Viêm động mạch Takayasu là một bệnh hiếm gặp trên thế giới. Diễn tiến của bệnh thường rất âm thầm trong một thời gian dài. Vậy nên chẩn đoán có thể đến muộn khi đã có biến chứng nặng nề. Vậy viêm động mạch Takayasu thực chất là gì? Làm sao để nhận biết và phòng tránh? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!
1. Thế nào là viêm động mạch Takayasu?
1.1 Định nghĩa viêm động mạch
Đầu tiên, cần biết rằng viêm là một phản ứng có tính tự vệ của cơ thể. Khi có một tác nhân lạ, vật lí, hóa học, vi sinh xâm nhập vào cơ thể, phản ứng viêm sẽ xảy ra. Cấu trúc của cơ quan nơi xảy ra viêm sẽ có nhiều biến đổi nhằm chống lại các tác nhân đó. Tuy nhiên, khi phản ứng viêm quá mạnh mẽ sẽ gây hại ngược lại lên cơ thể. Sự biến đổi trong cấu trúc nơi xảy ra viêm không thể hồi phục được. Dẫn đến chức năng của cơ quan ấy cũng suy giảm theo.
Viêm động mạch là một thuật ngữ chung để chỉ tình trạng viêm của động mạch. Trong cơ thể người, động mạch mang máu từ tim đi nuôi các phần còn lại của cơ thể.
>>> Xem thêm bài viết: Viêm tĩnh mạch huyết khối: Mối hiểm họa bất ngờ
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Tim mạch, tải ngay ứng dụng YouMed.
1.2 Vì sao gọi là viêm động mạch Takayasu?
Viêm động mạch của Takayasu được đặt theo tên của bác sĩ Mikoto Takayasu. Ông là người đầu tiên mô tả căn bệnh này vào năm 1908.
Đặc trưng của căn bệnh này là tình trạng viêm có hệ thống ở các động mạch lớn và vừa.
Các động mạch thường bị ảnh hưởng nhất là:
- Động mạch chủ và các nhánh của động mạch chủ (mạch máu chính rời khỏi tim). Bao gồm các mạch máu cung cấp máu cho cánh tay và não.
- Động mạch vành (chuyên cấp máu cho tim), hệ mạch cung cấp máu cho ruột, thân và 2 chân cũng có thể bị ảnh hưởng nhưng ít gặp hơn.
Như đã đề cập, tình trạng viêm quá mức sẽ làm thay đổi cấu trúc của động mạch. Khi viêm tiến triển cấp tính, lớp cơ thành mạch sẽ bị phá hủy. Thành mạch trở nên lỏng lẻo, gây tình trạng phình mạch (túi phình động mạch). Phình mạch nghiêm trọng có nguy cơ vỡ động mạch, mất máu nhiều đe dọa tính mạng của bệnh nhân.
Nếu tình trạng viêm kéo dài, thành động mạch dần dần bị xơ hóa. Sau đó chúng dày lên, mất tính đàn hồi khiến lòng mạch bị thu hẹp lại. Điều này gây cản trở lên sự lưu thông của dòng máu đi nuôi cơ thể. Các cơ quan không được cấp máu đầy đủ sẽ suy giảm chức năng. Trong trường hợp hẹp nặng gây tắc hoàn toàn động mạch, cơ quan tổn thương có thể bị hoại tử, suy giảm chức năng đột ngột đe dọa tính mạng.
2. Nguyên nhân nào dẫn đến viêm động mạch Takayasu?
Nguyên nhân cụ thể của viêm động mạch Takayasu đến nay vẫn còn là một điều bí ẩn.
Tình trạng này có khả năng là một bệnh tự miễn. Bình thường hệ thống miễn dịch của cơ thể người làm nhiệm vụ phát hiện, tấn công và tiêu diệt những yếu tố lạ, gây hại. Đối với căn bệnh này, hệ miễn dịch của bệnh nhân tấn công nhầm lên chính động mạch của cơ thể.
Dù chưa biết chính xác nguyên nhân gây bệnh, nhưng tình trạng nhiễm trùng đã được xác nhận là một yếu tố kích hoạt của căn bệnh này. Bệnh nhân có thể có tình trạng viêm động mạch tiến triển sau một đợt nhiễm siêu vi hay nhiễm trùng khác.
3. Ai là người dễ mắc viêm động mạch Takayasu?
Viêm động mạch Takayasu rất hiếm, thường thấy nhất ở Nhật Bản, Đông Nam Á, Ấn Độ và Mexico. Ngày nay các ca bệnh đã được báo cáo rải rác ở toàn thế giới và cả ở nam và nữ. Tuy nhiên, bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến các cô gái và phụ nữ dưới 40 tuổi.
>>> Có thể bạn quan tâm: Đau ngực: Triệu chứng tiềm ẩn nhiều bệnh lý nguy hiểm
4. Những triệu chứng thường gặp:
Các dấu hiệu của viêm động mạch Takayasu thường xảy ra trong hai giai đoạn:
4.1 Giai đoạn 1 (giai đoạn sớm)
Trong giai đoạn đầu tiên, các triệu chứng xuất hiện khá mơ hồ và dễ nhầm lẫn với những nguyên nhân khác:
- Mệt mỏi.
- Sụt cân ngoài ý muốn.
- Đau cơ và khớp.
- Sốt nhẹ, đôi khi kèm theo đổ mồ hôi đêm.
Không phải ai cũng có những dấu hiệu và triệu chứng trong giai đoạn sớm này. Có khoảng 50% bệnh nhân nhận biết các triệu chứng này. Nhưng họ thường nhầm lẫn với những đợt mệt mỏi thông thường. Viêm động mạch Takayasu có thể diễn tiến âm thầm cả một quá trình dài cho đến khi qua giai đoạn tiếp theo.
4.2 Giai đoạn 2
Trong giai đoạn thứ hai, viêm tiển triển kéo dài đã khiến thành động mạch dày lên, xơ cứng. Thể tích lòng mạch bị thu hẹp lại. Máu đến các cơ quan trong cơ thể ít dần. Đây chính là lúc mà các triệu chứng bắt đầu xuất hiện. Bệnh sẽ thể hiện ở dạng rối loạn, suy giảm chức năng của các cơ quan, thường gặp là:
- Yếu liệt, đau nhức chân tay, đặc biệt là khi vận động.
- Chóng mặt, ngất xỉu.
- Rối loạn tầm nhìn.
- Xuất hiện các vấn đề về trí nhớ, mất khả năng tập trung suy nghĩ.
- Đau ngực hoặc khó thở.
- Tăng huyết áp.
- Tiêu chảy hoặc đi tiêu ra máu.
- Thiếu máu.
Đây là căn bệnh rất khó điều trị dứt điểm. Thậm chí khi điều trị đúng và đủ liệu trình, triệu chứng đã cải thiện, bệnh vẫn có thể diễn tiến âm thầm và bùng phát trở lại. Vì vậy, phát hiện sớm để điều trị kịp thời cực kì quan trọng đối với người bệnh viêm động mạch Takayasu.
5. Biến chứng của viêm động mạch Takayasu
Viêm động mạch của Takayasu đặc trưng bởi các chu kỳ viêm và tái phát kéo dài. Bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm sau:
- Thành mạch máu xơ cứng, hẹp lòng mạch máu không thể phục hồi. Các cơ quan không đủ máu nuôi bị suy giảm chức năng dần dần.
- Tăng huyết áp.
- Viêm cơ tim, viêm van tim.
- Suy tim, tim không đủ sức tống máu đi nuôi cơ thể.
- Đột quỵ, xảy ra do lượng máu nuôi não bị giảm đột ngột do động mạch bị tắc nghẽn. Hoặc mạch máu vỡ gây xuất huyết não.
- Cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA), cơ chế tương tự như đột quỵ. Triệu chứng giống đột quỵ nhưng nhẹ nhàng, thoáng qua, có thể người bệnh không nhận biết được. Không để lại hậu quả nặng nề. Tuy nhiên người có cơn TIA có nhiều nguy cơ dẫn đến đột quỵ hơn người bình thường.
- Chứng phình động mạch chủ, xảy ra khi các thành của mạch máu suy yếu và giãn ra. Sự phá hủy do viêm kết hợp máu ứ đọng trong các túi phình tiếp tục tác động khiến túi phình có nguy cơ vỡ đột ngột. Người bệnh có nguy cơ sốc mất máu nặng dẫn đến tử vong.
- Đau tim, có thể xảy ra do giảm lưu lượng máu đến tim. Tim bị thiếu máu nuôi gây nhồi máu cơ tim, biểu hiện bằng những cơn đau ngực đột ngột kèm khó thở và các triệu chứng khác.
6. Khi nào cần liên hệ bác sĩ?
Bất cứ khi nào bạn cảm thấy có những triệu chứng không ổn, hãy liên hệ y tế để được tư vấn và thăm khám khi cần thiết. Đặc biệt là những người có nhiều nguy cơ (phụ nữ châu Á dưới 40 tuổi). Phát hiện sớm và can thiệp y khoa kịp thời là chìa khóa vàng để ngăn ngừa các biến chứng của viêm động mạch Takayasu.
Ngay khi có các dấu hiệu của những biến chứng cấp tính, hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất:
- Khó thở xảy ra đột ngột.
- Đau ngực xảy ra đột ngột, có thể lan dọc theo cánh tay.
Các triệu chứng xảy ra đột ngột gợi ý đột quỵ như:
- Đau đầu dữ dội, chóng mặt.
- Yếu liệt tay chân, không cử động được.
- Nói ngọng, nói khó, ú ớ không thành câu.
- Cơ mặt méo xệch.
- Rối loạn thị giác: nhìn mờ, không thấy đường.
- Co giật.
Như đã đề cập, viêm động mạch Takayasu có thể tái đi tái lại với nhiều biến chứng. Vì vậy, ngay cả khi đang hay đã điều trị bệnh, cần lưu ý tự theo dõi các triệu chứng của cơ thể. Nếu xuất hiện các triệu chứng tương tự, hãy báo cho bác sĩ điều trị của bạn.
7. Chẩn đoán được tiến hành như thế nào?
Triệu chứng của bệnh viêm động mạch Takayasu thời kì đầu rất mơ hồ. Vì vậy, chẩn đoán bệnh sớm hiện vẫn là một thách thức đối với bác sĩ và người bệnh.
Chẩn đoán viêm động mạch của Takayasu dựa trên sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm:
- Hỏi bệnh sử kĩ lưỡng, thăm khám đầy đủ và có tiến trình theo dõi các triệu chứng cẩn thận. Cần loại trừ những nguyên nhân bệnh lí khác cũng cho các triệu chứng tương tự.
- Xét nghiệm máu. Tổng phân tích tế bào máu và sinh hóa máu có thể phát hiện tình trạng viêm và thiếu máu. (Sinh hóa máu là xét nghiệm khảo sát nồng độ của các chất có trong máu.)
- Các xét nghiệm hình ảnh học như MRI, X-quang, siêu âm và chụp động mạch. Tìm vị trí và mức độ nghiêm trọng của tổn thương thành mạch.
- Sự hiện diện của một âm thổi bệnh lí ở động mạch. Bình thường dòng máu chảy qua động mạch suôn sẻ không gặp cản trở. Việc thu hẹp đáng kể các mạch máu có thể dẫn đến máu qua chỗ hẹp tạo thành dòng xoáy, hỗn loạn. Hiện tượng này tạo ra một âm thanh khác thường gọi là “âm thổi”. Âm thổi có thể được ghi nhận bằng ống nghe chuyên dụng của bác sĩ hoặc bằng siêu âm mạch máu.
8. Các phương pháp điều trị
Nguyên tắc điều trị của viêm động mạch Takayasu là cố gắng kiểm soát quá trình viêm. Từ đó làm chậm lại diến tiến của bệnh và ngăn ngừa biến chứng.
Các thuốc thường dùng:
- Corticosteroid dùng để kháng viêm.
- Thuốc gây độc tế bào.
- Thuốc chống thải ghép (ức chế hệ miễn dịch).
Can thiệp ngoại khoa khi cần:
Nguyên tắc phẫu thuật là tái thông các động mạch bị hẹp hay tắc nghẽn. Có thể bằng cách mở rộng, nong, nối mạch máu. Hoặc đặt một vòng lưới (stent) vào lòng mạch để tái thông.
9. Làm sao để phòng tránh?
Nguyên nhân của viêm động mạch Takayasu chưa được xác định nên chưa có biện pháp nào được khẳng định có thể phòng tránh căn bệnh này. Tuy nhiên, duy trì các thói quen sau đây có thể giúp sống chung với bệnh, cải thiện được chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
- Duy trì một chế độ ăn lành mạnh. Hạn chế chất béo, đường để ngăn ngừa các bệnh tim mạch, đái tháo đường. Những bệnh lí này góp phần làm suy giảm chất lượng của mạch máu và chức năng của các cơ quan.
- Ngừng hút thuốc lá và hạn chế rượu bia.
- Có một chế động tập luyện thể dục thể thao thích hợp và thường xuyên. Ngoài việc giữ cân nặng phù hợp, cải thiện sức khỏe tổng thể, tập thể dục còn giúp bạn nâng cao tinh thần.
- Thăm khám thường xuyên 6 tháng một lần. Hoặc tái khám đúng và đủ nếu bạn đang trong quá trình điều trị. Thói quen này sẽ giúp phát hiện sớm và ngăn ngừa kịp thời các biến chứng.
- Khi nhận chẩn đoán viêm động mạch Takayasu, đừng ngại hỏi bác sĩ nếu bạn còn thắc mắc. Hiểu rõ và phối hợp trong suốt quá trình điều trị sẽ giúp nâng cao hiệu quả. Đặc biệt, các thuốc dùng trong bệnh này có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm. Người bệnh cần được cách nhận biết các triệu chứng của tác dụng phụ và báo ngay cho bác sĩ điều trị.
Viêm động mạch Takayasu hiện vẫn là một thách thức trong việc chẩn đoán và điều trị. Tuy nhiên, người bệnh có thế sống chung với bệnh khi can thiệp đúng cách, kịp thời. Thăm khám thường xuyên, duy trì chế độ ăn uống và tập luyện lành mạnh là những việc đơn giản và hiệu quả góp phần ngăn ngừa biến chứng của bệnh. Đặc biệt, cần tuân thủ đúng và đủ liệu trình điều trị để đạt hiệu quả tốt nhất và tránh những tác dụng phụ nguy hiểm.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa