Bẫy động mạch khoeo là một tình trạng bệnh hiếm gặp. Triệu chứng lâm sàng thường gặp là tê chân, sưng chân… Đây là bệnh lý hay gặp ở các vận động viên. Vậy bẫy động mạch khoeo có nguy hiểm không? Bạn hãy cùng YouMed tìm hiểu nhé!
1. Bẫy động mạch khoeo là gì?
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Tim mạch, tải ngay ứng dụng YouMed.
Bẫy động mạch khoeo chân (Popliteal Artery Entrapment Syndrome- PAES) là một trong các tình trạng bệnh hiếm gặp. Nguyên do là động mạch nằm ở vị trí bất thường hoặc các cơ vùng cẳng chân đè ép lên các động mạch vùng khoeo. Các tiểu động mạch tắc nghẽn (bẫy), dòng máu di chuyển khó khăn, gây nên sự ứ đọng ở vùng cẳng và bàn chân. Tình trạng này hay gặp nhất ở vận động viên.
2. Triệu chứng của bẫy động mạch khoeo gồm những gì?
Triệu chứng chính của bẫy động mạch khoeo là tình trạng đau hoặc chuột rút ở phía sau cẳng chân (bắp chân). Chúng thường xảy ra trong khi tập luyện thể dục và giảm khi nghỉ ngơi. Các dấu hiệu và triệu chứng khác có thể bao gồm:
- Chân lạnh sau khi tập thể dục.
- Đau nhói hoặc nóng rát ở cẳng chân.
- Tê ở vùng cẳng chân.
Nếu tĩnh mạch gần đó (tĩnh mạch khoeo) cũng bị “bẫy” ở trong các cơ cẳng chân, bạn có thể cảm thấy:
- Cảm giác nặng nề ở chân.
- Chuột rút vào ban đêm.
- Sưng ở vùng cẳng chân.
- Thay đổi màu da xung quanh cơ vùng cẳng chân.
- Cục máu đông ở chân dưới (huyết khối tĩnh mạch sâu).
Triệu chứng thường gặp ở người trẻ, thường ở người khỏe mạnh trước tuổi 40.
>> Bạn có thể tham khảo thêm bài viết: Hội chứng đau cẳng chân: Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị
3. Khi nào bạn cần đi gặp bác sĩ?
Bạn nên đi khám nếu có bất kì dấu hiệu đau chân nào, nhất là vùng cẳng chân và chuột rút ở bàn chân lúc hoạt động và giảm khi nghỉ ngơi.
4. Nguyên nhân nào dẫn đến bệnh lí này?
Hội chứng bẫy động mạch khoeo thường do sự bất thường ở cơ vùng cẳng chân, thường là cơ bụng chân. Bệnh này có thể xuất hiện từ khi mới sinh hoặc mắc phải ở giai đoạn tuổi xế chiều. Nếu là bệnh bẩm sinh, cơ cẳng chân hoặc động mạch gần đó nằm sai vị trí từ khi trẻ còn trong bụng mẹ. Còn bệnh ở người trưởng thành, là do cơ cẳng chân phình to hơn bình thường. Cơ cẳng chân bất thường tạo lực ép lên động mạch chính ở vùng khoeo, giảm máu nuôi tới chi dưới. Chính sự thiếu tưới máu này dẫn đến tình trạng đau đớn và chuột rút các cơ ở vùng cẳng chân lúc tập luyện.
5. Các yếu tố nguy cơ mắc bệnh bẫy động mạch khoeo
Hội chứng bẫy động mạch khoeo là bệnh lý không thường gặp. Những điều sau đây làm tăng nguy cơ của bạn về tình trạng này:
- Người trẻ tuổi. Tình trạng này thường thấy nhất ở những người ở độ tuổi thanh thiếu niên hoặc 20 tuổi. Nó hiếm khi được chẩn đoán ở những người trên 40 tuổi.
- Nam giới. PAES có thể xảy ra ở bất cứ ai, nhưng nó phổ biến hơn nhiều ở những người đàn ông trẻ tuổi.
- Hoạt động thể thao cường độ cao. Những vận động viên các môn thể thao chịu sức căng cơ chân nhiều như chạy bộ, đạp xe, hoặc tập các bài tập tạ hoặc tập luyện cường độ cao có nguy cơ cao nhất.
6. Các biến chứng hội chứng bẫy động mạch khoeo
Áp lực đè ép lên động mạch khoeo có thể làm hẹp lòng mạch máu. Từ đó dẫn đến tình trạng đau nhức cũng như chuột rút dù chỉ hoạt động rất nhẹ nhàng.
Những trường hợp bệnh quá nặng hoặc không được chẩn đoán kịp thời, người mắc có thể bị tổn thương thần kinh và cơ chân . Huyết khối ở chi dưới (huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới). Vận động viên lớn tuổi có triệu chứng như của bẫy động mạch khoeo nên đi khám ngay. Bác sĩ sẽ đánh giá liệu nguyên nhân có phải do phình động mạch khoeo, một căn bệnh hay gặp hơn ở người già.
