn đau mà bạn đang trải qua?
- Những động tác nào làm cơn đau trầm trọng hơn?
- Bạn đã uống thuốc hay điều trị gì chưa?
- Hiện tại bạn đang bị bệnh hay uống thuốc gì không?
- Tiền sử bệnh lý tim mạch của gia đình bạn
- Gần đây bạn có bị chấn thương vùng ngực không?
Bác sĩ cũng sẽ tiến hành thăm khám cho bạn. Bác sĩ sẽ đánh giá mức độ đau bằng cách nhấn vào xương sườn của bạn. Việc quan sát cách bạn phản ứng sẽ phần nào đánh giá được mức độ đau. Họ cũng có thể tìm kiếm những dấu hiệu nhiễm trùng hoặc viêm nhiễm đi kèm.
Bác sĩ có thể chỉ định một vài xét nghiệm cần thiết. Ví dụ như X – quang ngực, xét nghiệm máu. Mục đích để loại trừ những nguyên nhân khác có thể gây ra triệu chứng đau ngực. Bạn có thể cần đến đo điện tim, xét nghiệm men tim, siêu âm tim… để đảm bảo bạn không có những vấn đề về tim mạch, mạch vành.
8. Viêm sụn sườn được điều trị như thế nào?
Có một vài cách để điều trị viêm sụn sườn. Việc điều trị viêm sụn sườn thường tập trung vào việc giảm đau.
8.1. Thuốc
Hầu hết các trường hợp viêm sụn sườn được điều trị bằng các thuốc không cần kê đơn. Nếu cơn đau từ nhẹ đến trung bình, bác sĩ sẽ khuyến cáo sử dụng thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs), như ibuprofen, naproxen.
Bác sĩ của bạn cũng có thể kê đơn một số thuốc:
- Thuốc NSAIDs mạnh cần kê toa
- Những thuốc giảm đau khác, có tính gây nghiện. Thuốc này thường được chỉ định trong những trường hợp đau trầm trọng.
- Thuốc chống trầm cảm. Những thuốc chống trầm cảm 3 vòng như amitriptyline, thường được sử dụng cho những cơn đau mạn tính. Đặc biệt, nếu cơn đau khiến bạn mất ngủ.
- Thuốc steoid uống hoặc tiêm steroid vào vùng có liên quan
8.2. Vật lí trị liệu
Điều trị vật lí trị liệu có thể bao gồm:
- Bài tập kéo dãn. Các bài tập kéo dãn chung cho các cơ vùng ngực có thể có lợi ích.
- Kích thích thần kinh. Có thể là một thủ thuật kích thích dây thần kinh bằng điện qua da (transcutaneous electrical nerve stimulation TENS). Một dụng cụ gửi một dòng điện cường độ yếu thông qua miếng dán lên da, gần nơi bị đau. Dòng điện có thể làm gián đoạn hoặc che giấu những tín hiệu đau. Điều này ngăn cản chúng được truyền lên trên não.
9. Thay đổi lối sống
Bác sĩ cũng khuyên bạn thay đổi lối sống nếu bạn bị viêm sụn sườn mạn tính hoặc dai dẳng. Một số hoạt động có thể làm trầm trọng hơn, như chạy, nâng tạ… Lao động chân tay cũng có thể có những ảnh hưởng tiêu cực.
Bác sĩ cũng khuyến cáo bạn nên:
- Nghỉ ngơi
- Chườm đá hoặc nóng. Chườm đá thường được sử dụng trong những ngày đầu bị đau. Hãy dùng một chiếc khăn ẩm bọc đá lạnh lại. Chườm lên vùng da bị đau. Thực hiện chườm đá khoảng 3 lần/ngày, mỗi lần khoảng 20 phút. Lưu ý, không chườm đá lạnh trực tiếp lên da. Vì điều này có thể gây bỏng lạnh cho da.
10. Viêm sụn sườn có thể gây biến chứng gì?
Nếu bạn bị viêm sụn sườn mạn tính, cơn đau có thể quay lại, thậm chí khi bạn đã điều trị. Trong những trường hợp này, bạn có thể cần chăm sóc y tế dài hạn để đảm bảo nó không ảnh hưởng đề chất lượng cuộc sống. Đồng thời, việc tham gia vào hoạt động hàng ngày hay tâm lí của bạn cũng cần được đảm bảo.
Cơn đau ngực liên quan đến viêm sụn sườn là một triệu chứng thường gặp của viêm xơ cơ. Khi bị viêm xơ cơ, bạn có thể bị đau nhức ở ngực, kèm với:
- Đau khắp cơ thể của bạn
- Mệt mỏi và không thể nghỉ ngơi do đau
- Khó khăn để tập trung
- Cảm thấy trầm cảm
- Đau đầu
Nếu bạn bị đau ngực mà kèm theo những triệu chứng này, hãy báo với bác sĩ của bạn. Bác sĩ sẽ kiểm tra xem bạn có bị viêm xơ cơ hay không.
11. Viêm sụn sườn bao lâu thì lành?
Thời gian lành bệnh phụ thuộc vào mức độ tổn thương và cơ địa mỗi người. Không có một con số thời gian nào là hằng định.
Với nhiều trường hợp, viêm sụn sườn có thể tự khỏi. Những trường hợp đau nhẹ, viêm sụn sườn có thể tự khỏi sau vài ngày. Những trường hợp mạn tính có thể kéo dài vài tuần hoặc hơn. Nhưng hầu hết các trường hợp đều không quá một năm. Lưu ý, những con số thời gian này chỉ mang tính chất tham khảo.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
Tóm lại, triệu chứng đau ngực do viêm sụn sườn là triệu chứng không thể bỏ qua. Cần phải được chăm sóc y tế ngay nếu bạn cảm thấy đau ngực. Đặc biệt là trên những đối tượng cao tuổi, có bệnh nền tim mạch… Với mức độ nhẹ, viêm sụn sườn có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Hy vọng bài viết cung cấp được những thông tin hữu ích về nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị viêm sụn sườn. Đừng ngại để lại những thắc mắc ở phần bình luận, cũng như chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Mong nhận được những phản hồi cũng như đồng hành cùng bạn ở những bài viết kế tiếp. Youmed luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn!
Bác sĩ Nguyễn Thanh Xuân