Viêm tĩnh mạch huyết khối: Mối hiểm họa bất ngờ

Hệ tim mạch bao gồm trái tim và các mạch máu. Có ba loại mạch máu là: động mạch, tĩnh mạch và mao mạch. Tĩnh mạch vận chuyển máu từ các cơ quan và tay chân trở về tim. Có rất nhiều bệnh lý ảnh hưởng tới hệ tĩnh mạch. Trong bài viết này chúng ta cùng tìm hiểu về viêm tĩnh mạch huyết khối. Đây là bệnh lý có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nề nếu không được điều trị kịp thời.

1. Viêm tĩnh mạch huyết khối là gì?

Viêm là phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với các kích thích có hại. Tác nhân kích thích viêm có thể là mầm bệnh, tế bào bị tổn thương, hoặc chất gây kích ứng.

Viêm tĩnh mạch huyết khối là tình trạng tĩnh mạch bị viêm và hình thành các cục máu đông.

Quá trình hình thành cục máu đông phụ thuộc vào ba yếu tố:

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Tim mạch, tải ngay ứng dụng YouMed.

  • Tình trạng đông máu.
  • Tốc độ dòng máu chảy qua mạch máu.
  • Tình trạng nguyên vẹn của thành mạch.

Xơ vữa mạch máu làm tăng nguy cơ huyết khối

Xơ vữa mạch máu làm tăng nguy cơ huyết khối
  • Khi viêm tĩnh mạch huyết khối xảy ra, sự lưu thông máu ở khu vực đó trở nên chậm lại. Ngoài ra viêm cũng làm tổn thương nội mạc mạch máu. Điều này tạo điều kiện hình thành những khối máu đông trong tĩnh mạch.
  • Tĩnh mạch chân bị ảnh hưởng nhiều hơn so với tĩnh mạch cánh tay hoặc cơ quan khác. Nguyên nhân do trọng lực và hệ thống van trong tĩnh mạch chân làm tốc độ máu chảy chậm hơn.

Có 2 dạng viêm tĩnh mạch:

  • Viêm tĩnh mạch nông là tình trạng viêm tĩnh mạch gần bề mặt da. Đây là loại viêm tĩnh mạch thường không nghiêm trọng.
  • Viêm tĩnh mạch sâu là tình trạng viêm tĩnh mạch sâu hơn và lan rộng hơn. Viêm tĩnh mạch sâu có thể tạo cục máu đông với nhiều biến chứng. Gây hậu quả rất nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng.

Khi cục máu đông xuất hiện trong tĩnh mạch sâu gọi là viêm tĩnh mạch huyết khối sâu hoặc huyết khối tĩnh mạch sâu.

Huyết khối tĩnh mạch

Huyết khối tĩnh mạch

2. Tại sao bị viêm huyết khối tĩnh mạch sâu?

Các tác nhân ảnh hưởng tới ba yếu tố tạo thành huyết khối là yếu tố nguy cơ gây bệnh:

  • Ứ trệ dòng máu do:

Nằm bất động lâu ngày hoặc bị liệt;

Suy van tĩnh mạch hoặc giãn tĩnh mạch;

Tắc ngẽn tĩnh mạch do U, thai kì, hoặc béo phì;

Bệnh nhân có suy tim.

  • Tình trạng tăng đông máu do:

Ung thư;

Thai kì;

Viêm ruột;

Tình trạng nhiễm trùng;

Dùng các thuốc có chứa Estrogen: thuốc tránh thai, hormone thay thế…

Mắc các bệnh lý rối loạn đông máu.

  • Tổn thương nội mạc mạch máu:

Chấn thương hoặc phẫu thuật;

Viêm tĩnh mạch. Tiêm thuốc vào tĩnh mạch không đảm bảo vô trùng cũng có thể gây viêm tĩnh mạch;

Đặt Catheter tĩnh mạch;

Tổn thương van tĩnh mạch.

  • Ngoài ra còn có các yếu tố nguy cơ gây bệnh khác như:

Có tiền sử gia đình mắc chứng rối loạn đông máu;

Đã có những đợt trước của bệnh huyết khối;

Bị đột quỵ;

Lớn hơn 60 tuổi;

Thừa cân hoặc béo phì;

Hút thuốc lá;

Lạm dụng rượu.

Béo phì cũng là nguy cơ tạo huyết khối

Béo phì cũng là nguy cơ tạo huyết khối

3. Viêm tĩnh mạch huyết khối có nguy hiểm không?

Biến chứng từ huyết khối tĩnh mạch nông là rất hiếm. Viêm huyết khối tĩnh mạch sâu có thể gây các biến chứng nguy hiểm. Các biến chứng có thể bao gồm:

  • Thuyên tắc phổi. Huyết khối tại tĩnh mạch có thể bong ra và di chuyển về tim phải. Cục máu đông được tim bóp lên phổi có thể làm tắc động mạch phổi. Đây là tình trạn cấp cứu có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
  • Hội chứng sau huyết khối. Có tới hơn 2/3 người bị huyết khối tĩnh mạch sâu sẽ bị hội chứng hậu huyết khối. Đây là biến chứng mạn tính phổ biến nhất của huyết khối tĩnh mạch sâu. Do tổn thương lâu dài của hệ thống tĩnh mạch và van làm lan sang các tĩnh mạch khác. Biểu hiện thường là phù, loét, giãn tĩnh mạch, và đau dọc theo đường đi của tĩnh mạch sâu.
  • Viêm mô tế bào. Viêm tĩnh mạch có thể dẫn đến nhiễm trùng da xung quanh. Thậm chí thông qua vết thương trên da có thể bị nhiễm trùng máu.

4. Triệu chứng của viêm tĩnh mạch huyết khối như thế nào?

Các triệu chứng viêm tĩnh mạch thường ảnh hưởng đến tay hoặc chân bị bệnh, bao gồm:

  • Tấy đỏ.
  • Sưng phù.
  • Tay hoặc chân nóng.
  • Có các vệt màu đỏ trên tay hoặc chân.
  • Nhạy cảm với cơn đau.
  • Loét trên da tại vùng tổn thương.
  • Đau bắp tay, bắp chân, tăng khi vận động và giảm khi đi lại.

viem-tinh-mach-huyet-khoi-moi-hiem-hoa-bat-ngo

Biểu hiện của viêm tinh mạch huyết khối

Ngoài ra chúng ta cũng phải nắm rõ các biểu hiện của biến chứng thuyên tắc phổi. Điều này góp phần giúp bệnh nhân được cấp cứu kịp thời. Các triệu chứng của thuyên tắc phổi là:

  • Khó thở không rõ nguyên nhân
  • Đau ngực , tăng khi hít thở sâu
  • Ho ra máu
  • Thở nhanh
  • Cảm thấy choáng váng hoặc mệt mỏi
  • Nhịp tim nhanh

Đôi khi bệnh nhân có thể đột ngột bị thuyên tắc phổi mà không có triệu chứng của huyết khối tĩnh mạch sâu trước đó.

5. Chẩn đoán viêm huyết khối tĩnh mạch sâu như thế nào?

Để chẩn đoán cần kết hợp tình trạng bệnh nhân, tiền sử bệnh lý và các xét nghiệm. Tùy tình trạng lâm sàng mà bác sĩ sẽ cho các xét nghiệm phù hợp:

  • Siêu âm mạch máu: Siêu âm giúp đánh giá dòng máu chảy trong tĩnh mạch, tình trạng thành mạch và tìm cục máu đông. Xét nghiệm này có thể xác nhận chẩn đoán và phân biệt giữa huyết khối tĩnh mạch nông và sâu.
  • Chụp CT scan hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) để kiểm tra sự hiện diện của cục máu đông. Xét nghiệm này là tiêu chuẩn chẩn đoán biến chứng thuyên tắc phổi.
  • Xét nghiệm máu: Đánh giá nồng độ D-dimer (là chất được phóng thích trong cơ thể khi cục máu đông tan). Ngoài ra còn có thể phát hiện các bệnh lý rối loạn đông máu.

6. Điều trị viêm tĩnh mạch huyết khối như thế nào?

Viêm tĩnh mạch nông thường có tiên lượng tốt và điều trị đơn giản:

  • Nếu tiến triển của bệnh chỉ ở tại chườm ấm và nâng chân cao khi nằm thường có hiệu quả.
  • Nếu tổn thương lan rộng có thể sẽ cần phải thắt hoặc cắt bỏ đoạn tĩnh mạch bị viêm.
  • Thuốc kháng viêm và mang vớ áp lực cũng được chỉ định nếu triệu chứng khó kiểm soát.

Đối với viêm tĩnh mạch sâu cần chú ý nguy cơ xảy ra biến chứng thuyên tắc phổi. Ngoài các biện pháp giống viêm tĩnh mạch nông còn có:

  • Thuốc chống đông. Giúp ngăn ngừa sự hình thành cục máu đông. Điều trị thuốc chống đông cần theo dõi sát và tuân thủ chặt chẽ do có nguy cơ chảy máu.
  • Thuốc làm tan cục máu đông (thuốc tiêu sợi huyết). Giúp làm tan cục máu đông đang làm tắc tĩnh mạch. Thuốc này có chỉ định nghiêm ngặt và nhiều biến chứng nguy hiểm.
  • Loại bỏ cục máu đông: bằng phẫu thuật chèn một dây và ống thông vào tĩnh mạch bị ảnh hưởng.
  • Đặt màng lọc vào mạch máu có huyết khối tĩnh mạch sâu và có nguy cơ thuyên tắc phổi. Phương pháp này thường được chỉ định khi không thể dùng thuốc làm loãng máu. Thủ thuật này giúp ngăn chặn cục máu đông di chuyển đến phổi.

viem-tinh-mach-huyet-khoi-moi-hiem-hoa-bat-ngo

Mang vớ áp lực để điều trị

7. Phòng ngừa viêm tĩnh mạch huyết khối như thế nào?

  • Thông báo về các yếu tố nguy cơ với bác sĩ, đặc biệt là trước khi phẫu thuật.
  • Tập đi bộ càng sớm càng tốt sau khi phẫu thuật.
  • Mang vớ tĩnh mạch khi có dãn tĩnh mạch.
  • Duỗi chân và uống nhiều nước khi đi du lịch.
  • Dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, có thể bao gồm thuốc làm loãng máu.
  • Tránh làm việc lâu ở một tư thế

Viêm tĩnh mạch huyết khối là bệnh lý nguy hiểm với biến chứng phức tạp. Tuy nhiên bệnh có khả năng điều trị và dự phòng tốt nếu được chẩn đoán kịp thời. Nếu bị dãn tính mạch hoặc đã có tiền căn huyết khối, cần tập thói quen sinh hoạt chặt chẽ vì nguy cơ tạo thành huyết khối cao. Tuân thủ điều trị và xây dựng lối sông lành mạnh là chìa khóa để kiểm soát viêm tĩnh mạch huyết khối.

Xem thêm: Giãn tĩnh mạch thừng tinh: Nguyên nhân, cách nhận biết và điều trị

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *