Tim đập nhanh khi mang thai là một trong những rối loạn thường gặp ở thai phụ. Đôi khi, triệu chứng này biểu hiện rất rõ tạo nên cảm giác hồi hộp, đánh trống ngực. Vậy liệu rằng nó có phải là bất thường hay không? Có phải là biểu hiện của một bệnh lý tim mạch nào đó hay không? Hãy cùng đi tìm câu trả lời qua bài viết sau của bác sĩ Nguyễn Lâm Giang.
1. Tim đập nhanh khi mang thai là triệu chứng như thế nào?
Tim đập nhanh khi mang thai là nhịp tim tăng nhiều hơn so với mức nhịp tim trung bình trước khi có thai. Bình thường, nhịp tim của phụ nữ trưởng thành nằm trong khoảng 60 đến 100 lần/phút. Một thai phụ có thể thấy tim mình đập nhanh hơn khi mang thai. Tuy nhiên, nếu nó nằm trong khoảng trung bình ở người trưởng thành thì điều đó là hoàn toàn bình thường.
Chẳng hạn như: Một người phụ nữ có nhịp tim trung bình trước khi mang thai là 70 đến 80 lần/phút. Khi mang thai, nhịp tim có thể tăng lên 90 đến 100 lần/phút. Điều đó là hoàn toàn vô hại mà không phản ánh bất kỳ bệnh lý nào.1
Tim đập nhanh khi mang thai có thể làm cho thai phụ cảm thấy:2
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Chăm sóc tim mạch, tải ngay ứng dụng YouMed.
- Hồi hộp, đánh trống ngực.
- Có cảm giác hụt hẫng như bỏ qua nhịp đập.
- Cảm giác thở gấp hơn, khó thở hơn đôi chút.
- Đôi khi cảm thấy khó chịu.
2. Nguyên nhân của hiện tượng tim đập nhanh khi mang thai
Tim đập nhanh khi mang thai sinh lý là do cơ thể mẹ bầu phải thích nghi với sự có mặt của em bé trong bụng. Đồng thời, tim phải làm việc nhiều hơn khi thai nhi dần lớn lên. Mục đích là để có đủ lượng máu vừa nuôi dưỡng cơ thể người mẹ, vừa nuôi thai nhi.
Chính vì vậy, trong lúc mang thai, tim của thai phụ sẽ làm việc nhiều hơn. Cụ thể là sẽ tăng số nhịp tim trong 1 phút (tăng tần số). Đồng thời tăng lượng máu mà tim bơm ra trong mỗi nhịp đập (tăng cung lượng tim).
Khi người mẹ mang thai trên 20 tuần, lượng máu qua tim thậm chí có thể tăng đến 1,5 lần bình thường. Điều đó tương đương mỗi ngày tim phải làm việc thêm để bơm từ 2.000 đến 3.000 lít máu tăng lên. Song song với hiện tượng sinh lý ấy, tim đập nhanh khi mang thai là hoàn toàn phù hợp và vô hại.
Một số nguyên nhân khác làm cho tim đập nhanh khi mang thai bao gồm:2
- Sự lo lắng: Mẹ bầu lo lắng về thai nhi trong bụng, về quá trình chuyển dạ.
- Tăng kích thước tử cung: Làm cho máu lưu thông đến tử cung nhiều hơn. Vì vậy, tim phải đập nhanh hơn.
- Chuẩn bị cho con bú: Tuyến vú bắt đầu hoạt động để thực hiện chức năng tiết sữa. Các mô vú mở rộng làm cho máu lưu thông đến đây nhiều hơn.
- Nồng độ hormone thay đổi: Hormone Estrogen tăng đã làm tăng nhịp tim.
- Bệnh tuyến giáp đi kèm.
- Tổn thương tim từ những lần mang thai trước.
- Bệnh mạch vành.
- Uống cà phê hoặc các thức uống có chất kích thích khi mang thai.
3. Những con số thống kê
Theo Tổ chức Y tế thế giới thống kê, mỗi năm có gần 500.000 phụ nữ tử vong do các biến chứng có liên quan đến thai nghén. Trong đó, tim mạch là một nguyên nhân khá phổ biến. Trong các nguyên nhân tim mạch, thường gặp nhất là tăng huyết áp (12%).
Các bệnh tim mạch bao gồm những gì? Tìm hiểu trong bài viết: Bệnh tim mạch: Liệu bạn đã thật sự hiểu và biết về nó chưa?
Ở nước ta, bệnh lý tim mạch mà phụ nữ có thai thường mắc là các bệnh van tim. Một số khác có thể mắc bệnh tim bẩm sinh tiềm ẩn chưa được phát hiện. Khi ấy, việc có thai trở thành một gánh nặng. Đồng thời, nó cũng là một yếu tố kích thích bệnh tim mạch nặng hơn.
Theo thống kê chung ở Việt Nam: Khoảng 20% phụ nữ có cơn nhịp tim nhanh từ trước sẽ tái phát khi mang thai. Một số yếu tố làm nặng thêm tình trạng tim đập nhanh khi mang thai bao gồm:
- Bệnh van tim, bệnh cơ tim do di chứng thấp tim.
- Bệnh tim thiếu máu cục bộ.
- Tiền sử nhồi máu cơ tim.
- Tiền sử tiền sản giật, sản giật, tăng huyết áp do những lần mang thai trước.
4. Sự thay đổi của nhịp tim trong từng giai đoạn mang thai
Tùy theo từng giai đoạn của thai kỳ mà nhịp tim sẽ có những thay đổi nhất định.
Tam cá nguyệt thứ nhất
Trong tam cá nguyệt đầu tiên, nhịp tim của mẹ bầu có thể tăng từ 15 đến 20 lần/phút. Nguyên nhân chính là do hormone Estrogen tăng cao trong cơ thể dẫn đến tăng nhịp tim.
Tam cá nguyệt thứ hai
Vào giai đoạn này của thai kỳ, các mạch máu trong cơ thể bạn bắt đầu giãn ra hoặc to hơn. Điều này làm cho huyết áp của mẹ bầu giảm nhẹ.
Tam cá nguyệt thứ ba
Trong tam cá nguyệt sau cùng, khoảng 20% máu của cơ thể bạn sẽ chảy về tử cung. Vì vậy, tim phải bơm nhanh hơn để di chuyển lượng máu tăng lên này. Nhịp tim của thai phụ có thể tăng thêm 10 đến 20 nhịp mỗi phút.
5. Khi nào cần gặp bác sĩ?
Mẹ bầu nếu xuất hiện triệu chứng tim đập nhanh khi mang thai kèm các dấu hiệu sau đây thì cần đến gặp bác sĩ:2
- Tần suất tim đập nhanh xảy ra thường xuyên, ngày càng nặng hơn.
- Ho ra máu.
- Khó thở, khó nuốt.
- Mạch đập không đều (rối loạn nhịp tim).
- Khó thở khi gắng sức, khó thở phải ngồi hoặc khó thở cả khi nghỉ ngơi.
- Đau ngực.
- Nhịp tim quá nhanh (trên 120 lần/phút).
- Vã mồ hôi thường xuyên, sợ nóng, thích lạnh.
6. Điều trị tim đập nhanh khi mang thai như thế nào?
Nếu tim đập nhanh khi mang thai là hiện tượng sinh lý bình thường, mẹ bầu không cần phải điều trị. Tuy nhiên, nếu tim đập nhanh do bệnh lý thì vấn đề điều trị cần phải được quan tâm. Theo đó, các bác sĩ sẽ cân nhắc giữa điều trị cho người mẹ và rủi ro cho thai nhi.
Biện pháp dùng thuốc
Biện pháp sử dụng thuốc chuyên khoa tim mạch sẽ được các bác sĩ chỉ định nếu như tình trạng nhịp tim nhanh ở mức độ nặng. Tuy nhiên, các bác sĩ sẽ hạn chế chỉ định thuốc trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Bởi vì dùng thuốc trong giai đoạn này sẽ ảnh hưởng đến sự hình thành cơ quan nội tạng của thai nhi.3
Một số thuốc có thể được sử dụng để điều trị (mang tính chất tham khảo dành cho bạn đọc) như:
- Nhóm thuốc điều chỉnh rối loạn nhịp tim.
- Thuốc kháng giáp.
- Thuốc hạ áp an toàn cho phụ nữ có thai.
- Nhóm thuốc điều trị thiếu máu cục bộ cơ tim.
Biện pháp không dùng thuốc
Bác sĩ chuyên khoa cũng có thể sử dụng dòng điện để đưa nhịp tim trở về mức bình thường. Dĩ nhiên, phương pháp tim mạch can thiệp sẽ không được khuyến cáo trong thời gian mang thai. Chẳng hạn như:
- Phẫu thuật điều trị hẹp van tim.
- Cắt đốt ổ tạo nhịp ngoại vi.
- Van tim nhân tạo.
- Nong động mạch vành và đặt stent.
Những phương pháp tim mạch can thiệp này chỉ nên được thực hiện sau khi mẹ bầu đã sinh em bé và phải qua khỏi giai đoạn cho con bú. Ngoài ra, phương pháp xoa xoang cảnh và ấn nhãn cầu cũng giúp điều trị nhịp tim nhanh trong một số trường hợp.
7. Lối sống như thế nào để hạn chế bị nhịp tim nhanh trong thai kỳ?
Để hạn chế tình trạng tim đập nhanh khi mang thai, chị em phụ nữ nên thực hiện theo những khuyến nghị sau:1
- Không nên hút thuốc lá khi mang thai.
- Hạn chế tối đa rượu, bia, các thức uống có cồn.
- Không nên uống nhiều thức uống chứa caffein như: cà phê, trà, ca cao.
- Uống nhiều nước (từ 1,5 đến 2 lít nước mỗi ngày).
- Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày.
- Nghỉ ngơi đầy đủ, tránh thức khuya, tránh làm việc quá sức.
- Cố gắng giữ bình tĩnh trong mọi tình huống.
- Giữ tâm lý bình ổn bằng việc ngồi thiền, tập yoga, tập hít sâu, thở đều.
Hy vọng qua bài viết này, chị em phụ nữ sẽ có thêm kiến thức bổ ích về tim đập nhanh khi mang thai. Từ đó, các mẹ bầu sẽ biết cách ứng phó với tình trạng này cũng như đưa hướng xử trí, phòng bệnh hiệu quả để có một thai kỳ an toàn nhất.