Nhịp nhanh thất: Rối loạn nhịp tim bạn không thể chủ quan!

Nhịp nhanh thất là một trong những nguyên do hàng đầu dẫn đến đột tử, mặc dù bệnh nhân có thể không cảm nhận được bất kỳ triệu chứng gì. Chính vì vậy, hiểu rõ những thông tin cần thiết sẽ giúp bạn nhận biết, theo dõi và điều trị sớm rối loạn nhịp nguy hiểm này.

1. Hệ thống dẫn truyền trong tim

Bình thường, máu trong tim sẽ lưu thông từ nhĩ xuống thất. Quá trình dẫn truyền được tự động hóa nhờ nút xoang, nút nhĩ thất, bó His và hệ thống Purkinje.

Nút xoang đóng vai trò “chủ nhịp”, phát ra xung điện. Các xung động này sẽ được dẫn truyền đến các tâm nhĩ rồi tới tâm thất. Nhờ đó, buồng tim co bóp nhịp nhàng. Nếu xung động không xuất phát từ nút xoang, nhịp tim sẽ trở nên rối loạn.

Hệ thống dẫn truyền trong tim

Hệ thống dẫn truyền trong tim

2. Nhịp nhanh thất là gì?

Cơn nhịp nhanh thất là cơn tim nhanh khi có ít nhất 3 nhát ngoại tâm thu thất đi liền nhau với tần số tim trên 100 lần/phút. Ngoại tâm thu thất xuất hiện khi xung động bất thường của tim bắt nguồn từ tâm thất.

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Tim mạch, tải ngay ứng dụng YouMed.

>> Tim đập quá chậm cũng là một vấn đề không thể xem thường. Đừng bỏ qua bài viết: Mách bạn cách phòng ngừa nhịp tim chậm.

Xung động phát sinh từ tâm thất là nguồn gốc của nhịp nhanh thất

Xung động phát sinh từ tâm thất là nguồn gốc của nhịp nhanh thất

3. Các bệnh lý gây ra nhịp nhanh thất

Nhịp nhanh thất khởi phát do các vòng vào lại xung quanh vùng sẹo và cơ tim bị tổn thương. Tất cả các nguyên nhân gây suy giảm chức năng thất trái đều có thể gây ra cơn nhịp nhanh thất. Các bệnh lý sau đây gây rối loạn hoạt động điện ở cơ tâm thất:

  • Thiếu máu cơ tim.
  • Suy tim.
  • Bệnh tim bẩm sinh.
  • Rối loạn thần kinh tự chủ.
  • Rối loạn nhịp thất nguyên phát.
  • Hội chứng đột tử sơ sinh.
  • Bệnh cơ tim:
    • Loạn sản thất phải.
    • Bệnh cơ tim dãn.
    • Bệnh cơ tim phì đại.
  • Khác: rối loạn điện giải, ngộ độc.

4. Triệu chứng của nhịp nhanh thất

Tâm thất chịu trách nhiệm chính là bơm máu đi khắp cơ thể. Vì vậy, rối loạn nhịp thất thường gây nên triệu chứng nhiều hơn so với các rối loạn nhịp khác.

Biểu hiện lâm sàng rất khác nhau ở bệnh nhân có cơn nhịp nhanh thất. Nó tuỳ thuộc vào hoàn cảnh lâm sàng, tần số thất, sự có mặt của các bệnh tim thực tổn kèm theo.

Một số bệnh nhân có thể không thấy có triệu chứng gì đặc biệt. Trái lại, vài bệnh nhân khác có thể biểu hiện ngay bằng các triệu chứng sau:

  • Hồi hộp, đánh trống ngực: cảm nhận được trái tim đập nhanh hơn hoặc nhiều hơn và mạnh hơn bình thường.
  • Tức ngực, đau ngực hoặc có cảm giác đè nén ở ngực.
  • Hoa mắt, chóng mặt, đầu lâng lâng.
  • Khó thở.
  • Ngất xỉu, thậm chí ngừng tim, đột tử.

Bệnh nhân có thể bị khó thở

Bệnh nhân có thể bị khó thở

5. Chẩn đoán

5.1. Khám lâm sàng

  • Tỉnh táo hoặc hôn mê tuỳ trường hợp rối loạn nhịp tim.
  • Nghe tim: nhịp tim rất nhanh, đều hoặc không đều. Có khi không nghe thấy tim đập.
  • Sờ mạch: nhanh, nhỏ. Đôi khi không sờ thấy mạch đập.
  • Huyết áp tụt hoặc không đo được.

5.2. Cận lâm sàng

  • Điện tim: phương tiện cơ bản trong chẩn đoán nhịp nhanh thất.

Bên cạnh đó, nếu điện tim một thời điểm không giúp phát hiện thì Holter điện tim 24 giờ sẽ có ích trong việc bắt được cơn nhanh thất bất kỳ xuất hiện trong ngày.

  • Xét nghiệm máu: theo dõi chỉ số điện giải như calci, kali, magie.
  • Chụp X-quang ngực để phát hiện các bất thường ở tim hoặc phổi.
  • Siêu âm tim cho hình ảnh rõ ràng của cơ tim, van tim và giúp đánh giá chức năng tim.
  • Thăm dò điện sinh lý tim nhằm kiểm tra hoạt động của hệ thống điện tim một cách chi tiết.
  • Chụp mạch vành để phát hiện chỗ hẹp hoặc tắc nghẽn.

6. Nhịp nhanh thất nguy hiểm như thế nào?

Nếu không được điều trị, nhịp nhanh thất có thể gây ra những biến chứng sau:

  • Suy tim.
  • Ngất xỉu thường xuyên.
  • Cuồng thất, rung thất: tâm thất hoạt động hỗn loạn hoàn toàn. Khi đó, tim không thể bóp máu đi, hệ thống mạch máu nuôi tim cũng không được cấp máu. Bệnh nhân thường kèm theo thiếu máu cơ tim nặng. Cái chết xảy ra trong 4 phút nếu không cấp cứu kịp. Rung thất chính là nguyên nhân hàng đầu gây ngừng tim đột ngột.

7. Phương pháp điều trị nhịp nhanh thất

7.1. Nguyên tắc điều trị

Trước tiên, cần phải xác định:

  • Nguyên nhân gây rối loạn nhịp.
  • Cơ chế rối loạn nhịp.
  • Yếu tố khởi phát.
  • Biến chứng có thể có của rối loạn nhịp.
  • Cân nhắc hiệu quả cũng như tác dụng phụ của phương pháp điều trị.

7.2. Các phương pháp điều trị

  • Chuyển nhịp bằng sốc điện hay thuốc. Sốc điện được ưu tiên nếu tình trạng huyết động của bệnh nhân không ổn định.

Sốc điện giúp chuyển một cơn nhịp nhanh thất cấp cứu thành nhịp bình thường

Sốc điện giúp chuyển một cơn nhịp nhanh thất cấp cứu thành nhịp bình thường
  • Ngừng ngay tất cả những thuốc nghi là nguyên nhân gây rối loạn nhịp.
  • Điều trị duy trì bằng thuốc.
  • Cấy máy tạo nhịp và cấy máy phá rung.
  • Cắt đốt bằng năng lượng sóng có tần số Radio.
  • Phẫu thuật: lựa chọn cho bệnh nhân không khống chế được bằng thuốc duy trì và có các ổ sẹo tổn thương sau nhồi máu gây loạn nhịp. Thăm dò điện sinh lý sẽ xác định vùng sẹo cơ tâm thất. Nhờ đó, bác sĩ phẫu thật sẽ cắt bỏ nội mạc vùng sẹo ấy đi.

Cơn nhịp nhanh thất là một rối loạn nhịp tim nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng người bệnh. Tuy nhiên, với sự tiến bộ của y học, hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị nhịp nhanh thất, giúp làm giảm triệu chứng và duy trì sức khỏe tim mạch.

Bác sĩ Trần Hoàng Nhật Linh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *