Hở van động mạch chủ là một trong các bất thường thường gặp của bệnh van tim nói chung. Trong bài viết này, hãy cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Thành Đô tìm hiểu định nghĩa, nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa bệnh lí này nhé!
Thế nào là hở van động mạch chủ?
Tìm hiểu về quả tim và van động mạch chủ
Đầu tiên, để hiểu về cấu trúc và chức năng của van động mạch chủ ta hãy đi sơ lược qua cấu tạo và chức năng của tim. Quả tim của con người là một khối cơ rỗng được chia làm bốn khoang. Bốn khoang đó còn được gọi là bốn buồng tim bao gồm 2 tâm thất trái và phải (2 buồng tim lớn) ở dưới. Và 2 tâm nhĩ trái phải (2 buồng tim nhỏ) ở trên.
Ngăn cách giữa mỗi cặp tâm nhĩ – tâm thất là các van tim. Tương tự, có những van tim thông nối giữa buồng tim và các động, tĩnh mạch lưu thông với tim như động mạch phổi, động mạch chủ,… Hệ thống van này đảm bảo cho dòng máu lưu thông một chiều. Từ đó đảm bảo được chức năng của tim là bơm máu đi khắp cơ thể và nuôi các cơ quan.
Van động mạch chủ ngăn cách giữa tâm thất trái và động mạch chủ. Khi tim co bóp, máu từ tâm thất trái sẽ được đẩy vào động mạch chủ. Đây là một động mạch lớn của cơ thể, từ đó dẫn máu đi đến các cơ quan. Khi van động mạch chủ hoạt động tốt, máu về tim sẽ được đẩy đi dễ dàng. Tim hoạt động nhịp nhàng, đúng công suất, ít bị mỏi mệt.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Bệnh tim, tải ngay ứng dụng YouMed.
Ngược lại, bất cứ tình trạng nào ảnh hưởng đến van tim khiến dòng máu bị rối loạn sẽ ảnh hưởng đến chức năng bơm máu của tim. Ví dụ: hở van động mạch chủ, hẹp van động mạch chủ, van động mạch chủ hai lá, bốn lá,… Lúc này, chức năng của tim bị ảnh hương và gây ra nguy cơ thiếu máu nuôi các cơ quan.
Hở van động mạch chủ là gì?
Hở van động mạch chủ là tình trạng van động mạch chủ đóng không kín. Dòng máu đáng lẽ đi từ buồng tim trái lên động mạch chủ để đi nuôi cơ thể giờ đây xuất hiện dòng phụt ngược. Một lượng máu không được bơm đi đến các cơ quan mà bị dội ngược trở lại buồng tim trái. Lâu dần làm tăng áp lực lên buồng tim, ảnh hưởng đến cấu trúc và chức năng cơ tim. Lượng máu đến các cơ quan cũng bị thiếu hụt.
Nguyên nhân hở van động mạch chủ
Phân theo cấu trúc:
Tổn thương tại lá van
- Do bệnh van tim hậu thấp (bệnh tổn thương van tim sau một đợt nhiễm siêu vi)
- Tình trạng thoái hóa van ở người lớn tuổi
- Viêm đa khớp dạng thấp, viêm cứng khớp cột sống
- Bẩm sinh
- Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng
Tổn thương tại gốc van
- Tăng huyết áp kéo dài khiến gốc van giãn
- Hội chứng Marfan
Phân theo diễn tiến:
- Nguyên nhân hở van động mạch chủ cấp tính
- Nguyên nhân hở van động mạch chủ mạn tính
Các triệu chứng thường gặp
Ở giai đoạn sớm, hở van động mạch chủ gần như không có triệu chứng. Thỉnh thoảng, một số bệnh nhân sẽ cảm thấy hồi hộp, đánh trống ngực. Các triệu chứng này là do tim tăng co bóp hoặc rối loạn nhịp tim.
Khi tình trạng hở van diễn tiến trầm trọng hơn, các triệu chứng của suy tim dần xuất hiện. Khó thở nhiều mức độ: khi làm việc nặng, tập luyện nặng, khó thở khi nằm đầu thấp, khó thở đột ngột xuất hiện vào ban đêm khiến người bệnh phải bật dậy ngồi thở,… Ngoài ra, tình trạng mệt mỏi suy nhược, giảm khả năng gắng sức càng lúc càng trầm trọng nếu hở van diễn tiến nặng lên.
Bệnh nhân có thể có cơn đau ngực, đau bụng.
Xuất hiện các âm thổi (được xác định bằng cách đặt ống nghe lên các vị trí đặc trưng trên thành ngực). Đây là dấu chỉ cho tình trạng rối loạn dòng chảy của máu. Cấu trúc tim dần thay đổi, buồn tim trái dần dần to ra.
Chẩn đoán hở van động mạch chủ:
Bác sĩ sẽ hỏi bệnh và thăm khám các triệu chứng tim mạch như khó thở, đau ngực, huyết áp, nhịp tim, mạch đập,.. Các bệnh lí mạn tính trước đó, các thuốc đang dùng,…
Một số cận lâm sàng có thể được chỉ định:
Chụp Xquang ngực thẳng khảo sát tim và phổi.
Điện tâm đồ phát hiện một số bất thường buồng tim, tình trạng rối loạn nhịp.
Siêu âm tim: đây là cận lâm sàng giúp chẩn đoán xác định hở van động mạch chủ. Ngoài ra còn giúp phân mức độ hở van.
Ct scan và MRI.
Chụp mạch máu DSA.
Các phương pháp điều trị hiện nay
Nguyên tắc điều trị bao gồm giảm triệu chứng, cải thiện đời sống và sửa chữa, phục hồi chức năng van khi cần.
Các biên pháp điều trị nội khoa:
- Điều chỉnh lại nhịp sinh hoạt, các hoạt động thể lực vừa sức.
- Điều trị tăng huyết áp nếu mức huyết áp từ 140mmHg trở lên ở người hở van động mạch chủ mạn tính.
- Kiểm soát nhịp tim nếu có rối loạn nhịp
- Phát hiện và điều trị các bệnh lí khác gây ra hoặc làm nặng tình trạng hở van: bệnh giang mai, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng,..
Điều trị ngoại khoa: thay van động mạch chủ. Chỉ định được xem xét khi hở van động mạch chủ từ trung bình đến nặng, kèm theo suy tim có triệu chứng lâm sàng mức độ trung bình đến nặng, hoặc giảm chức năng tống máu của tim, hoặc buồng tim trái giãn to,… Điều trị ngoại khoa còn xem xét đến nguy cơ tai biến và khả năng người bệnh có chịu được cuộc phẫu thuật hay không.
Làm thế nào để phòng ngừa hở van động mạch chủ?
Bất kì một tình trạng bất thường của van tim và quả tim nói chung đều cần thăm khám thường xuyên để có thể phát hiện kịp thời. Đó có thể là khi hồi hộp đánh trống ngực bất thường và thường xuyên, cảm nhận nhịp tim hoặc mạch đập khác lạ. Cũng có thể là thường xuyên ngất, một cơn đau ngực không rõ lí do. Hoặc mau xuống sức hơn trước đây.
Ngoài ra, cần điều trị tích cực các bệnh lí khác nếu có như tăng huyết áp, giang mai,.. Cẩn thận với một tình trạng viêm họng hoặc cơn sốt thấp khớp. Khi không được điều trị dứt điểm, chúng có thể dẫn đến thấp tim, là một nguyên nhân rất thường gặp của bệnh van tim nói chung.
Hở van động mạch chủ là một bất thường cấu trúc van tim. Hậu quả của tình trạng này là chức năng bơm máu của tim bị rối loạn. Từ đó, máu không cung cấp đủ cho các cơ quan gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Hậu quả xấu nhất là tử vong. Tuy nhiên, có thể phát hiện sớm và kiểm soát diễn tiến của căn bệnh này bằng cách thăm khám thường xuyên và điều trị tích cực các bệnh lí liên quan. Hy vọng bài viết của Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Thành Đô đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích về chứng bệnh này.