Dị dạng động tĩnh mạch não – Arteriovenous Malformations of the Brain (AVM) là một bất thường liên quan đến đám rối mạch máu. Các mạch máu này nối giữa động mạch và tĩnh mạch trong não bộ. Động mạch giúp đưa máu giàu oxy từ tim lên não. Ngược lại, tĩnh mạch mang máu nghèo oxy trở về tim và phổi. Dị dạng động tĩnh mạch não ảnh hưởng lên quá trình này, dẫn đến nhiều triệu chứng cũng như những biến chứng nguy hiểm.
Dị dạng động tĩnh mạch não gây ra những triệu chứng gì?
Bệnh này có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi đám rối mạch máu này vỡ ra. Sau khi vỡ, máu có thể vào trong não gây tình trạng xuất huyết não. Trong một nửa bệnh nhân bị bệnh, xuất huyết não là dấu hiệu xuất hiện đầu tiên.
Ở một số bệnh nhân khác, các triệu chứng có thể gặp mà không liên quan đến xuất huyết não gồm:
- Co giật.
- Đau đầu.
- Yếu cơ hoặc cảm giác tê một bộ phận nào đó trên cơ thể.
Một số người có thể có những triệu chứng thần kinh nặng nề hơn như:
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Tim mạch, tải ngay ứng dụng YouMed.
- Đau đầu dữ đội.
- Yếu liệt hay cảm giác tê.
- Mất thị lực.
- Khó nói, khó phát âm.
- Nhầm lẫn hoặc không hiểu người khác nói gì.
- Không thể giữ thăng bằng.
Các triệu chứng có thể có ở bất cứ độ tuổi nào. Tuy nhiên chúng thường xuất hiện từ 10 đến 40 tuổi. Dị dạng động tĩnh mạch não có thể làm tổn hại nhu mô não theo thời gian. Ảnh hưởng của dị dạng tích tụ từ từ và thường gây ra triệu chứng ở thời kỳ đầu tuổi trưởng thành.
Một khi bạn bước sang tuổi trung niên, bệnh có xu hướng ổn định lại. Một số phụ nữ mang thai có thể xuất hiện những triệu chứng nghiêm trọng hơn. Lý do là vì trong thời kỳ mang thai, thể tích máu và huyết áp có xu hướng tăng lên.
Một dạng bệnh nghiêm trọng của dị dạng động tĩnh mạch não là dị dạng tĩnh mạch Galen. Khiếm khuyết này thường biểu hiện triệu chứng rất sớm hoặc ngay sau khi sinh. Dị dạng tĩnh mạch Galen có thể gây ra ứ dịch trong não bộ và khiến đầu sưng to lên. Khi đó, các tĩnh mạch phồng lên và có thể nhận biết trên da đầu. Đồng thời, có các triệu chứng như co giật, chậm phát triển và suy tim sung huyết.
Những nguyên nhân nào gây ra dị dạng động tĩnh mạch não?
Nguyên nhân của AVM hiện tại vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên một số nhà nghiên cứu cho rằng dị dạng này xuất hiện trong quá trình phát triển phôi thai.
Ở một người bình thường, trái tim bóp và đưa máu giàu oxy qua động mạch lên não. Dòng máu này di chuyển ngày càng chậm nhờ hệ thống các động mạch nhỏ dần. Tận cùng là hệ thống mao mạch có đường kính nhỏ nhất. Ở các mao mạch, máu dễ dàng trao đổi oxy với nhu mô não xung quanh nhờ thành mạch mỏng.
Sau đó, dòng máu nghèo oxy đi qua các tĩnh mạch kích thước từ nhỏ đến lớn dần, di chuyển từ não đến phổi và tim để nhận oxy từ không khí. Trong dị dạng động tĩnh mạch não, các động mạch và tĩnh mạch thiếu đi mạng lưới hỗ trợ từ các mạch máu nhỏ hơn và mao mạch. Thay vào đó, những thông nối bất thường khiến dòng máu chảy nhanh hơn và trực tiếp từ động mạch sang tĩnh mạch. Tình trạng này khiến dòng máu bỏ qua các mô não xung quanh khiến oxy không trao đổi được.
Những ai dễ mắc dị dạng động tĩnh mạch não?
Bất kỳ ai cũng có thể dị loại dị dạng này, nhưng có một số nguy cơ làm khả năng mắc cao hơn như:
- Nam giới: dị dạng này thường gặp ở nam giới hơn nữ giới.
- Gia đình có người bị: có báo cáo về những người cùng một gia đình mắc bệnh này. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ các trường hợp này do di truyền hay chỉ là trùng hợp.
Dị dạng động tĩnh mạch não có thể gây ra biến chứng gì?
- Xuất huyết não: Dị dạng động tĩnh mạch làm tăng áp lực máu lên thành mạch làm chúng trở nên mỏng và dễ vỡ. Xác suất biến chứng chảy máu não khoảng 2% mỗi năm. Một số người bị xuất huyết não nhưng không được phát hiện. Có thể vì nó không gây ra tổn thương đủ lớn hoặc không gây triệu chứng gì. Tuy nhiên ở những người này vẫn có thể xuất hiện những đợt xuất huyết đe doạ tính mạng.
- Giảm oxy đến nhu mô não: Khi có dị dạng này, dòng máu đi trực tiếp từ động mạch sang tĩnh mạch mà không thông qua mạng lưới mao mạch. Do đó, việc trao đổi oxy giữa máu và nhu mô não không thể diễn ra ở mao mạch gây ra tình trạng giảm oxy não. Thiếu oxy não có thể gây những tổn thương cho nhu mô.
- Làm thành mạch mỏng và yếu: Dị dạng động tĩnh mạch não làm tăng áp lực máu lên thành mạch. Tăng áp lực kéo khiến chúng ngày càng mỏng và yếu đi. Ở những vị trí đó có thể xuất hiện khối phồng do mạch máu giãn ra và rất dễ vỡ.
- Tổn thương não: Khi bạn phát triển, cơ thể bạn tạo thêm nhiều mạch máu để có thể cung cấp máu cho khu vực dị dạng. Kết quả là một số dị dạng động tĩnh mạch não trở nên ngày càng lớn và đè ép các phần khác của não bộ. Tình trạng này ngăn cản dịch di chuyển tự do xung quanh bán cầu não. Hậu quả là lượng dịch tích tụ lại và đẩy nhu não trong hộp sọ (còn được gọi là não úng thuỷ).
Phương pháp chẩn đoán dị dạng động tĩnh mạch não
Để chẩn đoán bệnh này, các bác sĩ thần kinh sẽ hỏi và thăm khám để tìm các triệu chứng liên quan. Các bác sĩ cũng có thể sẽ làm một số cận lâm sàng để chẩn đoán chính xác bệnh. Các cận lâm sàng bao gồm:
- Chụp động mạch não hay chụp mạch máu não là một xét nghiệm hình ảnh học cho biết chi tiết về dị dạng động tĩnh mạch não. Hình ảnh chụp cho biết vị trí và đặc điểm của động mạch cung cấp cũng như tĩnh mạch liên quan đến dị dạng. Nhờ đó, bác sĩ có thể lên kế hoạch điều trị.
- CT-scan cung cấp các hình ảnh cắt ngang chi tiết của não bộ. Nếu cần thiết, bác sĩ có thể sẽ tiêm chất cản quang vào tĩnh mạch. Chất cản quang giúp phân biệt rõ động tĩnh mạch liên quan đến dị dạng.
- MRI nhạy hơn CT-scan và có thể cho thấy những bất thường rất nhỏ trong nhu mô não liên quan đến dị dạng ở não. MRI cũng cung cấp thông tin về vị trí của dị dạng và tình trạng xuất huyết não nếu có. Những thông tin này rất quan trọng để đưa ra phương pháp điều trị chính xác. Bác sĩ cũng có thể tiêm chất cản từ vào hệ tuần hoàn não nếu cần thiết.
Khi nào bạn nên đi khám bác sĩ?
Đến bệnh viện hoặc đi khám ngay lập tức nếu có bất kỳ triệu chứng liên quan đến AVM như co giật hay đau đầu. Xuất huyết não do dị dạng này có thể đe doạ tính mạng và cần can thiệp y khoa càng sớm càng tốt.
Những phương pháp điều trị
Có nhiều phương pháp trong điều trị bệnh này. Mục tiêu chính là ngăn ngừa xuất huyết não. Ngoài ra cần phải kiểm soát co giật hoặc những biến chứng thần kinh khác.
Bác sĩ sẽ cân nhắc phương pháp điều trị phù hợp nhất tuỳ thuộc vào tuổi, tình trạng sức khoẻ và những yếu tố liên quan đến dị dạng mạch máu như vị trí và kích thước. Cũng có thể sử dụng thuốc để điều trị triệu chứng như đau đầu và co giật.
Phẫu thuật là phương pháp điều trị phổ biến nhất
- Phẫu thuật cắt bỏ dị dạng: Phương pháp này được khuyến cáo nếu dị dạng động tĩnh mạch não gây xuất huyết hoặc ở vị trí dễ tiếp cận.
- Thuyên tắc nội mạch: Phương pháp này ít xâm lấn hơn hơn những phương pháp phẫu thuật truyền thống khác. Thông thường, thuyên tắc mạch được sử dụng trước các phương pháp phẫu thuật khác. Việc này nhằm giảm nguy cơ xuất huyết và giảm kích thước khối dị dạng.
- Xạ phẫu não (SRS): Phương pháp này dùng tia xạ được chiếu chính xác vào vị trí có dị dạng mạch máu làm. Những tia này làm tổn thương mạch máu và tạo sẹo làm tắc nghẽn lòng mạch. Xạ phẫu não phù hợp với dị dạng động tĩnh mạch não có kích thước nhỏ, khó khăn trong phẫu thuật thông thường và chưa xuất huyết não đe doạ tính mạng.
Nếu dị dạng động tĩnh mạch não ở những vị trí khó tiếp cận để điều trị hay gây ra rất ít triệu chứng, bác sĩ có thể sẽ chỉ theo dõi tình trạng sức khoẻ của bạn thường xuyên.
Xem thêm: Tai biến mạch máu não: dấu hiệu nhận biết và nơi điều trị
Dị dạng động tĩnh mạch não thường được phát hiện sau khi tình cờ chụp hình ảnh não, khi xuất hiện các triệu chứng như đau đầu, co giật; đôi khi là sau tình trạng đe doạ tính mạng như xuất huyết não. Do đó, bạn nên đi khám ngay khi có các triệu chứng nghi ngờ để được chẩn đoán và điều trị phù hợp, tránh các biến chứng nguy hiểm như tổn thương não hay đột quỵ.