Phì đại thất trái là một trong những bệnh lý tim mạch khá phổ biến. Đây thường là biến chứng của một số bệnh nhất định của hệ tim mạch. Đôi khi tình trạng phì đại do nguyên nhân bẩm sinh. Vậy thì bệnh lý này có nguyên nhân là gì? Triệu chứng ra sao? Cách điều trị thế nào? Tất cả sẽ được giải đáp qua bài viết sau đây của Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Thành Đô.
Khái niệm về bệnh lý phì đại thất trái
Phì đại thất trái còn có tên trong tiếng Anh là Left ventricular hypertrophy, viết tắt là LVH. Đây là sự mở rộng và dày lên (phì đại) các thành của một trong hai buồng bơm chính của tim – tâm thất trái. Đây là một trong 4 buồng chính của tim thực hiện hoạt động bơm máu.
Phì đại tâm thất trái có thể phát triển để phản ứng với một số yếu tố. Chẳng hạn như huyết áp cao hoặc tình trạng tim làm việc quá sức. Nó khiến tâm thất trái hoạt động nhiều hơn. Khi khối lượng công việc tăng lên, các mô cơ trong thành thất trái dày lên. Và đôi khi kích thước của chính buồng tim này cũng tăng lên.
Cơ tim phì đại mất tính đàn hồi và cuối cùng có thể không bơm đủ lực khi cần thiết. Phì đại tâm thất trái phổ biến hơn ở những người bị huyết áp cao không kiểm soát được. Nhưng bất kể huyết áp của bạn là bao nhiêu, phát triển phì đại tâm thất trái sẽ khiến bạn có nguy cơ cao bị suy tim và đột quỵ. Điều trị huyết áp cao có thể giúp giảm bớt các triệu chứng của người bệnh. Đồng thời có thể đảo ngược chứng phì đại này.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Tim mạch, tải ngay ứng dụng YouMed.
Xem thêm: Tim phì đại nguy hiểm như thế nào?
Tình hình bệnh LVH
Phì đại thất trái hiện diện ở 15% đến 20% dân số nói chung. Nó thường phổ biến hơn ở người da đen, người già, người béo phì và bệnh nhân cao huyết áp. Một đánh giá về dữ liệu siêu âm tim của 37.700 người cho thấy tỷ lệ lưu hành LVH là 19% – 48% ở người cao huyết áp không được điều trị. Và 58% -77% ở bệnh nhân tăng huyết áp có nguy cơ cao.
Sự hiện diện của béo phì cũng làm tăng gấp 2 lần nguy cơ phát triển LVH. Tỷ lệ lưu hành LVH dao động từ 36% đến 41% trong dân số, tùy thuộc vào tiêu chí được sử dụng để xác định nó. Tỷ lệ lưu hành LVH không được báo cáo là khác biệt giữa nam và nữ (khoảng 36,0% so với 37,9% . Tỷ lệ phì đại tâm thấn trái lệch tâm tương đối nhiều hơn so với phì đại đồng tâm.
Những nguyên nhân gây ra LVH
Phì đại tâm thất trái có thể xảy ra khi một số yếu tố khiến tim của bạn làm việc nhiều hơn bình thường để bơm máu cho cơ thể. Các yếu tố có thể khiến tim bạn làm việc nhiều hơn bao gồm:
- Huyết áp cao (tăng huyết áp). Đây là nguyên nhân phổ biến nhất của LVH. Hơn 30% số người cho thấy bằng chứng phì đại tâm thất trái tại thời điểm họ được chẩn đoán mắc bệnh tăng huyết áp.
- Hẹp van động mạch chủ. Căn bệnh này là sự thu hẹp của van động mạch chủ ngăn cách tâm thất trái với động mạch chủ. Hẹp van động mạch chủ đòi hỏi tâm thất trái phải làm việc nhiều hơn để bơm máu vào động mạch chủ.
- Bệnh cơ tim phì đại. Căn bệnh di truyền này xảy ra khi cơ tim trở nên dày bất thường. Ngay cả với huyết áp hoàn toàn bình thường, khiến tim khó bơm máu hơn.
- Sự rèn luyện thể chất. Việc tập luyện sức bền và sức bền với cường độ cao, kéo dài có thể khiến tim thích nghi. Mục đích là để xử lý khối lượng công việc tăng thêm. Không rõ liệu loại phì đại tâm thất trái thể thao này có thể dẫn đến xơ cứng cơ tim và bệnh tật hay không.
Những yếu tố nguy cơ dẫn đến LVH
Ngoài tăng huyết áp và hẹp van động mạch chủ, các yếu tố làm tăng nguy cơ LVH bao gồm:
- Tuổi tác. Phì đại tâm thất trái thường gặp ở người lớn tuổi.
- Cân nặng. Thừa cân làm tăng nguy cơ cao huyết áp và phì đại tâm thất trái.
- Lịch sử gia đình. Một số điều kiện di truyền có liên quan đến việc phát triển phì đại tâm thất trái.
- Bệnh đái tháo đường (tiểu đường). Phì đại tâm thất trái được phát hiện có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn.
- Chủng tộc. Người Mỹ gốc Phi có nguy cơ phì đại tâm thất trái cao hơn những người da trắng có số đo huyết áp tương tự.
- Giới tính. Phụ nữ bị tăng huyết áp có nguy cơ phì đại tâm thất trái cao hơn nam giới có số đo huyết áp tương tự.
Những triệu chứng biểu hiện LVH
Phì đại tâm thất trái thường phát triển dần dần. Bạn có thể không gặp phải dấu hiệu hoặc triệu chứng nào, đặc biệt là trong giai đoạn đầu của tình trạng này. Khi phì đại tâm thất trái tiến triển, bạn có thể gặp:
- Hụt hơi, khó thở. Khó thở đôi khi phải ngồi hoặc khó thở kịch phát về đêm.
- Mệt mỏi thường xuyên.
- Đau ngực, thường sau khi tập thể dục hoặc vận động nhiều.
- Cảm giác nhịp tim nhanh hoặc đập thình thịch (hồi hộp, đánh trống ngực)
- Chóng mặt hoặc ngất xỉu.
- Bệnh ở phổi tái diễn, chẳng hạn như viêm phổi, viêm phế quản.
Biến chứng của bệnh phì đại thất trái là gì?
Phì đại tâm thất trái làm thay đổi cấu trúc và hoạt động của tim. Tâm thất trái phì đại có thể gây ra:
- Làm suy yếu cơ thể.
- Cơ tim xơ cứng và mất tính đàn hồi, ngăn không cho buồng tim chứa đầy đủ máu.
- Tăng áp lực trong tim dẫn đến tăng nguy cơ dày giãn toàn bộ tim.
- Nén các mạch máu của buồng (động mạch vành) và hạn chế nguồn cung cấp máu cho mạch vành.
- Kết quả của những thay đổi này có thể dẫn đến những biến chứng sau đây:
- Giảm cung cấp máu cho tim.
- Tim không có khả năng bơm đủ máu cho cơ thể người bệnh (suy tim).
- Nhịp tim bất thường (loạn nhịp tim)
- Nhịp tim nhanh, bất thường (rung tâm nhĩ) làm giảm lưu lượng máu đến cơ thể.
- Cung cấp không đủ oxy cho tim (bệnh tim thiếu máu cục bộ)
- Đột quỵ.
- Mất chức năng tim, ngưng thở và mất ý thức đột ngột, bất ngờ (ngừng tim đột ngột).
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Bạn cần phải tìm kiếm sự chăm sóc y tế khẩn cấp nếu:
- Cảm thấy đau ngực kéo dài liên tục trong vài phút.
- Bị khó thở từ nặng nghiêm trọng.
- Bạn bị choáng nặng hoặc mất ý thức.
Nếu bạn cảm thấy khó thở nhẹ hoặc các triệu chứng khác, chẳng hạn như đánh trống ngực, hãy đến gặp bác sĩ. Người bệnh bị huyết áp cao hoặc một tình trạng khác làm tăng nguy cơ phì đại tâm thất trái. Khi ấy, các bác sĩ có thể sẽ đề nghị các cuộc hẹn thường xuyên để theo dõi tim của người bệnh.
Ngay cả khi bạn cảm thấy khỏe, bạn cần phải kiểm tra huyết áp hàng năm hoặc thường xuyên hơn nếu bạn:
- Hút thuốc lá.
- Thừa cân, béo phì.
- Có các tình trạng khác làm tăng nguy cơ huyết áp cao. Chẳng hạn như thói quen ăn mặn, rối loạn thần kinh thực vật, bệnh cường giáp,…
Chẩn đoán phì đại thất trái như thế nào?
Bác sĩ sẽ bắt đầu với tiền sử sức khỏe, tiền sử gia đình và khám sức khỏe kỹ lưỡng, bao gồm kiểm tra huyết áp và chức năng tim của bạn. Sau đó, bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm sàng lọc:
- Điện tâm đồ (ECG). Các tín hiệu điện được ghi lại khi chúng đi qua tim của bạn. Bác sĩ có thể phát hiện chức năng tim bất thường và sự dày giãn thất trái trên điện tim.
- Siêu âm tim. Sóng âm thanh tạo ra hình ảnh hoạt động trực tiếp của trái tim. Siêu âm tim có thể tiết lộ mô cơ dày lên trong tâm thất trái. Đồng thời cho biết dòng máu chảy qua tim theo từng nhịp đập. Cùng các bất thường về tim liên quan đến tâm thất trái phì đại, chẳng hạn như hẹp van động mạch chủ.
- Chụp cộng hưởng từ. Hình ảnh của tim có thể được sử dụng để chẩn đoán phì đại tâm thất trái.
Điều trị phì đại tâm thất trái
Điều trị LVH phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản và có thể liên quan đến thuốc hoặc phẫu thuật.
1. Điều trị hẹp van động mạch chủ
Phì đại tâm thất trái do hẹp van động mạch chủ có thể cần phẫu thuật để sửa van hẹp. Hoặc có thể thay thế van động mạch chủ bị hẹp bằng van nhân tạo hoặc van sinh học.
2. Điều trị bệnh cơ tim phì đại
LVH do bệnh cơ tim phì đại có thể được điều trị bằng thuốc. Đồng thời có thể điều trị bằng các thủ thuật không phẫu thuật, phẫu thuật, thiết bị cấy ghép và thay đổi lối sống. Bác sĩ của bạn có thể sẽ khuyến nghị thay đổi lối sống có lợi cho tim, bao gồm:
- Tập thể dục thường xuyên.
- Chế độ ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc và chất béo tốt. Đồng thời giảm lượng carbohydrate tinh chế, muối và chất béo bão hòa.
- Cai thuốc lá.
3. Điều trị bệnh lý tăng huyết áp
Tăng huyết áp là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến LVH. Vì vậy, để ổn định huyết áp ở người bị bệnh tăng huyết áp, chúng ta nên uống thuốc hạ huyết áp đều đặn hàng ngày. Lưu ý là uống đúng liều và đúng giờ theo hướng dẫn của bác sĩ. Một số nhóm thuốc phổ biến giúp hạ huyết áp bao gồm:
- Nhóm thuốc chẹn Beta giao cảm.
- Nhóm thuốc ức chế Alpha hoặc ức chế cả hai thụ thể Alpha và Beta giao cảm.
- Ức chế kênh Canxi.
- Thuốc giãn mạch: Giãn động mạch, tĩnh mạch hoặc cả hai.
- Nhóm các thuốc lợi tiểu.
- Thuốc ức chế men chuyển hoặc ức chế thụ thể Angiotensin II.
- Thuốc ức chế giao cảm nguồn gốc trung ương,…
4. Điều trị chứng ngưng thở khi ngủ
Nếu bạn đã được chẩn đoán mắc chứng ngưng thở khi ngủ, việc điều trị chứng rối loạn giấc ngủ này có thể làm giảm huyết áp của bạn. Đồng thời giúp đẩy lùi chứng phì đại tâm thất trái nếu nguyên nhân là do huyết áp cao.
Bạn chưa được chẩn đoán mắc chứng ngưng thở khi ngủ, nhưng người nhà của bạn nói với bạn rằng bạn ngáy hoặc bạn ngừng thở trong giây lát khi ngủ. Khi ấy, bạn hãy nói chuyện với bác sĩ về việc kiểm tra chứng ngưng thở khi ngủ.
Điều trị chứng ngưng thở khi ngủ bao gồm sử dụng một máy cung cấp áp lực đường thở dương liên tục (CPAP) trong khi bạn ngủ. CPAP giữ cho đường thở của bạn mở. Nó cho phép bạn nhận được lượng oxy cần thiết để giữ huyết áp của bạn ở mức bình thường.
Vấn đề thay đổi lối sống
Thay đổi lối sống có thể giúp giảm huyết áp, cải thiện sức khỏe tim mạch và cải thiện các dấu hiệu phì đại thất trái nếu LVH do huyết áp cao. Một số biện pháp được khuyến nghị bao gồm:
- Giảm cân.
- Tăng cường chất xơ, rau củ quả trong khẩu phần ăn hàng ngày.
- Hạn chế muối, tinh bột, chất béo bão hòa.
- Hoạt động thể lực thường xuyên.
- Hạn chế căng thẳng.
Nói tóm lại, phì đại thất trái có thể là một bệnh lý nguyên phát. Cũng có thể thứ phát sau một bệnh lý tim mạch nào đó. Vì vậy, chúng ta nên quản lý tốt các bệnh lý về tim mạch. Đồng thời có lối sống khoa học như các chuyên gia đã khuyến nghị. Mục đích là để tăng cường sức khỏe và hạn chế nguy cơ mắc các bệnh lý về tim.