7. Chẩn đoán bẫy động mạch khoeo như thế nào?
Bác sĩ sẽ thăm khám cẩn thận và hỏi thêm tiền căn bệnh lí của bạn. Tuy nhiên, bởi vì hầu hết mọi người mắc hội chứng bẫy động mạch khoeo thường ở lứa tuổi trẻ và hoàn toàn khỏe mạnh, chẩn đoán này gặp nhiều khó khăn hơn. Thông thường thăm khám không ghi nhận bất thường khác.
Bác sĩ sẽ loại các nguyên nhân khác gây đau chân. Chúng bao gồm đau do:
- Căng cơ.
- Gãy xương do stress.
- Hội chứng chèn ép khoang mạn tính.
- Bệnh lí động mạch ngoại biên.
>> Xem thêm: Căng cơ: Cách sơ cứu và phòng tránh đúng cách
Các xét nghiệm dùng để loại trừ các nguyên nhân khác và chẩn đoán PAES gồm:
- Đo ABI. Đây là cận lâm sàng cần làm đầu tiên để chẩn đoán PAES. Đo huyết áp ở vùng cánh tay và vùng chân khi đang đi trên máy chạy bộ và sau khi nghỉ ngơi. Chỉ số ABI được tính bằng cách chia huyết áp ở chân cho huyết áp cánh tay. Thông thường, huyết áp ở chân sẽ lớn hơn. Nhưng nếu bạn mắc PAES, khả năng huyết áp chân khi bạn tập luyện sẽ giảm xuống.
- Siêu âm vùng cẳng chân. Dùng bước sóng cao tần giúp xác định tốc độ dòng máu chảy trong động mạch chân. Các xét nghiệm không xâm lấn nên được thực hiện ở cả 2 thì trước và sau vận động hoặc khi bạn gấp duỗi bàn chân- hành động này giúp cơ vùng cẳng chân phải hoạt động.
- Chụp MRA (cộng hưởng từ mạch máu) giúp đánh giá bẫy động mạch. Nó giúp đánh giá mức độ hẹp của mạch máu khoeo. Bạn có thể co duỗi chân trong lúc thực hiện cận lâm sàng.
- CT-scan mạch máu. Nguyên do là các cơ ở vùng cẳng chân gây nên bẫy động mạch. Tương tự như MRA, bạn cũng sẽ được đề nghị co duỗi chân trong lúc thực hiện cận lâm sàng.
- Chụp mạch máu qua catheter giúp bạn sĩ đánh giá lượng máu trong lòng mạch đến vùng cẳng chân.
8. Phương pháp điều trị bẫy động mạch khoeo
Phẫu thuật là cách duy nhất để điều chỉnh những bất thường ở cơ cẳng chân và giải phóng động mạch bị “bẫy”. Bác sĩ có thể sẽ đề nghị phẫu thuật nếu các triệu chứng ảnh hưởng đáng kể đến các hoạt động hằng ngày của người bệnh cũng như các hoạt động thể thao.
Quy trình phẫu thuật như thế nào?
Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ rạch vào cẳng chân, vùng bên trong và ngay dưới đầu gối, hoặc phía sau đầu gối. Mục đích chính là để để giải phóng cơ chân bất thường và cung cấp cho động mạch tốt hơn. Điều này sẽ giúp ngăn các cơ cẳng chân ấn vào động mạch trong tương lai. Bệnh nhân được gây mê toàn thân trong quá trình phẫu thuật. Quá trình thực hiện thủ thuật này thường kéo dài một giờ, và có thể bạn cần lưu lại bệnh viên một vài ngày.
Nếu tình trạng chèn ép đã xảy ra trong một thời gian dài, bạn có thể cần phải phẫu thuật bắc cầu động mạch. Phẫu thuật bắc cầu thường chỉ được thực hiện trên những người bị hẹp động mạch nghiêm trọng do hội chứng bẫy động mạch khoeo kéo dài. Phẫu thuật giải phóng cơ cẳng chân và động mạch khoeo thường không ảnh hưởng đến chức năng của chân. Khi tình trạng này được chẩn đoán và điều trị sớm, bệnh nhân sẽ phục hồi hoàn toàn và các triệu chứng sẽ biến mất
Tóm lại, bẫy động mạch khoeo là bệnh lý hiếm gặp do bất thường cấu trúc giải phẫu của vùng cơ bắp chân gây chèn ép động mạch khoeo. Chẩn đoán bệnh dựa vào lâm sàng và siêu âm, cộng hưởng từ, chụp cắt lớp vi tính đa dãy. Phẫu thuật là phương pháp điều trị hiệu quả nhất được khuyến cáo, tùy thuộc từng giai đoạn bệnh, giai đoạn thương tổn mạch mà có phương pháp phẫu thuật hợp lý.Nếu bạn thấy bài viết trên hữu ích, hãy chia sẻ cho mọi người nhé.
Bác sĩ Vũ Thành Đô