Nhịp tim chậm là tình trạng nhịp tim chậm hơn bình thường. Số lần tim bạn đập trong 1 phút gọi là nhịp tim. Nhịp tim bình thường của người lớn lúc nghỉ ngơi dao động từ 60 đến 100 lần trong 1 phút. Nếu bạn bị nhịp tim chậm, nhịp tim của bạn sẽ ít hơn 60 lần trong 1 phút.
Tình trạng này có thể nghiêm trọng nếu tim không bơm đủ máu giàu oxy nuôi cơ thể. Tuy nhiên, đối với 1 số người nhịp tim chậm không gây ra triệu chứng hay biến chứng gì. Đặt máy tạo nhịp có thể giúp điều chỉnh nhịp tim của bạn trở về bình thường.
Hiểu về nhịp tim của bạn
Bạn có thể tự đo nhịp tim của mình bằng việc bắt mạch. Để đánh giá chính xác nhịp tim chậm, bạn phải bắt mạch lúc đang nghỉ ngơi. Nghĩa là bạn phải tránh không được bắt mạch sau khi vận động hoặc thức dậy.
Đầu tiên, bạn hãy tìm cho mình 1 vị trí ngồi sao cho thư giãn và thoải mái nhất. Tiếp theo, tìm vị trí mạch nảy lên ở cạnh ngoài cổ tay (động mạch quay). Sau đó, đếm số lần mạch nảy lên trong 1 phút khi bạn đang nghỉ ngơi.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Tim mạch, tải ngay ứng dụng YouMed.
Các vị trí khác bạn có thể đo nhịp tim gồm:
- Vùng cổ (động mạch cảnh);
- Vùng bẹn (động mạch đùi);
- Bàn chân (động mạch chày sau hoặc động mạch mu bàn chân).
Sau đây là nhịp tim bình thường bạn cần nhớ:
Người lớn | Khi nghỉ ngơi từ 60 đến 100 lần trong 1 phút |
Vận động viên hoặc người đang dùng các thuốc đặc biệt | Có thể có nhịp tim lúc nghỉ thấp hơn |
Trẻ em từ 1 đến 6 tuổi | 75 đến 120 lần trong 1 phút |
Trẻ em từ 6 đến 12 tuổi | 70 đến 110 lần trong 1 phút |
Sơ sinh từ 0 đến 2 tháng | 100 đến 180 lần trong 1 phút |
Trẻ nhỏ từ 2 đến 12 tháng | 80 đến 150 lần trong 1 phút |
Nhịp tim chậm ở trẻ em, đặc biệt ở trẻ sơ sinh là một tình trạng cấp cứu.
Triệu chứng của nhịp tim chậm
Nếu nhịp tim của bạn chậm hơn bình thường, não và các cơ quan khác không nhận đủ oxy có thể gây ra các triệu chứng sau:
- Hoa mắt;
- Mất ý thức;
- Đau ngực;
- Lú lẫn;
- Ngất xỉu hoặc bất tỉnh;
- Khó thở;
- Cảm giác kiệt sức hoặc yếu đi;
- Đau cánh tay;
- Đau hàm;
- Thay đổi thị giác;
- Đau đầu nặng;
- Đau bụng;
- Mất định hướng;
- Da niêm xanh xao nhợt nhạt.
Nhịp tim bình thưg khi nghỉ ngơi ít hơn 60 lần trong 1 phút là bình thường đối với một số người, đặc biệt là người lớn trẻ khỏe và các vận động viên. Đối với họ, nhịp tim chậm không được xem là một vấn đề sức khỏe.
Nguyên nhân gây chậm nhịp
Nhịp tim chậm có thể do:
- Tổn thương tim liên quan đến lão hóa;
- Tổn thương tim do bệnh tim hoặc nhồi máu cơ tim;
- Các rối loạn của tim lúc sinh (bệnh tim bẩm sinh);
- Nhiễm trùng của tim (viêm cơ tim);
- Biến chứng của phẫu thuật tim;
- Tuyến giáp suy giảm hoạt động (suy giáp);
- Mất cân bằng các chất hóa học trong máu, như kali hoặc canxi;
- Khó thở tắc nghẽn khi ngủ;
- Các bệnh lí viêm, như sốt thấp khớp hoặc lupus ban đỏ hệ thống;
- Thuốc, gồm các thuốc điều trị rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp và loạn thần.
Cơ chế làm chậm nhịp tim
1. Hệ thống dẫn điện của tim
Tim của bạn có 4 ngăn gồm 2 tâm nhĩ ở trên và 2 tâm thất ở dưới. Bộ tạo nhịp tự nhiên của tim gọi là nút xoang. Nút này nằm ở tâm nhĩ bên phải. Bình thường nó sẽ tạo ra xung động điện để giúp kiểm soát nhịp tim của bạn.
Các xung động điện này đi qua 2 tâm nhĩ, làm chúng co lại và bơm máu qua tâm thất. Sau đó các xung động này tiếp tục truyền đến 1 đám các tế bào gọi là nút nhĩ thất.
Nút nhĩ thất truyền tín hiệu đến tập hợp các tế bào gọi là bó His. Các tế bào này tiếp tục truyền tín hiệu xuống nhánh trái và phải tương ứng với 2 tâm thất trái và phải, làm cho 2 tâm thất co và bơm máu đi. Tâm thất phải bơm máu nghèo ôxy lên phổi. Tâm thất trái bơm máu giàu ôxy đi nuôi cơ thể.
Nhịp tim chậm xảy ra khi các tín hiệu điện của tim bị chậm lại hoặc bị tắc nghẽn (Block).
2. Vấn đề của nút xoang (Bộ tạo nhịp tự nhiên của tim)
Nhịp tim chậm thường bắt đầu tại nút xoang. Tình trạng này xảy ra do nút xoang:
- Phóng ra các xung động điện chậm hơn bình thường
- Tạm ngưng hoặc thất bại trong việc phóng điện ở nhịp bình thường
- Phóng ra các xung động điện nhưng bị tắc nghẽn (Block) lại trước khi làm tâm nhĩ co.
Ở một số người, các vấn đề ở nút xoang có thể gây nên nhịp tim chậm và nhanh luân phiên nhau. Tình trạng này gọi là hội chứng tim nhanh-chậm (bradycardia-tachycardia syndrome)
3. Tắc nghẽn tim (Block nhĩ thất)
Nhịp tim chậm có thể xảy ra do tín hiệu điện từ tâm nhĩ không truyền xuống tâm thất được.
Block nhĩ thất được phân loại dựa vào mức độ tín hiệu điện từ tâm nhĩ đến được tâm thất. Block nhĩ thất được chia làm 3 độ:
- Độ 1: Dạng nhẹ nhất. Tất cả tín hiệu điện từ tâm nhĩ vẫn đến được tâm thất nhưng với tốc độ chậm. Block nhĩ thất độ 1 hiếu khi gây nên triệu chứng gì. Việc điều trị không cần thiết nếu không có bất thường gì khác trong dẫn truyền tín hiệu của tim.
- Độ 2: Chỉ 1 số tín hiệu điện từ tâm nhĩ truyền được đến tâm thất. Vài nhịp bị “rớt” mất, dẫn đến nhịp tim chậm hơn và đôi khi không đều.
- Độ 3 (tắc nghẽn hoàn toàn): Không có bất kì tín hiệu điện nào từ tâm nhĩ truyền đến tâm thất. Khi điều này xảy ra, nút xoang sẽ đảm nhận việc tạo nhịp nhưng sẽ chậm hơn nhiều và đôi khi không kiểm soát được nhịp của tâm thất.
4. Rối loạn chuyển hóa
Một số rối loạn về chuyển hóa có thể làm nhịp tim chậm. Một trong những rối loạn thường gặp nhất là suy giáp (suy chức năng tuyến giáp). Với tình trạng này, tuyến giáp của bạn không sản xuất ra đủ nội tiết tố (hormone). Nội tiết tố tuyến giáp giúp điều hòa hoạt động của tế bào cơ tim. Do đó nhịp tim sẽ chậm lại khi không đủ nội tiết tố tuyến giáp. Suy giáp xảy ra ở 4 đến 10% dân số.
5. Bệnh lí tim mạch
Ảnh hưởng tim do suy tim sung huyết, bệnh động mạch vành, nhồi máu cơ tim, và các vấn đề tim khác có thể ảnh hưởng đến hệ thống dẫn điện của tim, làm tim bơm máu chậm hơn và kém hiệu quả hơn.
6. Thuốc tim mạch
Thuốc ức chế Bêta (Beta-blocker) được dùng điều trị nhịp tim nhanh có thể làm nhịp tim chậm.
Nếu bạn dùng loại thuốc mới và có triệu chứng của nhịp tim chậm, bạn nên đến gặp bác sĩ ngay nhé.
7. Thiếu oxy
Khi cơ thể bạn thiếu oxy, nó có thể làm chậm nhịp tim của bạn. Thiếu oxy là 1 tình trạng cấp cứu, có thể xảy ra khi bạn bị nghẹt thở hoặc lên cơn suyễn nặng. Các bệnh lí mạn tính như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có thể gây thiếu oxy.
Khi việc thiếu ôxy làm nhịp tim chậm, cần thiết phải điều trị nguyên nhân gây thiếu oxy.
Biến chứng của nhịp tim chậm
- Các cơn ngất xỉu thường xuyên;
- Tim không còn khả năng bơm đủ máu nuôi cơ thể (Suy tim);
- Ngưng tim đột ngột hoặc đột tử.
Phương pháp chẩn đoán bệnh
Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng, tiền sử bệnh của bạn và gia đình, sau đó thăm khám cẩn thận. Bác sĩ sẽ cho bạn làm 1 số test để kiểm tra nhịp tim và tìm nguyên nhân.
1. Điện tâm đồ (Điện tim)
Điện tâm đồ là công cụ chính để đánh giá nhịp tim chậm. Sử dụng điện cực gắn lên ngực và tay giúp ghi nhận tín hiệu điện đi qua tim của bạn.
Thiết bị đo điện tâm đồ di động ở nhà
Nếu nhịp tim chậm không xảy ra lúc đo điện tim, bạn sẽ được sử dụng thiết bị đo điện tâm đồ di động ở nhà bao gồm:
- Máy Holter: Thiết bị này bạn có thể bỏ vào túi, đeo trước bụng hoặc đeo trên vai. Nó giúp theo dõi hoạt động tim của bạn liên tục từ 24 đến 48 giờ. Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn ghi chú lại thời điểm xảy ra triệu chứng trong suốt lúc đeo.
- Máy ghi nhận triệu chứng (Event Recorder): Thiết bị này theo dõi hoạt động của tim bạn trong vài tuần. Bạn sẽ nhấn nút kích hoạt nó khi bạn cảm thấy có triệu chứng. Như vậy máy sẽ ghi nhận lại hoạt động tim lúc có triệu chứng.
Nghiệm pháp
Các test này bao gồm:
- Nghiệm pháp bàn nghiêng: Bạn sẽ nằm ngửa và được cố định trên 1 chiếc bàn đặc biệt. Sau đó chiếc bàn sẽ được từ từ dựng lên ở các vị trí khác nhau cho đến khi thẳng đứng. Bác sĩ sẽ xem bạn có bị ngất khi thay đổi tư thế hay không.
- Nghiệm pháp gắng sức: Bác sĩ sẽ ghi nhận nhịp tim của bạn khi bạn đang đi bộ hoặc đạp xe trên máy. Nghiệm pháp đánh giá nhịp tim bạn có tăng để đáp ứng phù hợp với hoạt động thể chất không.
2. Xét nghiệm khác
Bác sĩ sẽ cho bạn thực hiện xét nghiệm máu. Xét nghiệm này giúp tầm soát các tình trạng gây nhịp tim chậm như nhiễm trùng, suy giáp và rối loạn điện giải.
Nếu bác sĩ nghi ngờ tình trạng khó thở khi ngủ gây nên nhịp tim chậm, bạn sẽ được thực hiện các xét nghiệm và nghiệm pháp để theo dõi giấc ngủ của bạn.
Phương pháp điều trị nhịp tim chậm
Việc điều trị tùy thuộc vào độ nặng của triệu chứng, nguyên nhân và loại rối loạn hệ thống dẫn điện của tim. Nếu bạn không có triệu chứng gì, điều trị có thể không cần thiết.
1. Điều trị bệnh lí nền
Nếu các rối loạn như suy giáp hoặc khó thở tắc nghẽn khi ngủ gây nên nhịp tim chậm, điều trị các bệnh lí này có thể cải thiện nhịp tim.
2. Thay đổi thuốc
Một số loại thuốc, bao gồm cả thuốc tim mạch, có thể gây nhịp tim chậm.
Bác sĩ sẽ kiểm tra thuốc bạn đang dùng. Thay thế thuốc khác hoặc giảm liều thuốc có thể cải thiện nhịp tim của bạn.
3. Máy tạo nhịp nhân tạo
Thiết bị chạy bằng pin này có kích thước vừa bằng chiếc điện thoại di động. Nó được cấy phía dưới xương đòn. Các dây nối của thiết bị được luồn qua tĩnh mạch đi vào trong tim. Điện cực ở cuối dây nối được gắn vào mô tim. Máy tạo nhịp theo dõi nhịp tim và tạo ra xung động điện khi cần thiết để duy trì nhịp tim thích hợp.
Nhịp tim chậm là tình trạng nhịp tim chậm hơn bình thường. Nhịp tim bình thường dao động tùy theo độ tuổi. Tình trạng này có thể nghiêm trọng nếu tim không bơm đủ máu giàu ôxy nuôi cơ thể. Tuy nhiên, đối với 1 số người nhịp tim chậm không gây ra triệu chứng hay biến chứng gì. Đặt máy tạo nhịp có thể giúp điều chỉnh nhịp tim của bạn trở về bình thường. Nếu bạn bị nhịp tim chậm và có triệu chứng, hoặc còn thắc mắc lo lắng gì, đừng ngại liên hệ ngay với bác sĩ của bạn nhé.